Ảnh nghệ thuật Việt Nam bao giờ ra biển lớn?

Thứ Ba, 30/12/2014, 08:00
Đại hội toàn quốc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - (VAPA)  từ 5- 7/12/2014 đề ra những nhiệm vụ và những hoạt động tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập VAPA và trong nhiệm kỳ mới 2015-2020, những câu hỏi lớn, khi nào thì ảnh nghệ thuật Việt Nam (ANT) thoát ra khỏi "ao làng", vươn ra biển lớn, có một vị trí thật sự trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh (NTNA) thế giới, hay vẫn là mục tiêu đoạt các huy chương vàng, bạc ở các cuộc thi ảnh trong nước do VAPA bảo trợ, hay nước ngoài do Liên đoàn NTNA quốc tế - FIAP, Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ- PSA, Hội Nhiếp ảnh không biên giới Pháp- IFS bảo trợ?

Hội nhập và ngoại giao văn hóa không chỉ là FIAP…

Cho đến nay, khi Việt Nam đã thật sự mở cửa và đổi mới hơn 20 năm và gần 15 năm khái niệm "hội nhập" cũng đã phổ biến trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là các ngành thuộc văn hóa nghệ thuật, nhưng xem lại Điều lệ của VAPA vẫn không có gì thay đổi, tính từ khi VAPA là thành viên thứ 65/100 vào năm 1991 của FIAP - Chương 1, Điều 6, mục 3: "Là thành viên của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế - FIAP". Hơn 20 năm là thành viên của một sân chơi nghiệp dư như chính slogan: "La Photographie Amateur à Travers le Monde"- Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới và trên  tấm thẻ Hội viên của FIAP có dòng chữ: "Carte de Photographe de la FIAP qui porte une photo du détenteur, qui est plastifiée et valable à vie" - Người cầm thẻ này không coi nhiếp ảnh là mục đích chính của cuộc sống, và mở rộng thêm hai tổ chức nghiệp dư nữa là PSA và IFS, xem ra, VAPA vẫn chưa muốn mở rộng tầm nhìn và sân chơi của mình ở những khoảng trời rộng hơn, đẳng cấp cao hơn, có uy tín trong giới NTNA thế giới thuộc các tập đoàn truyền thông đa quốc gia, các bảo tàng nghệ thuật thế giới, các tập đoàn nghệ thuật danh tiếng…

Và cũng nhắc lại, FIAP là một sân chơi rất sòng phẳng về lệ phí, nếu 2 năm không nộp lệ phí là bị truất quyền thành viên, Việt Nam đã có lần xin miễn giảm do hoàn cảnh khó khăn, nhưng FIAP không đồng ý. Chưa kể việc các danh hiệu của FIAP không chỉ đánh giá bằng tác phẩm mà còn có thể "mua" được bằng tiền đóng cho FIAP.

Hay PSA, được thành lập năm 1934, trụ sở chính ở thành phố Oklahoma, Mỹ, là tổ chức mang tính liên kết, giao lưu, chia sẻ cộng đồng trong bộ môn nhiếp ảnh và kinh doanh - thực chất hướng tới các nghệ sỹ nghiệp dư. PSA cũng nêu rõ mục tiêu không có tham vọng và thực chất chưa bao giờ là thước đo giá trị các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thế giới.  Câu chuyện mà giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đều biết, là vụ lừa đảo của vợ chồng Việt kiều Tony Kim Thuận tổ chức thi ảnh dưới sự bảo trợ của FIAP, PSA tự chấm ảnh nhau, chồng chấm vợ giải vàng, VAPA không công nhận kết quả cuộc thi này để xét điểm cho hội viên, FIAP cũng chẳng có ý kiến hay phạt vạ gì vợ chồng nhà này.

"Quà từ biển cả" - tác phẩm đoạt giải A - ảnh nghệ thuật quốc gia 2014 của tác giả Thân Nguyên - Đà Nẵng.

Vậy nhưng trong các báo cáo hoạt động của VAPA, những giải thưởng của FIAP, PSA mà Việt Nam đạt được là niềm tự hào, là thành tích "sáng giá" nhất, xem như đó là thước đo cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Thậm chí còn cho đó như là một trong những phương hướng hoạt động chính yếu của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam với thế giới trong hiện tại và tương lai! Kể cả trong tiêu chí xét trao khen thưởng Nhà nước, giải thưởng của Bộ VH-TT & DL cũng nêu tiêu chuẩn đạt giải vàng - bạc - đồng của FIAP, PSA (nhưng cũng 2 năm qua Nhà nước và Bộ VHTTDL không xét giải được vì số người đoạt HCV- HCB… nhiều quá)

Chưa dừng ở việc thành tích, VAPA lâu này vẫn đánh đồng FIAP, PSA… xem như đây là "kênh" "ngoại giao nhân dân" chủ yếu, nếu như không nói là duy nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đối với quốc tế. Thử hỏi các lần giao lưu văn hóa với các quốc gia, nếu như có ảnh mang đi triển lãm, có phải ảnh của VAPA chọn? Hay là những ảnh Việt Nam đoạt giải cao của FIAP? VAPA đã tổ chức được bao nhiêu triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài tính từ khi gia nhập FIAP? Ngay cả những cuộc thi ảnh quốc tế do VAPA tổ chức 2 năm/lần với sự bảo trợ của FIAP, thì hỏi sau đó có bao nhiêu tác giả ảnh nước ngoài chụp - triển lãm giới thiệu đất nước - con người Việt Nam ở quốc gia của họ? Qua 30 kỳ Biennal FIAP, ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng đã có những giải thưởng cao, nhưng những bộ ảnh đó chỉ lưu lại FIAP như hàng trăm bộ ảnh của các quốc gia khác và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của FIAP mà không ra được với những bảo tàng nghệ thuật lớn của thế giới ở các quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh nổi tiếng như Pháp, Mỹ, Anh, Ý… Ngay cả với những quốc gia trong khu vực châu Á, hay Đông Nam Á, ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng chưa có vị trí trong các bảo tàng nghệ thuật của họ. Đáng buồn, một sự thật đáng lưu ý nữa, ngay như trong trang chủ và các bài viết có tính giới thiệu về hoạt động của FIAP trên trang web fiap.net không thấy minh họa ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Giá trị ảnh nghệ thuật của Việt Nam nằm ở đâu?

Hằng năm, nếu tính từ những cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước lên đến gần trăm cuộc, từ tầm quốc gia, khu vực Nam- Trung- Bắc, rồi tỉnh- thành, ngành- nghề, cơ quan, báo chí, trang web… thậm chí có cả những cuộc thi ảnh theo thời vụ, theo mùa hay theo sự kiện lớn, sự kiện nhỏ… Với trung bình mỗi cuộc cũng có ít nhất một bộ ảnh đoạt giải và chọn treo khoảng vài chục cái, thì số lượng ảnh nghệ thuật (gọi là có chất lượng) theo tiêu chí chấm giải sẽ lên đến hàng ngàn tấm và chúng dùng để làm gì? Một cuộc triển lãm mang tính nội bộ nhiều hơn và gần như không có cuộc triển lãm nào tạo thành sự kiện văn hóa mang hiệu ứng rộng, sâu trong cộng đồng và "sống" lâu trong đời sống văn hóa, xã hội của Việt Nam.

Việt Nam lại chẳng có một thị trường ảnh đúng nghĩa, không có những gallery ảnh bày bán các tác phẩm ảnh nghệ thuật phổ biến như hội họa, mỹ thuật, chỉ lác đác vài cái của vài cá nhân - đồng thời là tác giả ảnh. Ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện tại cũng gần như không được các bảo tàng trong nước mua, vì bảo tàng ở Việt Nam chưa có thông lệ mua ảnh nghệ thuật để trưng bày. Ảnh nghệ thuật Việt Nam gần như rất ít có tác động đến đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước so với các loại hình nghệ thuật khác. Bản thân ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng chưa làm được vai trò "sứ giả" như những bức ảnh của thời chiến tranh, giới thiệu về một Việt Nam đất nước con người hôm nay một cách xác thực.

Theo báo cáo của Chủ tịch VAPA Vũ Quốc Khánh nhiệm kỳ VII 2010-2014:.. "Hội tổ chức được 55 cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế và khu vực, với hơn 18 nghìn lượt tác giả và gần 140 nghìn ảnh tham dự, có tới 8.500 tác phẩm ảnh được công bố, dự treo triển lãm, trong đó có 424 HCV, HCB, HCĐ….".

Vâng, giải thưởng thì nhiều, nhưng lấy tiêu chí của một tác phẩm nghệ thuật có giá trị và ảnh hưởng tới xã hội, công chúng, thay đổi quan điểm hay sáng tạo xu thế mới về nghệ thuật... thì tác phẩm của họ chỉ đơn thuần là một vẻ đẹp "nghệ thuật vị nghệ thuật" đúng kiểu "tài tử" của FIAP, PSA, vừa xưa cũ về cách thể hiện, vừa bóng bảy màu mè bề ngoài, vừa rỗng nhạt về ý tưởng, đã không mang được tính đương đại của cuộc sống hiện thực, lại ít thể hiện được tiếng nói chung của cộng đồng, ít tạo ra một ảnh hưởng nào trong đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, ít mở ra những xu hướng sáng tạo nghệ thuật như khám phá, phát hiện, hay tạo nên một trường phái mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Mùa giải chuyên nghiệp của VAPA năm 2014, có 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt E.VAPA, nhưng gần như truyền thông chỉ "nhăm nhăm" vào bộ ảnh nude của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên, xem như "đột phá" mới, mà quên đi 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh còn lại là: Hồ Sĩ Minh - Nghệ An, Nguyễn Tất Bê - Hà Nội, Ngô Quang Phúc và Hoàng Thạch Vân- TP HCM. Phải chăng ảnh nghệ thuật Việt Nam chỉ có ảnh nude là có "giá"?

Bao giờ ra biển lớn?

Chỉ quẩn quanh “ao nhà” và sân chơi nghiệp dư FIAP, PSA, IFS… mà không thử sức với các bầu trời cao, rộng hơn, thì đến khi nào mới có được vị trí trong bản đồ NTNA thế giới? Có được tiếng nói uy tín tầm thế giới? Lác đác vài cá nhân độc lập tham gia và gặt hái chút ít thành công, chẳng thể làm nên một cái tên Việt Nam trong NTNA thế giới.

Còn nhiều đấu trường quốc tế danh giá và uy tín, mang tính nghệ thuật nhiếp ảnh đỉnh cao, mở ra những xu hướng nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại, chọn lựa những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh xuất sắc để đưa vào bảo tàng như những "di sản" văn hóa - văn minh - nghệ thuật của nhân loại… thì Việt Nam gần như vắng bóng.

Trên hết, đã đến lúc VAPA cần phải đổi mới tư duy về nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, để thật sự có những tác phẩm ảnh nghệ thuật mang tiếng nói thời đại, tiếng nói của cuộc sống đương đại với hơi thở sống động thật sự và có sự sáng tạo nghệ thuật mới mẻ có tầm cao để nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có vị trí xứng đáng trong nền NTNA thế giới.

Hoài Hương
.
.