"Diva" và khoái cảm danh xưng của showbiz Việt
Khán giả, với yêu - thích rõ ràng của mình, đưa ra các bình luận mang tính cảm quan, thậm chí có những bình luận còn mang nặng tính kỳ thị. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Khi trong lòng đã có một thần tượng, chắc chắn không ai muốn người khác ngang bằng (chứ đừng nói là hơn) thần tượng của mình. Nhưng nực cười ở chỗ chính báo chí cũng tham gia vào vụ tranh cãi ấy với tâm thức rất "khán giả" của những người viết bài. Để rồi cuối cùng, showbiz như một cái chợ cười khi người trong giới ấy cứ đi giành nhau một cái danh rất hão mà quên rằng trong vài năm vừa rồi, hình như cả 5 nữ ca sỹ kể trên mới chỉ có được một hay hai sản phẩm mà thôi.
Câu chuyện ấy kéo theo một vài nhận định từ những nhạc sỹ đang làm nghề và đa phần nhận định quy kết báo giới là những kẻ gây chuyện, và cố tạo ra chuyện, khi phân định cái danh hiệu "diva" cho người này chứ không phải kẻ nọ. Thực sự, những nhận định ấy đều phiến diện, khi sự thật câu chuyện hoàn toàn khác. Nhiều người trong giới showbiz cũng biết đến sự thật đó nhưng chẳng qua họ chơi chiêu "mũ ni che tai" nên không nói toạc móng heo ra mà thôi. Kẻ gây chuyện chính là các diva cao quý kia chứ chẳng phải ai khác cả.
Từ thời 1998 đã có những thông tin về chuyện những ca sỹ như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung không coi Thu Phương là người có thể ngồi cùng chiếu với mình bởi họ cho rằng thứ âm nhạc mà Thu Phương hát chỉ mang tính giải trí, bình dân hay nói cách khác là hơi "chợ". Thu Phương cũng chẳng phải vừa khi cô ý thức được mình ăn khách, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh và cô cũng nhìn vào thứ âm nhạc "cao sang" của mấy diva kia cũng chỉ là "hữu danh vô thực" không hơn không kém.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi được mời tham dự chương trình, các ngôi sao nữ ấy tất nhiên rất hào hứng. Nhưng khi thấy mình đứng chung sân khấu với một người không ở cùng chiếu với mình, và người ấy lại được so sánh với "4 diva Việt Nam" thì bắt đầu có những phản ứng âm ỉ. Những phản ứng đó rò rỉ ra công chúng một cách dễ dàng bởi lẽ ca sỹ ngôi sao nào cũng "thuê" một nhà báo chuyên làm truyền thông riêng cho mình. Thế nên mới có người trách báo chí tạo ra câu chuyện này là thế. Nhưng căn nguyên của nó thì không phải vậy. Không có lửa làm sao có khói. Chính các nữ ngôi sao kia đã nhóm lửa, để rồi cuối cùng họ buộc phải đăng đàn để nói về tranh cãi "ai xứng đáng là diva". Chơi với lửa thì lửa cháy tay mình. Trách ai khi câu chuyện thực tế nực cười là vậy?
Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, ta phải thừa nhận là 5 nữ ca sỹ kia đều hát rất hay, thực lực rất mạnh và có thể bền bỉ với nghề nhiều năm nữa. Song, cái họ cần ý thức là mình có cái hay riêng và phát huy nó thì họ lại không làm. Thay vào đó, họ sa vào một căn bệnh chung của showbiz là thích danh xưng, thích bày mâm, xếp chiếu để chứng tỏ "đai đẳng" của mình. Chữ diva, nghe thì hay nhưng mình có, người khác có cũng đâu có sao.
Suy cho cùng, nghệ sỹ thì ai cũng phải có khát vọng định danh, tham vọng nổi tiếng. Nhưng tham danh đến mức căn bệnh danh xưng đã thành một khoái cảm thì xem ra, bộ mặt văn hóa trẻ của Việt Nam hiện đại đến thời mạt mất rồi…