Ý nghĩa nào của sự ghi nhận?

Thứ Ba, 28/07/2015, 07:50
Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, vào cữ này, làng văn nghệ lại ì xèo chuyện phong tặng NSƯT và NSND. Cái ì xèo ấy bao giờ cũng diễn ra theo hai mô thức tâm lý chung của giới văn nghệ sĩ. Đầu tiên là phản ứng theo kiểu "tôi không cần, phong tặng mà còn bắt làm đơn xin thì không cần". Phản ứng này đơn thuần chỉ là hờn lẫy mà thôi.

Nghệ sỹ nào mà chẳng thích danh hiệu, nhất là những danh hiệu cao quý. Nhưng cảm thấy rắc rối quá thì thôi giận hờn rồi ra vẻ không quan tâm luôn cho nó "thanh cảnh, cao sang". Còn phản ứng thứ hai là phản ứng theo kiểu ức chế "tại sao tôi không được xét mà những người chẳng có giải thưởng, huy chương gì thì lại được xét". Nó rất giống với cách mà một nghệ sỹ hài kịch nổi tiếng bóng gió về chuyện anh "rớt" NSND năm nay. Và đó cũng chỉ là phản ứng thông thường mà thôi, không phải chỉ ở Việt Nam mới có.

Đơn giản, ngay ở Mỹ đó thôi, nơi mà nhiều người cho là "văn minh", chuyện phản ứng kiểu này không hề lạ. Chính nghệ sỹ nổi tiếng Kanye West đã hai lần lên sân khấu của hai đêm trao giải danh giá (MTV Award 2009 và Grammy 2015) để thoá mạ người được giải.

Song, điều đáng ngẫm nghĩ ở câu chuyện thường niên này ở Việt Nam lại nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở hai chữ "ghi nhận", thứ đúng nghĩa nhất của một giải thưởng.

Trong mọi lĩnh vực, phần thưởng bằng vật chất đều bị xếp sau một thứ tối thượng là sự "ghi nhận". Sự ghi nhận chính là đánh giá đúng đóng góp, công lao của người được ghi nhận bởi khách quan. Không có gì sung sướng bằng việc khách quan khen ngợi mình và với nghệ sỹ thì điều đó lại càng hạnh phúc hơn nữa. Họ nói về mình nhiều rồi, giờ được người khác nói về mình, đặc biệt là đồng nghiệp có cương vị, có chuyên môn, chuyện ấy càng sướng khoái hơn nữa.

Cái khúc mắc chính của việc phong tặng NSƯT, NSND ở Việt Nam nằm ở chính chỗ ấy. Chúng ta vẫn bị thói quen hành chính đơn thuần nên khi có danh sách rút gọn cho những ứng cử viên, cơ quan chủ quản lại yêu cầu chính đối tượng phải nộp bộ hồ sơ trong đó có cả đơn và bản liệt kê thành tích. Cái đơn là thứ tất nhiên cần phải bỏ, phải xóa ngay rồi bởi phong tặng không phải là chuyện xin rồi cho. Nhưng bỏ được cái đơn chưa hẳn câu chuyện sẽ trở lại bình thường. Cái cần phải bỏ thêm nữa chính là bản liệt kê thành tích, thứ mà lẽ ra người được phong tặng nghiễm nhiên không cần làm bởi những ai ghi nhận người được phong tặng phải là người thấu hiểu nhất họ phong tặng cho đối tượng vì những nguyên nhân gì.

Sự ghi nhận đến từ khách quan đã biến tướng khi chính mình ngồi liệt kê thành tích của mình. Tư duy ấy, cách làm ấy cần phải được thay đổi ngay lập tức.

Và hơn nữa, để tạo động lực phát triển xã hội, các cơ quan quản lý cũng nên phải có những lưu trữ cập nhật về thành tích của những người hoạt động trong ngành một cách chủ động. Việc ấy thì không chỉ ở bên mảng văn hoá mà ngay cả mảng thể thao cũng yếu kém. Lướt qua website của LĐBĐ Việt Nam chẳng hạn, đố ai tìm được số lần khoác áo ĐTQG, số bàn thắng cho ĐTQG, cho CLB của các danh thủ. Dường như, ai cũng đã quen với cái việc là "thành tích của bạn thì tự bạn phải nhớ" rồi thì phải?.

Xem ra, biết ghi nhận người khác cũng là một hành vi có văn hóa vậy. Nhưng quan trọng là có chủ động để biến mình trở thành người có văn hóa hay không thì lại là chuyện khác.

Đan Anh
.
.