Người nổi tiếng và câu chuyện chuyên nghiệp hóa quản lý hình ảnh

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"?

Thứ Sáu, 25/03/2016, 08:00
Từ việc bị chụp ảnh có dáng ngủ "bá đạo" trên máy bay, để mẹ xách váy, đẩy đồ khi ra sân bay, ăn mặc thiếu "gu" thẩm mỹ đến việc bị ghép ảnh quảng cáo phim khiêu dâm nước ngoài... có lẽ, tính đến thời điểm này, Kỳ Duyên là đương kim hoa hậu dính nhiều scandal về hình ảnh nhất trong tổng số 14 hoa hậu sau 28 năm cuộc thi được tổ chức. Từ câu chuyện của Kỳ Duyên, nhiều người cho rằng, đã đến lúc phải chuyên nghiệp hóa việc quản lý hình ảnh của người nổi tiếng, trong đó có các người đẹp.


Thách thức lớn từ truyền thông mạng

Có khá nhiều quan điểm khác nhau về việc Hoa hậu Kỳ Duyên thường xuyên "dính" phải những lùm xùm về hình ảnh. Có người cho rằng, do Kỳ Duyên còn trẻ tuổi nên đôi khi còn bồng bột, thiếu cẩn trọng trong việc xây dựng, gìn giữ hình ảnh của mình. Là người của công chúng nhưng Kỳ Duyên quá vô tư, bất cẩn dẫn đến những sự việc không đáng có.

Điều đáng quan tâm là, trong số những bức ảnh không đẹp mắt của Kỳ Duyên, có bức ảnh do chính người đẹp chia sẻ trên mạng xã hội, "châm ngòi" cho những cuộc tranh luận, bàn tán của công chúng. Đơn cử như bức ảnh Kỳ Duyên chụp quảng cáo cho một hãng đệm vào tháng 10-2015. Ngay sau khi xuất hiện, bức ảnh đã bị chê tơi tả vì đôi bàn chân hoa hậu lấm bẩn rất mất thẩm mỹ.      

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến Kỳ Duyên mất điểm, thường xuyên rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" chính là ở chỗ chưa chuyên nghiệp trong việc quản lý hình ảnh cá nhân cũng như đưa hình ảnh cá nhân đến với công chúng. Là hoa hậu - điều đó đồng nghĩa rằng, Kỳ Duyên đã trở thành người của công chúng.

Những người nổi tiếng phải chủ động học cách tự bảo vệ hình ảnh của chính mình. Trong ảnh: Đương kim Hoa hậu Kỳ Duyên (giữa) cùng Á hậu Huyền My (trái) và Á hậu Diễm Trang trong cuộc họp báo giới thiệu về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 hôm 15/3/2016 vừa qua.

Chính vì vậy, dù muốn hay không, Kỳ Duyên cũng sẽ là "tâm điểm" của truyền thông. "Nhất cử, nhất động" của Kỳ Duyên ở mọi nơi, mọi lúc sẽ có hàng triệu người dõi theo. Ý thức xây dựng, giữ gìn hình ảnh cá nhân như một giá trị thương hiệu đã được khẳng định là việc làm cần phải đặc biệt chú trọng. Hình ảnh Hoa hậu bị sử dụng vào mục đích xấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, hình ảnh của người đại diện cho sắc đẹp, trí tuệ của quốc gia.

Tuy nhiên, một thời gian dài sau khi đăng quang, Kỳ Duyên vẫn chưa có ekip quản lý truyền thông chuyên nghiệp cho riêng mình. Mẹ của Hoa hậu đảm nhiệm luôn vai trò hỗ trợ truyền thông cho con gái. Do không có kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra nên nhiều trường hợp, giải pháp mà Kỳ Duyên và mẹ đưa ra có khi lại phản tác dụng, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Truyền thông mạng hiện là thách thức lớn nhất trong việc quản lý hình ảnh của những người nổi tiếng. Trong thời kỳ công nghệ số và bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng internet, trong tích tắc, hình ảnh đẹp, xấu của người nổi tiếng ở nơi nào đó có thể phổ cập trên các trang mạng.

Khi tất cả mọi người đều có thể trở thành những nhiếp ảnh gia, cộng tác viên tích cực của các trang mạng chuyên "soi" hậu trường showbiz thì việc tự bảo vệ hình ảnh phải là "bài học" mà những ai đã dấn thân vào showbiz phải thuộc lòng. Truyền thông mạng là con dao hai lưỡi và người nổi tiếng chỉ có lựa chọn duy nhất là chấp nhận luật chơi của nó. Hình ảnh đẹp lan tỏa rất nhanh và hình ảnh xấu cũng bị lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Điều đáng lo ngại là, khi hình ảnh, đoạn phim được phát đi trên internet cũng giống như đã bắn một mũi tên mà việc thu hồi lại nó là nhiệm vụ "bất khả thi". Việc thu hồi các đoạn phim, ảnh đã phán tán mới chỉ giải quyết được "bề nổi của tảng băng chìm", bởi với sức mạnh của công nghệ thông tin, hàng triệu bức ảnh, đường link phim tương tự đã được tải về, lưu trữ tại các máy tính cá nhân.

Hướng đi nào để chuyên nghiệp hóa quản lý hình ảnh?

Ở Việt Nam, việc quản lý hình ảnh vẫn chưa thực sự được chú trọng. Những người nổi tiếng trong showbiz Việt thường quản lý hình ảnh theo cách riêng nhưng phổ biến nhất vẫn là thông qua các trang mạng xã hội cá nhân. Rất ít người mời chuyên gia tư vấn về hình ảnh, bảo vệ "thương hiệu" cho mình. Có lẽ, việc chuyên nghiệp hóa quản lý hình ảnh phải bắt đầu từ nhận thức của chính những người nổi tiếng về vấn đề này.

Khái niệm hình ảnh ở đây không đơn thuần là những bức ảnh mà nó là giá trị, thương hiệu của mỗi người được tạo dựng nên từ nhiều phương diện như nghề nghiệp, đạo đức, phong cách thời trang, cách giao tiếp, ứng xử... Xây dựng hình ảnh là một quá trình không ngừng hoàn thiện, gắn với việc gìn giữ hình ảnh.

Hoa hậu Kỳ Duyên "dính" nhiều scandal liên quan đến hình ảnh là do chưa chuyên nghiệp trong việc quản lý hình ảnh cá nhân.

Xây dựng, quản lý hình ảnh những người nổi tiếng cần một ekip thực sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Đây cũng là cách làm phổ biến của những người nổi tiếng trên thế giới. Ekip truyền thông quản trị thương hiệu phải là nơi tập hợp những chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có khả năng tư vấn, giúp người nổi tiếng xây dựng, quản lý hình ảnh, ứng xử có văn hóa trước những tình huống phát sinh liên quan đến nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Một cách quản lý hình ảnh rất chuyên nghiệp của những người nổi tiếng trên thế giới trong thời kỳ công nghệ số hiện nay là đăng ký tên miền (Domain name) khi đạt được giải thưởng hay đã đạt đến ngưỡng nào đó của sự nghiệp. Khi đó, quản lý hình ảnh, thương hiệu gắn liền với quản lý tên miền của cá nhân. Cùng với các mạng xã hội khác, đây cũng là nơi cung cấp các thông tin chính thống của nghệ sỹ cho báo giới. Bằng cách làm này, những người nổi tiếng có thể hạn chế việc lạm dụng hình ảnh.

Bên cạnh đó, với những người nổi tiếng, nhất là hoa hậu, á hậu quốc gia cần phải được các đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin, giúp họ tăng cường công tác quản lý hình ảnh. Đây cũng là một bài toán khó mà thực tế hiện nay chưa thực hiện được. Trong cuộc họp báo giới thiệu về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu năm nay nhận định rằng, Báo Tiền phong - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ về mặt hình ảnh cho các người đẹp trên báo, nhất là thông qua hoạt động công tác xã hội từ thiện nhưng việc quản lý hình ảnh chưa thực sự chặt chẽ.

Quy chế của các cuộc thi, cũng như quy chế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về các cuộc thi người đẹp, hoa hậu cũng đang thiếu những quy định về quản lý hình ảnh thí sinh. Báo Tiền phong cũng đang xây dựng kế hoạch dài hạn với đối tác có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp các thí sinh, á hậu, hoa hậu giải quyết scandal, tránh những sự cố đáng tiếc về hình ảnh.

Tôi cho rằng, chuyên nghiệp hóa việc quản lý hình ảnh người nổi tiếng đang là vấn đề bức thiết, cần phải được thực hiện để góp phần chuyên nghiệp hóa showbiz Việt. Một mặt, người nổi tiếng phải nhận thức được ý nghĩa của việc xây dựng, giữ gìn hình ảnh cá nhân.

Mặt khác, rất cần đến sự hỗ trợ từ các đơn vị truyền thông cũng như cần có quy định mang tính pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Trở lại câu chuyện của Hoa hậu Kỳ Duyên, nhiều luật sư cho rằng, Kỳ Duyên nên kiện công ty, website đã phát tán trái phép hình ảnh của cô trên mạng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, với các trang web có tên miền quốc tế thì việc tìm ra "chính chủ" các trang web này vô cùng khó khăn vì họ được phép che giấu thông tin chủ sở hữu.

Không truy được nguồn gốc của website thì việc khởi kiện trang web đó cũng không có ý nghĩa gì. Chính vì vậy, kiện tụng không phải là giải pháp tối ưu để bảo vệ hình ảnh mà trước hết, người nổi tiếng phải chủ động học cách tự bảo vệ hình ảnh của chính mình...

Tường Phạm
.
.