Chuẩn mực thời smartphone

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:36
Ngày nay, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những nhóm thích hoài cổ. Họ có cùng đam mê đồng hồ, gốm, đài, xe máy dream… và vố số những thứ trở nên quý báu qua thời gian. Sở thích khá phổ biến ấy nói lên một điều: qua sự sàng lọc của thời gian, nhiều sản phẩm do chính bàn tay con người làm ra được phủ lên một lớp mạ của sự sùng bái.


Nhưng, dù làn sóng hoài cổ ấy có tạo nên cơn sốt trên thị trường, trong đời sống tinh thần đến đâu thì chúng ta cũng đâu thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của những giá trị hôm nay. Chiếc đồng hồ điện tử cho độ chính xác cao, có khả năng báo thức, gọi điện, nhắn tin, định vị; chiếc xe tay ga có những cải tiến vượt trội; chiếc bình giữ nhiệt thuận tiện cho những chuyến phượt thú vị… Chúng ta sử dụng những thành tựu mới để nâng cao đời sống nhưng hình như chúng đã xâm thực vào đời sống và phần nào tác động đến tư duy của chúng ta.

Vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, lứa học trò lớp chúng tôi phải trải qua một thử thách của cô giáo dậy toán. Số là, bước vào lớp cô thường dành thời gian kể về một bộ phim nào đó đang được nhiều người quan tâm trên ti vi. Ở thời điểm ấy, truyền hình là kênh giải trí duy nhất nên hễ cứ đứa nào sơ ý nói leo vào dòng cảm nhận về phim truyền hình của cô là y như rằng trong giờ sẽ bị cô gọi lên bảng làm bài tập vì chứng tỏ đêm qua không học bài. Giờ phim truyện trùng với giờ học, mùa Euro, mùa Word Cup cũng là mùa thi, hình như vì những bộ phim tình cảm đó, vì mùa hè sông động với trái bóng đó mà không ít nam thanh, nữ tú một thời đã vỡ mộng trở thành sinh viên đại học.

Smartphone đã thay đổi cuộc sống của chúng ta-nguồn trusmart.com.vn 

Đầu thế kỉ XXI, những cậu thanh niên mới lớn thuộc dạng sành điệu nhất thường tìm đến những quán chat để phiêu cùng những nick yahoo chat. Ngày đó, "chít", "chát" và chơi game đều trở thành những mối lo ngại không nhỏ cho thày cô và gia đình. Ai có thể tin nổi, chỉ chưa đầy hai thập kỉ sau, chúng ta đã coi internet là thứ oxy thứ hai trên địa cầu này. "Không có mạng" trở thành nỗi ám ảnh nhất đối với những ai phải lặn lội đến những vùng trắng internet. Mạng kết nối con người ở những vùng xa xôi với nhau, mạng là  kho tri thức hoa học, kinh nghiệm. Và không chỉ có thế, mạng đang trở thành một thực tại khác với môi trường kinh doanh, văn hóa ứng xử, là nơi bộc lộ quan điểm sống, nơi xuất hiện cả cái ác, cái xấu…

Chưa dừng lại ở đó, đến lượt chiếc smartphone ban đầu chỉ có tác dụng nghe, gọi thông thường bỗng chốc trở thành người phụ tá trong giao dich, lưu trữ thay cho sổ sách, ti vi, lá phiếu bầu chọn, thậm chí là cánh tay đánh hôi, cho cái miệng moi móc, chê bai người khác. Chúng ta giật mình nhận ra: vượt qua cả tầm ảnh hưởng của chiếc nạng gỗ với người tàn tật, chiếc kính cận với người cận, máy trợ thính của người già, smart phone đã trở thành những chuẩn mực mới bởi chính công năng của nó bằng những câu hỏi: Bạn sẽ như thế nào khi không có  smart phone để kết nối zalo, face book? Bởi, thời của xe ôm, xe taxi công nghệ, của các giao dịch trực tuyến đặc biệt là khi việc tiếp xúc trực tiếp giữa người và người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trong thời đại mà "bầu khí quyển" của công nghệ đang bao chùm, thay vì phục vụ cho số đông, các nhà kinh doanh hướng đến nhóm khách hàng sử dụng tiện ích với nhiều ưu đãi để tránh những rủi rõ đáng tiếc và qua đó tạo nên sức lan tỏa trong việc quảng bá thương hiệu. Ví như, khi anh bán sản phẩm của mình cho 100 khách hàng đến mua tại cửa hàng, 100 lời khen ấy không thể có sức lan tỏa bằng một comment (bình luận) của một vị khách trên fan page của face book như: "Áo đẹp, mặc ưng ý quá, cảm ơn shop…". Có thể thấy, từ người nông dân lên nương, anh chàng "công tử" bên xế hộp, người tìm sự chia sẻ, người đang quảng cáo sản phẩm… chiếc smartphone ngày càng gắn bó mật thiết hơn, đeo bám chúng ta nhiều hơn. Bởi thế mà câu chuyện về cuộc gặp gỡ của 10 người bạn quanh chiếc bàn đã trở thành việc 10 người cắm mặt vào điện thoại ngồi cạnh nhau. Cha mẹ ôm smart phone bỏ mặc con cái tự chơi… Nói cách khác, smartphone như một tri kỷ, khiến người ta sao nhãng nhiều thứ xung quanh.

Việc giáo dục, hướng dẫn trẻ biết sử dụng đúng cách, quý trọng smartphone là điều cần thiết- nguồn Thanh niên.

Nhưng, có thật sự ảnh hưởng đó biến smart phone thành một sức mạnh trong đời sống, hình như câu hỏi này đã mở ra những mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của chúng ta.

1. Smart phone vẫn bị kì thị dù mang lại hiệu quả trong đời sống. Ngày nay, các vị phụ huynh đã trở thành những người sử dụng thành thạo smartphone để kết nối với giáo viên chủ nhiệm, với nhà trường và giữa họ với nhau. Bởi, hàng ngày họ vẫn quen sử dụng các ứng dụng (App) trong giao dịch và  giao tiếp xã hội. Nhưng, hễ phải giao smartphone cho con cái là trong lòng họ tràn ngập những lo âu về mối quan hệ nam nữ ở tuổi mới lớn, về tệ nạn xã hội, lo âu bởi sự mất tập trung cho con trẻ. Có điều, cánh cửa ngắn cấm đó sẽ ngày càng mỏng manh trước xu thế đương nhiên của công nghệ. Vấn đề là, con người vẫn phải biết sống, biết làm chủ bản thân mình dẫu ở vào thời đại nào. Bởi thế, giải pháp cấm cản của cha mẹ chỉ là giải pháp tình thế.

2. Smartphone chưa thực sự trở thành một công cụ trong đời sống. Nhìn vào đời sống vật chất trong văn hóa Việt, chúng ta nhận thấy chỉ từ những vật tưởng như bỏ đi là chiếc mo cau, nhúm tóc rối đến nước điếu thuốc lào… cũng trở nên có tác dụng to lớn trong đời sống khi được khai thác để phục vụ con người. Cái lí lẽ đó nếu đem so sánh với chiếc smartphone quả tưởng như quá kệch cỡm nhưng thực ra, chúng ta vẫn chưa vận dụng hết các tính năng của nó vào đời sống. 

Với nhiều người, cầm chiếc điện thoại lên để được đắm chìm vào thế giới giải trí. Họ quên mất rằng kể cả khi đang đợi một chuyến xe, đợi một chuyến bay hay chờ một người bạn, ta vẫn có đủ thời gian để chuẩn bị cho tương lai bằng những hiểu biết trê điện thoại đang cầm trên tay. Mạng xã hội như cánh cửa sổ mở ra với muôn người. Cái xấu, cái tốt luôn song hành, ta sẽ học được gì ở những người xung quanh. Một bài tập rèn luyện thân thể, một kinh nghiệm trong việc đối phó với tệ nạn xã hội, những kinh nghiệm ứng xử… tất nhiên, sự tiện dụng của smart phone không mang ý nghĩa độc tôn được.

3. Smartphone nắm giữ vị trí như thế nào vẫn tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Có không ít người từng đặt tất cả sự tin tưởng vào "ông thày google", vị "thần đèn google" nhưng chỉ có chúng ta mới có cảm xúc, chỉ có suy nghĩ và việc làm của chúng ta mới có ý nghĩa văn hóa. Sự quan tâm với gia đình, con cái thay vì quẳng cho con cái điện thoại, "buộc" người đối diện phải lắng nghe những chia sẻ thay vì cùng cầm chiếc điện thoại ngồi bên nhau vẫn là những gì không thể thay thế. 

Có lẽ những ngày gần đây, sự lo lắng của nhiều người trước việc học sinh phổ thông được sử dụng điện thoại trong giờ học không phải là không có lý do. Khi chúng ta đa quen bao bọc con trẻ, phụ huynh đã quen học cùng con, nghĩ thay con thì chẳng bao giờ việc mở cửa đón smart phone đến làm bạn với con mình trở thành điều có thể chấp nhận được. Nhưng, trường lớp nào, môn học nào cũng dạy con người có suy nghĩ, hiểu biết để bước vào cuộc sống. Việc chúng ta lo lắng về chiếc điện thoại thông minh cũng giống như trước đây lo lắng về bài học sử dụng biện pháp tránh thai sẽ "vẽ đường cho hươu chạy".

Có lẽ, sẽ còn thật lâu nữa, con người mới có thể thay thế smartphone bằng một phương tiện khác. Có thể sẽ phải qua vài thế hệ học trò, chiếc điện thoại thông minh mới được nhận diện ở những ưu thế, tác dụng phù hợp trong nhà trường. Con với mỗi con người, mối quan hệ với smart phone cũng sẽ tựa như bài học ứng xử với thiên nhiên mà cổ nhân từng dạy con cháu, trẻ sẽ học từ chính chúng ta, theo cách ứng xử của chúng ta. Chúng ta sẽ tạo ra chuẩn mực từ đó, cuộc sống sẽ lại có thêm một bài học từ đó bằng những lo âu còn đang chất chứa trong lòng người hôm nay.

Bùi Việt Phương
.
.