Ai về Chuôn Ngọ bên sông “dát vàng”

Thứ Sáu, 21/02/2020, 17:51
Không nơi nào có nhiều làng nghề như xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên-Hà Nội). Cả bảy làng trong xã đều được thành phố công nhận “Làng nghề khảm trai truyền thống”. Dọc đường làng không khí tấp nập. Kẻ mua người bán nhộn nhịp bên sông Nhuệ...


Không khí lễ hội làng mới đây (mùng 9 tháng Giêng) còn đọng lại hương xuân nồng nàn. Đâu đó vẫn vang lên câu ca: “Hỡi cô thắt cái bao xanh. Có về Chuôn Ngọ với anh thì về. Chuôn Ngọ có cây bồ đề. Có sông tắm mát có nghề khảm trai”.

Giấc mộng hoa sen

Lễ hội làng nghề khảm trai diễn ra tại đình làng Chuôn Ngọ và điểm rước kiệu tưởng nhớ đến tổ nghề ngay tại đền thờ Ngài. Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Đình Khải (80 tuổi), người trông nom đền thờ tổ nghề khảm trai, được dựng cách đây gần 1000 năm.

Giới thiệu cho chúng tôi chiêm ngưỡng tác phẩm khảm chữ bằng ốc đỏ ghi nhớ công ơn tổ nghề tại đền, ông Khải bồi hồi nhớ tới câu chuyện cổ tích của làng Chuôn Ngọ. Tương truyền rằng vào năm nọ dân làng vui mừng và sung sướng với một vụ mùa thóc lúa bội thu. Vợ chồng nhà Trương Công Phú đi lễ cầu tự về trong lòng thơ thới rộn ràng.

Ánh trăng rằm cùng sóng nước sông Nhuệ như ru người vợ chìm vào giấc mộng. Nửa đêm có con rồng trắng bay vào nhà và hóa thành một bông sen rơi vào tay người vợ và tỏa hương thơm ngát. Người vợ ôm bông sen ngủ với cảm giác mê man suốt đêm thâu. Sáng ra người vợ thấy sự khác lạ trên cơ thể mình và mang thai từ đó. Đúng chín tháng mười ngày bà sinh ra một cậu bé có nước da trắng hồng và thoang thoảng hương thơm. Người cha đặt tên cho con là Trương Công Thành. Trong lòng ông vui khôn xiết.

Nghệ nhân Lương Đình Khải và học trò một thuở (tư liệu).

Cậu bé Thành lớn lên thông minh khác người. Mới 17 tuổi Trương Công Thành đã thi đỗ Thái học sinh và được bổ làm quan vào thời Lý. Sau này Trương Công Thành còn được Thừa tướng Lý Đạo Thành gả con gái và trở thành phó tướng của Lý Thường Kiệt.

Trương Công Thành nhậm chức Tây đạo Tướng quân phò tá Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh chặn giặc Tống trên biên giới phương Bắc. Sau đó ông còn chỉ huy quân sĩ chiến đấu tiêu diệt giặc Chiêm Thành phương Nam. Chiến thắng trở về với nhiều công trạng vậy nhưng Trương Công Thành lại xin giải ngũ về quê tĩnh dưỡng và quy y Phật pháp. Ông chu du thiên hạ và một đời cầu siêu tịnh độ. Một hôm ngài đi ra biển khơi bỗng nhìn thấy một chiếc vỏ trai phát sáng.

Độ lấp lánh sắc màu làm ông kinh ngạc. Khi lấy vạt áo lau chùi những vết bẩn thì vỏ chai kia lại càng lung linh kỳ thú. Ông mang về cắt nhỏ gắn vào những nét chữ khắc lên gỗ như một thú vui trong thư pháp.

Từ đó ông lần mò tìm những mảnh vỏ trai, ốc, hến gắn vào các bức tranh thủy mặc rồi mài đi cho lộ màu sáng nét. Một thú chơi tự nhiên không ngờ lại được mọi người say mê. Họ tìm đến ông học hỏi nghệ thuật khảm thư pháp trên các bảng hoành phi câu đối treo tại thư phòng hay gian thờ gia tiên. Đại sư Trương Công Thành truyền nghề cho các phật tử. Trong các lễ hội và chợ huyện người ta bắt đầu bày bán những bức tranh làng quê và những con chữ được khảm ốc rực rỡ. Nghề khảm tranh được hình thành tại làng Chuôn Ngọ từ đó. Tính ra cũng đã tới ngàn năm.

Ông chủ đền Nguyễn Đình Khải kể, cách đây hàng trăm năm thợ giỏi trong làng Chuôn Ngọ còn được vời vào cung đình Huế để khảm chữ cho vua. Dân trong làng không ai quên được những người thợ tài hoa ấy như các cụ Lý Mục, Nguyễn Văn Phú, Phó Loan, Trần Bá Chuyên…Đội ngũ nghệ nhân khắc khảm nổi tiếng ở làng Ngọ thời nào cũng có.

Cho đến nay nổi nhất là cố nghệ nhân Trần Bá Dinh. Ông là người đầu tiên khảm chân dung Bác Hồ và được nhận nhiều danh hiệu nhất làng. Nhiều học trò của cụ Dinh đã kế thừa được những nét tài hoa và tiếp tục gây dựng sự nghiệp. Sang đến thế kỷ 21, đội ngũ nghệ nhân trẻ tài hoa mỗi ngày một đông và trở thành những ông chủ xưởng và giám đốc các công ty mỹ nghệ khảm tranh. Họ tiếp thu được những tinh hoa của cha ông và có những sáng tạo bất ngờ nắm bắt được thị hiếu của khách hàng. Chính vì thế làng Chuôn Ngọ cũng như các làng khác đã tạo nên một thị trường cung cấp tranh khảm trai ốc đi khắp các nơi trong nước và trên thế giới.

Người khảm tranh Bác Hồ

Sau đó ông Nguyễn Đình Khải dẫn chúng tôi về nhà để xem các tác phẩm của con trai ông là Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Đình Hải. Điều khác biệt là ngoài những tranh vẽ theo tích cổ nghệ nhân Nguyễn Đình Hải còn dành tâm trí sáng tác về các đề tài Hà Nội.

Năm nay nghệ nhân Nguyễn Đình Hải mới gần 50 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 30 năm làm nghề. Anh là đời thứ ba trong gia tộc Nguyễn Đình làm nghề khảm trai truyền thống. Chúng tôi ngạc nhiên với bức tranh “Phiên chợ quê” khảm trai rất lớn (2,5mX1,28m) mà anh đang hoàn thành theo đơn đặt hàng. “Phiên chợ quê” có nhiều nhân vật và cảnh trí lớn nên khá tốn vật liệu trai ốc.

Tác phẩm khảm trai “Đôi vịt hồ sen”.

Cung đoạn chế tác hình ảnh trên ốc quả là khắc nghiệt. Nếu cưa cắt không khéo là mất toi cả tiền triệu. Bởi giá ốc trai để khảm rất đắt. Những vật liệu quý hiếm đều phải mua từ nước ngoài. Sau đó mới đến việc “Cẩn” (khảm trai ốc) lên bức điêu khắc chìm trên gỗ sao cho ăn khớp và giữ được nét mềm mại như tơ lụa vậy. Để hoàn thành bức “Phiên chợ quê” cũng phải mất đến cả vài tháng. Chính vì thế những bức tranh khủng như “Phiên chợ quê” có giá trị tới vài trăm triệu.

Nhưng điều thú vị hơn khi nghệ nhân Nguyễn Đình Hải lại quan tâm tới những sáng tác về đề tài Hà Nội và chân dung nghệ thuật. Chúng tôi bị tranh của nghệ nhân hấp dẫn bởi những nét khảm thân quen về mái nhà liêu xiêu trên phố cổ và những dáng thiếu nữ áo dài. Đây là sự khám phá mới lạ trong các đề tài khảm tranh.

Nghệ nhân đã khảm tới hàng trăm bức tranh cổ như “Vinh quy bái tổ”, “Tùng Hạc”, “Bát mã”, “Bách điểu”… nhưng với những bức tranh hiện đại về Hà Nội lại đòi hỏi cảm xúc sâu lắng trong tâm hồn. Đó là những phút thăng hoa của một nghệ sĩ.

Anh dẫn chúng tôi đến gần bên bức tranh khảm hình những cô gái và chiếc xe xích lô thân quen. Ngỡ như bức tranh vẽ ra dễ dàng như không có gì công phu nhưng anh cho biết chiều sâu của nét tạo hình với sắc độ cầu vồng của trai ốc đã làm nên nét huyền ảo của một thời ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Những thiếu nữ áo dài trở nên mơ mộng và dịu dàng trong sắc màu kỳ ảo của thiên nhiên đem lại. 

Sau đó nghệ nhân cho tôi xem bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh đã hoàn thành trong một đêm trăng sáng. Nghệ nhân nhớ lại trước khi khảm chân dung Bác, anh đã đọc khá nhiều bài thơ của Người. Bài thơ “Nguyên Tiêu” (Rằm tháng Giêng) đã làm anh xúc động và bắt tay khảm bức tranh Bác đầu tiên trong đời mình.

Nghệ nhân cho biết việc khảm giống hình Bác không khó mà cái vi diệu óng ánh của vỏ trai ốc phải thể hiện được nét thần thái anh minh và nhân hậu của Người mới khó. Phải học được ở đạo đức sáng ngời của Bác những điều chân thực nhất rồi mới cầm đến bút vẽ và khảm trai.

Vừa ngắm chân dung Bác anh trầm ngâm đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ đầy lạc quan in dấu tâm hồn thi sĩ của Bác Hồ: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi. Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân. Giữa dòng bàn bạc việc quân. Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Sắc màu 4.0

Câu chuyện chúng tôi đang đượm màu thú vị thì vừa hay con trai nghệ nhân Nguyễn Đình Hải trở về như một làn gió mát. Đó là một chân truyền thế hệ thứ tư của gia đình. Chàng thiếu niên Nguyễn Đình Huy khoe với bố về bức khảm “Cửu ngư” của mình vừa được các thầy nghề đánh tiếng khen. Đây là tác phẩm hội họa mang tính cách điệu từ ý tưởng bức tranh cổ với chủ đề hiếu học của trai làng. Hình ảnh chín con cá vượt vũ môn thi tài đua trí đã được nghệ nhân trẻ tài hoa phóng nét uyển chuyển bay bổng với sóng nước cuộn reo.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải nói cánh trẻ giờ hơn ông cha ở chỗ biết vận dụng vốn liếng dân gian để sáng tạo. Tranh khảm của làng Ngọ giờ đã rực rỡ và tinh xảo hơn trước với những phác đồ từ trên máy tính. Những bức tranh ba chiều hiện lên khối gỗ đều hoàn chỉnh về sắc màu và đường nét. Công việc còn lại là nhờ vào bàn tay tài hoa của người thợ để khảm cho tác phẩm được phát sáng lên màu. Thật đúng là: “Lung linh bảy sắc cầu vồng. Chiều quê Chuôn Ngọ bên sông dát vàng”.

Vương Tâm
.
.