5 văn nghệ sĩ tài danh tuổi sửu
Người tước ấn kiếm vua Bảo Đại
Trần Huy Liệu đã tả lại những ngày thăng hoa này trong ký sự "Những giờ phút phấn khởi nhất trong đời tôi" in trên tạp chí "Tiên phong" của Hội Văn hóa Cứu quốc số đặc biệt (gộp 3 số: 15, 16, 17) chào mừng một năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông từng được cử làm Trưởng phái đoàn Việt Minh vào kinh thành Huế để chứng kiến và tước ấn kiếm của Vua Bảo Đại sau khi thoái vị.
Ngoài nhiệm vụ cách mạng, ông còn viết báo cho tờ "Cứu quốc", "Sao vàng"… và cuối cùng là chủ bút tập san "Nghiên cứu lịch sử".
Từ tuổi thanh xuân, Trần Huy Liệu đã là một tác giả được nhiều người biết tiếng. Năm 1927, ông đã sáng lập và làm chủ nhiệm "Cường học thư xã" ở Sài Gòn, xuất bản được 23 cuốn, trong đó có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang như "Một bầu tâm sự", "Ngục trung ký sự", "Tân quốc dân"… Sau cách mạng, ông nổi tiếng với những hồi ký "Nghĩa Lộ vượt ngục", "Dưới hầm Sơn La"…
Những năm Sửu trong đời Trần Huy Liệu là những năm ghi dấu nhiều sự kiện: Năm Ất Sửu 1925, ông bắt đầu làm thơ và viết báo. Năm Đinh Sửu 1937, là năm cực thịnh của tờ "Tin tức" mà ông làm chủ bút. Năm Kỷ Sửu 1949, ông đã đưa ra 12 cuốn trong bộ "Dự thảo cách mạng cận đại Việt
Sinh thời, Trần Huy Liệu đã được Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức tặng danh hiệu Viện sĩ Thông tấn khi ông đang giữ chức Viện trưởng Viện Sử học. Ông mất ngày 28/7/1969 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học đợt I năm 1996.
Người tạc "Hòn vọng phu" âm thanh:
Đó là nhạc sĩ Lê Thương, một trong những cánh chim đầu đàn của tân nhạc Việt
Lê Thương có thiên hướng âm nhạc từ nhỏ. Ngay từ năm 1936, ông đã viết "Trưng Vương" với thanh âm và tiết tấu rất Việt
Bên cạnh sáng tác bài hát, Lê Thương còn tập hợp quanh mình một nhóm học sinh ca hát mà thời ấy gọi là nhóm "híp pi tiền chiến" gồm những Hoàng Quý, Canh Thân, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (nay là nhạc sĩ Tô Vũ), Văn Cao, nàng Cúc Hương (tức hoa khôi Nguyễn Thị Cúc Hương), nàng Thư Nhàn… Ông như người khơi nguồn cho nhóm "Đồng vọng" sau này do Hoàng Quý làm huynh trưởng.
Mùa thu 1938, "Bản đàn xuân" của Lê Thương được ấn hành trên báo Ngày nay cùng "Bông cúc vàng" của Nguyễn Văn Tuyên và "Bình minh" của Nguyễn Xuân Khoát. Ít tháng sau, nhóm "híp pi tiền chiến" đã tập tành công phu và đã lần đầu tiên trình diễn những tác phẩm bàng bạc phong vị Á Đông của Lê Thương như "Tiếng đàn đêm khuya", "Một ngày xanh", "Thu trên đảo Kinh Châu", "Trên sông Dương Tử"… tại Nhà hát Lớn Hải Phòng trong không khí hoạt động của "Hội ánh sáng" mà nhà thơ Thế Lữ khuấy lên trong mùa hè 1939.
Năm 1941, Lê Thương cùng gia đình vào Nam Bộ mưu sinh, đồng thời để truyền bá tác phẩm của mình, nhưng do tân nhạc ở Nam Bộ lúc đó chưa gây được nhiều ảnh hưởng trong dân chúng nên cố gắng của Lê Thương chưa được đáp đền. Phải đến vài năm sau, tân nhạc mới nở rộ ở Sài Gòn.
Lê Thương vừa viết báo về âm nhạc, vừa dạy nhạc, vừa nung nấu những sáng tác tầm cỡ hơn. Và trong những năm ấy, bộ ba "Hòn vọng phu" âm thanh bất tử đã ra đời với những câu lục bát nôm na mở đầu: "Đời xưa đời xửa vua gì/ Có nàng đứng ngóng chồng về đầu non/ Thế rồi mong mỏi mong mòn/ Thế rồi hóa đá ôm con đứng chờ…".
"Hòn vọng phu II" được Lê Thương viết năm 1946 khi ông tham gia kháng chiến ở Nam Bộ. Hình như ông muốn gửi gắm chút tâm sự về cuộc binh lửa này chăng?
Nhạc sĩ Lê Thương mất ngày 18/9/1996 vào giờ Tỵ, để lại bộ từ điển âm nhạc Việt
Người "biến sỏi đá thành cơm"
Sau ngày Hải Phòng giải phóng, tôi mới bắt đầu được nghe những giai điệu lạ - không phải là giai điệu lãng mạn của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy… mà là những giai điệu hùng tráng thời chống Pháp đã vang khắp phố phường đất Cảng. Song giữa những hành khúc phơi phới đó, lại nghe đằm một giai điệu rất trữ tình: "Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi…".
Giai điệu ấy được dàn hợp xướng của các anh chị tôi ở trường cấp 3 Ngô Quyền trình diễn rất truyền cảm, rất ấn tượng. Vài năm sau, tôi tình cờ mua được ở hiệu sách một tập bài hát in khổ to, lúc đó tôi mới biết đấy là bản hợp xướng "Bộ đội về làng" của nhạc sĩ Lê Yên - một đỉnh cao trong sáng tạo âm nhạc Việt Nam đương đại phổ thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh năm ất Sửu 1925 tại Nghệ An, trong một gia đình thầy đồ Nho ở Quỳnh Lưu. Ông tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh. Trong kháng chiến, ông hoạt động văn nghệ tại vùng tự do khu Bốn. Bài thơ được nhạc sĩ Lê Yên phổ nhạc đã được viết vào những năm đó. Có một cái gì thô mộc nhưng sâu sắc gợn lên trong tôi một nhận thức về một nhà thơ - một ông đồ xứ Nghệ.
Cũng thật lạ là câu thơ: "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Ai đã từng dấn thân những năm tháng Trường Sơn, hẳn không quên những nương lúa, ngô, sắn do chính con người làm ra từ sỏi đá để nuôi sống cuộc chiến đấu, thì mới thấy câu thơ quả là đáng chiêm nghiệm.
Tôi được ngồi uống rượu lần đầu tiên với Hoàng Trung Thông vào dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau lễ, chúng tôi kéo ông về gác nhà tôi. Đêm ấy, nóc gác nhà tôi chật những bạn bè. Ông Thông uống rượu như một tửu đồ đến mức Thiền. Càng uống, những ý tưởng mới lạ càng vụt ra ở những thần hứng của ông. Và từ đấy, tôi thành "bạn rượu vong niên" của ông.
Những năm gần cuối đời, ông Thông yếu nhiều nhưng vẫn ham uống. Ông không dám sang đường mà đi men theo vỉa hè từ nhà (bên chẵn phố Ngô Quyền) quẹo trái sang quán rượu của Trần Chí Thắng ở 41 Trần Hưng Đạo. Vì hay ngồi ở bàn rượu dưới khóm trúc, ông đổi tên quán thành "quán Trúc Viên". Nhờ Tiên chỉ của họ Hoàng mà "Trúc viên thi quán" hoàn thành. Tập thơ cuối cùng của ông - tập "Mời trăng" đã ra mắt ở đây.
Bây giờ "quán Trúc viên" đã mất. ông Tiên chỉ họ Hoàng cũng đã bay vào cõi xa xăm làm một Lưu Linh từ 1993.
Người thúc giục "Đào công sự" một thời
Đó là NSND Quý Dương - một giọng ca vàng của thời chống Mỹ. Ông sinh năm Đinh Sửu 1937 tại Thượng Cát - Gia Lâm - Hà Nội. Khi đoàn quân về giải phóng Thủ đô thì Quý Dương 17 tuổi. Ông đã hát vang những bài ca cách mạng và ca ngợi chế độ mới cùng bạn bè học sinh, thanh niên Hà Nội.
Quý Dương cùng Trần Hiếu, Trung Kiên nhanh chóng tạo thành "tam giác giọng ca vàng" sau tam giác "Quốc Hương - Trần Khánh - Trần Thụ", sau những năm tu nghiệp tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Với chất giọng nam trung đầy truyền cảm theo dòng Belcanto, Quý Dương đã là giọng ca cho những vai diễn chủ yếu trong các nhạc kịch bằng diễn xuất rất cuốn hút ở thời "vàng son" của Opéra Việt Nam.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ ập đến, Quý Dương như một người lính xung trận, tấu lên bao giai điệu hào hùng thúc giục người lính. Quý Dương đã thật khỏe khoắn với giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: "Ta lại đào công sự/ Cho trận chiến đấu ngày mai/ Nào tay cuốc (ấy) tay mai ta đào nhanh lấy, dân làng ơi!...". Rồi anh vào tuyến lửa hào sảng những "Bài ca cầu phao" (Trọng Bằng), "Tôi đang nghe rõ lời anh" (Đỗ Dũng - thơ: Phan Cung Việt)…
Một cựu binh Khe Sanh kể rằng trước hoàng hôn xuất quân, đơn vị anh đã nghe Quý Dương hát đến say lòng hành khúc "Mỗi bước ta đi" của Thuận Yến, để rồi tất cả đều dấn thân tự nguyện dâng hiến, tự nguyện hy sinh trong trận chiến ác liệt.
Tôi thực sự thân thiết với Quý Dương khi anh cùng bạn hữu Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam xây dựng đêm nhạc Văn Cao trình diễn liên tục hơn 60 đêm ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc suốt năm 1988. Và sau đó còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm. Những đêm ấy, Quý Dương thêm một lần khẳng định mình qua những "Đàn chim Việt", "Bắc Sơn" và đặc biệt là "Thăng Long hành khúc ca". Khi Quý Dương vút lên: "Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành" có cảm giác như câu hát không ngân lên từ thanh quản mà bật thẳng từ trái tim.
Từng tu nghiệp ở nhạc viện Sofia - Bulgaria, Quý Dương đã tự tổng hợp được cách hát phương Tây với cách hát dân tộc để dạy cho bao thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong làng "thanh nhạc Việt Nam".
Người nhìn nụ hôn "như lá":
Đó là nữ thi sĩ có cái tên rất lạ: Lâm Thị Mỹ Dạ. Bà sinh năm Kỷ Sửu 1949 tại Lệ Thủy, Quảng Bình.
Lâm Thị Mỹ Dạ sớm được người yêu thơ biết đến và sớm thành danh vào năm Quý Sửu 1973 bởi bài thơ "Khoảng trời hố bom" được giải nhất đồng hạng cùng Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm trong cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973.
Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973 đã đem đến cho nữ thi sĩ một duyên phận khi bà gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - lúc đó là Trưởng ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Và từ đó, cặp uyên ương này song hành trong văn nghiệp với những thăng trầm, những vui buồn còn hơn cả những trang tiểu thuyết. Nó đẹp hơn văn xuôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường và nó hồn nhiên hơn thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tôi bắt đầu chơi và thân với vợ chồng Mỹ Dạ từ khi chúng tôi cùng về học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du vào cuối năm 1979. Mỹ Dạ được nhà trường phân cả một phòng trong dãy nhà mái tranh vách đất, các phòng được ngăn bằng những vách nứa (bởi vì có gia đình).
Ngày ấy, nghèo và khó khăn nhưng lại vui vì con người vẫn chưa mất thói quen chia sẻ với nhau trong cơn "bĩ cực". Chúng tôi thường chia sẻ với Mỹ Dạ không chỉ ở những đỡ đần nho nhỏ mà còn ở những nhọc nhằn vận hạn mà số phận mang tới.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vượt hẳn lên những năm tháng trước. Dù vẫn giữ nguyên được sự hồn nhiên, thì đằng sau sự hồn nhiên ấy đã lấp lánh những triết lý sâu sắc của đời sống. Đó là cách mà nhà thơ Mỹ đoạt giải Nobel văn học Robert Frode từng tâm niệm: "Thơ khởi đầu là sự ngây thơ nhưng kết cục là sự khôn ngoan".
Một hôm Mỹ Dạ đọc cho tôi một bài thơ có tựa đề "Như lá": "Nhìn lá cứ ngỡ là lá ngọt/ Bởi lá tơ non mơn mởn nhường kia/ Lá tươi thắm xua mùa đông rét buốt/ Hỡi chiếc hôn em có là như lá không…".
Nhìn nụ hôn mà như lá, là một thi ảnh mới mẻ mà trước đấy, Mỹ Dạ chưa nhìn được. Bởi thế Mỹ Dạ từng nói về nghề thơ: "Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó…". Bài "Như lá" như một bước chuyển quan trọng trong thi nghiệp Mỹ Dạ. Sau đó, nó đã hiện diện trong tập "Bài thơ không năm tháng" - tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt
Ở Huế, vợ chồng Mỹ Dạ ngụ tại một căn nhà thuộc chung cư ngay sát dốc Phú Cam. Đó là căn nhà mà Trịnh Công Sơn ở từ lâu. Đến khi Trịnh Công Sơn phải dời Huế vào Sài Gòn thì để lại cho bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường và gia đình. Bởi thế, đến căn nhà vừa chia sẻ với vợ chồng Mỹ Dạ, lại vừa như chạm phải những ký ức của Trịnh Công Sơn.
Suốt mười năm qua, từ khi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường bị xuất huyết não liệt giường, Mỹ Dạ đã bỏ chuyến đi Mỹ giao lưu thơ, ở nhà để chăm sóc chồng. Sự kiên nhẫn của bà thật đáng nể trọng. Ông Tường từ chỗ bất tỉnh đến chỗ có thể viết trở lại những bài bút ký hay là một thành công ở ngoài thuốc thang. Hai cô con gái, một thì làm kinh doanh giỏi, một trở thành nhà thơ (Hoàng Dạ Thi). Cùng tắc biến, Mỹ Dạ vẫn chăm sóc chồng từng ngày, lại còn viết ca khúc nữa mới vui. Ca khúc của Dạ cũng hồn nhiên như thơ của bà