Ấn tượng Tam Kỳ và ngôi làng bích họa độc đáo
- Khẩn trương thi công quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam
- Đề nghị bổ sung vốn cho công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam
- Quảng Nam bổ sung hơn 330 tỷ đồng xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Đây là tác phẩm điêu khắc, tạo hình từ nguyên mẫu bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ Thứ có tới 11 người con, cháu đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, và là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tiêu biểu nhất trong cả nước. Công trình được khởi công từ năm 2009. Nhưng sau nhiều khó khăn về kinh tế và tiến độ thi công, cho tới tháng 3-2015 công trình mới được coi là hoàn thành cơ bản các hạng mục.
Từ đó chân dung khổng lồ “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” trở thành điểm nhấn của thành phố Tam Kỳ và khu đài tưởng niệm được công nhận là “Công trình Văn hóa cấp quốc gia”. Đáng chú ý, bên trong Nhà tưởng niệm có hàng trăm bia ghi danh gần 50.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp cả nước.
Bãi biển Tam Thanh rất đẹp, thu hút nhiều du khách. |
Đặc biệt, phía trước khối tượng đài khổng lồ, là quảng trường có 30 ô thảm cỏ xanh, tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng chiến, 30 năm các mẹ chờ đợi những người con chiến thắng trở về. Đây là bố cục thể hiện tư tưởng và linh hồn của khu đài tưởng niệm mà nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã trao gửi vào tác phẩm: “Mẹ sinh ra mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Khu tượng đài “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” không còn sự khô cứng khi hòa nhập vào khu công viên rộng lớn với những hàng cây và cột đá, cùng những vườn hoa được trang trí nhiều họa tiết tượng trưng cho 54 dân tộc sống trên khắp đất nước.
Ngay trước mặt khối tượng đài là một hồ nước rộng hơn 1.000 mét vuông. Riêng những cột trụ huyền thoại cao 9m, được sắp đặt phía trước tượng đài, tạo ấn tượng uy nghiêm nhưng hài hòa làm nên cảnh quan hấp dẫn về những khối đá tạo hình kỳ thú. Đây là những cột đá lớn khắc ghi công lao to lớn của các bà mẹ anh hùng, cùng những chân dung phác họa hồn hậu, ấm áp tình người.
Song song với nghệ thuật khắc họa tạo hình bên ngoài, không gian phía trong khối tượng còn dành diện tích 1.800 mét vuông trưng bày hàng vạn tư liệu, hình ảnh và hiện vật về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu trong cả nước. Toàn bộ công trình điêu khắc này đã trở thành quảng trường chính cho thành phố tổ chức các lễ hội và sự kiện lớn hằng năm.
Khu tượng đài trên núi Cấm đã trở thành một công viên và một quảng trường văn hóa đậm dấu ấn lịch sử đầu tiên và lớn nhất trong cả nước mà thành phố Tam Kỳ lấy làm tự hào. Và đó cũng chính là điểm nhấn cho một thành phố lớn đang hình thành trong tương lai.
Trước đây nói đến thành phố Tam Kỳ là ai cũng nhớ đến bãi biển Tam Thanh, cách núi Cấm chừng 3 cây số. Cho dù dọc bờ biển kéo dài từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ có nhiều bãi biển nổi tiếng, nhưng Tam Thanh lại nổi trội hơn cả ở độ cát mịn nhỏ đi giữa nắng không bỏng chân và sóng vỗ hiền hòa.
Làng biển Tam Thanh bị kẹp giữa con sông và biển nên được coi là cồn đảo xinh xắn với bãi cát trắng kéo dài gần 10 cây số. Cho dù nơi đây đã có khu nghỉ dưỡng cao cấp kế bên nhưng bãi biển Tam Thanh vẫn còn “xưa cũ” ẩn giấu tiềm năng du lịch trong tương lai. Đặc biệt mới đây làng chài Tam Thanh lại nổi bật với những sắc màu trên các tường nhà. Làng như được khoác tấm áo mới, có thêm sức thu hút với du khách, mỗi khi đến thành phố trẻ Tam Kỳ.
Con đường đi ra bãi biển Tam Thanh giờ được hòa sắc với những bức tranh sơn dầu chạy dọc khắp làng. Khi chúng tôi đến Tam Thanh đúng dịp thành phố tổ chức cuộc thi ảnh về làng chài này. Những tấm ảnh về người lao động nơi đây được bày dọc đường đi. Chúng được bày bên những bức tranh màu vẽ trên tường nhà, bên hàng rào, hay trên những chiếc thuyền thúng trên bãi cát.
Nhiều bức tranh sinh động về chính những người dân và học sinh của làng. Những chân dung thật, giống như ngoài đời, cùng với con thuyền hay quầy bánh của họ vẫn bày bán hằng ngày. Đó là những nụ cười chào đón chúng tôi khi mới bước chân đến làng. Một không khí khác lạ, bởi mới chỉ cách đây hơn một năm thôi, con đường nhỏ của làng vắng hoe, với những đôi mắt trẻ con buồn ngơ ngác…
Giờ đây người ta gọi Tam Thanh là làng bích họa duy nhất trong cả nước, với hơn 100 tác phẩm được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam vẽ lên các tường nhà dân, hoặc trên các xóm ngõ bãi thuyền bỏ hoang. Tuy không có độ lớn khổng lồ về cầu trúc như khu tượng đài “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nhưng làng bích họa lại có diện tích rộng không kém. Những bức họa khổ lớn chạy khắp đường làng ngõ xóm tạo nên khu văn hóa mỹ thuật làng độc đáo của thành phố Tam Kỳ.
Đây là dự án được triển khai từ cuối tháng 6-2016, sau một năm khánh thành khu tượng đài mẹ anh hùng, và trở thành cuộc giao lưu mỹ thuật quốc tế tại Tam Thanh. Đặc biệt những chiếc thuyền thúng cũ hay rách nát được huy động xếp thành con đường dẫn ra bãi biển. Các họa sĩ đã vẽ lên những chiếc thuyền đó những hình họa thân quen. Đó là những cây xanh hay những tấm lưới và đàn cá nhảy dưới ánh nắng xôn xao.
Đây là con đường thuyền thúng lạ mắt hấp dẫn du khách bên cạnh những chân dung hiền lành chất phác của làng chài nghèo. Một công trình nghệ thuật “Làng bích họa” được hình thành nhanh chóng trong thời gian vài tháng nhưng lại được đánh giá là sản phẩm du lịch có một không hai ở nước ta.
Tác giả bên bức họa trên tường trong ngôi làng bích họa. |
Cách đây không lâu, ngôi nhà của ông Nguyễn Hồng Thanh bị hỏng và phải xây dựng lại, nhưng ông đã giữ lại bức tường đã có tranh vẽ để làm kỷ niệm, ngôi nhà mới được xây lui vào phía trong. Đó chính là bức tranh trẻ em trong xóm chơi bóng và một bức tranh con chó đúng của gia đình chủ nhân cũng được gìn giữ như một kỷ vật khá độc đáo trong ngôi làng này. Những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đã hòa vào bản nhạc quê hương nơi đây, với dòng sông yên bình êm ả và sóng biển rì rào suốt ngày đêm. Đó chính là những bản tình ca nơi xứ biển Tam Kỳ.
Từ xa xưa, Quảng Nam nổi tiếng với trò chơi ca nhạc Bài Chòi. Đất biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ cũng là nơi chơi ca Bài Chòi thứ thiệt. Chúng tôi đang đi dọc đường làng thì tại ngôi nhà văn hóa xã, những người dẫn trò đang tập luyện để tối ra đình làng tổ chức cuộc chơi.
Thực tế đây là trò hát về con người và những sinh hoạt văn hóa, lao động cộng đồng khắp miền Trung Nam Bộ. Bên cạnh đó dùng lời hát về con bài để dụ người chơi nhập cuộc, học lại những điều nhân nghĩa, lẽ sống đã được ông cha truyền lại trong dân gian bao đời nay.
Bên cạnh đó, người chơi tập trung nghe hát mà tìm ra vận may với lá bài của mình, thông qua lời ca để lĩnh thưởng đầu năm. Màu sắc văn hóa ca nhạc, mang ý nghĩa nhân văn trong trò chơi ca Bài Chòi, đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được thế giới công nhận.
Chúng tôi nghe tiếng đàn sáo rộn ràng, hòa lẫn làn sóng biển xôn xao, với cảm giác bâng khuâng một buổi chiều xuân. Con đường nghệ thuật của làng như được tấu lên những điệu hò, điệu lý ân cần về lẽ sống tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Câu hát về con bài “Bảy Liễu” cứ văng vẳng đâu đây như một lời nhắn nhủ sự đời: “Em nghe anh tỏ lời này. Em đòi để bỏ chuyện rày sao nên. Tào khang nghĩa ở cho bền. Liễu mai hòa hợp đôi bên thuận hòa”. Đó chính là lời người dân Tam Kỳ gửi lại cho mỗi du khách đến đây, với những sắc màu và giai điệu biển thơ mộng, êm đềm.