Đi tìm thương hiệu cho điện ảnh Việt
Ghi dấu ấn bằng bản sắc dân tộc
Mai Quỳnh Nga
Trong buổi nói chuyện về chủ đề "Cơ hội nào cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới" diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Huân tước David Puttnam khẳng định rằng, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ hội để bước ra thị trường thế giới. Điều gì khiến nhà sản xuất phim người Anh từng giành 10 giải Oscar, 25 giải BAFTA và Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes khẳng định như vậy? Điện ảnh Việt Nam tuy còn non trẻ, kỹ thuật còn kém nhưng đã có những ý tưởng và câu chuyện đặc sắc khiến ông kinh ngạc.
Nhắc tới phim Mỹ, người ta liên tưởng ngay đến những bộ phim hành động nghẹt thở, các siêu anh hùng với màn rượt đuổi ngoạn mục, kỹ xảo tuyệt vời. Phim Hàn Quốc lại gắn với nội dung yêu đương lãng mạn. Phim Iran nổi bật bởi tinh thần đấu tranh vì quyền trẻ em, phụ nữ. Còn phim võ thuật cổ trang lại khó ai qua mặt được Trung Quốc… Vậy phim Việt có gì?
Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được đặt nhiều kỳ vọng khi đem giới thiệu ở thị trường nước ngoài sắp tới. |
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nếu nói điện ảnh Việt chưa có thương hiệu cũng không phải, nói có cũng không sai. Thế giới đã biết đến phim Việt qua những bộ phim làm về chiến tranh, ca ngợi lòng yêu nước, sự hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc. Đó là cảnh đồng quê Việt Nam bị bom đạn cày xé, người dân chiến đấu bằng vũ khí thô sơ, văn hóa sống kiểu tình làng nghĩa xóm, đùm bọc che chở nhau... Sang thời kỳ đổi mới, chúng ta có điều kiện để tiếp cận các nền điện ảnh trên thế giới, có nhiều văn bản pháp quy thoáng đãng cho phép những nhà làm điện ảnh tự do làm phim.
Nhưng thành công về nghệ thuật - điều cốt tử làm nên thương hiệu phim Việt lại không tỷ lệ thuận với số lượng phim và mức đầu tư. Chúng ta chìm nghỉm với các phim hài, dọa ma, sex... câu khách hời hợt. Rõ ràng không thể xây dựng thương hiệu từ những bộ phim như thế. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nêu quan điểm: "Điều làm nên thương hiệu Việt vẫn phải trông đợi ở những bộ phim có tính đột phá về cách nghĩ, cách làm mới mẻ dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc đậm tính nhân văn sâu sắc. Câu chuyện trong phim phải thuần Việt, mang hương vị văn hóa, tập quán riêng biệt độc đáo trong bối cảnh thể hiện và hướng đến cái đẹp, cái thiện. Phim xây dựng được thương hiệu là phim phải đạt được hai yêu cầu lớn: đoạt giải thưởng quốc tế uy tín và phải bán được ra nước ngoài".
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh lại cho rằng vị trí của phim Việt đã có ở khu vực và trên thế giới, còn thương hiệu thì chưa. Bởi nói đến thương hiệu là nói đến thị trường mua bán phim. Bà thừa nhận: "Năm 2015, chúng ta mới bắt đầu quan tâm ráo riết đến việc xây dựng thương hiệu cho phim Việt Nam. Thời điểm này có lẽ hơi muộn nhưng cần thiết. Bởi năm 2015 là năm điện ảnh Việt có nhiều tín hiệu đáng mừng, phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Nó thúc đẩy và khiến chúng ta yên tâm và tự tin hơn để xây dựng thương hiệu".
Nếu năm 2013, 2014, mỗi năm điện ảnh Việt chỉ có khoảng 25 phim thì năm nay đã có hơn 40 phim với chất lượng đồng đều. Thậm chí, trong những năm qua, lượng phim Việt đạt doanh thu cao không thua kém phim "bom tấn" Hollywood khi chiếu ở thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều. Thành công được nhắc đến nhiều nhất chính là bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ. Đứa con chung của Nhà nước và tư nhân đã làm nên sự bất ngờ ngoài mong đợi. Đầu tư 20 tỉ và hơn 80 tỉ thu về. Khác với "bom tấn" phòng vé như "Để Mai tính 2", "Tèo em", "Mỹ nhân kế"..., "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được lòng cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn bởi tính giải trí nhẹ nhàng, trong sáng hòa hợp với thông điệp nhân văn và giá trị nghệ thuật. Có thể coi đây là bộ phim hiếm hoi được Nhà nước đặt hàng tư nhân thành công đến vậy.
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 khép lại tối 5-12 với giải Bông sen vàng hạng mục phim điện ảnh thuộc về "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" không nằm ngoài dự đoán của người hâm mộ. "Cơn mưa" giải thưởng dành cho bộ phim này như phim hay nhất do khán giả bầu chọn, đạo diễn xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất hoàn toàn xứng đáng. Đây được coi là mùa liên hoan khởi sắc của điện ảnh Việt. Các phim tranh giải ngang tài ngang sức với đủ thể loại và đề tài phong phú. Hội đồng ban giám khảo không còn đau đầu vì lâm vào tình cảnh so bó đũa chọn cột cờ hay vơ bèo vạt tép như mọi năm. Phim điện ảnh có 20 phim tham gia đề cử. Số lượng phim hoạt hình cũng gia tăng với 23 phim. Riêng phim nghệ thuật cũng có nhiều phim gây được ấn tượng như "Nước 2030" (từng được trình chiếu khai mạc chương trình Toàn cảnh tại LHP Berlin), "Đập cánh giữa không trung" (gặt hái nhiều giải quốc tế tại Italy, Pháp, Slovakia)...
Cảnh người xem háo hức xếp hàng dài để mua vé xem phim tài liệu tại rạp cũng không còn quá xa lạ. Hiện tượng này đã diễn ra với "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" và mới đây nhất "Lửa Thiện Nhân". Thước phim rung cảm khai thác về số phận con người, vấn đề nhức nhối của xã hội đã thực sự chạm vào trái tim người xem.
Thị trường phim trong nước nở rộ nhưng cơ hội để phim Việt gặt hái doanh thu ở nước ngoài vẫn còn quá mong manh. Nhiều nhà làm phim cho rằng, "lưỡi kéo kiểm duyệt" của Cục Điện ảnh là rào cản kéo tụt khao khát vươn tới những tầm cao. Thế nhưng theo Huân tước David Puttnam, nhiều nước còn có chế độ kiểm duyệt khắt khe hơn Việt Nam như Trung Quốc, Iran… nhưng họ vẫn khiến thế giới trầm trồ khi tung ra các siêu phẩm điện ảnh. Việc nhiều nhà làm phim độc lập kêu ca chuyện tiếp xúc với các LHP khó khăn cũng là điều đáng bàn bởi theo ông, rất nhiều LHP vừa và nhỏ ưu ái những gương mặt mới nhưng có tác phẩm ấn tượng. Những LHP nhỏ và vừa này là bàn đạp rất tốt để các nhà làm phim tiến tới các LHP tầm cỡ như Cannes, Venice... Nhưng kinh phí khăn gói lên đường cũng là một vấn đề không nhỏ. Trong khi đó việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh của Việt Nam nhiều lần được đem ra bàn thảo nhưng vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Mang chuông đi đánh xứ người, ngoài bản thân bộ phim hay- điều kiện cần để tạo nên thành công - thì rất cần các yếu tố hỗ trợ khác để tạo nên điều kiện đủ.
Diễn viên Mai Thu Huyền, Tổng giám đốc Công ty Tincom Media: Người làm phim không thể đơn độc
Tôi đã có 20 năm hoạt động nghệ thuật và rất may mắn khi được tham gia diễn xuất trong một số phim Nhà nước. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp rất tủi thân vì bộ phim được hàng trăm con người đầu tư công sức, chăm chút kỹ lưỡng lại bị bỏ quên ở khâu truyền thông quảng bá. Sau khi chiếu cho giới chuyên môn xong thì phim bị cất kho và chỉ được chiếu vào những dịp kỷ niệm. Ngoài nội dung hay, đạt chất lượng nghệ thuật thì yếu tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên thành công của một bộ phim là vấn đề truyền thông, quảng bá. Thời gian gần đây, chính sự cởi mở, quá trình xã hội hóa trong sản xuất phim nên khâu này đã được làm tốt hơn.
Với các nhà sản xuất phim tư nhân như chúng tôi thì khó khăn nhất chính là vốn đầu tư. Làm sao để thu hút vốn đầu tư là điều không dễ dàng. Công thức làm phim thu hút khách rất khó lường. Có những bộ phim mà mọi người đều nghĩ là nó sẽ thành công nhưng kết quả lại lỗ. Ngược lại nhiều bộ phim nhảm lại tạo nên doanh thu bất ngờ. Là một nhà sản xuất, khi làm phim "Lạc giới", tôi rất phân vân không biết nên chọn con đường nghệ thuật hay thương mại.
Cái tâm của một người nghệ sĩ thì chúng tôi muốn làm phim nghệ thuật, nhưng dòng phim này rất kén khán giả, không được sự hỗ trợ của các hệ thống phát hành nên rất khó khăn để thu hồi vốn. Do vậy, những phim mang tính nghệ thuật cần được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc quảng bá, phát hành ở các hệ thống rạp. Từ thành công của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", chúng ta nên duy trì cái bắt tay giữa các nhà làm phim tư nhân và Nhà nước để các bên phát huy thế mạnh. Nhờ đó sẽ có thêm nhiều phim hay theo định hướng của Nhà nước nhưng vẫn chinh phục được thị trường.
Cá nhân tôi rất ấn tượng với chia sẻ của ông Yun Ha, đại diện Ủy ban chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc, về hệ thống phòng vé trên mạng tại xứ sở kim chi. Tôi hy vọng nền điện ảnh Việt sớm có một hệ thống tương tự như thế vì công nghệ của nước ta không thua kém gì. Hệ thống này không chỉ cần thiết cho cơ quan quản lý mà còn rất cần cho nhà sản xuất. Chúng tôi muốn biết thống kê đầy đủ và chính xác phim nào có doanh thu cao, từ đó sẽ tự rút kinh nghiệm khi chọn đề tài cũng như cách thức làm phim. Điều quan trọng hơn cả là hệ thống này rất ưu việt để phục vụ khán giả. Họ có thể biết phim nào đang hút khách, phim nào đáng xem để lựa chọn cho mình mà không phải mất quá nhiều thời gian khi đến rạp.
Muốn xây dựng thương hiệu cho phim Việt thì ngoài việc phát hành trong nước, những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật cao cần được Cục Điện ảnh tạo điều kiện vươn ra thị trường nước ngoài, tham gia các LHP quốc tế cũng như các hội chợ phim. Mục đích trước mắt của chúng ta không phải là vấn đề doanh thu mà là có thể quảng bá cho thế giới biết đến phim Việt Nam. Thêm vào đó, những người trẻ tài năng, có đam mê nhiệt huyết với điện ảnh nước nhà cũng cần được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để họ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài, được cọ xát, hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng của điện ảnh Việt trong tương lai.
Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc sản xuất, đại diện Công ty BHD: Nhiều phim đã bán được ra thị trường nước ngoài
Cách đây hơn 10 năm, BHD mở Công ty Vietnam Media để bán các sản phẩm phim ảnh của Việt Nam ra nước ngoài. Chúng tôi đã bán được một số phim của các hãng phim Nhà nước như "Đường thư", "Trái tim bé bỏng", "Ký ức Điện Biên" và của các hãng phim tư nhân như "Áo lụa Hà Đông", "Lửa phật", "Mỹ nhân kế", "Hotboy nổi loạn"... Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa được một số phim đi dự các LHP quốc tế như "Chơi vơi", "Quyên", "Hotboy nổi loạn".
Những năm đầu tiên, để mọi người biết đến phim Việt Nam thì BHD phải đi tham dự rất nhiều LHP và hội chợ phim. Tham dự hội chợ phim mà chỉ đơn giản là đến trao danh thiếp thì họ sẽ không nhớ đến mình. Cho nên BHD phải bỏ rất nhiều chi phí để quảng bá, treo poster, các đoạn giới thiệu phim... Nếu tổ chức một buổi họp báo giới thiệu phim ở trong nước mất khoảng từ 5.000 đến 7.000 USD thì chi phí đội lên gấp 10 lần nếu họp báo ở nước ngoài.
Khó khăn thứ hai là cách thức đi bán phim. Ở nước ngoài, nếu muốn bán phim chúng tôi phải liên hệ với nhà sản xuất khi phim vừa bắt đầu bấm máy. Như vậy chúng tôi mới kịp có đoạn phim dài tầm 2 phút nhằm giới thiệu cho mọi người. Phim phải có người mua trước khi nó ra rạp. Bởi nếu để phim ra rạp rồi mới bán, nó rất dễ bị quay lén và đăng tải trên mạng, cơ hội bán phim hầu như không còn. Bên cạnh đó, dù bán được phim nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng đưa được phim của mình ra màn ảnh rộng. Công ty phải cố gắng bán bằng nhiều hình thức khác nhau như đĩa DVD hoặc bán cho các kênh truyền hình, coi như cách thu gom để đem về lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Thể loại phim hài dù rất hút khách ở Việt Nam, có phim doanh thu lên tới vài chục tỉ thậm chí cả trăm tỉ nhưng nó lại rất khó bán ở thị trường nước ngoài. Vì sự hài hước phụ thuộc nhiều vào văn hóa của mỗi đất nước cũng như phụ thuộc vào lời thoại. Văn hóa mỗi nước khác nhau, lời thoại dịch ra tiếng nước ngoài không còn sự hài hước như nguyên bản thì rất khó để khán giả các nước yêu thích. Phim võ thuật lại là thể loại dễ bán nhất, chẳng hạn như "Dòng máu anh hùng", "Lửa phật". Nhưng chi phí sản xuất những phim này rất cao và không chắc khán giả trong nước yêu thích. "Lửa phật" có kinh phí đầu tư hơn 20 tỉ (1 triệu USD) nhưng chúng tôi chỉ bán được hơn 200 ngàn USD, dù đây là bộ phim mà BHD bán được giá cao nhất ở thị trường nước ngoài. Chưa kể, để bán được 200 ngàn USD, chúng tôi phải bỏ ra không nhỏ tiền tiếp thị, quảng cáo, phí tham dự hội chợ... Vậy nên, số tiền thu về không nhiều nhặn gì.
Hơn 10 năm đưa phim Việt đi bán ở nước ngoài, đến nay chúng tôi đã bán được khoảng 50 phim đến nhiều thị trường. Đối với nhà làm phim thì họ vẫn chú trọng thị trường trong nước còn thị trường nước ngoài chỉ là ăn thêm. Đưa phim Việt ra nước ngoài là một quá trình lâu dài, gian nan, nhưng chúng tôi không ngừng nghỉ. BHD vẫn trích lợi nhuận cho Vietnam Media tiếp tục bán tác phẩm điện ảnh nội địa ra nước ngoài. Chúng tôi hy vọng đây là cách nối tiếp tâm huyết và thành tựu rực rỡ mà thế hệ điện ảnh tiền bối đã làm được cũng như gửi gắm sự tin tưởng vào những nhà làm phim trẻ.
NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh là sức mạnh mềm của quốc gia
Trong thập niên 60 của thế kỉ trước, một nhà phê bình phim người Pháp đã viết bài báo giới thiệu về điện ảnh Việt Nam, trong đó có câu nhận xét: "Đó là một nền điện ảnh ra đời trên bán đảo Indochina (bán đảo Đông Dương) nhưng nó không Indo và cũng không China". Nghĩa là nó không giống phim Ấn Độ và cũng không giống Trung Quốc. Cách nói ví von, chơi chữ đó muốn nhấn mạnh rằng: khi ra đời, điện ảnh Việt Nam đã có một bản sắc riêng, không lẫn với các nền điện ảnh châu Á khác. Nhớ lại những bộ phim đen trắng thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng như "Con chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", và sau này là "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng 10"... thì rõ ràng không ai nói nó giống phim Trung Quốc hay phim Ấn Độ được. Nó mang bản sắc hồn hậu, chất phác và rất ngoan cường, anh dũng của con người Việt Nam. Với bản sắc riêng ấy, một thời gian dài điện ảnh Việt Nam đã gây chú ý với bạn bè thế giới. Phim Việt xuất hiện ở nhiều LHP quốc tế, giành được nhiều giải thưởng. Đặc điểm của dòng phim này là thực hiện nhiệm vụ chính trị, phản ánh hiện thực sản xuất chiến đấu của quân và dân. Nó cũng có hàm lượng nghệ thuật cao chứ không khô khan, hô khẩu hiệu.
Đến thời kỳ kinh tế thị trường, điện ảnh không đơn thuần là làm nghệ thuật, phục vụ chính trị mà nó còn là một lĩnh vực kinh doanh. Đã kinh doanh thì lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Thị hiếu của khán giả vì thế được đề cao. Những năm gần đây, có thể tạm coi điện ảnh Việt đã chiếm lĩnh, tạo được thương hiệu với thị trường trong nước. Nhưng bấy lâu nay chúng ta chỉ quan tâm chiếm lĩnh thị trường trong nước, còn thị trường nước ngoài thì chưa được quan tâm đúng mực.
Để phấn đấu đưa phim ra thị trường nước ngoài thì đó là một chặng đường rất gian nan. Tham gia các LHP thế giới, được các giải thưởng thì chúng ta chỉ mới có mặt trong sinh hoạt của nghệ thuật điện ảnh thế giới. Còn tạo được thương hiệu riêng trên thương trường quốc tế thì phim đó phải được căng pano quảng cáo khắp nơi và thu hút nhiều khán giả mua vé. Cách đây 15 năm, một hệ thống rạp chiếu bóng lớn ở Pháp đã mua phim "Mùa ổi" và công chiếu rộng rãi, quảng bá rầm rộ. Sự kiện này khiến Việt kiều ở Paris hết sức vui mừng. Nhiều Việt kiều gặp tôi tâm sự rằng lâu nay ra đường nhắc đến phim châu Á thì chỉ toàn thấy pano của phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... Nay bỗng dưng thấy pano của phim Việt giăng đầy khắp các đại lộ thì tự hào khôn xiết. Rất tiếc là từ đó đến nay thì hình như không còn phim Việt nào của đạo diễn trong nước được phát hành tại Pháp quy mô như thế nữa.
Điện ảnh nằm trong quốc sách của nước Mỹ. Chính phủ rất quan tâm điện ảnh, coi nó như chiến lược để xây dựng hình ảnh đất nước, truyền bá văn hóa, phát triển kinh tế và tăng thêm sức mạnh nước Mỹ một cách hiệu quả nhất. Do vậy, lợi ích của điện ảnh được bảo vệ tối đa. Riêng điện ảnh Hàn Quốc được vực lên như ngày hôm nay là nhờ công của cố Tổng thống Kim Dae-jung. Ông ra nhiều chính sách hỗ trợ điện ảnh như quy định số lượng phim Hàn Quốc chiếu rạp, miễn thuế cho phim nội địa... Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung bắt đầu được thành lập từ năm 2011 và đã trở thành giải thưởng thường niên được trao tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju nhằm khích lệ các nhà làm phim quan tâm tới những vấn đề nóng hổi của xã hội như nhân quyền, tự do, hòa bình và môi trường tự nhiên.
Ở Việt Nam, Nhà nước nên có chủ trương và tiếp tục đầu tư cho những bộ phim nghệ thuật khai thác về con người, về xã hội và có bản sắc Việt. Vì những bộ phim như thế rất dễ tiếp cận với điện ảnh thế giới. Tôi nghĩ, tất cả các đại sứ và những người Việt ở nước ngoài là một đại sứ của phim Việt. Để tạo nên thương hiệu và tìm lại vị thế của điện ảnh Việt, không chỉ dừng lại ở việc cấp kinh phí, Nhà nước phải quan tâm đến điện ảnh như một phương tiện tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia.