Sáp nhập Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam:

Xuôi trên nhưng chưa thuận dưới

Thứ Tư, 16/05/2012, 08:00

Hai đơn vị đứng đầu sân khấu phía Bắc từ nay sẽ hợp nhất thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam. Theo đề án, Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam sẽ có 3 đơn vị nghệ thuật biểu diễn: 1 nhà hát kịch, 1 nhà hát Tuổi trẻ và 1 nhà hát dành cho nhi đồng. Quân số của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam cũng sẽ đông đảo nhất trong số các nhà hát khu vực phía Bắc, gần 300 người, trong đó Nhà hát Tuổi trẻ là 180 người, Nhà hát Kịch Việt Nam là 100 người.

Ngày 5/4 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam. Một trụ sở mới cho Nhà hát Kịch Quốc gia sẽ được xây dựng trong nay mai tại Mỹ Đình, với diện tích 7000 m2 và 1200 chỗ ngồi. NSND Lê Hùng giữ chức giám đốc nhà hát. Ba phó giám đốc là bà Tố Trinh, ông Trương Nhuận và ông Thế Vinh. Câu chuyện sáp nhập hai nhà hát có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển lâu năm ở Thủ đô là câu chuyện thời sự nhất trong đời sống nghệ thuật những ngày vừa qua. Tuy nhiên, câu chuyện này đang vấp phải một số ý kiến băn khoăn của các nghệ sĩ...

Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập từ năm 1952. Trong hơn 60 năm phát triển và trưởng thành, Nhà hát đã đào tạo và làm nên tên tuổi 14 thế hệ nghệ sĩ, diễn viên kế tiếp nhau. Đây là đơn vị được mệnh danh là "anh cả đỏ" của nền kịch nghệ nước nhà, với những tên tuổi lừng lẫy như NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Trúc Quỳnh, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu…  và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.

Nhà hát Tuổi trẻ ra đời muộn hơn, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1976. Đúng như tên gọi của mình, nhà hát Tuổi trẻ có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả trẻ cả nước. Đây là đơn vị nghệ thuật được đánh giá năng động nhất không chỉ ở Thủ đô mà cả khu vực phía Bắc. Những năm sân khấu lâm vào tình trạng khủng hoảng, với kịch mục phong phú và sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý, thị hiếu khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn luôn sáng đèn hàng đêm phục vụ khán giả với nhiều vở diễn chất lượng. Trong nhiều năm liền, số lượt người xem, số buổi biểu diễn và tổng doanh thu của Nhà hát Tuổi trẻ luôn dẫn đầu các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cho hay, mục đích của việc sáp nhập hai đoàn nghệ thuật là "để củng cố sân khấu kịch phía Bắc", theo đó sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn để các nhà hát này đảm nhiệm vai trò "đầu tàu" của làng kịch Việt Nam, phục vụ đông đảo các đối tượng khán giả.

Cảnh trong vở “Kiều” của đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi Trẻ.

Băn khoăn về việc sáp nhập hai đơn vị nghệ thuật có truyền thống và có thương hiệu với khán giả, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng tỏ ý lo ngại về tính hiệu quả trong hoạt động của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam trong tương lai. Nhất là khi việc sáp nhập này mới dựa trên ý kiến của một số lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ban giám đốc hai nhà hát là chính (cụ thể ở đây là đạo diễn - NSND Lê Hùng), trong khi không có sự thống nhất, bàn bạc, thông qua ý kiến của anh em nghệ sĩ ở hai đơn vị.

Xây dựng một thương hiệu trong văn hóa cần có thời gian, và không phải chuyện một sớm một chiều mà có được. Việc sáp nhập hai đoàn nghệ thuật có lịch sử tồn tại và phát triển lâu dài thành một đoàn nghệ thuật mới liệu có làm phai nhạt bản sắc và mất đi thương hiệu mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đã miệt mài xây dựng và cống hiến trong nhiều năm tháng?

Xóa đi những cái tên như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đồng thời xóa đi những ký ức đẹp trong tâm tưởng và tình cảm của các nghệ sĩ. Khi được hỏi về điều này, ông Trương Nhuận, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nay là Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam giải thích: "Về cơ bản, trong xây dựng kịch mục và các hoạt động của nhà hát trong tương lai sẽ vẫn giữ thương hiệu của từng đơn vị, nên theo tôi các nghệ sĩ không nên lo lắng quá. Việc hợp nhất chỉ nhằm mục đích xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ tinh túy, từ đó khai thác triệt để những mặt mạnh của từng đơn vị thành viên. Khi các nghệ sĩ được tập trung lại sẽ có thể nhanh chóng huy động trong các vở kịch quy mô, cho phép xây dựng những tác phẩm đỉnh cao, mang tính đối thoại với thế giới".

Cùng chia sẻ tâm trạng này với các nghệ sĩ, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhấn mạnh thêm: "Các nhà hát vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng nằm trong một tổ chức mới và sẽ hoạt động tốt hơn, nâng tầm lên, tập trung vào chuyên môn hơn. Các nghệ sĩ lo ngại về chuyện mất thương hiệu nhà hát mình, nhưng sẽ không có chuyện đó. Mà chính thương hiệu của từng nhà hát sẽ làm nên uy tín cho Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam"

NSND Lan Hương (Trưởng đoàn kịch hình thể - thể nghiệm - Nhà hát Tuổi trẻ): Kịch thể nghiệm đi về đâu?

Việc sáp nhập hai nhà hát khiến cá nhân tôi và một số nghệ sĩ cảm thấy rất buồn. Chúng tôi đã sống, đã lao động nghệ thuật cật lực và gắn bó với cái tên Nhà hát Tuổi trẻ trong 34 năm qua, và nhà hát đã trở thành một cái tên được yêu mến trong lòng công chúng. Bây giờ sáp nhập vào một nhà hát khác, không hiểu tương lai sẽ thế nào. Tạo ra tên tuổi một đơn vị nghệ thuật là mồ hôi, công sức nhiều thế hệ nghệ sĩ mới có được. Riêng với đoàn kịch hình thể - thể nghiệm, tôi đã mất hơn 10 năm gây dựng, bây giờ ban giám đốc đánh dấu hỏi để đấy, chưa biết xếp vào đâu, tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm. Giám đốc Lê Hùng còn nói kịch thể nghiệm không bán được vé, có nên tồn tại hay không? Đã gọi là thể nghiệm thì phải có sự hỗ trợ của đơn vị chứ, còn để bán vé ngay, thì thà lúc đầu chúng tôi đi làm hài kịch cho xong. Những tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật, để trở thành một giá trị được thừa nhận, cần sự động viên, khích lệ của người lãnh đạo, mới là công bằng. Xây dựng mới khó, chứ công lao của anh chị em xóa đi thì quá dễ, đôi khi chỉ bằng một câu nói. Tôi băn khoăn là việc sáp nhập hai nhà hát chưa có một đường hướng cụ thể. Việc vẫn để tên các nhà hát như cũ, thậm chí là vẫn dùng con dấu riêng của từng nhà hát liệu có thực hiện được không. Mà nếu thực hiện được, thì Nhà hát Kịch Quốc gia vừa được thành lập cũng không khác gì so với Nhà hát Kịch Việt Nam cũ, hay Nhà hát Tuổi trẻ cũ. Vậy sáp nhập để làm gì?

NSND Đoàn Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam): Chưa hợp lý

Tôi không thấy hợp lý trong việc sáp nhập hai nhà hát kịch Việt Nam và Tuổi trẻ lại với nhau. Cả hai đơn vị này đều có một quá khứ huy hoàng trong biểu diễn kịch nghệ. Tiêu chí phục vụ đối tượng của họ cũng khác nhau. Nhập vào để nâng cao chất lượng nghệ thuật, hay để có quân số hùng hậu hơn, tôi đều thấy có gì không ổn. Thực tế, trong những năm qua, mỗi đoàn nghệ thuật đều có hướng đi riêng của mình và họ tồn tại được trong thời kỳ sân khấu khủng hoảng. Ở phía Nam, các đơn vị sân khấu ngày càng nhiều, phong phú chủng loại và mỗi đơn vị có một đặc thù riêng, phục vụ một lớp khán giả riêng. Ngoài Bắc, số lượng đơn vị nghệ thuật đã ít, nhất là khi người ta đã tạo ra được thương hiệu, thì việc xóa thương hiệu đó đi để tạo ra một thương hiệu mới có cần thiết không?

Theo tôi, một việc quan trọng ít nhiều liên quan đến sinh mệnh nghệ thuật của đông đảo nghệ sĩ, các nhà quản lý cần phải hỏi ý kiến của họ, lắng nghe nguyện vọng của họ trước khi quyết định. Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, dễ bị tổn thương lắm. Hơn nữa ở ta, người nghệ sĩ không sống được bằng nghề. Để cống hiến cho nghệ thuật, họ phải hy sinh rất nhiều. Làm tổn thương họ là không nên. Ý kiến của một ông giám đốc Lê Hùng không thể đại diện cho hàng trăm anh em nghệ sĩ khác. Và nếu nhìn xa, liệu rằng chúng ta cũng có thể yên tâm về sự phát triển của một Nhà hát mới gọi là Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam chăng? Sở trường của Lê Hùng là hài kịch. Một nhà hát tầm cỡ quốc gia phải có những vở chính kịch tầm cỡ quốc gia, Lê Hùng có đảm đương được không? Bằng chứng là từ khi làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đến nay đã 3 năm, Lê Hùng không có những vở diễn chính kịch ấn tượng cho nhà hát của mình. Xây dựng văn hóa phải kỳ công, phải tốn thời gian, phải trả nhiều giá đắt lắm mới thành ra một thương hiệu. Bây giờ ta xóa đi 60 năm Nhà hát Kịch, 34 năm Nhà hát Tuổi trẻ để bắt đầu từ con số 0 cho Nhà hát Kịch Quốc gia, nên chăng, và để làm gì? Với tư cách là người đã từng gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, làm quản lý Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi xin chuyển câu hỏi này tới những người có trách nhiệm

Vũ Quỳnh
.
.