Ba nghệ sĩ Iran bị sát hại tại New York (Mỹ): Mâu thuẫn nhỏ, hậu họa lớn

Thứ Sáu, 06/12/2013, 08:00
Theo CNN đưa tin, ngày 11/11 vừa qua, tại phía đông Williamsburg, Brooklyn - khu vực tập trung nhiều nghệ sĩ biểu diễn của Tp New York (Mỹ) đã diễn ra một vụ án kinh hoàng. Cả ba nạn nhân bị giết hại đều là người Iran.

Ba nạn nhân bị giết hại là ca sĩ Ali Eskandarian, 35 tuổi và hai nghệ sĩ là thành viên của ban nhạc rock The Yellow Dogs: Nghệ sĩ guitar Soroush Farazmand (27 tuổi) và tay trống Arash Farazmand (28 tuổi). Soroush và Arash là hai anh em ruột. Cả ba nạn nhân này đã đến Mỹ từ năm 2010 bằng con đường tị nạn chính trị. Trước đó, tại Iran, họ chỉ dám hoạt động và biểu diễn một cách lén lút.

Điều đáng nói: Hung thủ không phải ai xa lạ mà chính là Raefe Ahkbar, 29 tuổi, một nghệ sĩ đồng hương với các nạn nhân, từng có thời gian là thành viên trong ban nhạc The Yellow Dogs. Nguyên nhân khiến hung thủ bị thải loại khỏi ban nhạc này là vì tội ăn cắp. "Không chỉ ăn cắp tiền, anh ấy còn đánh tráo cả máy móc, thiết bị. Không những vậy, anh ấy còn không thực hiện được những gì mà mình cam kết với các thành viên trong ban nhạc" - Một nhân chứng cho biết. Đây được xem là một trong những lý do phát sinh mâu thuẫn và là động lực chính dẫn Raefe Ahkbar đi tới hành động tàn bạo: Dùng súng bắn chết 3 nạn nhân và gây thương tích cho một nạn nhân khác.

Hình bìa một đĩa nhạc của ban nhạc The Yellow Dogs.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, thi thể nạn nhân Soroush Farazmand đã được tìm thấy trong một phòng ngủ thuộc tầng 2 của một ngôi nhà xuềnh xoàng nằm ở phía đông Williamsburg, với một vết đạn trên ngực. Hiện trường vụ án cho thấy, sau khi bắn chết Soroush Farazmand, hung thủ đã leo lên tầng ba, tiếp tục ra tay hạ sát ca sĩ Ali Eskandarian và tay trống Arash Farazmand. Cả hai nạn nhân đều bị bắn vào đầu. Vũ khí mà hung thủ dùng để kết liễu cuộc đời các nạn nhân là một khẩu súng trường Century Sporter, loại 308 li. Khẩu súng đã được tìm thấy trên sân thượng tòa nhà, nơi hung thủ đã leo lên và dùng chính khẩu súng nói trên để tự sát.

Ngoài việc gây nên cái chết của các nạn nhân Ali Eskandarian, Soroush Farazmand và Arash Farazmand, Ahkbar còn bị cáo buộc đã gây thương tích cho một nạn nhân khác (cùng thuê trọ tại khu nhà). Người này đã bị hung thủ bắn hai phát vào cánh tay khi vô tình "đụng đầu" với y ở bên ngoài tòa nhà.

Câu nói cuối cùng mà hung thủ dành cho các nạn nhân của mình mà một nhân chứng ghi lại được - đó là: "Tại sao các người đem tôi sang đây (ý nói là từ Iran sang) và sau đó đẩy tôi ra?".

Ông Martin Greenman, năm nay 63 tuổi, một thợ cơ khí làm việc gần tòa nhà cho biết: Cả ba nghệ sĩ Ali Eskandarian, Soroush Farazmand, Arash Farazmand đều là những người cởi mở và dễ mến: "Họ là những người trẻ trung, vui nhộn, rất dễ gần. Họ đặc biệt giống nhau ở mái tóc quăn đen và quần jean chẽn. Hầu như họ không bao giờ làm phiền ai cả. Họ đi đi về về hàng ngày và vật dụng thường thấy ở họ là các thứ nhạc cụ quen thuộc". Ông Marcus Durant, 56 tuổi, là một thợ điện sống gần tòa nhà cũng cho hay, cả ba nạn nhân đều là những người biết điều. Họ có đặc điểm là có dung mạo khá giống nhau và rất thích chơi trượt ván lên xuống trên đường phố. Đôi khi họ cũng sôi nổi, ồn ào, nhưng đấy là trong những buổi tiệc tùng và chỉ diễn ra tại nhà riêng của họ.

Được biết, hai anh em Arash Farazmand, Sorous Farazmand và các thành viên ban nhạc The Yellow Dogs từng xuất hiện trong một bộ phim nói về tình cảnh nhạc rock bị cấm tại Iran. Bộ phim này có tên gọi "Chẳng ai biết về những con mèo Ba Tư" và đã từng giành được một giải thưởng tại Đại hội Điện ảnh Cannes.

Một ngày trước vụ thảm sát xảy đến với ba nghệ sĩ Iran tại New York, ở quảng trường Sabalan (thủ đô Tehran của Iran), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp I ran - ông  Safdar Rahmatabadi - cũng đã bị một kẻ lạ mặt bắn chết

Tiến Thành
.
.