7 tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim thành công nhất năm 2018

Chủ Nhật, 27/01/2019, 14:56
Năm 2018 là một năm thực sự phong phú trong lĩnh vực chuyển thể thành phim các tác phẩm văn học. Có cả thành công lẫn thất bại...


Trong số những chuyển thể thất bại có thể kể đến bộ phim "Cỗ máy thần" dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Philip Reeve hay "50 sắc thái tự do" dựa trên tiểu thuyết cùng tên của E.L.James. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc 7 bộ phim chuyển thể thành công nhất năm 2018.

1. "Làm thế nào nói chuyện với các cô gái tại những bữa tiệc"

Đây là bộ phim hài lãng mạn khoa học viễn tưởng của đạo diễn John Cameron Mitchell, dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Anh Neil Gaiman.

Cảnh trong phim "Làm thế nào nói chuyện với các cô gái tại những bữa tiệc".

Chuyện phim đưa chúng ta trở lại bầu không khí của nước Anh những năm 70 của thế kỷ trước, thời thịnh hành của nhạc Rock và Roll. Nhân vật chính là Enn, cậu thiếu niên nhút nhát, cùng với những người bạn thân nhất của mình tình cờ gặp một nhóm thanh, thiếu niên kỳ lạ ngoài hành tinh đến thăm Trái đất để hoàn thành một nghi thức bí ẩn. Điều đó không ngăn Enn yêu Zan, một cô gái ngoài hành tinh xinh đẹp và nổi loạn, cũng say mê anh. Bên nhau, họ dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy mê hoặc xuyên qua thế giới nhạc Punk Rock đầy động lực của những năm 1970 ở London.

Bộ phim được công chiếu lần đầu tại LHP Cannes năm ngoái. Nếu bạn là một khán giả bình thường, "Làm thế nào nói chuyện với các cô gái tại những bữa tiệc" sẽ chinh phục bạn ngay từ những phút đầu khiến bạn không thể rời mắt khỏi màn ảnh.

2. "Vùng hủy diệt"

Đây là bộ phim trinh thám, khoa học viễn tưởng, kinh dị của đạo diễn Alex Garland, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Jeff VanderMeer.

Cảnh trong phim"Vùng hủy diệt".

Nhân vật chính của phim là Lena, nhà nghiên cứu về tế bào, cùng một nhóm các nhà khoa học nữ  tham gia cuộc thám hiểm vào một vùng đất dị thường xuất hiện xung quanh một thiên thạch vừa rơi xuống, họ nhanh chóng phát hiện ra trong không gian này không thể truyền sóng radio ra bên ngoài, và những dạng sống ở đây được sinh sôi nhờ sự bắt chước và mô phỏng lại sinh, thực vật trên trái đất. Những người đến đó trước họ đều biến mất hoặc chết trong những điều kiện bất thường.

Đạo diễn Alex đặt câu hỏi về sự hủy diệt mà con người sẽ gặp phải, một sự huỷ diệt không làm con người biến mất, mà tái tạo lại giống loài mới như một câu hỏi mở về tương lai. Bộ phim đưa khán giả đến những câu hỏi triết lý mà bản thân đạo diễn không thực sự biết hoặc muốn trả lời.

3. "Gấu Paddington 2"

Đây là bộ phim hài về đề tài gia đình của đạo diễn Paul King, dựa trên những câu chuyện của nhà văn Anh Michael Bond.

Cảnh trong phim "Gấu Paddington 2".

Nhân vật chính là chú gấu nhỏ Paddington đáng yêu đến London từ một khu rừng rậm của Peru. Tại ga tàu hỏa King's Cross, chú làm quen với các thành viên gia đình Brown, sau đó về sống cùng họ và vui vẻ hòa nhập với gia đình. Khi dì Lucy chuẩn bị tổ chức sinh nhật lần thứ 100, cậu quyết định đi tìm một món quà quý giá, nhưng rồi đánh mất nó khi đang trên đường trở về quê hương.

Trong khi tìm kiếm món quà, Paddington phát hiện ra một cuốn sách độc nhất tại cửa hàng đồ cổ của ông Gruber và bắt tay vào một loạt việc vặt để mua. Nhưng khi cuốn sách bị đánh cắp, thì Paddington và các thành viên gia đình Brown lại đi lùng bắt tên trộm bằng mọi cách.

4. "Đấu trường ảo"

Đây là bộ phim khoa học viễn tưởng do Steven Spielberg sản xuất và đạo diễn, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Ernest Cline.

Cảnh trong phim "Đấu trường ảo".

Năm 2045, phần lớn các trung tâm dân cư trên Trái đất đã trở thành  những khu nhà ổ chuột. Để trốn tránh thực tại ấy, con người bắt đầu tham gia vào thế giới ảo mang tên OASIS do James Halliday sáng tạo ra, nơi họ có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau như giáo dục hay giải trí. Trước khi qua đời, Halliday để lại bức di chúc rằng ông đã giấu ba chiếc chìa khóa ảo bên trong OASIS, và kẻ nào tìm thấy chúng sẽ nắm quyền kiểm soát thế giới ảo, đồng thời trở thành chủ nhân cuộc sống tinh thần của người dân trên toàn thế giới.

Đáp số cho bài toán vô cùng hóc búa này của James Halliday chỉ xuất hiện khi cậu nhóc 18 tuổi Wade Watts với biệt danh Parzival trong OASIS hóa giải thành công con đường tới kho báu thứ nhất - chiếc chìa khóa đồng - nhờ tài năng, niềm đam mê tìm hiểu cuộc đời Halliday, cộng thêm một chút may mắn. Nhưng để tìm ra hai kho báu còn lại - chiếc chìa khóa ngọc và chìa khóa pha lê - Parzival cần tới sự trợ giúp của những thành viên còn lại của nhóm bạn High Five.

5. "Thương mến, Simon" 

Đây là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết có tên "Simon vs. Chương trình nghị sự Homo Sapien" của nữ văn sĩ Mỹ Becky Albertflli.

 Nhân vật chính Imon có cuộc sống bình thường bên gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, Simon luôn giấu kín một bí mật: cậu là người đồng tính. Mọi chuyện đều trôi qua yên ả cho đến một ngày xuất hiện những dòng tâm sự của nhân vật với bí danh Blue trên diễn đàn học sinh của trường rằng mình đồng tính và đang có những cảm xúc rất bấp bênh.

Đồng cảnh tương thân, Simon tức thì bị cuốn hút và tìm cách bắt chuyện với Blue. Trong một lần sơ suất, Simon đã vô tình làm lộ những bức thư điện tử trao đổi giữa hai người và bị cuốn vào những rắc rối khiến bí mật của cậu bị tung lên diễn đàn. Mọi thứ tốt đẹp quanh Simon dường như vụn vỡ.

6. "Lời thỉnh cầu bí ẩn"

Đó là bộ phim kinh dị bí ẩn hài của đạo diễn Paul Feig, dựa trên tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nữ văn sĩ Mỹ Darcey Bell.

Stephanie Smothers là bà mẹ trẻ đơn thân, chuyên dạy nội trợ trên mạng xã hội. Trong một lần đón con, cô gặp và kết thân với Emily Nelson - nữ doanh nhân giàu có, xinh đẹp đang sống bên người chồng là nhà văn nổi tiếng và cậu con trai. Họ trở thành bạn thân và gặp nhau thường xuyên. Nhưng Emily đột nhiên mất tích sau khi nhờ bạn đón con hộ. Trước sự biến mất bí ẩn của bạn thân, Stephanie lần theo các manh mối để tìm ra sự thật. Cô bắt đầu khám phá những bí mật bên dưới cuộc sống tưởng chừng hoàn hảo của Emily.

Tiểu thuyết trinh thám "Lời thỉnh cầu bí ẩn" khi chuyển thể lên màn ảnh rộng có không khí khá nhẹ nhàng, thiên về hài châm biếm hơn là trinh thám, dù câu chuyện càng về sau càng có nhiều chi tiết bất ngờ.

7. "Hiệp hội văn học và vỏ khoai tây Guernsey"

Đó là bộ phim tình cảm lãng mạn lịch sử của đạo diễn Mike Newell, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của  hai nữ văn sĩ Mỹ Mary Ann Shaffer và Annie Barrows.

 Lấy bối cảnh năm 1946, câu chuyện diễn ra ở London thời hậu chiến nơi nữ văn sĩ trẻ tên là Juliet đang tìm kiếm một cách vô vọng ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết mới của mình. Hết sức tình cờ, chị làm quen với một cư dân đảo Guernsey, vốn bị cách ly hoàn toàn với mọi nền văn học trong thời gian bị Đức chiếm đóng. Theo diễn biến của câu chuyện, cô gái gặp gỡ rất nhiều người khác nhau, họ mang đến cho cuộc đời cô một cái gì đấy lớn lao hơn là cảm hứng sáng tác đơn thuần.

Tuy là bộ phim về chiến tranh, nhưng "Hiệp hội văn học và vỏ khoai tây Guernsey" đã mang lại cho khán giả nhiều cảm hứng lãng mạn hơn là sự bi lụy, đau khổ.

Trần Hậu (tổng hợp) - Xuân 2019
.
.