Ba bài thơ, ba phận đời nghệ sĩ

Thứ Sáu, 23/07/2010, 09:36
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng có một nhận xét rất chính xác rằng, Nguyễn Khải là nhà văn luôn có những cuốn sách gây được dư luận, song cách ông đặt tên sách lại khá... vụng về. Với tôi, Vũ Quần Phương là một nhà thơ tài hoa. Anh là tác giả của không ít bài thơ hay. Song thú thực cách anh đặt tên cho một số tập thơ thì tôi không thích lắm.

Tôi còn nhớ, trước khi xuất bản tập "Vết thời gian" (tập thơ được NXB Văn học ấn hành năm 1997 và được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998), Vũ Quần Phương đã tâm sự với tôi: Anh định đặt tên cho tập thơ là "Những ngả đường trần gian". Tôi nghe và rất tâm đắc. Theo tôi, đó là một cái tên hay, rất ấn tượng, hoàn toàn ứng với phần II của cuốn sách, phần mà nội dung chủ yếu đề cập tới số phận, cuộc đời của những nhà thơ đã khuất bóng. Nhưng rồi không hiểu sao Vũ Quần Phương lại thay đổi ý định. Có thể anh sợ "sái" chăng? 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng có một nhận xét rất chính xác rằng, Nguyễn Khải là nhà văn luôn có những cuốn sách gây được dư luận, song cách ông đặt tên sách lại khá... vụng về. Với tôi, Vũ Quần Phương là một nhà thơ tài hoa. Anh là tác giả của không ít bài thơ hay. Song thú thực cách anh đặt tên cho một số tập thơ thì tôi không thích lắm. Ví như "Vầng trăng trong xe bò", "Quên chữ quên câu", "Giấy mênh mông trắng", "Chỗ ấy... sóng". Chẳng đã có chuyện vui: Một nữ tác giả trẻ tò mò hỏi nhà thơ: "Chỗ ấy... là chỗ nào?". Nhà thơ hóm hỉnh trả lời: "Chỗ ấy là... chỗ ấy chứ còn chỗ nào nữa".

Nhưng thôi, nói lan man vậy, việc đặt tên sách như thế nào không phải là nội dung chính tôi muốn đề cập ở bài viết này. Tôi chỉ muốn thông qua cái tên "Những ngả đường trần gian" để có chút bình luận về một chùm thơ Vũ Quần Phương viết về 3 nhà thơ nổi tiếng: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Huyền Trân, qua đó để bạn đọc thấy sự tài hoa lẫn sức thấu thị, "đem hồn mình hiểu hồn người" của Vũ Quần Phương.

Thi hào Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmét từng thổ lộ: Trang sách lớn nhất luôn mở ra trước mắt ông, trong suốt cuộc đời ông, là trang sách về cái chết. Con người cần phải biết nhìn về nơi chốn cuối cùng của mình để những ngày tồn tại trên trái đất này, anh sống sao cho xứng đáng. Ở đây, Vũ Quần Phương đã hóa thân vào một số tác giả - những gương mặt tiêu biểu cho nhiều thời kỳ của văn đàn Việt Nam - không chỉ đơn thuần để thỏa mãn sức cảm, sức nghĩ của anh, để thêm lần minh chứng cho khả năng thơ - phê bình của anh, mà chính là để thể hiện nỗi cảm thông sâu sắc, những tâm sự sâu xa, kín đáo của tác giả về con người, năm tháng, cuộc đời, về số phận vinh quang và cay đắng của người nghệ sĩ. 

Bởi vậy, thơ Vũ Quần Phương ở mảng chân dung này có cái thấm thía ở hình ảnh, bùi ngùi ở giọng điệu. Ba bài anh viết về Chế Lan Viên, về Xuân Diệu, về Trần Huyền Trân mà tôi đang nhắc tới là ba bài có bút pháp linh hoạt, điệu thơ có thể làm ta nhớ tới khí chất của những con người ấy, cũng như các thể loại thơ họ vẫn ưa dùng khi còn trên dương thế.

Hẳn nhiều người làm văn nghệ chúng ta đã biết, trước khi mất, nhà thơ Trần Huyền Trân phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật kéo dài nhiều năm. Ông bị tắc động mạch và phải cắt ba chi. Vũ Quần Phương vào thăm ông và anh liên tưởng thi nhân trên giường bệnh như một con đò mắc cạn:

Con đò mắc cạn
buồm không chèo không
hồn vểnh nghe sóng gió sông Hồng
bừng bừng con mắt
màu đỏ phù sa đau nhớ nhung

                (Bài "Nhớ Trần Huyền Trân”)

Không có sự nhập thân, sự đồng cảm với những nỗi niềm, những khát vọng nghệ sĩ, không thể có liên tưởng ấy. Một liên tưởng làm ta xa xót, thương cảm và kính trọng.

Nếu như với Trần Huyền Trân, Vũ Quần Phương khai thác khía cạnh bất hạnh từ sự đối lập giữa tính cách thích vẫy vùng đây đó với căn bệnh buộc phải nằm liệt của thi nhân, thì ở Xuân Diệu, Vũ Quần Phương đặc biệt chú ý tới khía cạnh cô đơn của ông, một con người từng đặt chân tới khắp các núi non sông hồ của bao nhiêu miền đất mà rồi vẫn chưa khép được cánh cửa căn nhà hạnh phúc của mình. Ý thơ thấm thía, giọng thơ thật ngùi ngẫm:

Con sông ấy có bến thuyền
Câu thơ ấy có một miền xót xa
Thơ tình tặng khắp người ta
Hại thay... trắng một vòng hoa trên mồ
Chân đi trăm núi nghìn hồ
Gửi hương cho gió bao giờ mới xong.

                          (Bài "Đọc Xuân Diệu")

Viết về Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương lại chú ý tới nỗi đau dằn vặt của nhà nghệ sĩ trong sự xung đột về nhận thức của buổi giao thời và những biến thiên thời cuộc. Đọc những vần thơ cuối đời của ông, đặc biệt là phần di cảo công bố sau khi Chế Lan Viên mất, chúng ta càng thấy được sức nặng của những câu thơ Vũ Quần Phương viết:

Tôi khóc một nhà thơ vừa mất
Anh ấy điêu tàn, anh ấy phù sa
Anh ấy đọc hồn trời hồn đất
Câu cuối cùng hỏi đâu hồn ta?

                            (Bài "Mưa")

Những câu hỏi, những nỗi niềm mà Vũ Quần Phương ký thác, thông qua số phận, cuộc đời của một số văn nghệ sĩ cũng là những điều canh cánh trong lòng bất kỳ người viết chân chính nào, khi mà chúng ta phải thường xuyên vật lộn để tìm ra ánh sáng hạnh phúc trong đời thực của mình, nguồn mạch sáng tạo chính của mình, con người chân chất đích thực của mình

Tuấn Đạt
.
.