Ai mua vé để xem triển lãm mỹ thuật?

Thứ Sáu, 15/09/2017, 08:34
Đành rằng, việc bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật là điều rất bình thường, nhưng thực tế đời sống văn hóa nước ta lại thấy… nan giải quá. Triển lãm bán vé chắc chắn ít khách hơn triển lãm miễn phí, mà họa sĩ đã nhọc nhằn sáng tạo thì luôn mong muốn nhiều người để mắt đến tác phẩm của mình. Lắm phen, việc bán vé triển lãm giống như cuộc thương lượng đầy cam go giữa họa sĩ và nhà tổ chức!


Một trong những triển lãm đang gây chú ý tại TP Hồ Chí Minh là dự án nghệ thuật đương đại "0395A.ĐC" của họa sĩ Ly Hoàng Ly, diễn ra tại The Factory. Triển lãm kéo dài từ ngày 10-8 đến ngày 17-9, khiến vài người cảm giác bất ngờ không phải vì qui mô tác phẩm dàn dựng phải cần đến sự trợ giúp của đội ngũ kỹ thuật một doanh nghiệp ôtô nổi tiếng, mà vì công chúng phải… mua vé vào cửa. Giá vé không hề đắt, 35 ngàn đồng cho mỗi người sử dụng suốt thời gian triển lãm. Với sinh viên, giá vé chỉ 25 ngàn đồng, còn dưới 16 tuổi thì miễn phí. Thế nhưng, không ít người quan tâm đến mỹ thuật xầm xì bàn ra tán vào, bởi lâu nay người Việt vẫn chưa có thói quen trả tiền để xem triển lãm.

Trải qua một giai đoạn bao cấp khá lâu, chuyện đi xem triển lãm được mặc định là một hoạt động cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Do đó, bước vào kinh tế thị trường, các họa sĩ muốn trưng bày tác phẩm đều phải chịu chi phí từ mặt bằng cho đến bánh trái phục vụ lễ khai mạc và lễ bế mạc. Với họa sĩ bán được tranh, thì chi phi ấy không đáng kể, nhưng với họa sĩ có kinh tế không mấy khá giả thì chi phí ấy cũng phải đắn đo.

Phần lớn triển lãm mỹ thuật đều có nhà tài trợ, nên hôm cắt băng chúc mừng phòng tranh ra mắt, bao giờ cũng rất xôm tụ những người nâng ly. Thậm chí, không khí ăn uống tưng bừng đến mức khó phân biệt những vị khách kia có mặt vì nghệ thuật tạo hình hay nghệ thuật ẩm thực!

Hầu hết triển lãm ở các quốc gia văn minh trên thế giới đều bán vé. Riêng tại nước ta thì những nhà hoạt động mỹ thuật vừa làm vừa… run. Năm 2010, triển lãm Restart của một nhóm nghệ sĩ Hà Nội, đã bán vé tượng trưng 5 ngàn đồng/người, nhưng có "khuyến mãi" bia hơi. Giá vé chỉ bằng hai ly trà đá, nhưng người mua có thể uống bia hơi thoải mái. Rút kinh nghiệm, chương trình nghệ thuật đương đại "Recycle" kết hợp body art và múa của Phương Vũ Mạnh, Đoàn Minh Hoàn và Vũ Nhật Tân, đã bán vé 150 ngàn đồng/người vào tháng 8-2013. Kết quả, chương trình "Recycle" chỉ bán được 53 vé nhưng nhóm họa sĩ phải hứng chịu cơn mưa trách móc từ bạn bè và đồng nghiệp.

Tác phẩm của Ly Hoàng Ly trong triển lãm "0395A.ĐC".

Dù gặp nhiều trở ngại, nhưng các họa sĩ vẫn nuôi dưỡng ước mơ bán vé xem triển lãm. Ba họa sĩ Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh và Bùi Hải Sơn đã chọn sảnh lớn của khách sạn 5 sao tại TP Hồ Chí Minh để tổ chức triển lãm "Filters". Giá vé được bán như sau, ngày khai mạc 3,6 triệu đồng/cặp vé, các ngày tiếp theo hạ xuống 250 ngàn đồng/vé. Những ai đã bỏ bạc triệu để xem triển lãm "Filters"? Xin thưa, chủ yếu là người quen biết cố tình ủng hộ ba họa sĩ, còn những ngày sau thì triển lãm vắng vẻ dần.

Cứ ngỡ sau cú đột phá của "Filters" vào năm 2015, sẽ không còn ai mạo hiểm bán vé triển lãm nữa, thì The Factory lại quyết định bán vé vào cửa dự án nghệ thuật đương đại "0395A.ĐC" của Ly Hoàng Ly. Có phải The Facrory muốn chơi trội để quảng bá thương hiệu không? Từ khi thành lập vào tháng 4-2016 đến đầu tháng 6-2017, The Factory cũng mở cửa hoàn toàn miễn phí cho người yêu thích mỹ thuật.

Khi bắt đầu triển khai việc bán vé, chính những người điều hành The Factory cũng tin rằng vẫn còn nhiều khán giả chưa quen với việc phải bỏ ra một chi phí (dù rất nhỏ) để tham quan triển lãm. Tuy nhiên, không biết dựa vào thống kê xã hội học nào, The Factory lạc quan khẳng định cũng không ít người tham quan rất ý thức và sẽ vui vẻ đóng góp, nên đi theo hướng mới mẻ và tích cực này.

Đại diện The Factory lý giải về việc bán vé có vẻ mâu thuẫn với thực tế hiện nay: "Chúng tôi muốn tạo một thói quen công bằng. Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc công chúng cần ý thức việc thưởng thức mỹ thuật bằng tấm vé. Điều này ở Việt Nam tuy chưa phải là thông lệ, nhưng có một thực tế mà mọi người đều phải công nhận: nếu cộng đồng không chung tay đóng góp cho mỹ thuật thì chúng ta không thể phát triển tự nhiên, bền vững được. Chúng tôi tìm kiếm ý thức và sự quan tâm, chia sẻ. Như vậy, chỉ những ai thực sự muốn xem mỹ thuật đương đại, mới bỏ tiền ra mua vé. Lúc ấy họ sẽ chịu khó hơn trong việc tìm hiểu triển lãm, cũng như sẽ dành nhiều thời gian hơn trong phòng đọc.

Chính sự tìm hiểu kỹ ấy phần nào giúp họ hình dung được những chương trình trong tương lai, và giá trị đồng tiền mà họ trả cho chúng tôi. Đồng thời, việc bán vé cũng hạn chế các thành phần đến đây chỉ để sử dụng không gian và tác phẩm như một phông nền chụp hình phục vụ các mục đích phi nghệ thuật khác. Nếu khách mua vé, tham quan và tiếp tục muốn quay lại, thì đó mới thực sự là đối tượng mà chúng tôi nhắm tới!".

Việc công chúng chưa quen mua vé xem triển lãm là một trong những nguyên nhân khiến những nhà đầu tư rất ngại rót tiền vào các hoạt động mỹ thuật. Cứ nhìn một không gian nghệ thuật có vẻ dễ dàng thu hút nam thanh nữ tú là Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt để làm sáng tỏ thêm mối nghi ngại ấy.

Mở cửa từ ngày 11-4-2017, Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt được giới thiệu khá tưng bừng, nhưng bài toán tài chính lại khá hẩm hiu. Nhà trưng bày đặt tượng sáp nghệ sĩ Việt được mở ở một góc không gian Nhà hát Hòa Bình, do ba nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình sáng lập với hơn 100 tác phẩm phác thảo dung mạo tỷ lệ 100% của những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí, từ Thành Lộc, Hồng Vân đến Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành.

Dự án được công bố có kinh phí 35 tỷ đồng, do chính ba nhà điêu khắc bỏ tiền túi cá nhân. Để vận hành Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt, mỗi tháng nhóm tác giả phải chi khoảng 300 triệu đồng, gồm tiền thuê mặt bằng, điện lạnh, sửa chữa và bảo trì tượng. Đồng thời cũng phải thường trực một nhóm thợ chuyên trang điểm, làm tóc, chỉnh khăn, sửa áo cho các bức tượng vốn cần phấn son diêm dúa. Khổ thân, khi chính nghệ sĩ được làm tượng sáp (hoặc gia đình của nghệ sĩ được làm tượng sáp) phản ánh chưa đúng nguyên mẫu hoặc chưa hào hoa phong nhã như họ mong muốn, thì ba nhà điêu khắc phải mất thêm chi phí chỉnh sửa.

Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt đón tiếp khoảng 100 khán giả mỗi ngày. Với mức giá vé 100 nghìn đồng cho một người lớn, thì nguồn thu trực tiếp chưa đủ bù đắp chi phí dự án. Chưa kể, nhiều lúc còn phải giảm giá, khuyến mãi để thu hút đối tượng khán giả yêu nghệ thuật là sinh viên hoặc công nhân. Do đó, mô hình triển lãm bán vé của Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt, dù bắt chước mô hình mà nhiều quốc gia khác đã thành công, vẫn đang chấp nhận lỗ vốn và đang kêu gọi tài trợ để có thể tồn tại!

Đành rằng, việc bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật là điều rất bình thường, nhưng thực tế đời sống văn hóa nước ta lại thấy… nan giải quá. Triển lãm bán vé chắc chắn ít khách hơn triển lãm miễn phí, mà họa sĩ đã nhọc nhằn sáng tạo thì luôn mong muốn nhiều người để mắt đến tác phẩm của mình. Lắm phen, việc bán vé triển lãm giống như cuộc thương lượng đầy cam go giữa họa sĩ và nhà tổ chức!

Hoạ sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ: "Đã đến lúc cần thay đổi cách nghĩ vào bảo tàng, xem phim, xem ca nhạc… thì phải mua vé, nhưng xem triển lãm ở gallery lại miễn phí. Bỏ tiền mua vé xem tranh cũng là một biểu hiện trân trọng và có trách nhiệm với các giá trị mới trong sáng tạo".

Còn họa sĩ Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: "Đối với các họa sĩ hay các tổ chức hội họa, các gallery, việc bán vé có thể là kinh phí cho hoạt động nghệ thuật tiếp theo, điều đó chẳng có gì là xấu, chỉ là do Việt Nam chưa có tiền lệ đó. Khi nghe triển lãm "Filters" bán vé giá cao, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, mời người ta đến triển lãm chưa chắc người ta đã đi, huống hồ gì là bán vé, mà còn bán vé mắc. Nhưng khi tham dự triển lãm, thấy phòng triển lãm đông đảo, tôi biết mình đã sai vì rất nhiều người yêu nghệ thuật và muốn đến thưởng lãm nghệ thuật trong một triển lãm chuyên nghiệp".

Không chỉ có thói quen xem triển lãm miễn phí, nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung khi nhận quyết định làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ quan điểm: "Tôi cương quyết không chấp nhận chuyện vé mời. Một buổi biểu diễn chỉ có hơn 20 khán giả, tôi sẽ nói với diễn viên và mọi người rằng "Hôm nay chúng ta có 20 khán giả", chứ không có chuyện phát vé mời cho kín rạp. Diễn viên nhà hát của tôi bây giờ cũng phải thay đổi suy nghĩ theo hướng như vậy. Tôi cho rằng cách để tiêu diệt nghệ thuật nhanh nhất chính là mời khán giả. Hãy so sánh với việc đi ăn sáng, nếu mình đi ăn mà ăn bằng tiền của chính mình bao giờ cũng sẽ thấy ngon hơn là được người khác mời".

Chợt nhớ, sinh thời nhà văn Sơn Nam không bao giờ tặng sách của mình cho ai, với lý do: "Bạn đọc phải mua sách thì nhà văn mới sống được. Hơn nữa, phải mất tiền mua sách thì người ta mới chịu đọc cho nghiêm túc!".

Lê Thiếu Nhơn
.
.