Danh tiếng đi mượn, fan cuồng đi thuê...
Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên Khoa Văn học - Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh từng tham gia nhiều vụ làm fan thuê. Thấy thông tin rao tuyển đi cổ vũ cho một ca sĩ trên Facebook, cậu đăng ký. Đến nơi, Tùng mới biết đó là L.B.H - một ca sĩ có chút tiếng tăm nhưng không đến mức đình đám. Thông thường, thông tin ca sĩ hiếm khi ghi rõ ràng trên bảng rao tuyển. Việc tuyển fan cũng không công khai mà thường núp dưới hình thức thuê làm khán giả cho ca sĩ đó. Tùng kể: "Đầu tiên, tụi em gặp "tộc trưởng". Đây là tên gọi chung cho những người đứng đầu fan. Không phải ai đăng ký làm fan cũng được. Tộc trưởng sẽ xem chứng minh nhân dân, hỏi tại sao mình lại muốn làm fan, có hâm mộ ca sĩ của họ hay không... Người ta còn dò xét độ nhiệt tình, sự lanh lẹ của mình".
Khi vào phim trường, các fan thuê được phát áo thun có in hình ca sĩ cùng gậy phát sáng để huơ tay khi ca sĩ biểu diễn. Khâu hò hét, hô hào ra sao được tập dợt nhiều lần trước khi ghi hình. Nhóm của Tùng chỉ cổ vũ cho mỗi tiết mục của ca sĩ L.B.H. Xong việc, mọi người được mời đi ăn và nhận tiền. Tuy nhiên, trong bữa ăn, Tùng thấy thái độ của L.B.H quá kênh kiệu nên không muốn làm fan thuê cho ca sĩ này nữa.
Lần làm khán giả cho gameshow H.Đ mà thí sinh là các nghệ sĩ, Tùng được thuê làm fan của H.G, L.V.H, D.N và một số nghệ sĩ trẻ khác. Các fan được tập đi tập lại câu hò reo: "Chị H.G ơi, cố lên". Lúc ghi hình, tộc trưởng hô mồi trước rồi fan bắt đầu hô sau. Mỗi người được phát ảnh nghệ sĩ, gậy phát sáng, gậy đập tạo âm thanh. Mỗi ca sĩ có chừng 20 fan. Lúc nghệ sĩ biểu diễn đến đoạn cao trào thì tộc trưởng bật dậy hô vang, fan thuê cũng lật đật đứng dậy reo hò, nhún nhảy, vỗ tay rần trời. Hết phần biểu diễn, Tùng và các fan được mời bấm phím bình chọn cho ca sĩ. Một show như vậy Tùng được trả 60 ngàn đồng.
Fan là thứ “trang sức” không thể thiếu của nghệ sĩ giải trí (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Nói đến nghề là fan thuê, hẳn ai cũng nghĩ đây là nghề nhàn hạ, vừa được xem biểu diễn, lại vừa có tiền. Tùng cho biết, ở các gameshow, một khán giả bình thường được thuê 10 ngàn/giờ. Hết bao nhiêu giờ thì trả bấy nhiêu tiền. Nhưng làm fan cuồng cho ca sĩ thì cứ khoán theo show, một show 60 ngàn. Nhưng không phải show nào cũng chỉ quay 6 tiếng là xong. Như show H.Đ, Tùng phải la hét, vỗ tay, cười nói từ 8h đến tận 16h30, quay đi quay lại lê thê nhưng cũng chỉ nhận vỏn vẹn 60 ngàn. Do thời gian quay bị lố, nên ai không có kinh nghiệm đi làm fan thường bị đói do không chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Cứ dăm phút, tộc trưởng lại ra hiệu, mọi người ra sức hò hét, cười thật tươi và huơ tay múa chân thật sung mãn. Họ để ý ai có vẻ xìu, mệt mỏi là lập tức bị kéo ra khỏi khán đài vì lỡ lọt vô khung hình thì gay. Dĩ nhiên, những "gà rù" này bị trừ "lương" không thương tiếc vì không "chiến đấu" hết mình. Sau một chuyến làm fan, hầu như ai cũng bị khàn tiếng, chân tay mỏi rã rời.
Thông thường, người thuê fan chủ yếu là các nghệ sĩ trẻ. Khi tài năng của họ chưa được công nhận rộng rãi hoặc không có gì nổi bật thì fan là cách khẳng định sự nổi tiếng. Họ thường thuê học sinh, sinh viên - đối tượng ham thích các ngôi sao trẻ và mong muốn có thêm thu nhập sau giờ học, lại thừa sự nhiệt tình, sung sức để hò hét, cổ vũ. "Đi làm kiểu này thường là những bạn có thời gian rảnh, muốn kiếm thêm chút tiền hoặc tò mò về chương trình chứ hiếm ai hâm mộ nghệ sĩ đến nỗi phát cuồng. Đi làm fan cuồng mệt lắm, bực bội nữa. Em không thần tượng ai cả nên cổ vũ mà như đang diễn, giả giả sao ấy" - Tùng giãi bày.
Có trường hợp, các tộc trưởng còn phân công cho fan thuê nhiệm vụ bài bản. Ai ăn to nói lớn sẽ phụ trách khâu hò hét. Bạn nữ nào xinh xắn thì được giao ôm quà, hoa, gấu bông tặng nghệ sĩ hoặc cầm chai nước, khăn tay lên lau mồ hôi, cho nghệ sĩ uống nước. Bạn nam nào cao to, khỏe mạnh thì được giao giơ biển hiệu có tên ca sĩ. Số còn lại thì được phân công hò reo và múa tay chân hoặc gõ gậy, trống phụ họa.
Cách đây không lâu, ca sĩ Will của nhóm 365 daband tuyên bố rời nhóm. Dăm hôm sau, mấy chục bạn nữ tập trung trước công ty quản lý của 365 daband gào khóc, năn nỉ Will quay lại nhóm. Lại còn đồng ca: "Em yêu Will, em mến Will, vì mỗi lần Will hát em vui". Cả nhóm vừa cầm hình chân dung của chàng ca sĩ mới toanh này, vừa cầm bong bóng, rồi nào là tấm biển hiệu ghi những dòng chữ thống thiết yêu thương kiểu "I love Will". Clip của vụ việc nhanh chóng lan tỏa trên mạng. Nhưng khốn thay, dân mạng nhanh chóng phát hiện những bất thường: khóc kiểu gì mà như đang cười, lại còn lấy biển hiệu, băng rôn che mặt. Khi thần tượng mà mình khóc lóc, van xin nãy giờ xuất hiện, lí nhí nói gì đó thì cả nhóm cũng đứng im re, xếp hàng ngay ngắn mà ỉ ôi chứ không vồ vập như lẽ tất nhiên. Dân mạng lập tức phanh phui đây chỉ là một đội fan thuê dùng để PR (nhưng PR quá lố) cho nhóm nhạc mới nổi. Đúng là cảnh dở khóc dở cười theo chuẩn nghĩa đen. Trước đó, khi nhóm nhạc này còn chưa ra đời thì trên trang cá nhân của nhóm đã có hơn 20.000 lượt thích (!?).
Fan góp phần không nhỏ trong việc khẳng định đẳng cấp của nghệ sĩ. Vậy nên nhắc tới Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Đan Trường... người khác phải kính nể vì họ luôn có lượng fan đông đảo, mà là fan xịn hẳn hoi. Dù vậy, lượng fan của Mỹ Tâm trên thế giới ảo luôn ít hơn fan thật. Trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ mới nổi có lượt like, lượt xem ngất ngưởng trên mạng xã hội cũng như số phiếu bình chọn cao chót vót trong gameshow lại có ít fan thật ngoài đời.
Một dạng tin rao tuyển fan cho ca sĩ trên mạng xã hội Facebook. |
Bỏ tiền mua like, tin nhắn bình chọn bây giờ không khó với các dịch vụ cung ứng phong phú. Một người chập chững vào nghề, nếu muốn có fan bằng xương bằng thịt đi theo cổ vũ thì vẫn có đơn vị sẵn sàng cung ứng, có đủ số lượng, thành phần và mức giá. Những đơn vị này thường được ngụy trang như một diễn dàn fan.
Một nghệ sĩ giấu tên cho biết, dù sao việc thuê fan cũng là sĩ diện của người làm cái nghề vốn xa hoa. Người A có fan chăm sóc thì người B cũng phải có fan để cạnh tranh, dọa đối thủ khi thi cử, chạy show. Không chỉ đi thuê áo quần hàng hiệu, mượn nhà xe, trang sức tiền tỷ mà fan cũng là một thứ trang sức đẳng cấp để nghệ sĩ kém tài lòe thiên hạ.
Nhìn nhận về hiện tượng này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phân tích: "Thực ra thế giới giải trí cần có nhiều trò chơi khác nhau. Chơi fan hay chơi công nghệ cổ vũ cũng là một nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng đằng sau ấy là gì? Tội lắm cho những khán giả trẻ chẳng biết định hướng thẩm mỹ sao cho phù hợp. Sự thưởng thức nghệ thuật rất hổ lốn vì ngay từ nhận thức đến thái độ đã bị lạc lõng. Chính sự lệch lạc ấy dẫn đến thực tế có vấn đề về sự lựa chọn thần tượng, về chuyện đồng hóa cái tôi với sự xấc láo, đồng nghĩa giản đơn giữa văn hóa, đạo đức với cá tính bởi sự ngụy biện ngây ngô.
Thương nhất vẫn là người trong cuộc. Lớp son phấn có thể làm cho người ta sung sướng hay thăng hoa tạm thời. Nhưng liệu rằng đằng sau lớp son phấn ấy là gì? Phải chăng là sự cô đơn tột cùng, là sự thiếu cân bằng của bản thân… Đó là chưa kể nếu công nghệ ấy đẩy một bạn trẻ lên quá sớm sẽ làm người ấy ảo tưởng về bản thân mình, quên đi những chặng đường phấn đấu cần thiết và cả nội lực phải dày công rèn luyện của một tài năng".
Trong giới showbiz, đã có không ít nghệ sĩ cao ngạo vì sống trong ảo vọng được thổi phồng bởi fan thuê. Cũng có nữ ca sĩ đã khóc tức tưởi trên sân khấu khi hết tiền thuê fan, không một ai đến "tiền hô, hậu ủng" như trước đây. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, để nhận được sự tôn trọng và những tràng pháo tay đích thực, các nghệ sĩ trẻ phải luôn phấn đấu hoàn thiện mình cả mặt nhân cách lẫn tài năng. "Đừng vô tư lạm dụng để biến trò chơi thời công nghệ ấy trở thành trò chơi số phận vì đấy là điều hiểm nguy cho chính mình và người khác" - ông nhắn nhủ.