Ý Đảng và lòng dân

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:13
Đại hội XIII của Đảng là một sự kiện chính trị, một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.


Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là công tác văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vậy trong hai công tác cực kỳ quan trọng của mỗi kỳ Đại hội Đảng đó, công tác cán bộ vẫn là cái gốc của mọi công tác khác. Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu công tác văn kiện được chuẩn bị tốt nhưng công tác cán bộ làm không kỹ, không tốt, để lọt vào đội ngũ những người bất tài, hám lợi thì việc thực thi nhiệm vụ cũng sẽ không thành công.

Trong một bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: "Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước".

Tranh cổ động chào mừng đại hội XIII của Đảng.

Nhìn thẳng vào vấn đề, chỉ rõ, chỉ đích danh "một nguyên nhân quan trọng" kéo lùi sự phát triển của đất nước là do sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để khắc phục được vấn đề trên, một trong những việc quan trọng hàng đầu trong thời gian qua của Đảng là làm sạch đội ngũ cán bộ đảng viên.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Sự yếu kém bất tài của đội ngũ cán bộ, trong đó có sự yếu kém về nhân cách và phẩm giá của người cán bộ đảng viên, xét cho cùng, là họ đã không biết giữ gìn phẩm giá của chính mình và phẩm giá của gia đình, dòng họ và phẩm giá, truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc.

Trong số gần 100 cán bộ đảng viên cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, có không ít người khi chưa được đề bạt, cất nhắc lên vị trí lãnh đạo thì họ có thực tâm, thực tài, có người đã từng có những cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân và họ đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước tôn vinh. Nhưng khi được cất nhắc lên những vị trí quan trọng thì họ lại trở thành những người hỏng, những người làm hại đất nước, làm hại nhân dân.

Điều xót xa này chúng ta thường gặp ở những nơi di tích, danh thắng quan trọng của đất nước. Những bia đá khắc ghi, những cây cổ thụ được trồng lên có gắn bảng đồng, bia đá. Họ là những người đã từng giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy thì mới được trồng cây lưu niệm, khắc ghi ở những nơi quan trọng, nhưng nay bia đá, bảng đồng và cây trồng còn đó, nhưng có người thì đang nằm trong trại giam, người thì đang sống ẩn dật, tủi hổ ở một nơi cách biệt nào đó không dám tiếp xúc với cộng đồng, dân cư.

"Trăm năm bia đá thì mòn". Vâng, bia đá có thể mòn, một cây cổ thụ khi đi hết vòng đời của nó thì sẽ chết đi và lấy thân nuôi đất, nhưng ngàn năm sau, bia miệng thì vẫn còn, như những lời nhắc nhở cho những ai thiếu tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn.

Để xảy ra điều này, tự bản thân họ không biết giữ gìn khi đã có quyền, có danh, có lợi trong tay và tổ chức, đơn vị, cơ quan, khu dân cư… nơi họ công tác thiếu đi tính đấu tranh, thiếu dân chủ và minh bạch, trong đó thiếu minh bạch về công tác cán bộ và minh bạch về tài chính. Họ giống như những chiếc xe lưu thông trên đường lớn mà thiếu đi các biển cảnh báo, thiếu đi lực lượng Cảnh sát giao thông.

Phải khẳng định rằng đất nước ta không thiếu người tài đức, việc tìm chọn được người tài đức đã khó, việc giữ được người tài đức lại càng khó khăn gấp bội, trong đó giữ sao cho được khi người tài đức đã đảm trách những vị trí quan trọng mà không mai một đến cái đức, vì cái đức vẫn là cái gốc của mỗi con người.

Chỉ khi nào trong hệ thống chính trị có được những con người thực tài và đức độ một lòng vì nước vì dân thì khi ấy, ý Đảng và lòng dân mới hợp là một, tạo nên thế và lực để đưa đất nước đi lên.

Nguyễn Thế Hùng
.
.