Đoàn kịch Thăng Long Lần đầu tiên kể chuyện cổ tích Việt Nam trên sân khấu quốc tế
Đến với Festival tổ chức bởi Créarc (Trung tâm Sáng tạo, Nghiên cứu và Văn hóa, đồng thời là Trung tâm Kịch nói trẻ châu Âu) tại Grenoble, Pháp, Đoàn Kịch Thăng Long đã tạo nên một sự khác biệt gây chú ý khi đem tới một vở diễn đậm chất Việt mang tên "Ngày Xưa" và đã tạo nên một điểm nhấn, một dấu ấn riêng, độc đáo cho Festival kịch lần này.
Festival "Kịch nói trẻ châu Âu" được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1989. Tại thời điểm đó, chỉ với vỏn vẹn 68 diễn viên, đạo diễn tham gia và đón nhận 480 lượt khán giả tới xem các vở kịch, đến nay Festival thu hút hơn 200 thành viên đến từ các đoàn kịch của nhiều quốc gia và gần 20.000 lượt vé xem kịch.
Trước hết nhằm phục vụ người dân vùng Grenoble, sau dần gây tiếng vang tới những khán giả ở các vùng khác của nước Pháp và một số quốc gia trên thế giới. Chuỗi ngày gặp gỡ, giao lưu văn hóa được tổ chức chuyên nghiệp, chu đáo, quy mô lớn, là nơi để những bạn trẻ yêu thích bộ môn kịch nghệ chia sẻ với nhau niềm đam mê chung. Festival chủ yếu hướng tới cộng đồng yêu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu; thêm vào đó, những thành viên tham gia còn mong muốn lan tỏa tình yêu đối với bộ môn này tới nhiều người, nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây cũng là một festival mà các vở diễn đều hoàn toàn miễn phí vé vào cửa để tất cả những ai quan tâm tới bộ môn nghệ thuật này đều có thể tiếp cận tới những thành quả lao động nghệ thuật chân chính của các diễn viên, nghệ sỹ.
Những hình ảnh sinh động trong vở kịch “ngày xưa” của các diễn viên khối chuyên Pháp, Trường PTTH chuyên Hà Nội Amsterdam - thuộc đoàn kịch Thăng Long. |
Bên cạnh các nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Hy Lạp, Roumanie… Festival "Kịch nói trẻ châu Âu" lần thứ 27 năm nay còn đón tiếp những bạn trẻ từ các quốc gia ở châu lục khác như Canada, Algérie, và - đặc biệt hơn cả - Việt Nam. Trong gần 30 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên Festival có sự tham gia của một đoàn kịch đến từ châu Á, đặc biệt hơn nữa còn là đoàn kịch có nhiều thành viên nhỏ tuổi nhất. Tất cả các diễn viên không chuyên này đều ở độ tuổi 17 và các bạn đang là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Đón nhận vinh dự này, trong vòng gần 2 tháng, 13 thành viên đoàn Thăng Long đã dốc sức chuẩn bị vở kịch mang đậm bản sắc dân tộc "Ngày xưa" dàn dựng bởi hai thầy cô giáo kịch nghệ người Pháp Quentin Delorme và Marianne Seguin, để đem đến Festival biểu diễn, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Vở kịch đã diễn ra vào lúc 16h30 ngày 10 tháng 7 tại Nhạc viện thành phố Grenoble (Pháp).
"Ngày xưa" chuyển thể từ 4 câu chuyện cổ tích, sự tích, truyền thuyết Việt Nam: chuyện quả bầu, con Rồng cháu Tiên, sự tích cây nêu ngày Tết và sự tích trầu cau. Vở kịch gồm 4 hồi tương đương với 4 truyện, kể về sự hình thành của Đất, Trời, Tự nhiên, Con người; sự xuất hiện của 54 dân tộc anh em; cuộc đấu tranh giữa con người với loài Quỷ độc ác cho đến cuộc sống bình dị hằng ngày với tình cảm yêu thương giữa anh em, vợ chồng trong gia đình… Nội dung của các câu chuyện được giữ nguyên bản với nhiều hình tượng kì ảo đậm chất cổ tích như Quỷ, Cáo chín đuôi, các vị thần thánh...
Vở kịch "Ngày xưa" mang đậm văn hóa Việt, mang đến cho liên hoan kịch quốc tế một nét độc đáo đặc sắc của hương vị kịch châu Á. Các yếu tố bổ sung xuất hiện trong vở kịch chỉ nhằm làm phù hợp hơn với tính chất của loại hình biểu diễn và đem đến sự hài hước, nhí nhảnh cho "Ngày xưa" qua diễn xuất của các diễn viên nghiệp dư đến từ hai lớp Pháp 1, Pháp 2 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam niên khóa 2013-2016. Các diễn viên nghiệp dư này tham gia câu lạc bộ Đoàn Kịch Thăng Long hơn 10 năm nay kể từ ngày các bạn vào tiểu học và tham gia chương trình học song ngữ Việt - Pháp. Đây cũng là hoạt động ngoại khoá đặc sắc trong chuỗi các hoạt động nhằm tôn vinh văn hóa Việt trong cộng đồng Pháp ngữ.
Với mong muốn bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn không chỉ qua những bức hình cánh đồng lúa, thiếu nữ với áo dài hay chiếc nón lá đơn thuần, phiến diện đằng sau những tấm bưu thiếp thường thấy, vở kịch "Ngày xưa" được đầu tư kĩ lưỡng về diễn xuất lẫn trang phục và đạo cụ. Tất cả các vật dụng và quần áo biểu diễn đều rất quen thuộc, đậm chất văn hóa Việt, được chuẩn bị kỹ lưỡng và đem theo bởi cả thầy và trò đoàn kịch từ Việt Nam, từ tấm vải lụa, gậy tre, đến chiếc khăn vấn đầu, trang phục dân tộc Dao,...
Thêm vào đó, Đoàn Kịch Thăng Long hi vọng đem đến cho khán giả một cái nhìn phong phú hơn về đất nước Việt Nam nói chung và những câu chuyện dân gian Việt nói riêng từ những chi tiết nhỏ nhất xuất hiện trên sân khấu cho đến ý nghĩa đằng sau toàn bộ vở kịch. Không chỉ kể chuyện, mà còn gửi gắm một thông điệp thật ý nghĩa: Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh ra từ một mẹ một cha, đều phải được tự do, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải luôn cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi gian nan, cùng nhau chia sẻ niềm vui mừng hạnh phúc.
Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia mà ở đó vẫn còn ẩn chứa nhiều vấn đề về quyền tự do và quyền bình đẳng con người chưa được giải quyết. Bởi vậy, đến Festival lần này, "Ngày xưa" được đánh giá khá cao cả về chất lượng diễn xuất lẫn kịch bản.
Đánh giá về vở kịch, ông Fabrice Marin-Lamellet, nhà phê bình đã đồng hành cùng Festival trong nhiều năm cho biết: "Đoàn kịch đến từ Việt Nam là những "người xa lạ" khi đến với Festival trong lần đầu tiên này. Nhưng chắc chắn khán giả sẽ không thể quên được họ! Những câu chuyện cổ tích được chuyển thể thành những vở kịch ngắn mà nội dung đầy đặn, tiết tấu linh hoạt, tạo nên một tổng thể hài hòa. Ở đó các diễn viên đã diễn xuất hết mình, lôi kéo cả khán giả cùng chủ động tương tác tham gia vào cuộc vui trên sân khấu. Cảm ơn các bạn đã đem đến cho khán phòng những giây phút hài lòng, vui vẻ và sảng khoái với 'Ngày xưa'!".
Ngoài việc trình diễn vở kịch "Ngày xưa", đoàn Kịch Thăng Long còn có cơ hội được thưởng thức các vở kịch do các đoàn kịch khác thể hiện, sau đó tham gia buổi Café thảo luận về các vở diễn đó vào ngày hôm sau. Đặc biệt hơn, mỗi thành viên tham dự chuỗi ngày gặp gỡ đều được tham gia một lớp học tự chọn trong số các lớp Diễn xuất, Nhảy, Âm nhạc, Múa lửa, Trống Batucada, Trang phục, Hóa trang,…để chuẩn bị cho buổi diễu hành và diễn kịch ngoài trời bế mạc Festival.
Lịch trình dày đặc, ròng rã suốt 10 ngày nhưng mọi người đều rất hứng khởi đón nhận cơ hội vô cùng quý giá khi được giao lưu, kết bạn mới, học hỏi nhiều cả trong nghệ thuật sân khấu lẫn những điều mới lạ về các nền văn hóa khác nhau. Festival kết thúc, vui có, buồn có, nhưng tất cả đọng lại trong kí ức mỗi thành viên đều là những kỉ niệm không bao giờ quên với những người bạn đáng mến tại thành phố nhỏ bé yên bình của nước Pháp.
Cô Đỗ Hồng Vân, giáo viên bộ môn tiếng Pháp Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, người theo sát Đoàn Kịch Thăng Long trong suốt chuyến đi nhận xét: "Trước nhiều thay đổi về thời tiết, múi giờ, thói quen ăn uống và sinh hoạt, cùng với lịch hoạt động khá căng thẳng trong môi trường vô cùng chuyên nghiệp, tôi nhận thấy các thành viên vẫn luôn hào hứng, tự tin, bỏ qua mọi trở ngại để hòa vào không gian năng động và mới lạ của Festival. Chắc chắn khi trở về hành trang của mỗi bạn sẽ đầy ắp thêm vô vàn trải nghiệm đặc biệt từ chuyến đi!".
Với mong muốn giới thiệu thành quả lao động nghệ thuật được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vở kịch "Ngày xưa" sẽ được Đoàn Kịch Thăng Long giới thiệu với khán giả Hà Nội vào lúc 20h ngày 26/9 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace (số 24 phố Tràng Tiền).