Ảnh Nude nghệ thuật vẫn là: "Con dao hai lưỡi"

Thứ Hai, 14/01/2008, 16:30
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên đã sẵn sàng cho giờ khai mạc triển lãm "Xuân thì" , ngày 27/12 anh lại nhận được công văn từ phía Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội với nội dung: "Đồng ý cho trưng bày nhưng triển lãm sẽ được thực hiện ở địa điểm và thời điểm thích hợp". Điều này cho thấy, triển lãm ảnh nude - dù là nude nghệ thuật - vẫn là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc từ nhiều phía...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh(NSNA) Thái Phiên đến với ảnh nude nghệ thuật từ gần hai chục năm nay, dẫu anh tự biết đây là một loại công việc chỉ có nghệ sĩ và người mẫu biết và "sản phẩm làm ra" cùng lắm là cho vài người bạn xem mang tính chất "lưu hành nội bộ". Và Thái Phiên kiên trì làm việc, miệt mài chụp ảnh báo chí, ảnh lịch, ảnh quảng cáo... để nuôi sống niềm đam mê của mình.

Dự định ấp ủ hàng chục năm của anh là công bố được một phần gia sản khổng lồ của mình. "Đa phần ý kiến của Hội đồng thẩm định đều cho rằng ảnh của tôi đẹp, lành mạnh, không có tính khiêu dâm, gợi dục và ghi nhận đóng góp của tôi. Tôi đã cố gắng hết sức rồi, đã làm tất cả những việc có thể làm rồi. Giờ 48 bức ảnh khổ lớn tôi chuyển bằng đường hàng không ra Hà Nội, giấy mời cũng đã có trong tay, tôi đang bối rối không biết xử lý thế nào với nó đây?" - NSNA Thái Phiên băn khoăn.

Dẫu sao, vẫn còn niềm động viên an ủi nhỏ đối với anh, đó là việc cuốn sách ảnh (cũng mang tên "Xuân thì") của anh được NXB Văn nghệ TP. HCM ấn hành (FAHASA phát hành độc quyền) vừa ra mắt độc giả. Thái Phiên đã dùng toàn bộ số tiền nhuận bút của mình để mua sách tặng bạn bè.

Bìa cuốn sách ảnh "Xuân Thì".
 Một niềm động viên khác đối với anh, ấy là website cá nhân của anh được rất nhiều độc giả, bạn bè "ghé thăm". Đến nay, số lượt truy nhập đã lên tới hơn nửa triệu lượt.

NSNA Thái Phiên cho biết, trong những năm tháng cầm máy của mình, anh luôn gặp những trắc trở bởi đến nay người đời vẫn cho rằng, chụp ảnh nude là một nghề không "đàng hoàng", vì thế những ai làm nghề "nhạy  cảm" này đều nhận được những ánh mắt đầy hàm ý khi họ biết đó là một... "thằng cha" chuyên săn ảnh nude, chuyên làm việc với các cô gái trong trạng thái "Eva" tại một căn phòng chốt chặt cửa hoặc một nơi... hoang vu nào đó! Ấy là chưa kể những áp lực đến từ phía gia đình, người thân.

NSNA Thái Phiên than thở: "Đã nhiều lần tôi định bỏ máy rồi, bởi những định kiến muôn đời khiến tôi đêm nằm khó ngủ lắm. Đằng sau mỗi bức ảnh đều là sự trăn trở, sự giằng xé nặng nề. Vả lại, chẳng người vợ nào muốn chồng làm thứ công việc ấy, nhưng đó như thứ nghiệp chướng rồi, bà xã không làm thế nào được đành phải chấp nhận "sống chung với lũ" thôi. Nhưng rồi vẫn còn gia đình bên vợ, bạn bè của vợ rồi cô giáo của con mình... Muốn có tâm trạng thoải mái, tôi đành nghĩ cách mướn một chiếc tàu ra một hòn đảo mới có thể chụp với những ý đồ của mình. Sáng tạo nghệ thuật đấy mà lúc nào cũng như đang "phản bội" lại gia đình và xã hội!".

Đồng quan điểm với NSNA Thái Phiên, NSNA kiêm họa sĩ Trần Huy Hoan cho rằng, những ai "đâm đầu" vào đề tài nude đều phải gánh chịu không ít “tổn thất”.

Với Trần Huy Hoan, đến nay anh vẫn chưa "kiểm kê" xem mình đã chụp thành công bao nhiêu bức, song anh lại quả quyết rằng trong suốt 30 năm qua, con số thất bại của anh phải lên đến... 1 triệu bức! Đó là chưa kể đến tổn thất về mặt tinh thần, ấy là anh phải trả giá bằng sự đổ vỡ của hạnh phúc và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với đời sống gia đình.

Trên thực tế đã từng có NSNA tên tuổi của Việt Nam gặp nạn bởi bị nghi ngờ có mối quan hệ rắc rối với người mẫu. Theo anh Hoan: "Cũng có thể có người nghệ sĩ chụp ảnh nude không điều tiết được ranh giới tình cảm trong quá trình làm việc, bởi vì đó là một công việc quá... nhạy cảm".

Khi chụp ảnh Nude, đa phần các nghệ sĩ thường không chụp mặt và các người mẫu cũng chủ yếu là người bình thường, song nhiều khi có được một bộ ảnh thành công thì người mẫu lại không đồng ý công bố. Thế là bao nhiêu công sức đều đổ xuống sông xuống biển cả.

NSNA Trần Huy Hoan đi đến kết luận: "Đây là một thứ công việc cực kỳ gian truân với rất nhiều trở ngại, đó là thứ công việc mang đến nhiều nỗi buồn hơn niềm vui!".

Cho đến nay, điều trăn trở lớn của các tay máy chụp nude chuyên nghiệp ở Việt Nam như Đinh Quang Định, Trần Huy Hoan, Thái Phiên, Hồng Nga, Dương Minh Long... là làm sao tổ chức cho mình một đời sống sáng tác công khai, chứ không phải lúc nào cũng làm việc trong tâm trạng nơm nớp lo lắng, sợ bị hiểu nhầm...

Bởi theo họ, rất có thể khi đã "công khai hóa" thì sẽ có nhiều người rút lui không làm nữa, vì họ thấy ảnh của họ thực sự "chưa ổn". Còn không thì vẫn có nhiều người tò mò, thể nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự khắt khe của nhà quản lý trong khâu kiểm duyệt, cấp phép là đúng, là có lý do của họ. Bởi vì nếu để tự do, chắc chắn sẽ có sự lạm dụng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ Internet, điện thoại di động như hiện nay.

Hơn nữa, ảnh nude đôi khi còn "đánh lừa" cả người sáng tác chân chính bởi vì người nghệ sĩ phải có đủ tài để phủ đắp lên sự thoát y một ngôn ngữ nghệ thuật, một không khí nghệ thuật. Chỉ cần một chút sa đà, những bức ảnh sẽ rơi vào một thứ tự nhiên chủ nghĩa và như thế rất nguy hiểm.

Tuy vậy, theo NSNA Trần Huy Hoan thì: "Bên cạnh việc ngợi ca thiên nhiên, ngợi ca lao động sản xuất thì cũng không nên quên ngợi ca con người thông qua vẻ đẹp hình thể, sự đượm đà, ý tứ, tế nhị của từng bờ vai hay đường cong. Nếu người nghệ sĩ có ý đồ lành mạnh, lại có tài, người tiếp nhận cũng có cặp mắt trong sáng thì theo tôi không có vấn đề gì...".

Đến nay, Trần Huy Hoan cũng đã một số lần lặng lẽ trưng bày sản phẩm của mình và cũng nhận được những phản hồi tốt. Và anh hy vọng đến một ngày nào đấy, được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, anh sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân bao gồm tất cả các giai đoạn sáng tác của mình.

Thế nhưng, ranh giới để phân định một bức ảnh nude thuần khiết phục vụ nghệ thuật với những bức ảnh trần trụi, dung tục, khiêu dâm là rất mong manh.

Trước đây, từng có chuyện ảnh của Thái Phiên tuy không công bố trong nước song anh lại gửi đi tham dự các cuộc thi ở nước ngoài và đoạt giải. Đến khi ảnh được in vào sách, gửi về cho tác giả thì bị hải quan giữ lại. Anh phải nhờ đến Hội NSNA Việt Nam can thiệp mới lấy được về.

Anh tâm sự: "Tôi rất nặng lòng với công chúng bởi tôi nghĩ rằng tôi đã để họ chờ đợi lâu quá.Theo chủ quan của tôi thì, người chụp có thể nói dối, còn bức ảnh thì không. Cho nên, cần phải coi nó bình đẳng như mọi loại hình nghệ thuật khác".

Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của các cấp quản lý về văn hóa, Hội NSNA Việt Nam, Vụ Mỹ thuật, các nhà lý luận - phê bình nghệ thuật, các nhà mỹ học... cùng ngồi bàn luận và đưa ra những ý kiến khách quan hoặc những quy định cụ thể nào, tránh để xảy tình trạng một số tay máy chân chính vẫn phải chịu thiệt thòi!

Nguyệt Hà
.
.