Áo dài trong hành trình di sản

Thứ Năm, 19/03/2020, 08:29
Vì ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên năm nay, lễ hội áo dài đã không được tổ chức với quy mô lớn như mọi năm. Tuy nhiên, không vì thế mà tình yêu, niềm tự hào với tà áo dài giảm sút trong lòng những người yêu mến trang phục độc đáo này. 


Nhiều năm trở lại đây, tháng 3 không chỉ là tháng để tôn vinh những người phụ nữ mà còn là thời điểm mọi người dành thật nhiều tình cảm cho tà áo dài truyền thống. Năm nay, mặc dù dịch bệnh Covid- 19 đang hoành hành khiến đời sống xã hội nhiều xáo trộn nhưng tà áo dài vẫn nhận được sự yêu thương hiếm thấy. Lan tỏa tình yêu áo dài trong đời sống, không chỉ là sự tôn vinh với trang phục truyền thống của dân tộc mà còn góp phần đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Vì ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên năm nay, lễ hội áo dài đã không được tổ chức với quy mô lớn như mọi năm. Tuy nhiên, không vì thế mà tình yêu, niềm tự hào với tà áo dài giảm sút trong lòng những người yêu mến trang phục độc đáo này. Nếu không muốn nói, phong trào ủng hộ áo dài vẫn rất sôi động trong đời sống cũng như trên các trang mạng xã hội.

Trang phục áo dài tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng, nền nã của người phụ nữ Việt.

Một điều dễ nhận thấy ở những ngày đầu tháng 3 này, áo dài hiện diện ở nhiều cơ quan, đường phố, nhiều bộ ảnh chụp áo dài được đăng tải trên các trang cá nhân. Đó là kết quả của những phong trào đã được phát động trong đông đảo phụ nữ nhằm lan tỏa, tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam.

Ngay từ ngày 18 - 1, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra triển lãm "Áo dài và Hoa". Đây là cuộc gặp gỡ của những con người cùng có chung mong muốn được giới thiệu, tôn vinh di sản, văn hóa của người Việt Nam như nghệ nhân áo dài Lan Hương, nghệ nhân ưu tú ngành hoa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Trong đó, bộ sưu tập áo dài được Nhà thiết kế (NTK) Lan Hương phục dựng trên ý tưởng y phục đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cũng nằm trong hoạt động tôn vinh áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức hoạt động tương tác ký tên và đóng dấu lên cặp áo dài với tên gọi "Áo dài của chúng ta".

Chuỗi sự kiện, "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa qua chiếc áo dài Việt Nam.

Chương trình cụ thể bằng các hoạt động: vận động khuyến khích thiết kế áo dài trên chất liệu truyền thống hoặc theo chủ đề di sản văn hóa Việt Nam. Chủ động kết nối, phối hợp với các nhà thiết kế tổ chức trưng bày, giới thiệu các bộ sưu tập áo dài tại các sự kiện do Hội tổ chức. Các hoạt động tôn vinh áo dài còn được các cấp hội phụ nữ triển khai thực hiện trong cả năm gắn liền với các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương, đơn vị.

Năm nay, một dự án có quy mô lớn đã được triển khai, các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, với nhiều phong cách khác nhau nhưng sẽ cùng kể câu chuyện áo dài trên hành trình của di sản từ Bắc vào Nam từ tháng 3 đến tháng 10 - 2020.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các NTK gồm: Minh Hạnh, Cao Minh Tiến, Lan Hương, Chu La, Nhi Hoàng, Hùng Việt, Phương Thanh, Trần Thanh Mẫn, Trịnh Bích Thủy, Trần Thiện Khánh, Hà Duy, Vũ Trần Đức Hải, Công Huân, Ngọc Hân, Huệ Thi, Thanh Thúy, Trung Beret.

Ban tổ chức sẽ chọn những địa điểm mang dấu ấn lịch sử của các tỉnh thành để trình diễn áo dài như Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Huế, Công viên văn hóa Ký ức Hội An (Quảng Nam), TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) và TP Hồ Chí Minh.

Có thể nói đây đều là những địa điểm rất phù hợp và thuận tiện cho việc trình diễn trang phục áo dài. Như vậy, sẽ có hơn 200 người mẫu và 300 diễn viên chuyên nghiệp, cùng hơn 5.000 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các tỉnh, thành sẽ thực hiện các sự kiện tôn vinh áo dài từ tháng 3 đến tháng 10 - 2020.

Nhà thiết kế Minh Hạnh được chọn là Tổng đạo diễn chương trình biểu diễn "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam". Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, qua nhiều niên đại, qua sự thăng trầm của lịch sử nhưng áo dài chứng minh được vẻ đẹp vĩnh cửu của mình.

Với tình yêu trang phục truyền thống của dân tộc, các NTK đã làm mới áo dài bằng sự sáng tạo, tư duy của thời đại đang sống trên những chất liệu truyền thống. Ví dụ như, NTK Tuấn Hải chọn những họa tiết được lấy cảm hứng từ trống đồng Đông Sơn và thời Lạc Long Quân - Âu Cơ. Nhà thiết kế Văn Thành Công thì lại tự hào khi cho ra đời bộ sưu tập áo dài mang đậm bản sắc và dấu ấn văn hóa Việt Nam.

NTK Minh Hạnh bày tỏ thái độ hài lòng với những sáng tạo của các NTK dù chủ đề được đánh giá là khá khó. Các bộ sưu tập đã lột tả được vẻ đẹp của các di sản Việt Nam thông qua chiếc áo dài bằng những thủ pháp độc đáo chất liệu kiệu lụa và thổ cẩm truyền thống kết hợp với kỹ thuật thêu tay và công nghệ in tiên tiến.

Được biết, chương trình đã được triển khai tại tất cả Hội Liên hiệp Phụ nữ 63 tỉnh, thành trên cả nước và đang được chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động đầy ý nghĩa này. Bởi bất kỳ những người yêu tà áo dài đều mong muốn trang phục này không chỉ có được một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người Việt mà tiến dần tới việc được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Logo sự kiện “Áo dài Di sản văn hóa Việt Nam”.

Ngoài ra, trong tháng 4 tới sẽ diễn ra Hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị, và bản sắc" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức để làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài. Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong hành trình đưa áo dài đến gần với sự tôn vinh là văn hóa phi vật thể, ngoài sự tích cực của các NTK thì một điều quan trọng là làm thế nào để áo dài luôn hiện hữu trong đời sống. Tháng 3 năm nay, nhiều cơ quan phát động phong trào chị em công sở tiến hành mặc áo dài tại nơi làm việc. Cùng nhau ghi lại những bức ảnh đẹp về áo dài. Khuyến khích nữ sinh mặc áo dài tại trường học, hoặc tham dự các hoạt động, các sự kiện của địa phương, đơn vị. Tổ chức trình diễn, thi tìm hiểu, biểu diễn nghệ thuật, đồng diễn trang phục áo dài nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa vẻ đẹp của áo dài trong cộng đồng.

Điều đáng mừng là trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng hưởng ứng rầm rộ tuần lễ áo dài. Một nhóm trên mạng xã hội FB với tên gọi "Tự hào áo dài Việt Nam đã được thiết lập từ giữa tháng" 2 năm 2020. Sau hơn 3 tuần thiết lập, đến nay nhóm đã có gần 4.000 thành viên với 1.000 bài viết. Sự lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng mạng đã trở nên hữu hiệu trong đời sống thật. Hơn bao giờ hết, áo dài đã xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động: trong các dịp lễ, tết, đám cưới hỏi, thậm chí tại không gian công sở. Sự trở lại của áo dài trong đời sống - một trang phục luôn được khẳng định là đẹp nhưng có ý kiến cho rằng chưa thật sự tiện lợi - là một tín hiệu đáng mừng.

Một vấn đề luôn được nhiều người băn khoăn trong câu chuyện áo dài là làm thế nào để giữ được vẻ đẹp truyền thống của trang phục trong sự thay đổi như vũ bão của cuộc sống, thời trang. Bởi việc cách tân thái quá như thay đổi quá nhiều chi tiết, lạm dụng khăn xếp... khiến áo dài không còn giữ được vẻ đẹp như vốn có.

Một số người cho rằng, khi xem những chương trình trình diễn áo dài cách tân mà thấy tội nghiệp cho chiếc áo dài vì bị cắt xén hoặc thêm bớt quá nhiều chi tiết không cần thiết. Sự lo lắng ấy là điều dễ hiểu, tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều người lựa chọn chiếc áo dài với phom dáng truyền thống nhất.

Việc lan tỏa tình yêu áo dài không chỉ góp phần cho trang phục truyền thống này có vị trí xứng đáng trong đời sống hiện đại mà còn giúp đưa áo dài có cơ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đồng thời, là một sản phẩm tiêu dùng nhưng áo dài lại có khả năng chuyển tải văn hóa của người mặc và của đất nước nên nếu biết khai thác thì sản phẩm này còn có thể tạo ra một thị phần rất lớn trong thị trường.

Khánh Thảo
.
.