Mang giọng điệu "mới" đến với thơ Đường

Thứ Năm, 10/01/2008, 15:30
Với ước vọng được hòa quyện chất liệu tâm hồn mình vào với thế giới nội tâm của những thi nhân ở xứ sở khác, và với tham vọng góp phần đem đến một giọng điệu "mới" cho thơ Đường, nhằm làm cho thơ Đường không chỉ gần gũi với các bậc cao niên mà ngày càng gần hơn với các bạn trẻ, Trương Nam Hương đã có nhiều nỗ lực và kết quả là anh đã cho "ra đời" tập "Đường thi ngẫu dịch".

Trước tiên tôi phải giới thiệu ngay là: Tác giả của tập thơ dịch này tuổi đời còn trẻ. Anh thuộc lứa nhà thơ trưởng thành từ cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước và thành tựu chủ yếu là ở mảng sáng tác.

Đến nay, anh đã từng gặt gái được nhiều giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989-1990, Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000.

Về thơ dịch, anh cũng từng đoạt giải nhì cuộc thi do tạp chí Văn học nước ngoài tổ chức với bản dịch bài thơ "Chiếc lá" của nhà thơ Nga Nicôlai Rútxốp. Anh là nhà thơ Trương Nam Hương.

Có lẽ bạn đọc sẽ rất bất ngờ, ngạc nhiên khi tôi tiết lộ thêm rằng: Trương Nam Hương không hề biết tiếng Nga và cũng chưa một lần đặt chân tới xứ sở bạch dương.

Nhưng điều ấy không hề ngăn cản việc thông qua bản dịch nghĩa bài thơ Rútxốp của một người bạn, anh đã thăng hoa cảm xúc và chưng cất thành một bản dịch thơ được xem là  khá thành công, để rồi "qua mặt" không ít nhà thơ đã từng sống và học tập nhiều năm tại Nga mà với tay tới giải thưởng dịch thuật nhắc tới trên.

Cũng vậy, Trương Nam Hương không biết nhiều về chữ Hán. Theo anh tâm sự thì từ bản phiên âm, anh "lờ mờ hiểu được 70% về nghĩa". Còn đối mặt với chữ Hán, anh phải dùng từ điển để… tra cứu.

Cũng may, những bài thơ anh chọn dịch trong tập này hầu hết đều là những bài rất nổi tiếng, rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam và được "các cụ nhà ta trước kia dịch nghĩa cả rồi". Bởi vậy tác giả tự thấy mình không cần thiết phải tốn thời gian để học tiếng Hán và dịch nghĩa các bài thơ lại nữa.

Thật ra, việc một nhà thơ không rành ngoại ngữ nhưng từ bản dịch nghĩa của người khác, đã có những thành tựu trong việc dịch thơ không phải là chuyện quá hiếm xưa nay. Chỉ nói riêng ở Việt Nam ta thôi: Trong giới văn học ai cũng biết là nhà thơ Xuân Diệu không hề biết tiếng Nga. Vậy mà ông lại là tác giả bản dịch trường ca "V.I. Lênin" của thi hào Nga Maiacốpxki phổ biến một thời.

Ấy là bởi ông khai thác triệt để bản dịch nghĩa của GS Hoàng Xuân Nhị. Nhà văn Thái Bá Tân rất giỏi tiếng Nga, tiếng Anh, song khi dịch thơ Đường ông cũng chủ yếu dựa vào bản dịch nghĩa của các bậc tiền nhân. Nhà thơ Đỗ Trung Lai hiện cũng đang đau đáu một ước vọng dịch lại những bài thơ Đường mà anh từng thuộc và tâm đắc.

Trong bài viết về Lý Bạch in trên tạp chí Thơ số 8/2007, anh đã giới thiệu một số câu thơ của Lý tiên sinh mà anh gọi là "thử dịch". Rõ ràng, những câu thơ đó đã gây hiệu quả cảm xúc mới, mặc dù vốn liếng chữ Hán của Đỗ Trung Lai hẳn cũng chưa phải đầy đặn.

Trở lại với những bản dịch thơ Đường của Trương Nam Hương. Đúng như tên gọi của tập sách: "Đường thi ngẫu hứng", tác giả thấy thích bài nào dịch bài đó, mà cơ bản là chọn những bài rất nổi tiếng, nên tính ưu việt (nếu có) trong bản dịch của Trương Nam Hương dễ được các bậc thức giả nhận biết ngay vì họ có điều kiện để so sánh với bản dịch của những người đi trước.

Bài "Tiết thanh minh" của Đỗ Mục, trước đây bạn đọc nước ta đã quá quen với bản dịch theo thể thơ lục bát của Tương Như "Thanh minh lất phất mưa phùn/ Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa/ Hỏi thăm quán rượu đâu à/ Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài".

Bây giờ, Trương Nam Hương chuyển thể sang tiếng Việt đúng như cấu trúc khổ thơ trong nguyên bản tiếng Hán (nghĩa là anh vẫn giữ nguyên mỗi câu 7 chữ).

Bài thơ không trĩu nặng một sự cam chịu như trong âm điệu của bản dịch trước, song vẫn làm toát lên được cái hoang lạnh của cảnh trí và của lòng người: "Thanh minh vào tiết mưa thăng thắc/ Dẫm lối người đi ảo não hồn/ Cho hỏi nơi đâu là quán rượu/ Mục đồng chỉ hút Hạnh Hoa thôn". Mấy chữ "mưa thăng thắc" là cách dùng từ mang đậm phong cách Trương Nam Hương và cho thấy sự "quẫy cựa" trong cảm xúc của anh.

Ngoài ra, ở câu cuối của bài thơ, Trương Nam Hương mạnh dạn bỏ đi hai chữ "thôn ngoài" vốn không có trong nguyên bản. Như vậy, giữa hai bản dịch đã có sự bổ sung cho nhau.

Bài "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu, mặc dù bản dịch của thi sĩ Tản Đà bị xem là có những chỗ chưa thật thoát ý, song đến nay về cơ bản giới nghiên cứu văn học nước ta vẫn đánh giá đó là một bản dịch tài hoa, chữ nghĩa có những chỗ thần tình.

Trương Nam Hương đã dịch lại bài thơ này. Hai câu "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du" được anh dịch ra là: "Hạc xa chẳng lại bao giờ/ Ngàn năm lơ lửng nỗi chờ trắng mây". Thật khó để có thể khẳng định so với 2 câu thơ của bản dịch cũ "Hạc vàng bay mất từ xưa/ Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay", 2 câu dịch mới này là đắc địa hơn.

Song dẫu sao, ít nhiều nó cũng nói được cái ý về một cái gì còn lơ lửng, không bay (không du du), là điều mà trong bản dịch cũ chưa nói được. Riêng câu cuối bài "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" mà Trương Nam Hương dịch là "Trên sông khói sóng khơi buồn lòng ai" (bản dịch cũ: Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai), xem chừng chữ "khơi" đặt vào đây hợp hơn.--PageBreak--

Bài "Xuân oán" của Kim Xương Tự, qua bản dịch của Trương Nam Hương, mặc dù anh dùng số chữ tiếng Việt không nhiều hơn nguyên bản, song vẫn nói được đủ ý và vần điệu vẫn chỉnh một cách thanh thoát, tự nhiên: "Đuổi giùm con oanh nhỏ/ Đừng để hót trên cành/ Nó làm tan mộng thiếp/ Đến Liêu Tây bất thành".

Bài "Từ lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" của Lý Bạch lại thể hiện một cách chơi chữ độc đáo của Trương Nam Hương khi anh chuyển từ thơ 7 chữ trong nguyên bản sang thơ lục bát "Từ tây lầu Hạc - người xa/ Tháng ba hoa khói xuôi nhòa Dương Châu/ Chấm buồn hút thẳm xanh sâu/ Thấy Trường Giang vắt ngang bầu trời trôi…".

Cách đảo chữ, vắt chữ theo kiểu "thẳm xanh sâu", "bầu trời trôi…" đã gợi được những điều sâu xa rất khó biểu đạt. Có lẽ, chỉ những người ở lứa tuổi Trương Nam Hương và ở vào thời đại bây giờ mới có cách dịch thế này?

Với ước vọng được hòa quyện chất liệu tâm hồn mình vào với thế giới nội tâm của những thi nhân ở xứ sở khác, và với tham vọng góp phần đem đến một giọng điệu "mới" cho thơ Đường, nhằm làm cho thơ Đường không chỉ gần gũi với các bậc cao niên mà ngày càng gần hơn với các bạn trẻ, Trương Nam Hương đã có nhiều nỗ lực và kết quả là anh đã ít nhiều tạo lập được những bản dịch vừa chặt chẽ về vần điệu vừa bay bổng về ý, tứ.

Có thể khẳng định một số bản dịch khá tài hoa. Việc làm và kết quả thu về của Trương Nam Hương đã làm tôi nhớ tới một nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh (trong "Thi nhân Việt Nam"): "Họ đi tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ, điều kiện cần thiết để hiểu thơ. Cho nên, dẫu dốt nát, dẫu nghĩa câu nghĩa chữ lắm khi họ rất mờ, họ đã hiểu thơ Đường hơn nhiều tay khoa bảng".

Nhà thơ Trương Nam Hương: "Mình muốn sao cho thơ Đường ngày càng gần với lớp trẻ…"

- Khi thực hiện tập sách này, anh có tham khảo bản dịch của các bậc tiền nhân để tránh những chỗ trùng lặp?

+ Có chứ. Với mỗi một bài, mình phải đọc đến 5, 7 bản dịch: Từ Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố… cho đến Ngô Văn Phú. Đọc thế để biết mà tránh dẫm lại vết chân của người đi trước. Ngoài ra, mình còn nhờ tới 7 người phản biện, gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học như Hoài Anh, Mai Quốc Liên, Huỳnh Như Phương, Tố Hoài… Qua phản biện, mình thêm một lần tra cứu, nghiền ngẫm để sao cho có được bản dịch ưng ý nhất.

- Nếu trong dịch thơ, ta cứ cố gắng tránh trùng lặp câu chữ với người đi trước thì không khéo lại làm sai lạc, méo mó tác phẩm. Anh có nhận thấy như vậy?

+ Mình nghĩ, có thể cùng một ý nhưng cách gieo vần, đặt chữ của mỗi tác giả khác nhau. Vả lại, biên độ của thơ Đường rất rộng. Thoạt nghe, ta ngỡ ý tứ, câu cú chặt vậy, nhưng qua tiếng Việt, ta có thể dịch nhiều cách mà vẫn trung thành với nghĩa của nó. Ngay cùng câu chữ vậy nhưng cách cảm của mỗi người khác nhau thì cách thể hiện cũng khác nhau.

- Khi xuất bản, sao anh không cho in kèm bản dịch nghĩa để độc giả có điều kiện đối chiếu xem bản dịch thơ sát nghĩa tới đâu? Hay là vì sợ sách dày, ảnh hưởng đến kinh phí in ấn?

+ Thật ra, toàn bộ chi phí in ấn, mình đều được bạn bè hỗ trợ, như Hội Nhà văn TP HCM tài trợ tiền in, Công ty phát hành sách TP HCM hỗ trợ phát hành… nên mình không tính đến việc phải giảm trang. Mình chỉ nghĩ, ngày xưa, ông nào cũng dịch nghĩa cả. Giờ in lại hóa bằng thừa. Mình muốn người đọc tiếp cận được nhanh nhất tới phần bản dịch của mình.

- Từ đâu anh nảy ra ý tưởng dịch lại thơ Đường, một việc làm không hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh vốn liếng tiếng Hán eo hẹp của anh?

+ Mình đọc nhiều phần thơ dịch của các cụ và nhận thấy, ngoài Tản Đà và một số cụ dịch một cách rất thi sĩ, còn thì cũng có không ít cụ lại chưa thể hiện được chất thơ trong bản dịch.

Mà theo quan điểm của mình thì một số bản dịch, dù là thơ Tây hay thơ Tàu đi nữa, trước hết vừa phải đảm bảo về mặt ngữ nghĩa (tức là tín) vừa phải đảm bảo sự bay bổng của chất thơ (tức là nhã). Một số cụ dịch còn thiếu yếu tố thứ hai này. Có thể thời các cụ sống, ngôn ngữ còn có những hạn chế nhất định.

Thứ nữa, có cụ dịch tuy tài hoa nhưng lại giữ không khí cổ kính quá, ngôn từ sử dụng "rón rén" quá, mà mình muốn sao cho thơ Đường ngày càng phải gần với lớp trẻ bây giờ.

- Ai cũng biết: Thơ Đường rất hàm súc. Việc anh đa phần dùng thể thơ tương ứng để chuyển ngữ như vậy liệu có "gò" quá không?

+ Đúng là thơ Đường rất cô đọng, hàm súc, là đỉnh cao của văn học Trung Quốc. Nhưng chính vì thế mà mình có ý dùng thể thơ tiếng Việt tương ứng để thử khả năng tiếng Việt của mình như thế nào. Khi dịch, mình cũng hay chuyển thể sang lục bát, là thứ thơ chỉ Việt Nam ta mới có. Quan điểm của mình, dịch thơ để phục vụ người Việt thì phải dịch sao cho nó gần gũi với người Việt.

Phạm Thành Chung (thực hiện)
.
.