Các cuộc thi nhan sắc bước vào giai đoạn nước rút:

Đường tới vương miện...bao xa?

Thứ Tư, 17/12/2014, 08:00
Cuộc thi "Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2014" vừa kết thúc thì cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2014" do Báo Tiền phong tổ chức cũng đang bước vào giai đoạn chung kết tại hòn đảo xinh đẹp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cùng thời điểm này, hơn 10 thí sinh của cuộc thi "Hoa khôi áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện hoa hậu thế giới" đang bước vào những tuần thử thách ngặt nghèo... Nhan sắc nào sẽ bước lên bục cao nhất trong các cuộc đua để giành vương viện danh giá vẫn đang ở phía trước. Tuy nhiên, càng bước gần tới vương miện, những chuyện lùm xùm vẫn liên tục xảy ra.

Hai cuộc thi nhan sắc đang thu hút được sự quan tâm nhất của báo chí và dư luận thời gian này là cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2014" do Báo Tiền phong tổ chức và chương trình truyền hình thực tế "Hoa khôi áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện hoa hậu thế giới". Theo đó, vòng chung kết cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam" diễn ra từ ngày 23/11 và kết thúc bằng đêm chung kết 6/12 tại sân khấu nhạc nước đảo Phú Quốc.

Với tên gọi ban đầu là "Hoa hậu Báo Tiền phong", cuộc thi này có quy mô lớn nhất dành cho các nhan sắc Việt. Theo Ban tổ chức, việc chọn đảo Phú Quốc để diễn ra vòng chung kết ngoài lý do đây là hòn đảo có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, thì các đơn vị tổ chức còn muốn đóng góp một phần vào chiến lược bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo. Theo lời ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - Trưởng ban tổ chức cuộc thi - thì đêm chung kết sẽ diễn ra trên sân khấu được thiết kế hoành tráng nhất từ trước đến nay và có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, cuộc thi vẫn không tránh khỏi lùm xùm. Ngay trước thềm chung kết, ban tổ chức đã nhận được hai lá đơn xin tự nguyện rút khỏi cuộc thi của thí sinh Phạm Mỹ Linh và Huỳnh Thị Thùy Vân. Thí sinh Phạm Mỹ Linh có đơn xin không tiếp tục tham dự cuộc thi do gia đình không ủng hộ, sức khỏe và tinh thần khủng hoảng?! Còn thí sinh Huỳnh Thị Thùy Vân cũng bỏ cuộc vì cho rằng sức khỏe không đảm bảo, không thể tham dự được toàn bộ chương trình của vòng chung kết… Tuy nhiên, sự thật phía sau những lá đơn xin rút ấy thì hầu như ai cũng biết. Trước đó không lâu, Ban tổ chức đã nhận được một số bức thư nặc danh tố cáo thí sinh Phạm Mỹ Linh đã từng trải qua phẫu thuật thẩm mĩ nâng mũi và độn cằm.

Để xác minh, Ban tổ chức quyết định lập Hội đồng giám định bằng việc chụp X - quang và nhận định của các nhà nhân trắc học. Tuy nhiên, lá đơn của Phạm Mỹ Linh đã kịp đưa ra trước khi cuộc giám định này diễn ra với lý do hoàn toàn khác. Không ít người theo dõi cuộc thi từ đầu thì cho rằng, việc Phạm Mỹ Linh rút khỏi cuộc thi là một điều đáng tiếc vì hotgirl nổi tiếng Hà Nội này có một "hồ sơ", lý lịch cá nhân khá đẹp, được xem như một trong những ứng cử viên nặng ký cho vương miện hoa hậu. Cô đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân và giành giải Én vàng trong cuộc thi "Tìm kiếm người dẫn chương trình truyền hình 2014".

Chinh phục vương miện luôn là khát khao của bất cứ cô gái nào khi tham gia các cuộc thi nhan sắc.

Mong muốn cậy nhờ sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mĩ để đạt đến sự hoàn hảo của ngoại hình dường như đang trở thành một phong trào được các bạn trẻ nữ ưa chuộng. Điều đó không có gì đáng lên án bởi đó là quan điểm, ý thích và quyền cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, với một cuộc thi mà vẻ đẹp tự nhiên được đặt lên hàng đầu thì việc làm đó bị xem như phạm quy. Ban tổ chức cho biết, chỉ trong các vòng sơ khảo và chung khảo khu vực của cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2014", khâu kiểm tra nhân trắc học đã phát hiện và loại ra hơn 10 trường hợp có can thiệp thẩm mỹ.

Những câu chuyện ì xèo xung quanh các cuộc thi nhan sắc đã không còn là chuyện lạ. Thế nhưng, việc các thí sinh tham gia vi phạm quy chế khi những quy định trong cuộc thi đã rất rõ ràng ngay từ đầu cho thấy khát vọng chinh phục danh hiệu đã trở thành tham vọng trong lòng các bạn trẻ. Không thể thanh minh rằng các thí sinh không biết các quy định rõ ràng ấy mà chắc chắn chỉ có thể bởi tham vọng bất chấp mọi thứ. Các người đẹp chỉ rút lui khi biết chắc nếu bước tiếp, sẽ bị lộ. Câu chuyện của các thí sinh năm nay lại khiến chúng ta nhớ tới trường hợp của thí sinh Vương Thu Phương tại cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2012". Nhưng thay vì rút lui trước khi sự việc vỡ lở, Vương Thu Phương chỉ chấp nhận dừng lại trước đêm chung kết mấy giờ đồng hồ, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt.

Trong khi Hoa hậu Việt Nam đang "nóng" với chuyện phẫu thuật thẩm mĩ của các thí sinh thì chương trình truyền hình thực tế "Hoa khôi áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện hoa hậu thế giới" cũng vấp phải đủ rắc rối ngay từ khi ra mắt với tên gọi không đúng như tên mà Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Theo đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, Ban tổ chức đã làm sai quy định vì theo hồ sơ đăng ký, tên gốc của cuộc thi là "Hoa khôi áo dài Việt Nam". Nhưng tại cuộc họp báo công bố kế hoạch tuyển sinh và phát sóng chương trình tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức đã tự ý đổi tên chương trình là "Miss World Vietnam - Đường tới vương miện - Hoa khôi áo dài Việt Nam". Chuyện là sau khi có giấy phép tổ chức cuộc thi "Hoa khôi áo dài Việt Nam" (Công ty BHD và Elite Vietnam phối hợp tổ chức) đồng thời cùng thời điểm BHD hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình truyền hình thực tế "Đường tới vương miện - Miss World Vietnam hay Đường tới vương miện hoa hậu thế giới". BHD và Elite Việt Nam đã gộp cả hai chương trình trên để thành một chương trình mới có tên dài ngoằng như vậy.

Thí sinh Vũ Thị Ngọc (bên phải) ngậm ngùi chia tay cuộc thi “Hoa khôi áo dài” sau khi không thể trả lời được câu hỏi.

Từ chuyện tên chương trình đã cho thấy những bất cập trong việc cấp phép các cuộc thi nhan sắc. Theo Nghị định 79, mỗi năm chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, chính vì vậy, các đơn vị tổ chức lách luật để xin phép thi trên… truyền hình. Tuy không mang danh hiệu hoa hậu nhưng các thí sinh chiến thắng trong cuộc thi này đều có cơ hội tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế bình đẳng như các thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp khác.

Bên cạnh đó, câu chuyện học vấn của các nhan sắc vẫn luôn là một đề tài được đưa ra mổ xẻ. Tại tuần thứ 6 của cuộc thi này, việc thí sinh Vũ Thị Ngọc không trả lời được câu hỏi và chỉ có thể đứng… khóc đã khiến người xem vừa ái ngại vừa buồn lòng. Khán giả không chỉ tiếc cho một nhan sắc như Vũ Thị Ngọc phải rời cuộc thi mà lớn hơn, họ tiếc cho mơ ước về một vẻ đẹp Việt Nam đi kèm giữa nhan sắc và trí tuệ còn quá xa vời.

Các cuộc thi nhan sắc vẫn đang được tổ chức rầm rộ, tuy nhiên, theo nhận định chung của giới chuyên môn cũng như công chúng, các ứng cử viên hoa hậu, hoa khôi năm nay đều không có gương mặt nào nổi bật. Không có yếu tố bất ngờ vì quá nhiều gương mặt cũ xuất hiện trong các cuộc thi. Họ từng tham gia rất nhiều cuộc thi hoặc cùng cuộc thi nhưng ở những năm trước. Có nhiều ý kiến cho rằng, mải mê chinh phục các cuộc thi mà các thí sinh quên mất việc chuẩn bị hành trang cho mình từ việc rèn luyện vóc dáng đến trang bị kiến thức, kỹ năng. Gương mặt không cuốn hút, chiều cao hạn chế là những điều dễ thấy nhất ở các cuộc thi nhan sắc trong nước đang diễn ra khi một thực tế đáng buồn là rất ít thí sinh có chiều cao vượt 1,70m.

Dù báo chí đã nói rất nhiều về những lùm xùm xung quanh các cuộc thi nhan sắc, nhưng năm 2014 vẫn là một năm của đầy rẫy những chuyện không vui về những người đẹp. Tại cuộc thi "Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014", thí sinh đoạt giải hình thể đẹp nhất đã không ngần ngại vứt danh hiệu của mình vào sọt rác và đưa ra những lời tố cáo Ban tổ chức gạ gẫm mua giải thưởng, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà trả lại vương miện với lý do cô đưa ra là bị Ban tổ chức o ép, lợi dụng sức lao động… Gần đây nhất, chuyện người đẹp Hoàng Hải Yến bị bắt vì tham gia vào một đường dây mại dâm đã đánh thêm một vết lem vào bức tranh bản đồ nhan sắc Việt. Đường tới vương miện chân chính sẽ còn rất xa nếu như các Ban tổ chức không nghiêm khắc với những sai phạm và các người đẹp chỉ coi vương miện như một phương tiện để tiến thân.

Khánh Thảo
.
.