Ăn Tết, chơi Tết hay thưởng ngoạn Tết?
Chơi Tết, tại sao không?
Nguyễn Thị Minh Thái
Có những phong tục nhiều đời gắn với đời sống của người Việt, qua bao thăng trầm lịch sử, đấy là Lễ Tết và Lễ hội. Nếu hình dung một cách tổng thể trên hai trục thời gian và không gian luôn đan dệt biện chứng với nhau trong đời sống nông nghiệp cổ truyền của người Việt, thì Lễ Tết nằm ở trục thời gian (ứng với lịch âm dương, tính theo hệ can chi, được phân bố theo chu kì sản xuất nông nghiệp khép kín, và thường "rơi" vào thời điểm nông nhàn trong năm, nhất là vào mùa xuân). Còn Lễ hội nằm ở trục không gian, ứng với địa lý vùng miền. Dân gian thường nói Ăn Tết và Chơi hội.
Trong sự phát triển của xã hội Việt hiện đại, người Việt đầu thế kỉ XXI vẫn giữ lề thói Tết cổ truyền là ăn Tết, song đã nhiều phần chuyển sang chơi Tết, như một thú vui tinh thần...
Một: Tại sao Tết xưa là Ăn Tết?
Chữ Tết là do biến âm của chữ Tiết mà ra. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Việt, Tết Việt là một nghi lễ cổ truyền, thường bao gồm 2 phần: Lễ, cúng tổ tiên và Ăn (những đồ đã cúng và những món ăn cổ truyền như thịt gà, lợn, dưa hành, bánh chưng…) và có lẽ trong tâm thế người nông dân Việt như muốn bù lại, muốn thưởng cho mình một năm làm ruộng vất vả, nên phải được sung sướng bằng Ăn Tết.
Thường thường, ăn Tết cũng là dịp sum họp gia đình, ai ai dù đi khắp bốn phương trời, đến ngày Tết Nguyên đán vẫn thích về nhà, về quê, quây quần ăn Tết với người ruột thịt. Cho nên, ăn Tết là quan trọng nhất với người Việt là vào dịp Tết Nguyên đán (theo nghĩa linh thiêng là ban sớm ngày đầu tiên của năm mới.
Dân gian Việt gọi là Tết ta để phân biệt với Tết Tây theo dương lịch, hoặc là Tết Cả là tết to nhất trong năm), là dịp dường như duy nhất trong năm, sum họp cả gia đình, gia tiên và gia thần. Và Tết bao giờ cũng đồng nghĩa với nghỉ ngơi, quây quần ăn uống với người thân. Tết đã chi phối sinh hoạt của cả một cộng đồng người Việt, trong thời khắc thiêng của một năm mới.
Có nhà văn đã viết về Tết như một mùa Tết. Người Việt bắt đầu mùa Tết từ ngày ông Táo lên Trời, 23 tháng Chạp. Từ ngày này, trẻ già lớn bé đã nô nức rủ nhau đi chơi chợ Tết, sắm Tết. Chợ Tết ở các vùng núi cao phía Bắc đông vui như ngày hội, sặc sỡ sắc màu, ngày nào cũng tấp nập người đi chợ, mang theo cả vợ chồng con cái, các thanh nữ, thanh niên cùng nhau hào hứng mua bán, ăn uống, vui chơi, tỏ tình nữa…
Cuộc vui kéo dài cả ngày, và kéo dài suốt mùa Tết cho đến giáp Tết. Chợ Tết diễn ra suốt một tuần lễ trước Tết quả là nét đẹp nhất về tính cộng đồng của người Việt vào dịp Tết. Và không gì vui hơn, khi chiều 30 Tết, cả nhà cùng ăn uống quây quần, chờ đến giao thừa, bày biện mâm cỗ cúng gia tiên và cùng đón năm mới, với những lời chúc tốt lành trong gia đình và lì xì cho nhau năm mới…
Hai: Tết nay là chơi Tết. Tại sao không?
Với những mục tiêu mới của xã hội Việt hiện đại: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, về bản chất của sự phát triển, Tết Nguyên đán của người Việt hôm nay đã có nhiều biến đổi để phù hợp với sự phát triển hiện đại.
Người Việt hôm nay của thế kỉ XXI vẫn mang theo hành trang của mình phong tục Lễ Tết, nhưng cách ứng xử văn hóa với Tết đã xuất hiện một sắc thái mới. Dễ thấy rằng, trong dịp Tết cổ truyền có thể hàng ngàn, chục ngàn người nước ngoài gốc Việt đi từ các nước phương Đông, đặc biệt là các nước phương Tây đổ về Việt Nam ăn Tết. Ấy là chưa kể các vị khách quốc tế muốn du lịch Việt Nam để trải nghiệm cái đặc sắc của Tết Việt.
Ngược với dòng người đổ về Việt Nam ăn Tết lại có một dòng người Việt khác tỏa ra khắp các nước phương Đông láng giềng, Đông Nam Á chẳng hạn, hoặc các nước châu Âu, đi chơi Tết theo cách du lịch, hoặc ngay ở trong nước, người ở vùng này di chuyển đến vùng khác ăn Tết đầy thi vị và hào hứng.
Không ngẫu nhiên, ở TP HCM, có các ông chủ, bà chủ của các biệt thự lớn, muốn đi nước ngoài ăn Tết Ất Mùi, đã thuê người trông coi biệt thự, tốn vào đó hàng triệu đồng mỗi ngày, theo báo chí đưa tin.
Em trai út của tôi, một doanh nhân khá thành đạt, ngay trước ngày ông Công ông Táo đã đưa cả vợ và con trai thứ sang Australia ăn Tết với con trai cả du học ở bên đó đã vài ba năm. Có nhà văn bạn tôi cách đây dăm năm đã sang Trung Quốc ăn Tết xem có gì đặc sắc, khác Việt Nam và khẳng định rằng, du Tết là vô cùng sung sướng và mãn nhãn. Và vừa rồi, trên Báo Gia đình và Xã hội số Tết, người Việt đã sang Mỹ, vùng Cali để ăn giỗ, mà trước đó, những người thân của họ đều phải về ăn giỗ ở Việt Nam. Đi ăn giỗ tận Cali, thật là điều mới mẻ của chuyện ăn giỗ của người Việt hôm nay.
Trước Tết ta, cách đây hàng chục năm, người Hà Nội đã chơi hoa đào rừng, do họ ưa phiêu du và đổi món thưởng hoa ngày Tết vốn là đào Nhật Tân. Chúng tôi, một nhóm bạn thân, dân viết văn viết báo, hầu như Tết nào cũng lên Mộc Châu để mua đào rừng trong những bản làng xa xôi mây phủ, hoa đào rừng năm cánh mong manh nở kín ngõ dẫn vào vườn của dân bản, đang cắm cúi may áo mới đón Tết hoặc đốt lửa sưởi bên những cành đào rừng còn e ấp nụ, chào bán cho khách miền xuôi chở đầy trên nóc xe, mang về Hà Nội chơi hoa Tết.
Đúng là của một đồng, công một nén. Đào rừng 5 cánh mỏng nhạt màu đào phai, ngậm nụ suốt những ngày trước Tết, từ mồng một bắt đầu hồng lên lấm tấm và cứ thế bung nở đến tận ngày rằm. Thân đào mốc xám, cành vươn cao, hoa nở tung chi chít. Ngồi dưới bóng đào phai, cả nhà ấm cúng thưởng đào, nói lời đẹp đẽ đầu năm, lì xì cho cha mẹ, con cháu, cho bạn bè… Hạnh phúc thật ngọt ngào hương vị năm mới
Năm nay chúng tôi vẫn cứ nổi máu phiêu du, lại hẹn nhau nhau lên bản xa Mộc Châu hái hoa đào rừng chơi Tết. Trong số đó có cả người bạn đã ở quá lâu ở nước ngoài, sung sướng bởi hai cuộc phiêu du, từ trời Tây trở về với trời Việt và được lên núi bẻ hoa rừng. Tôi bỗng nhớ tên một truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Nào ta cùng lãng du”, lãng du trong những ngày Tết Ta của thế kỉ XXI, đã trôi qua hơn một thập niên. Và lãng du - chơi Tết đã thành một phong tục đẹp, đầy cảm hứng và màu sắc "hương xa", tại sao không?
NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Đừng bỏ Tết vì bất cứ lí do nào
Mi Sol (thực hiện)
- Thời gian chỉ còn đếm chưa hết đầu các ngón tay là đã đến Tết rồi, vậy mà ông vẫn làm việc, chưa có dấu hiệu gì nghỉ ngơi sao?
+ (Cười): Thì năm nào cũng thế, công việc nhiều, Tết cũng phải vắt chân lên cổ mà chạy cho kịp tiến độ. Với lại với tôi Tết thì cũng thế, tôi không nặng nề nhiều.
- Không nặng nề thì cũng phải sắm Tết để đón Tết chứ?
+ Tất nhiên, nhưng giờ thì mọi chuyện đơn giản rồi. Lượn siêu thị 1, 2 vòng là có thể khuân đủ thứ, không thiếu gì. Thậm chí, ngồi nhà liệt kê những thứ cần mua rồi a lô cho dịch vụ, họ sẽ mang đến tận nơi, đâu cần phải ngược xuôi đầu tắt mặt tối sắm Tết như trước nữa?
- Thích hay không thích thì tới ngày tới tháng Tết vẫn đến, xuân vẫn về và thiên hạn vẫn phải chấp nhận quy luật tự nhiên ấy. Nhưng dường như càng lúc, Tết càng khiến người ta bớt đi sự hưng phấn trông chờ, mà thay vào đó là mệt mỏi, lo toan?
+ Cũng do cuộc sống nay đã khác trước nhiều. Ngày trước cứ phải đợi đến Tết, cán bộ, công nhân viên, người lao động rồi cả học sinh mới được nghỉ dài. Giờ ngược lại, một năm vài kì nghỉ lễ, nghỉ đến độ là tai họa với gia đình có con nhỏ vì chúng cũng được nghỉ, không phải đến lớp, bố mẹ sẽ không biết xoay xở thế nào, trong khi thường ngày đã quen với cảnh con học bán trú. Hay Tết cũng là bi kịch cho nhiều gia đình thành phố, những gia đình đã quá phụ thuộc vào người giúp việc. Tết, giúp việc về quê, nhiều nhà coi như... mất Tết.
- Vậy theo ông, xu thế chung hiện nay là người dân đang ăn Tết, chơi Tết hay thưởng thức Tết?
+ May là bây giờ đã khác với thời bao cấp đói khổ, thời mà phải đợi đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp. Ngày xưa, nhất là trẻ con thích ốm lắm, vì ốm mới được ăn phở. Trẻ con và ngay cả người lớn còn mong Tết hơn vì Tết thể nào cũng được sắm quần áo mới, nhà chất ê hề đồ ăn, dù tủ lạnh không có. Phải Tết mới được ăn xương ninh măng, ăn thịt gà, Tết mới cắn hạt dưa thoải mái, ăn bánh kẹo không cần nhìn trước ngó sau.
Cuộc sống đương đại đã khác trước hoàn toàn rồi. Con người nói chung ít bận tâm hơn đến cái ăn, cái mặc. Ngày thường người ta vẫn thoái mái ăn ngon mặc đẹp chứ không cần đợi dịp Tết. Vậy nên tôi thấy người dân đã có ý thức chơi Tết, thưởng ngoạn Tết nhiều hơn. Thay vì chất nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, người ta đã đi mua hoa, săn lùng để mua bằng được những chậu hoa đẹp, kỳ công tặng nhau những bình hoa quý, độc đáo. Tết nghỉ dài cũng là dịp để người dân đi du lịch, đi chơi xa, thậm chí đi nước ngoài, đi cả gia đình hay nhóm bạn. So sánh thời bao cấp với giờ là một khoảng cách vời vợi, cách xa nhau một trời một vực...
- Đi chơi nhiều thế, mà hình như người dân lại không đi thưởng thức nghệ thuật?
+ Có chứ, ít nhất là người ta đi xem phim, nên mới có mùa phim Tết mà nhiều nhà làm phim đã thắng lớn trong dịp này. Điện ảnh thu hút chủ yếu là giới trẻ, rạp chiếu phim cũng đã được nâng cấp đẹp hơn, tiện nghi sang trọng hơn, phù hợp tiêu chí của người trẻ. Còn sân khấu thì khác. Vì sân khấu, ít nhất là ở phía Bắc chưa có ý thức phục vụ Tết nên người dân hầu như không có thực đơn để lựa chọn. Thêm nữa, ngoài Bắc Tết thường lạnh, mà lạnh thì người dân hay ngại ra đường vào buổi tối nên có diễn kịch cũng ít người xem.
- Vậy với cá nhân ông, Tết ông cũng không đi đâu sao?
+ Không, tôi chỉ ở nhà. Tết nhà tôi thường rất đông khách. Vậy nên tôi khác mọi người, khi thuê giúp việc thường ra điều kiện, ngày thường muốn nghỉ bao nhiêu cũng được, riêng Tết là không được nghỉ. Đặc biệt, theo truyền thống từ mấy chục năm nay rồi, ngày mùng 4, các anh chị em nghệ sỹ trong giới sân khấu thường tụ tập ở nhà tôi để làm một cuộc gọi là gặp gỡ đầu xuân...
- Mấy chục năm ông vẫn duy trì được nền nếp đẹp ấy?
+ Vẫn. Mọi người đã coi đó là một thói quen, một điều đương nhiên vào ngày mùng 4: tụ tập tại nhà Doãn Hoàng Giang. Đương nhiên lượng người mỗi năm lại một ít đi, từ chỗ khách đông đến độ phải ngồi cả ra hiên, giờ thời gian tuần tự tiến, đã người còn người mất, người ốm đau bệnh tật già lão không nhấc nổi chân. Nhưng những ai đi được, vẫn hẹn nhau vào ngày mùng 4 mà không cần tôi phải nhắc lại lời mời.
- Tết tất nhiên linh thiêng ý nghĩa nhưng cũng nhiều phiền toái. Vậy nên vài năm trở lại đây đã có luồng ý kiến nên bỏ Tết ta, bỏ Tết Nguyên đán, mà gộp vào Tết tây, mình cũng ăn Tết Dương lịch theo số đông các nước trên thế giới?
+ Tuyệt đối không nên đặt vấn đề này ra. Những gì theo thời gian đã thành tập quán, hình thành nên bản sắc và tồn tại được lâu dài, tức là nó phải có lí. Không phải ngẫu nhiên mà cái Tết Nguyên đán đã song hành cùng dân tộc chúng ta hàng nghìn năm qua, và tôi tin là còn tồn tại mãi. Còn những phiền toái do Tết, kiểu như lãng phí, hay tệ nạn rượu bia nhậu nhẹt, cờ bạc, mê tín dị đoan núp bóng lễ hội là do chính chúng ta, chính con người gây ra, con người mượn cớ Tết để làm khó cho mình chứ có phải nguyên do bởi Tết đâu.
Tết đã thuận theo tự nhiên, hợp theo đất trời, và con người cũng đồng lòng đón nhận, thì sao phải bỏ. Rồi nữa, kể cả ngày thường chúng ta đã ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn chơi vui hơn thì cái sự ăn ngon mặc đẹp chơi vui ngày Tết cũng mang một tâm thế khác, một trạng thái cảm xúc khác. Tại sao phải làm khó chính chúng ta, tước đoạt những cảm xúc thuần cảm tính của chúng ta bằng những lý lẽ nặng nề lý tính...
- Những quan điểm phản bác Tết còn đưa ra lí do, Tết quá tốn kém và ngày nghỉ kéo dài không phù hợp với thời hội nhập kinh tế?
+ Tôi nói rồi, tất cả phụ thuộc vào chúng ta, vào con người, chứ tốn kém lãng phí cũng đâu phải lỗi của Tết. Tất nhiên cũng có những người còn nặng tâm lí Tết mà, cả năm mới có một lần, xả láng đi. Xả láng ăn nhậu, xả láng bia rượu, xả láng phóng xe ngoài đường... Thành ra ngày Tết cũng là cao điểm của tai nạn giao thông. Mỗi người phải tự điều tiết kiềm chế chính mình thôi.
Ông bà ta đã có câu "liệu cơm gắp mắm", tự biết mình là mọi chuyện đều hài hòa thuận lợi hết. Tại sao cứ tư duy một chiều, hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa là phải bắt mình giống tây cho dễ chơi với tây. Ngược lại hoàn toàn đấy, sao không quyến rũ tây, biến cái Tết cổ truyền của mình thành lực hấp dẫn thu hút khách tây tới tham quan, du lịch. Được như thế lại thành thúc đẩy kinh tế phát triển, và còn quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của chúng ta.
- Ông vẫn ủng hộ Tết, dù bản thân đã cho rằng Tết hay không thì cũng thế?
+ Cũng thế, tức là tôi không quá nhọc công chuẩn bị, không đi chơi xa, không quá hưng phấn nữa. Nhưng Tết mới là dịp để được gặp người bạn có khi cả năm không gặp nhau, hay đơn thuần là để nghỉ ngơi vì ngày thường công việc luôn quá bận rộn. Cái Tết âm lịch, Tết Nguyên đán đã thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Việt, đã ăn vào máu người Việt rồi, đừng vì lí do này lí do khác mà xét lại nữa.
- Trân trọng cảm ơn NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang và chúc ông một cái Tết Ất Mùi ấm áp, đầy dư vị và gặp gỡ đông đủ bạn bè đồng nghiệp...
NSƯT Minh Vượng: Mệt nhưng vẫn sướng
Khánh Lam
- Năm mới chuẩn bị đến rồi, chị vẫn tất bật với các show diễn chứ?
+ Không, Tết tôi thường ít nhận show diễn, mà chỉ ở nhà quanh quẩn dọn dẹp nấu nướng, đi thăm thú họ hàng, bạn bè rồi chuẩn bị tiếp khách. Vất vả cả năm, được vài ba ngày Tết là thanh thản, nên để mình nhàn tản giống mọi người thôi.
- Cuộc sống đang náo nhiệt quay cuồng với nhịp điệu khiến con người không thể dừng lại, đùng cái Tết sầm sập trước mặt. Thế là tất cả bỗng chùng xuống, cường độ của ngày thường bị đứt quãng. Chị không thấy hẫng hụt trống trải gì sao?
+ Đấy, vì vậy mới phải cảm ơn Tết, may mà có Tết, chứ nếu không con người sẽ thành robot hết. Tết, trong cảm giác mênh mang ấm áp khi đất trời giao hòa, con người dù giai gái, lớn bé, giàu nghèo đều lắng lòng lại, thấy mình thiện lương hơn, tử tế hơn, bớt tham sân si hơn, bớt những mưu mô toan tính thường nhật. Tôi thấy ngày thường người này người khác dẫu có không ưa nhau, ít hài lòng nhau, đến Tết tự dưng lại buông bỏ, nhìn nhau thấy thân thiện, bao dung hơn. Thế lại chả may mắn sao.
- Nhưng thông thường mọi người hay cảm thán: “Lại Tết rồi” kèm theo tiếng thở dài?
+ Đúng vậy, bởi vì Tết cũng gắn liền với nhiều lo toan, nhiều thứ việc đã thành tục lệ không thể bỏ được. Nào là sắm sửa, dọn nhà dọn cửa, quà cáp cho người này, lễ lạt người kia. Lạ một điều, có lo đến mấy, bấn loạn đến mấy thì khắc giao thừa tới, con người ta cũng quên hết. Đến giao thừa là mọi việc buộc phải xong, chỉ còn nghĩ đến thắp hương cúng đất trời, khấn nguyện cho một năm mới bình an may mắn... Nên Tết dẫu có mệt, có cực thì người ta vẫn vui, vẫn sướng... Mà vui nhất, sướng nhất tất nhiên là trẻ con.
- Chị từ ngày về hưu, thôi làm diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, sang cộng tác với Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi nên càng có điều kiện hiểu thêm tâm lý trẻ em?
+ Trẻ em luôn là khán giả dễ thương bậc nhất của tôi, diễn cho các em dễ hưng phấn, sự hò reo cổ vũ của các em luôn kích thích tác động trở lại với nghệ sĩ. Những chương trình biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi chúng tôi luôn lồng vào đó nhiều câu chuyện giáo dục gần gũi, bổ ích, dễ tiếp thu. Hỏi các em có thích Tết không thì thôi rồi, trẻ con mà, vô lo vô nghĩ nên người lớn có đắng lòng vì Tết thế nào chăng nữa thì trẻ con vẫn kệ, được nghỉ học, được mặc đẹp, ăn ngon, được đi chơi, được mừng tuổi là các em vui quên hết.
- Tức là với chị, Tết vẫn là điều không thể thay thế được?
+ Tại sao phải thay thế. Vì lí do này, lí do khác, người ta hay gán cho Tết đủ thứ phiền hà, xách nhiễu. Tin tôi đi, nhờ có Tết, có thể chính bạn mới cảm nhận được cái rét này đúng là rét ngọt rét bùi, mới sững sờ sao hoa thược dược, lay ơn, violet rực rỡ tươi xinh đến thế. Tôi thì đơn giản thấy thế này, cứ ăn Tết ít đi, sắm Tết ít đi..., dành thời gian mà thưởng Tết, bạn sẽ thấy sao một năm Tết lại không đến thêm lần nữa nhỉ. Đừng làm khổ mình bằng những ràng buộc xiềng xích tự trói vào người, rồi quay ra thở than, chán chường cả với những thời khắc hân hoan rạo rực nhất của đất trời, của lòng người...
- Quả có thế thật! Trân trọng cảm ơn NSƯT Minh Vượng và chúc chị một cái Tết đầy bình an, hạnh phúc.