Ba cuộc tình của "Bà đầm thép"

Thứ Hai, 26/04/2010, 14:00
Không biết từ bao giờ người ta đặt cho cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cái biệt danh "Người đàn bà thép", "Bà đầm thép". Có lẽ bởi vẻ rắn rỏi toát lên từ gương mặt, cử chỉ, lời nói và hành động của bà. Ấy vậy mà, thật như một "nghịch lý", cách đây ít năm, một tờ báo ở Anh đã công bố danh sách xếp hạng "10 phụ nữ Anh gợi cảm nhất thế giới" do người dân Anh bình chọn, người ta thấy có tên tuổi Margaret Thatcher. Như vậy, phải đâu trong cái vỏ "thép" ấy không chứa đựng một yếu tố gì hấp dẫn?

Giữ cương vị Thủ tướng Anh trong suốt 11 năm, từ 1979 đến 1990, Margaret Thatcher là người phụ nữ duy nhất ở Anh liền lúc giữ hai chức vụ: Thủ tướng và lãnh tụ một chính đảng quan trọng (đảng Bảo thủ). Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc bình chọn do BBC thực hiện năm 2002, bà được xếp vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại.

Margaret Thatcher sinh ngày 13/10/1925 tại một ngôi nhà vừa là tiệm may, vừa là cửa hàng bán trà ở thành phố nhỏ Grantam, phía bắc thủ đô London. Ngay từ bé, khác với những bạn bè đồng trang lứa, Margaret nổi bật không phải chỉ bởi sự thông minh mà còn bởi tính khí cứng cỏi, già dặn trước tuổi của mình. Chuyện kể rằng, lần ấy Margaret chiến thắng trong một kỳ thi thơ, khi cô giáo trao thưởng cho cô với lời nhận xét: "Em thật may mắn, Margaret", Margaret đã ngay lập tức ứng đối lại: "Tại sao lại là may mắn? Em xứng đáng được như vậy".

Những người quen biết Margaret từ thuở nhi đồng sau này dường như đều thống nhất với nhau trong một nhận định: Ở cô bé kỳ lạ này, dường như họ tìm thấy rất ít tư chất của tuổi thơ.

Margaret có cái may là khi cô vừa bước vào tuổi trưởng thành thì cũng là lúc bố cô bắt đầu thành đạt trong chốn quan trường. Năm 1943, ông Alfred Roberts - bố của Magaret được nhậm chức thị trưởng thị trấn. Ngay lập tức, ông đầu tư cho cô con gái cưng của mình bằng cách đưa cô vào học tại Trường đại học Oxford, là nơi có bề dày truyền thống và từng nổi tiếng bởi đã đào tạo nên nhiều chính khách lỗi lạc cho nước Anh. Tại đây, Margaret đã có dịp "tập dượt" khả năng hoạt động chính trị của mình. Đã có thời kỳ cô được ứng cử viên đảng Bảo thủ - ông George Wells - tín nhiệm chọn làm người phát ngôn cho ông ta trong kỳ tranh cử.

Với Margaret, người bố không chỉ tạo cho cô một điều kiện tốt về cơ sở vật chất để cô thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến, mà cái chính là ông đã truyền thụ cho cô những tố chất cần thiết để đứng vững được trước sóng gió cuộc đời. Ông luôn khuyên con không bao giờ được công khai nói về những thất bại của mình. Đặc biệt, ông luôn dạy cho con gái phải khắc sâu trong tâm trí một bí quyết: Đừng bao giờ theo đuôi đám đông mà ngược lại, phải tìm cách kéo đám đông về phía mình.

Ở tuổi dậy thì, Margaret là một cô gái tuy không thật xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn. Lấp lánh dưới mái tóc dày và đẹp là một cặp mắt tinh nhanh, sắc sảo. Mũi cô cao và thẳng. Nhược điểm lớn nhất và dễ thấy nhất trên gương mặt Margaret là chiếc cằm gồ lên như một trái đào. Tuy tính tình cương cứng và không mấy "nữ tính", song không vì thế mà Margaret không chú ý tới việc sửa sang, chăm chút cho nhan sắc của mình.

Người đàn ông đầu tiên mà Margaret để ý tới khi cô đã bước sang tuổi 19. Ấy là con trai của một vị bá tước nổi tiếng phong lưu. Thật hiếm chàng trai nào làm cô phải biếng ăn biếng ngủ, tâm hồn nặng trĩu ưu tư như chàng trai này. Tuy nhiên, tính tự ái trong con người Margaret dường như chế ngự tất cả. Càng cảm mến chàng trai bao nhiêu thì Margaret lại càng căm phẫn trước thái độ lạnh nhạt với mình của bà mẹ chàng bấy nhiêu. Chỉ sau một lần gặp gỡ với bà ta thôi, Margaret đã quyết định phải "cắt đứt" mọi mối quan hệ với gia đình đó. Mối tình đầu (có thể được coi như vậy) của Margaret đã chấm dứt một cách chóng vánh như thế, đến độ sau này khi nhắc lại, Margaret dường như chẳng thèm đoái hoài đến tên người tình.

Rút "kinh nghiệm" từ lần đổ vỡ đầu tiên, Margaret bắt đầu chủ động hơn trong việc lựa chọn người bạn đời sao cho phù hợp. Lại một lần nữa - ngay trong thời gian theo học đại học - cô có mối quan hệ khăng khít với một người bạn trai. Bỏ ngoài tai mọi xì xèo của đám bạn học cùng lớp, Margaret đã chẳng ngần ngại gì mà không mời người bạn của mình đến chơi nhà, giới thiệu anh với tất cả các thành viên trong gia đình. Là một người coi trọng cốt cách hơn mọi thứ của cải vật chất, song người bạn trai của Margaret vẫn không sao có thể quen được việc một người đàn ông sẽ chung sống với một người phụ nữ có trình độ tri thức cao hơn mình "cả một cái đầu". Với anh ta, dường như cô bạn gái mới quen này là một thứ ánh sáng gì đó quá chói gắt mà anh ta tự nghiệm thấy không nhất thiết "phải cần đến".

Vậy là một cuộc tình nữa của Margaret lại đau đớn chìm trong thất bại. Kể từ đây, tâm lý của Margaret dường như hoàn toàn chuyển sang một chiều hướng khác. Cô bắt đầu lao vào các hoạt động chính trị, quăng hẳn sang bên lề cuộc sống của mình những vấn đề dính dáng tới chuyện hôn nhân. Mãi như thế cho đến một ngày kia, Margaret bất ngờ gặp được Denis Thatcher, người đàn ông có cá tính mạnh mẽ và ưa hài hước, lớn hơn cô 10 tuổi. Không chỉ có cảm tình với con người Margaret, ông Denis còn đặc biệt thích thú được bỏ ra những khoản tiền lớn để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị của cô. Về cuộc sống riêng, Denis từng có một đời vợ và họ đã chia tay nhau. Đấy chính là lý do để ông có thể bày tỏ sự quan tâm săn sóc của mình với Margaret mà không sợ bị ai kiềm chế.

Ngày 13/11/1951, hôn lễ giữa Margaret và Denis chính thức được cử hành. Là người sinh ra vào ngày 13, kết hôn nhằm ngày 13, dường như trong tâm thức của Margaret Thatcher, cô không có chút gì lo lắng sợ hãi rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ có một ngày đổ vỡ.

Sự thật, bằng nghị lực hiếm thấy, Margaret Thatcher - bên cạnh vai trò một người "vợ đảm", đã tìm cách thoát  khỏi nhịp điệu buồn tẻ của đời thường, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc tề gia trị quốc. Đến nay, hẳn nhiều người - khi nhắc đến Thatcher - vẫn nhớ tới giai đoạn bà vừa lúc sinh hai người con (sinh đôi), vừa giành được chiếc bằng tốt nghiệp đại học Luật, cũng như nhắc tới việc người phụ nữ mới ở tuổi 34, trong khi đang bộn bề bao công việc gia đình, chồng con vẫn được tín nhiệm bầu làm nghị sĩ Quốc hội.

Ông Denis Thatscher qua đời ngày 26/6/2003, ở tuổi 88. Trong 52 năm chung sống với "Bà đầm thép", ông luôn được bà dành cho những lời nhận xét trìu mến, kiểu như: "Trong lúc tôi phát biểu, ông ấy không bao giờ ngủ gật và luôn biết vỗ tay... đúng lúc". Trong thời gian Margaret Thatcher giữ cương vị nguyên thủ quốc gia, Denis luôn thực hiện theo đúng nghi lễ. Trong các chuyến công du đây đó, ông thường đứng sau vợ mình ba bước; trả lời báo chí một cách ngắn gọn và không bao giờ can dự vào việc triều chính. Ông được đánh giá là một mẫu người điển hình của người đàn ông xứ Ănglê: Ít thể hiện cảm xúc ra ngoài, uống nhiều rượu whisky và thích chơi golf. Hiện ở Anh, tên của Denis Thatcher đã thành một danh từ chung để chỉ típ người đàn ông đứng ẩn khuất phía sau và hậu thuẫn cho người phụ nữ thành đạt.

Sự thực thì cũng có người cho rằng, cuộc hôn nhân giữa Margaret và Denis là một sự tính toán kỹ lưỡng. Thậm chí, người ta còn nói, nếu Denis không "bơm" tài chính thì hẳn vợ ông cũng khó mà thăng tiến nhanh đến vậy. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn cho thấy đây là một cặp vợ chồng rất tâm đầu ý hợp. Họ biết che chắn, bảo vệ cho nhau và luôn tôn trọng sở thích riêng của nhau. Có lần, một phóng viên đã đặt thẳng câu hỏi với Denis, rằng sống với "Bà đầm thép", ông có thấy nặng nề không. Denis đã mỉm cười mà rằng: "Nếu như các cư dân trên thế giới gọi Margaret là "Bà đầm thép" thì các con tôi đã gọi bà như chúng cần phải gọi: Mẹ. Còn tôi thì luôn gọi vợ mình bằng một biệt hiệu khác". Tất nhiên, biệt hiệu gì, ông Denis không dễ gì tiết lộ với báo giới.

Như ở trên đã nói, Margaret Thatcher nổi tiếng là người đàn bà cứng rắn. Hiếm ai nhìn thấy bà một lần nhỏ lệ, ấy vậy mà khi ông Denis qua đời, mặc dù khi ấy, Margaret đã sắp bước vào tuổi 80, song nỗi đau vẫn khiến bà bật khóc trước mặt mọi người như một đứa trẻ. Thật khó có ai nhận xét về đức lang quân của mình bằng những lời lẽ trọng thị và cảm động như bà dành cho Denis: "Làm thủ tướng là một công việc cô độc... Nhưng với Denis, tôi không bao giờ cô đơn. Một người đàn ông tuyệt vời, một người chồng tuyệt vời, một người bạn tuyệt vời". 

Cuộc đời Margaret chính thức trải qua ba cuộc tình. Và chỉ cuộc tình thứ ba mới dẫn bà tới việc hôn nhân. Tuy nhiên, với bà, có lẽ chỉ cần vậy thôi, bởi từ cuộc tình này, cuộc hôn nhân này, bà đã thu nạp được sức mạnh để vững bước đi lên trong cuộc sống

Trần Trọng Nghĩa
.
.