Ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp: Không dùng ảo thuật để lừa đảo

Thứ Ba, 25/03/2014, 08:00

"Thôi miên" cho người lơ lửng trên đầu ngọn kiếm hay khiến người bay lượn xung quanh khán đài… là biệt tài của ông. Ông đi biểu diễn khắp nơi, từ vùng biển lên vùng cao, đến với bà con dân tộc thiểu số. Có người gọi ông là nghệ sĩ. Có người gọi ông là phù thủy. Một chuyện cảm động về cái tình của người. Một chuyện cười ra nước mắt...

1.Nếu ai đã từng xem chương trình "Ảo… thật" của VTV9 sẽ khó quên được các tiết mục độc đáo của ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp. Nhà ảo thuật năm nay đã đến cái ngưỡng 60 nhưng vẫn đi khắp nơi để phục vụ cho bà con. Với ông, thế nghĩa là mình đang sống.

Ngày bé, ông từng ấp ủ ước mơ trở thành diễn viên kịch nói, nhưng đường đời lại xô dạt ông vào những tiết mục xiếc rồi ảo thuật. Trò gì ông cũng làm. Từ nặn ra chim bồ câu, cánh hoa, thổi giấy ra tiền… đến các trò khó như nuốt kiếm, ảo thuật cưa người làm đôi. Mỗi lần chuẩn bị nuốt kiếm, ông lại đưa kiếm cho khán giả kiểm tra. Một khán giả lấy kiếm chém vào thành sân khấu bằng sắt, nghe tiếng "choang" buốt tai mới chịu tin là kiếm thật. Ông đưa cây kiếm từ từ vào cuống họng. Đến khi kéo kiếm ra thì cơn đau nhói thắt, máu trào đầy miệng. Mọi người hoảng hốt đem ông đi bệnh viện. Ông bị rách thực quản do lưỡi kiếm bị mẻ lúc khán giả kia chém vào cột sắt.

Sau vụ tai nạn đó, Diệp Bảo Hiệp từ giã nghiệp xiếc mạo hiểm để độc đạo với ảo thuật. Các trò ảo thuật được ông sáng tạo không ngừng, trong đó có trò thôi miên cho người bay lượn trên không trung và cưa đôi người. Người bay trên không trung là tiết mục đặc sắc đã giúp cặp bài trùng Diệp Bảo Hiệp và Hoàng Lộc dành Huy chương bạc (không có Huy chương vàng) năm 2006 tại Fesival Huế.

Nhưng với ông, niềm vui ấy sao bằng được tràng pháo tay và tiếng xuýt xoa của khán giả hằng đêm nơi sân khấu dựng vội trên mảnh đất quê nghèo nàn. Lần biểu diễn ở Thừa Thiên - Huế, sau khi đoàn khép màn, có cụ già năn nỉ ông về chơi nhà. Chiều Diệp Bảo Hiệp đến, cả nhà cụ già kia đều áo dài khăn đóng chỉnh tề. Ông xúc động, bối rối không biết nói sao. Cơm nước xong xuôi, cụ mời ông đi rửa tay. Nơi đựng nước rửa tay là một hũ nước nhỏ được đích thân cụ kêu người nhà mang ra.

Ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp với vợ chồng ảo thuật gia người Italia Erix Logan trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam.

Thoáng ngần ngại, ông se sẽ cho đôi tay vào lòng nước mát lạnh. Cụ đậy nắp, mang hũ nước cẩn thận đặt lên tủ khách trước cặp mắt sửng sốt của ảo thuật gia. "Thưa nghệ sĩ, chúng tôi rất quý mến và trân trọng các nghệ sĩ. Đây là đôi bàn tay tài hoa thấm mồ hôi của nghệ sĩ nên chúng tôi xin được giữ lại chút tinh hoa trong hũ nước này như để làm kỉ niệm" - Cụ già cầm bàn tay ông, nói.

Về diễn cho bà con vùng cao xem cũng là một niềm hạnh phúc của Diệp Bảo Hiệp. Ở đó, vẻ hoang dại của cô thiếu nữ dân tộc, vẻ háo hức của những gương mặt cháy nắng của đám trẻ con lơ thơ tóc khiến đôi tay ông thêm thăng hoa.

Bây giờ, nơi ông "làm công ăn lương" là Câu lạc bộ Ảo thuật Bạch Long, diễn tại sân khấu ngoài trời tại Vinpearl Land của Nha Trang. Nơi ấy, những buổi biểu diễn ảo thuật của ông luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Một buổi chiều, suất diễn đã đông đủ khán giả, chuẩn bị khai màn thì trời mưa. Mưa lớn quá khiến du khách quýnh quáng chạy về những nhà hàng, quán xá gần đó trú mưa, chẳng ai đoái hoài đến chuyện xem xiếc. Ông buồn bã tính hủy diễn. Anh em đang sắp xếp định ra về thì kìa, dưới khán đài vẫn còn nữ du khách người nước ngoài đang dầm mình dưới mưa, tay che mặt khỏi những giọt nước nặng rát, mắt chong lên sân khấu.

"Còn một người mình cũng diễn". Nhạc nổi lên, các tiết mục đặc sắc bắt đầu. Ông nhìn về phía cô gái tóc vàng, háo hức đôi tay. Kết thúc chương trình, cơn mưa vẫn chưa ngớt hạt. Tiếng "I love you" của cô gái vọng lên sân khấu át hẳn tiếng mưa. Ông bắt loa miệng đáp lại: "I love you". Cô gái cười vẫy tay chào. Đời ảo thuật, đôi khi phải bán cả đồ đạc để có được màn biểu diễn lộng lẫy, đôi khi phải chịu cảnh gia đình nát tan, ông đã nếm. Trông theo cô gái, mắt ông cay, lòng như cơn mưa lúc này. Bạn vỗ vai, cả nghiệp, đâu mấy ai được những khán giả như thế.

Diệp Bảo Hiệp với một tiết mục thôi miên.

2. Diệp Bảo Hiệp mê ảo thuật từ nhỏ. Ngày ấy, mẹ ông hở ra lại ca cẩm: Những trò kì công ấy kiếm được mấy miếng cơm. Nhưng hằng ngày, lang thang trên đường phố Nha Trang, cậu bé da cháy nắng mê tít trò ảo thuật đường phố của các bậc cha chú. Có được đồng nào, Hiệp lại lân la xin học. Khi vào Sài Gòn, ông tìm đến các nhà ảo thuật có hạng như Bảo Thu, Z27 và Tony Quang để học đạo.

Bây giờ, khi đã hơn 40 năm trong nghề, là thành viên Hiệp hội ảo thuật gia quốc tế IBM, có nhiều người xin ông theo học nhưng hiếm người ông nhận hoặc theo trọn. "Lắm người chỉ muốn học xong để đi lòe người ta, số khác muốn bày trò lừa đảo kiểu mê tín dị đoan nên tui không dạy" - Ông khẳng khái.

Các thầy dạy ông ảo thuật chỉ là trò nghệ thuật để giải trí, không dùng để lừa đảo. Đó là nguyên tắc nghề. Nhưng lắm khi, ngón nghề tài hoa lại đẩy ông vào những hoàn cảnh trớ trêu. Dạo biểu diễn ở Đắk Lắk, vừa bước xuống sân khấu, một thiếu nữ Êđê mời ông về nhà chơi. Ông bận nên hôm sau mới đến. Khi ông vừa bước vào nhà, cô gái đã đóng sầm cửa lại. Bằng ánh mắt hoang mang, cô thú thật: "Em rất thích anh. Nhưng người buôn này bảo anh là phù thủy. Anh có con ma trong người. Chơi với anh họ sợ em bị bỏ bùa, em và của cải đều đi theo anh. Nên anh ở lại, họ sẽ chém anh chết".

Nhiều bà con dân tộc tin anh là thầy phù thủy có phép thuật cao siêu mới có thể biến ra tiền, biến người biến mất trong tích tắc, lại khiến người có thể bay lên không trung khi không có dây buộc gì. Cho nên, về vùng cao, ông vừa vui vừa sợ. Sau suất diễn, ai cũng năn nỉ mời "thầy" về nhà… cúng giải hạn cho nhà này, làm bùa cho nhà kia. Nhà nọ có con trai bị ốm nặng, lạy lục mời ông tới đuổi ma giùm nó. Ông từ tốn giải thích: "Con trai ông bà bị bệnh chứ không có con ma nào nhập hết, giờ đem nó ra trạm xá mà khám chứ tui có tài phép gì đâu". Có ngư dân nghèo ở Quy Nhơn bị vợ bỏ đi theo trai bèn nhờ ông cho bùa để kêu vợ về. "Vậy anh phải có mực khô cúng cho thầy nha. Anh muốn vợ về mấy tháng?".

Chưa đợi ông kia trả lời, ông đáp luôn: "Một kí thì được một tháng, 3 ký thì được nửa năm, hơn nữa thì về vĩnh viễn luôn".  "Tui muốn vợ về dài hạn luôn". "Vậy thì cả tạ mực luôn đó!". Ông kia gãi đầu gãi tai. Đến đây thì ông nghiêm mặt: "Tui làm bộ với ông đó. Nói thiệt tui không có tài cán phù phép gì hết. Vợ tui bỏ tui đó mà tui có kêu bả về được đâu. Nếu tui có tài phép như vậy thì tui đã biến ra nhà lầu, xe hơi, biến ra tiền mà xài rồi chứ tui cực khổ đi diễn kiếm cơm làm chi".

Ông cũng sẵn sàng lật tẩy một số trò của mình như biến ra chim bồ câu, biến giấy ra tiền, xáo bài… dù đây là điều cấm kị của nghề. Sau một tiết mục ông lại trò chuyện với bà con: "Những điều quý vị thấy trên đây là ảo thuật, là một môn nghệ thuật có tính toán khoa học, logic và cần sự khéo tay của con người chứ không phải là trò phù phép gì. Nếu bà con học được thì bà con cũng làm được như tui".

Với ông, ảo thuật là niềm đam mê để đưa người nghệ sĩ đến gần công chúng hơn chứ không phải để lọc lừa người khác. Đã có lúc vì miếng cơm manh áo ông đã dứt nghiệp ảo thuật để về nhà làm lão chài trên sóng. Nhưng rồi cái nghiệp đeo đẳng, dẫu cho phải ứa máu và chết trên sân khấu, ông cũng nguyện theo. Và đó cũng coi như cách giúp dân chúng có hiểu biết thấu đáo hơn về ảo thuật, gửi đi những thông điệp nhân văn, đừng tin vào những trò ma quái mà lắm ông thầy rởm dựng nên hòng móc túi dân…

Mai Quỳnh Nga
.
.