Đạo văn - ranh giới mong manh

Thứ Ba, 20/10/2015, 08:00
Ranh giới của việc đạo văn hay không đạo văn là rất mong manh, thậm chí, khó có một phiên tòa nào có thể phân xử trắng đen những chuyện này, ngoại trừ lương tâm của người cầm bút...

Không có phiên bản thứ 2 giống hệt nhau trên trái đất này

Một lần nữa, văn đàn lại dậy sóng bởi những nghi án đạo văn, đạo thơ liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Hậu của những vụ nghi án đạo văn, thơ này chắc chắn sẽ chưa có hồi kết. Nhưng có một nhắc nhở sâu sắc từ nó, không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, là người cầm bút phải ý thức những gì trong câu chuyện sáng tác, tránh vướng vào những nghi án liên quan đến đạo văn.

Ranh giới của việc đạo văn hay không đạo văn là rất mong manh, thậm chí, khó có một phiên tòa nào có thể phân xử trắng đen những chuyện này, ngoại trừ lương tâm của người cầm bút. Những vay mượn ý tứ, cop-py ý tưởng lẫn nhau, xào xáo câu chữ… thực tế không hề ít trong đời sống văn chương nghệ thuật. Những người cầm bút nghiêm cẩn bao giờ cũng tự hiểu sâu sắc rằng, cho dù những ý tứ từ đâu vụt hiện trong đầu óc mình, nhưng nếu nó na ná giống một tác phẩm đã được viết trước đó thì nên tránh không viết ra, hay cố gắng tìm một cách biểu đạt mới mang dấu ấn cá nhân của mình.

Nỗi buồn đập cánh của tác giả trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ - một trong những bài thơ gây tranh cãi về bản quyền.

Không ít người "bào chữa" nghi án đạo văn bằng lý lẽ: "Tôi chưa đọc tác phẩm đó". Bệnh ít đọc, lười đọc cũng có thể khiến không ít người viết sa vào sự trùng lặp ấu trĩ. Những người đọc nhiều, hiểu biết rộng thường ít khi vướng vào câu chuyện này. Đơn giản vì họ thấy thế giới con đường nào cũng có người đi cả rồi, họ phải có ý thức mò mẫm sâu vào sự riêng biệt của mình, khắt khe với mình hơn để tìm kiếm con đường mới, lối mà chưa có ai đi, chưa có người  khai phá.

Ngoại trừ chuyện đạo văn trắng trợn bằng cách bê nguyên xi một phần, một đoạn, hay cả tác phẩm của ai đó làm của mình, nhìn là ra ngay và nếu có kiện cáo thì sự thắng thua cũng phân xử được ngay, còn lại việc "thuổng" ý tứ, câu từ, ngữ nghĩa… thì đúng là "vô bằng cớ". Ngay cả việc đưa ra một quy định về mặt pháp luật cho việc phân xử đạo hay không đạo trong những trường hợp này cũng không dễ.

Lằn ranh của đạo và không đạo văn giống như một đường chỉ mờ, người ta chỉ mon men đến điểm mờ đó là đã có những "lấn cấn", "nghi ngại" từ phía những người viết với nhau, và cả trong bạn đọc rồi. Tuy nhiên, trên các diễn đàn những ngày qua, bàn về câu chuyện này, có một số người cầm bút đã đưa ra những đánh giá thuyết phục, rằng nếu một người viết có cá tính riêng, phong cách riêng đóng dấu trong lòng độc giả rồi, thì việc người khác "đánh cắp" tác phẩm của họ rất khó. Là bởi cái phong cách riêng ấy không dễ gì bắt chước. Phong cách cá nhân là một điều cực kỳ đặc biệt, nó là một bảo bối, phát ra những tín hiệu nghệ thuật riêng, để khi cần tìm hiểu việc đạo văn hay không đạo văn của tác giả đó, người ta có thể soi chiếu và dễ dàng tìm thấy sự đồng thuận trong số đông.

Tất nhiên chuyện gì cũng có thể có ngoại lệ. Và như người ta nói, "văn dĩ tải đạo", nghề văn trước hết là một cái đạo để tu thân. Và chữ "đạo" trong nhà văn còn được hiểu là, hãy giữ một tấm lòng trong sáng thuần khiết trước một trang giấy trắng. Anh viết gì lên đó, hãy đảm bảo rằng, nó là mạch nước được khơi nguồn từ chính tình yêu, tư duy, hiểu biết của anh, chứ không phải là một sự vay mượn, chắp vá từ ai đó.

Người viết văn đích thực thường không quan tâm đến những thứ khác ngoài việc viết, ví dụ như giải thưởng, sự tung hô của đám đông, hay kiếm chác những lợi danh khác. Họ ngồi trong bóng tối, ngẫm ngợi và nhìn sâu vào mình, rồi viết như một sự xóa mình đi. Lạ thế, tôi nghĩ, người viết càng xóa mình đi trong khi viết thì sự riêng biệt của họ càng hiển lộ. Càng nhìn sâu vào mình, càng xóa mình đi, họ càng ít gặp phải những phiền phức rắc rối, kiện tụng tranh cãi liên quan đến đạo văn hay không đạo văn. Bởi ngẫm mà xem, khi anh đi đến tận cùng bản thể mình, tận cùng sự riêng biệt của mình, ai có thể giống anh được? Làm gì có phiên bản nào thứ 2 giống hệt anh trên trái đất này…

Nỗi buồn đập cánh của tác giả trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ - một trong những bài thơ gây tranh cãi về bản quyền.

Nhà văn Y Ban: Văn của tôi xương xẩu, khó nhằn nên chưa bị "thuổng"

- Thưa nhà văn Y Ban, chuyện đạo văn trong giới cầm bút xưa nay không phải là chuyện hiếm. Ngoại trừ những vụ "thuổng nguyên xi", còn lại thông thường, những vụ tranh cãi liên quan đến đạo văn khó phân xử đúng sai vì "văn chương tự cổ vô bằng cớ". Chị nghĩ gì về câu chuyện này?

Nhà văn Y Ban.

+ Thời của toàn cầu hóa nên sự đạo văn, đạo nhạc, đạo ý tưởng... càng ngày càng ở mức độ tinh vi, rất khó phân biệt. Chỉ đâu là ranh giới càng khó hơn. Trong văn chương người ta thường chú trọng đến cấu tứ và chữ nghĩa. Khi một nhà văn hay nhà thơ có thương hiệu rồi thì lại rất khó "thuổng" câu chữ của người ta; ý thơ, tứ truyện của người ta đã thành phong cách, có ai đó vô tình cầm nhầm là người đọc phát hiện ra ngay. Thường thì những tranh cãi chuyện "đạo" hay không đạo lại hay xảy ra ở những tác phẩm kém, hoặc trung bình về chất lượng. Chứ nếu một tác phẩm đã nổi tiếng hẳn lên rồi, được công chúng rộng rãi biết đến rồi, ít có chuyện bị đạo. Vì người muốn đạo chăng nữa, họ đâu có dại đụng vào những giá trị đã được khẳng định rồi, gắn tem mác rồi.

- Trong sáng tác, việc trùng lặp ý tưởng hoàn toàn có thể xảy ra. Việc này có được xem là "đạo" không, thưa chị?

+ Sự trùng lặp ý tưởng là chuyện bình thường. Nhưng từ ý tưởng đến việc tạo nên một tác phẩm là hoàn toàn khác nhau ở mỗi một người cầm bút. Nói một ví dụ cụ thể cho dễ hiểu, chúng ta có hai bộ khung xương con người giống hệt nhau, nhưng việc tạo nên một con người hoàn thiện phải có da có thịt, có các mạch máu, có các dây thần kinh… Da thịt, mạch máu dây thần kinh... ở mỗi người khác nhau, không có ai giống ai cả. Trong trường hợp cặp sinh đôi cùng trứng, đến da thịt, mạch máu thần kinh... cũng đều giống nhau nhưng chúng ta vẫn phân biệt được vì họ vẫn có sự khác biệt. Thì tác phẩm văn chương cũng vậy, từ ý tưởng người viết phải dùng chữ nghĩa để bồi đắp nên tác phẩm. Chữ nghĩa không tự dưng mà có, đó là quá trình học tập và tất nhiên không thể thiếu hai chữ tài năng.

- Theo chị, trùng lặp đến mức nào thì được xem là đạo văn. Có những trùng lặp rất tinh vi, không phải trong câu chữ, mà trong ý, trong tứ, thì chúng ta phân biệt đạo và không đạo như thế nào?

+ Khó nhỉ? Thì đành phải lấy mốc thời gian thôi. Người nào sáng tạo trước thì gọi là sáng tạo. Người nào "sáng tạo" sau thì gọi là “thuổng”.

- Chị đã bao giờ bị đạo văn chưa? Nếu có, xin chị hãy kể lại trường hợp đó?

+ Chắc là văn của tôi xương xẩu, khó nhằn nên chưa bị “thuổng” bao giờ.

- Về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, người sáng tạo cần phải tránh những gì để tránh khỏi câu chuyện trùng lặp hay bị vướng vào nghi án đạo văn?

+ Đạo đức bây giờ không còn là thước đo nữa rồi. Câu chuyện của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart chắc nhiều người không còn nhớ. Khi có một nhà soạn nhạc trẻ đến hỏi ông về bản nhạc giao hưởng mới của mình, Mozart đã trả lời: "Khi gặp một người quen tôi thường ngả mũ để chào. Bản giao hưởng của cậu tôi gặp nhiều người quen qua phải ngả mũ liên tục".Văn chương và các loại hình nghệ thuật khác luôn là sự sáng tạo. Khi các nhà văn nhà thơ không thể sáng tạo được mà phải vay mượn ý tưởng, câu chữ của người khác thì luôn luôn chỉ là phiên bản lỗi.

- Xin cảm ơn nhà văn Y Ban.

Nhà văn Trần Đức Tiến: Về mặt pháp luật, cần có những quy định rõ ràng

- Theo ông, ở mức độ trùng lặp như thế nào thì có thể quy kết là "đạo văn". Đánh giá khách quan chuyện đạo văn cần phải dựa trên những yếu tố nào?

Nhà văn Trần Đức Tiến.

+ Trong sáng tạo, chuyện trùng ý tưởng không phải hiếm. Thậm chí, ở những tác giả lớn đôi khi vẫn xảy ra chuyện này. Một truyện ngắn nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng Việt Nam sao mà giống tinh thần truyện ngắn "Con chó mù" của R.K. Narayan (Ấn Độ)… Tuy nhiên, vô tình hay hữu ý rất khó biết. "Lượng hóa" mức độ trùng lặp để quy kết là "đạo" hay không "đạo" cũng không phải đơn giản. Chỉ có lương tâm của chính người viết mới phán xét được hành vi của anh ta. Trường hợp cứ im ỉm im ỉm thuổng nguyên văn tác phẩm, hoặc một vài đoạn nào đó… của người khác làm của mình thì hai năm rõ mười, cãi đằng trời!

- Trong trường hợp một người viết sau trùng một số ý, tứ, câu chữ... với một người đi trước, nhất là tác phẩm của người đi trước đã được rộng rãi bạn đọc biết đến, dù cho sự trùng lặp là ngẫu nhiên, dù cho người viết sau đọc rồi hay chưa hề đọc tác phẩm của người đi trước, thì về mặt đạo đức của người sáng tạo, người viết sau cần phải có những ứng xử như thế nào, thưa ông?

+ Tôi nghĩ với người đứng đắn thì việc đầu tiên là phải biết xấu hổ. Anh bảo anh chưa đọc người ta nên anh không biết à? Không! Là người làm nghề sáng tạo, như thế ít nhiều anh cũng có lỗi rồi đấy. Nhất là khi tác phẩm của người ta đã được công chúng rộng rãi biết đến. Công chúng biết, còn anh là người hành nghề mà lại không biết, thế là thế quái nào?

- Trong đời sáng tác của mình, ông đã khi nào là nạn nhân của việc đạo văn hay chưa. Nếu có, ông đã ứng xử trong trường hợp cụ thể đó ra sao?

+ Sao bạn không hỏi thêm, hỏi thẳng là tôi đã từng đạo văn của ai chưa? Thưa chưa! Nhưng tôi cũng đã vài lần thấy xấu hổ rồi. Na ná ý tưởng. Na ná câu chữ… Giời ạ, in xong, phổ biến xong mới nhận thấy. Đành phải đợi cơ hội để sửa chữa.

Đã khi nào tôi là nạn nhân của việc "đạo"? Tôi không biết. Nhưng có vài lần khó chịu. Một truyện ngắn của tôi in đi in lại nhiều lần, được lấy làm nhan đề tập sách của chính mình, và tập đó được giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, sau đó, lại thấy báo chí lăng xê tập truyện của một tác giả khác có nhan đề gần giống hệt, chỉ đảo ngược 2 từ. Chán. Lần khác, người ta không "đạo" của mình, nhưng "đạo" của những người khác viết về mình. Đó là luận văn thạc sĩ của một tác giả được giới thiệu rộng rãi trên mạng. Vị thạc sĩ nọ "nghiên cứu" truyện ngắn của tôi, cứ hồn nhiên chép bài của Tạ Duy Anh, Bùi Việt Thắng, Khánh Phương… mà không cần dẫn nguồn, ngoặc đơn ngoặc kép gì hết. Một người khen mình, người khác "nhại" lại y chang câu khen ấy, khác gì giễu mình? Lại chán nốt.

- Theo ông nên chăng, về mặt pháp luật, có cần thiết phải đưa ra những quy định rõ ràng về việc đạo văn, để khi xảy ra những tranh chấp, kiện cáo có cơ sở mà thẩm định, kết luận, phân biệt đúng sai?

+ Theo tôi là cần. Nhất là khi hiện tượng "đạo" đang có xu hướng gia tăng như hiện nay. Tôi thấy công luận đã phanh phui ra nhiều vụ thật ê chề… Không còn trông đợi gì ở lòng tự trọng được nữa thì đành phải nhờ cậy đến pháp luật vậy.

- Xin cảm ơn ông.

Có những kiểu thơ khó xác định tác giả

Vụ tranh chấp quyền tác giả bài thơ "Tổ quốc gọi tên", tuy hơi bất ngờ và hơi buồn cười, nhưng lại gợi lên nhiều suy tư về sáng tạo văn chương. Phải thẳng thắn với nhau, nếu không được phổ nhạc và cũng không xuất hiện đúng thời điểm cả nước đang sôi sục phản ứng thái độ bá quyền trên biển Đông của Trung Quốc thì bài thơ "Tổ quốc gọi tên" cũng không mấy ai biết đến. Do đó, tranh chấp quyền tác giả bài thơ "Tổ quốc gọi tên", phải nói rành mạch là tranh chấp ca từ bình thường và hào quang may mắn của bài hát "Tổ quốc gọi tên mình".

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Vì sao công chúng hoài nghi về tác giả thực sự của bài thơ "Tổ quốc gọi tên"? Vì về mặt văn bản học, đọc bài thơ "Tổ quốc gọi tên" chưa thấy dấu ấn cá nhân. Người có bằng chứng công bố đầu tiên thì bản quyền thuộc về người ấy. Không thể căn cứ vào bút pháp, ngôn ngữ và hình tượng để xác định ai là tác giả chính xác!

Phàm một văn bản trót mang tính chất ngân nga bổng trầm thì cũng tình cờ có luôn một cơ hội: né tránh được mọi sự truy vấn về hàm lượng thông tin, hàm lượng trí tuệ lẫn hàm lượng thẩm mỹ. Nghe bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" thì dễ dàng cảm thấy ca từ ấy thuyết phục, nhưng khi đọc bài thơ thì khó lòng khẳng định đó là sản phẩm của một nhà thơ chuyên nghiệp. Do vậy, tác giả có danh và tác giả vô danh, bỗng dưng ngang bằng nhau trong việc đòi sở hữu chủ bài thơ!

Khi chọn đề tài lớn lao như Tổ quốc, dân tộc hay nhân loại, thì bản lĩnh của một tác giả nằm ở khả năng dung hòa cái chung và cái riêng. Nếu cái chung lấn lướt và chi phối toàn bộ tác phẩm thì phong cách tác giả gần như mờ mịt. Tạo được cái riêng trên cái nền rất rộng của cái chung không chỉ mang đến thành công cho tác phẩm, mà còn mang đến thành tựu cho tác giả. Bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi là một ví dụ. Bên cạnh âm hưởng giục giã cộng đồng: "Nước chúng ta. Nước những người chưa bao giờ khuất" là bao gửi gắm lặng lẽ: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

Tuy không có những câu thơ ám ảnh sâu sắc như "Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều" như bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, nhưng trường ca "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm cũng kiến thiết được giá trị văn chương giữa cái chung và cái riêng. Chỉ cần phân tích bốn câu ngắn cũng có thể làm rõ vấn đề này. Nếu dừng lại ở ba câu trước "Đất là nơi em đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hẹn hò" thì em gái của Nguyễn Khoa Điềm là nữ sĩ Nguyễn Khoa Như Ý (viết văn xuôi ký bút danh Hà Khánh Linh) cũng có thể đứng tên tác giả. Thế nhưng, câu tiếp theo "Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm" thì đích thị "Mặt đường khát vọng" thuộc về Nguyễn Khoa Điềm.

Dung hòa cái chung và cái riêng trong chủ đề lớn lao luôn cực kỳ nan giải. Đôi khi cái riêng của tác giả không đủ mạnh mẽ thì với sự nhạy bén thiên phú tiềm ẩn ở mỗi tài thơ, họ biết cách kế thừa cái riêng của người khác để giúp tác phẩm tồn tại một cách vững vàng trong lòng người đọc. Cho nên, dù được phổ nhạc thì những bài thơ ấy vẫn không thể làm lung lay vị trí tác giả, để có thể xảy ra bất kỳ sự hoài nghi nào. Xin được nhắc đến hai trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, bài thơ "Anh ở đầu sông, em cuối sông", nhà thơ Hoài Vũ đã vận dụng khéo léo đoạn thơ "Ngã tại Tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ" của Lương Ý Nương (Trung Quốc), để có được những câu thơ rung động: "Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông".

Thứ hai, bài thơ "Thơ tình người lính biển", nhà thơ Trần Đăng Khoa đã triển khai câu thơ "biển một bên, em một bên" của Tế Hanh, để neo giữ tâm tình cá nhân giữa lãnh hải bao la cha ông để lại: "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên".

Trở lại với bài thơ "Tổ quốc gọi tên". Với một ý "tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình" thì không đủ dung hòa cái chung và cái riêng trong một tác phẩm thi ca, nhằm hé lộ phẩm vị và thao thức của tác giả. Bài thơ "Tổ quốc gọi tên" chủ yếu viết bằng những khái niệm giống như những câu kêu gọi lòng yêu nước, chứ không sử dụng thủ pháp hình ảnh vốn là đặc trưng vượt trội của thơ. Câu khá nhất trong bài là "Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau" cũng mang bóng dáng một mệnh đề, chứ không mang tầm vóc một câu thơ!

Qua vụ giằng co ầm ĩ của bài thơ "Tổ quốc gọi tên", ít nhiều giúp công chúng hiểu thêm một điều cơ bản, rằng: khi tự thân tác phẩm không phát ra tín hiệu nghệ thuật thì rất khó xác định tác giả!

Bình Nguyên Trang-Hội Quân-Vũ Quỳnh-Lê Thiếu Nhơn
.
.