Tản văn

Ao làng

Thứ Sáu, 07/03/2014, 08:00

Ao làng là một trong những hình ảnh đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Ao làng được nói tới trong bài viết này chủ yếu là các dãy ao thuộc xóm Duyên, xóm Đình… gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của tôi. Thời đó, mạn xóm tôi có hai dãy ao: Thứ nhất, dãy ao chạy theo con đường trục trong làng và thứ hai, dãy ao ở phía Bắc của làng, chạy theo con ngòi già nua, trên bờ là lũy tre xanh bao bọc xóm làng.

Các ao làng phân cách với nhau bằng một cái bờ, trên bờ có thể đi lại được. Bờ ao ngăn cách có tác dụng khi tát ao bắt cá, người ta dùng gầu sòng hoặc cọn nước, sau này là máy bơm… chuyển nước từ ao nọ sang ao kia.

Trên bờ của dãy ao dọc theo đường làng, vào khoảng năm 1961-1962, người ta trồng một hàng dừa, trông rất đẹp mắt. Bọn trẻ con chúng tôi, lúc đó là thiếu nhi, cũng được phân công trông nom, săn sóc rặng dừa này. Dãy ao dọc đường làng tạo cảnh quan tươi đẹp cho xóm làng. Đôi lần, nhân ngày hội làng 12 tháng Giêng, người ta tổ chức trò bắt vịt, thổi cơm thi cũng ở trên dãy ao này (khi mặt nước ao Đình bị thu hẹp, không còn đủ đường đua). Trên con thuyền bồng bềnh, người dự thi ở thắt lưng cắm một cần tre cong vượt qua đầu. Đầu cần tre là một cái quang treo bằng dây thép; cuối quang treo là một cái nồi nấu cơm nhỏ xíu. Người thi tay phải cầm bó đuốc đang cháy nỏ, tay trái giữ quang sắt, dùng ngọn lửa bập bùng ấy để nấu cơm, vừa nấu cơm vừa phối hợp với đồng đội chèo thuyền bắt vịt. Thuyền nào vừa nấu cơm chín lại vừa bắt được vịt thì thắng cuộc.

Hầu hết các ao đều có bến ao. Bến ao được xây ở bờ ao, thường có vài ba bậc lên xuống. Có chỗ không xây bến thì người ta bắc cầu ao. Bến ao, cầu ao là nơi người dân quê rửa rau, vo gạo, đãi đỗ; là nơi giặt giũ, rửa ráy thôi thì đủ thứ trong đời sống nhà nông. Trong các bến ao, bến ao bà Đào Pha thực sự là một tụ điểm câu lạc bộ của người dân xóm tôi, luôn đông vui, nhộn nhịp. Bến ao ông Dư gắn với những lần tắm ao đầy kì thú của tôi. Bến ao ông Cẩm thỉnh thoảng tôi vẫn xuống rửa nhờ, khi thứ nọ, lúc thứ kia cho nên cảm thấy sao mà thân thuộc…

Ao làng còn là nơi thả cá. Cứ cuối năm, hợp tác xã lại tát ao bắt cá chia cho các hộ gia đình ăn Tết. Nhà nhà ra sân kho hợp tác chia cá, nhận cá, vui như đi hội. Dưới ao cạn, trẻ con ào xuống hôi cá, sục tay xuống những lớp bùn, may ra kiếm được những con cá bị sặc bùn, bắt được con cá nào là hò hét vui sướng. Trên mặt ao, người ta còn thả bèo để làm thức ăn cho lợn. Phổ biến là loại bèo cái. Mỗi nhà chắn một ô rộng trên mặt ao, phân cách nhau bằng những cây nứa nổi. Nhiều nhà còn thả những bè rau muống  trên ao. Rau muống ao to ngọn, non nhẫy nhưng không ngon bằng rau muống trồng ở vườn nhà. Ao làng còn là nơi cung cấp nguồn nước để phòng hỏa hoạn, nguồn nước chống hạn cho ruộng đồng. Ao còn là một cái bồn tắm khổng lồ cho các chú trâu sau một ngày kéo cày mệt nhọc được đằm mình khoan khoái, thỏa sức vẫy vùng. Chúng ngụp lặn, nghếch mũi thở phì phì tóe nước. "Bạn của nhà nông" sau những lần đằm mình thơ thới như vậy, sẽ lấy lại sức chuẩn bị cho những buổi kéo cày nặng nhọc vào hôm sau…

Buồn thay, vào những năm 90 của thế kỉ trước, mỗi lần về quê, tôi thấy nước ao làng bị ô nhiễm nặng nề. Nước chuyển màu đen và bốc mùi tanh tưởi. Rồi vài năm sau, số phận của dãy ao làng tươi đẹp ngày nào đã được định đoạt. Người ta lấp ao và phân lô bán đất cho người dân để lấy tiền chi tiêu các việc công cộng. Còn dãy ao phía Bắc của làng, người dân ra sức đổ đất lấn ao, khiến các ao này nay chỉ nông choèn, méo mó. Tất cả đều phôi pha, tàn lụi theo thời gian…

Ao làng ở quê tôi nay chỉ còn trong kí ức

Lê Hữu Tỉnh
.
.