Bắc Ninh - Miền văn hóa tâm linh

Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:27
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh được Nhà nước cũng như được Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đề ra nghị quyết và cổ vũ, tạo điều kiện cho các tập thể và mọi người được tham gia.


Tôi tin rằng, khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh du lịch văn hóa tâm linh (DLVHTL) thì không thể nào quên được các điểm lý tưởng: Với tour DLVHTL khép kín bắt đầu từ Đền Đô, Đình Bảng (Từ Sơn) - nơi thờ Bát vị tiên vương và Lăng mộ nhà Lý, từng là danh lam cổ tự nổi tiếng trong sử sách và dân gian - Nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt, mà Bắc Ninh là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long từ khi vua Lý Công Uẩn có “Chiếu dời đô” - Rồng vàng Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay).

Đến Hội Lim - hội của giao duyên, hẹn hò, đến hẹn lại lên và liền anh, liền chị quan họ “trầu têm cánh phượng” xin mời “anh Hai khăn xếp áo the - chị Hai yếm đào” trong áo tứ thân giao duyên “người ơi người ở đừng về”.

Qua làng Hoài Thượng, xã Liên Bão (Tiên Du) có nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã đi vào sử sách dân tộc, làm rạng danh tinh thần “hiếu học thành tài” và tô thắm đất học - khoa bảng của Tiên Du - Bắc Ninh vùng đất xứ kinh Bắc. Một trong những danh hiệu cao quý vua Lê ban “Đẳng phúc thần” với “Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ Hữu trang nguyên tể tướng thế gian vô” rồi “Tước thọ Lân tử, chức tả thị lang” tuy người làm chức quan to của triều đình nhưng sống thanh liêm trong sạch...

Đến chùa Phật tích - DLVHTL quốc gia đặc biệt, ngôi chùa thâm nghiêm có nhiều di sản văn hóa, kiệt tác tượng Phật Di Đà (bằng đá cao 3 mét tọa trên đài sen để lộ thiên) và các linh vật voi phục, nghê quỳ. Có nhiều ngôi tháp hướng lên đỉnh núi và Bàn đá - cờ tiên với chuyện tình dân gian mơ mộng, Từ Thức gặp tiên, nghệ thuật điêu khắc bằng đá của ông cha ta thật tài ba.

Chùa Phật tích, một trong những danh lam cổ tự thời Lý, ngay từ đầu đã có mối quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Phật giáo “Sơn môn Dâu” do Khâu Đà La khởi lập. Qua đê tả Đuống xuống chùa Rền, nhất là chùa dựng trên khu văn hóa mới, ngày 22-7-2013 đã khởi công xây dựng DTVH chùa Giác (tên chữ là “Bao đồng tự” mà nhân dân làng Rền vẫn gọi là chùa Ngoài) trên nền đất cũ nhưng đã bị “nở” xuống sống Đuống, nay lại được bồi đắp lên. Đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Ninh xác minh và cho phép nhân dân làng Rền tái hiện DTVH này và được Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng thư ký Hội Phật giáo Việt Nam - trụ trì chùa Phật tích trực tiếp đầu tư, vận động đầu tư và chỉ đạo kiến trúc chùa, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Qua đò ngang sông Đuống sang làng vào chùa Bút Tháp (Đình Tổ, Thuận Thành) thắp hương và vãn cảnh chùa - công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của hai thời Lê - Nguyễn! Tháp chùa cao được làm bằng đá, trên đỉnh ngọn tháp là nghiên bút biểu tượng của tinh thần hiếu học và khoa bảng Bắc Ninh - Kinh Bắc và tượng Phật Bà Quan Âm Bồ tát (trăm tay, nghìn mắt) như “nhìn thấu nhân gian” và “vin tay" tới nhành quế của đạo Phật hướng thiện và Từ bi bác ái...

Đi tiếp xuống chùa Dâu (Thanh Khương, Thuận Thành) với tháp chùa Hòa Phong (thường được gọi là tháp chùa Dâu) cao vút. Chùa Dâu được dựng lập từ đầu công nguyên, chùa giữ vai trò là trung tâm của hệ thống chùa “Tứ pháp” (tức Cổ châu Phật bản hạnh) xây dựng xung quanh đô thành Luy Lâu và Phật giáo từ Ấn Độ vào Luy Lâu đã diễn ra quá trình thích ứng và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian và văn hóa bản địa của Việt Nam, do vậy chùa Dâu là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta.

Đi chéo lên Đại Hà “Hữu Đuống” vào thắp hương Lăng tẩm Đền thờ An Dương Vương, sử tích Lạc Long Quân - Âu Cơ - thủy tổ các vua Hùng dựng nước, nơi ra đời Nhà nước Văn Lang đầu tiên (thuộc Á Lữu, Đại Đồng Thành, Thuận Thành) - Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước, LSVH - đất Vũ Ninh địa bàn gốc của quốc gia Văn Lang. Đi tiếp (xuống phía dưới) theo đê Đại Hà vào thăm làng Lạc Thổ (gần thị trấn Hồ, Thuận Thành) thăm làng nghề truyền thống vẽ tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

“Tranh Đông Hồ, gà, lợn nét tươi trong” hoặc “Cá chép vờn nguyệt”, “Hái dừa”, “Đám cưới chuột” hoặc “Đánh ghen”... Rồi đi tiếp (qua cầu Hồ) sông Đuống theo quốc lộ đường 38 vào thắp hương vãng cảnh chùa Dạm (Đại Lãm tự) thuộc xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh - danh lam cổ tự thời Lý, có bề dày LSVH được Đảng bộ, chính quyền, cơ quan chức năng - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm. Đi tiếp lên TP Bắc Ninh vào thắp hương Đền thờ Bà Chúa Kho, xin cầu nguyện phúc, lộc, thọ, tài... - LSVH đền Bà Chúa Kho kết thúc tour DLVHTL (khép kín) là đi thẳng xuống (theo hướng phía Tây) vào thắp hương đền thờ Vua Bà (Hòa Long, Yên Phong), thờ Thủy tổ Quan họ, vinh danh người có công sáng tạo, dạy, truyền. Mà từ 2009, được Tổ chức UNESCO công nhận “dân gian quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại". Đến nay có 49 làng Quan họ gốc và nhiều CLB văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh trên miền quê Bắc Ninh...

Tỉnh Bắc Ninh có xấp xỉ 1.558 di tích (thuộc nhiều loại hình), trong số đó có 574 di tích được Nhà nước xếp hạng (376 di tích cấp tỉnh, 194 di tích cấp quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt là Đền Đô - Đình Bảng (Từ Sơn), chùa Phật tích (Tiên Du), chùa Bút tháp, chùa Dâu (Thuận Thành). Như vậy 4 di tích quốc gia đặc biệt đều nằm trong tour DLVHTL khép kín của tỉnh Bắc Ninh. 

Nguyễn Viết Xuân
.
.