Xung đột kinh tế - văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh

Thứ Năm, 21/02/2019, 09:38
Du lịch tâm linh (Religious Tourism) là một trong những hình thức du lịch cổ xưa nhất, bắt đầu từ bình minh của loài người. Không nên kỳ thị nó như kiểu "buôn thần bán thánh"...


Chùa to tượng lớn đang đi ngược tinh thần văn hóa Việt

Nguyễn Hồng Lam

Huyền sử truyền rằng, năm 520, Tổ đời thứ 28 của dòng Thiền Tông Ấn Độ là Bồ Đề Lạt Ma (Boddidharma) đã theo đường biển đến Quảng Châu, miền Nam Trung Hoa hoằng dương Phật Pháp. Lương Vũ Đế (464 -549), Hoàng đế khai quốc triều Lương vốn là một ông vua luôn đề cao việc học tập, giáo dân, vốn  thành tâm cầu Phật, nghe tiếng đã cho mời Bồ Đề Đạt Ma hội kiến.

Gặp Tổ Phật, Hoàng đế Lương triều hỏi: "Từ ngày tôi làm vua đến nay lập nhiều chùa, chép kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như vậy có được công đức không?". Bồ Đề Đạt Ma đáp: "Không có công đức gì cả". Băn khoăn, Vua hỏi tiếp về chân công đức.

Câu trả lời của Bồ Đề Lạt Ma được xem như một cứu cánh của bậc chân Như: "Trí thanh tịnh, thể vốn vắng lặng nhiệm mầu, công đức như vậy không thể lấy thế pháp mà cầu được". Trước ham muốn tu nhân tích đức, hành công quả để thành Thánh Đế mà Lương Vũ Đế đeo đuổi, Bồ Đề Lạt Ma chỉ buông gọn bốn chữ: "Quách nhiên vô Thánh", nghĩa là "Vốn trống rỗng, chẳng có gì gọi là Thánh cả".

Toàn cảnh chùa bái đính (Ninh Bình).

Rồi bái biệt. Thất vọng vì cái tâm của ông vua sùng đạo vẫn động, trái ngược với mục đích/cảnh giới Thiền (Dhyana) vốn được hiểu là tĩnh tâm, quán định để giác ngộ chân lý, ngài quay lưng bỏ lên phía Bắc, không một lần ngoái lại. Công án "bất thức" (không biết), ngay từ thuở Thiền Tông vừa du nhập phương Đông đã khẳng định: xây chùa to, tạc tượng lớn, hành thí nhằm đạt tham vọng nhân thiên hữu lậu không bao giờ là con đường của Phật Pháp.

Không lâu sau đó, khoảng năm 580, Tỳ-ny-đa-lưu-chi (Vinitaruci), dòng Thiền đầu tiên từ Ấn Độ đã du nhập, bén rễ tại Chùa Dâu (Chùa Pháp Vân), thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, khởi đầu cho một giai đoạn truyền bá mạnh mẽ của Thiền Tông và nhiều hệ phái Phật Giáo khác như Tịnh Độ Tông, Vô Ngôn Thông, Mật Tông… vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ bây giờ.

Tuy nhiên, đó là giai đoạn hoằng dương bài bản và quy mô, còn sự tiếp nhận Phật Giáo vào Việt Nam thì đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Đầu Công nguyên đã có truyền thuyết Chử Đồng Tử theo học Phật Pháp từ một cao tăng đến từ Ấn Độ. Từ thế kỷ II sau Công nguyên, một số dòng Phật Giáo đã chính thức xuất hiện, chùa Phật đã được dựng nên tập trung nhiều ở vùng Luy Lâu, Bắc Ninh ngày nay.

Dù mang một số đặc điểm khác nhau, các dòng Phật Giáo vẫn nhất quán đề cao Phật tại tâm, giác ngộ Phật Tâm đồng nghĩa nhập Niết Bàn, vô ảnh vô hình, như một chữ Không bao trùm. Mọi thành quả khác, dù hiện hữu, chẳng qua là "hữu lậu, chỉ là quả nhỏ nhoi trong cõi nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật" như Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị về yếu tính Phật pháp cho Lương Vũ Đế nhưng bất thành.

So từ nguyên ủy, chùa to, tượng lớn, phô trương hoành tráng hay lập kỷ lục về những cái nhất chưa bao giờ là con đường Phật Giáo. Tu hành Phật giáo là quá trình diệt dục, thực hành Tứ Diệu Đế. Dù không hẳn là pháp quy bắt buộc, thực hành Phật Pháp cũng nghiêng về phía khổ hạnh, vong thân. Hảo tự ố tăng (Chùa to đẹp, tăng vẫn đục), nó đi ngược quá trình tu hành giác ngộ Phật, hủy hoại Phật Pháp, cũng đồng thời hủy hoại đạo đức xã hội, làm phương hại đến luật pháp, đảo tung các giá trị xã hội vì lợi nhuận.

Những siêu công trình tôn giáo mọc lên ngày càng nhiều không chứng tỏ sự phát triển của tôn giáo, chỉ chứng minh nguy cơ tha hóa nghiêm trọng của cả đạo đức  xã hội lẫn  đức tin tôn giáo, khi mà tất cả ham muốn, dục vọng vật chất "hữu lậu nhân thiên" đểu có thể được thỏa mãn, đều đổi chác được bằng tiền và rất nhiều tiền.

Ông nguyễn Vũ (Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến an nguyên): Cần tận dụng cơ hội, điều kiện cho các địa phương phát triển

Bằng cái nhìn thuần túy đạo đức, mạng xã hội đang lên tiếng rầm rộ phản đối việc xây dựng chùa chiền, khu du lịch tâm linh hoành tráng. Nhìn ngôi chùa to họ nói chả giống chùa ta. Chùa ta phải nhỏ nhỏ xinh xinh heo hút gió mây tịch không cô quạnh, chứ to thế là "buôn thần bán thánh", là nhóm lợi ích, là rửa tiền…v.v.  Dân gian hay bảo, tâm mình sao thì nhìn thấy vậy, có vẻ rất đúng trong trường hợp này...

Quê ngoại tôi ở Hà Nam, vùng chiêm trũng, cả năm may lắm cấy được hai vụ. Nơi khác năng suất vài tấn một mẫu (Bắc Bộ), còn Hà Nam thu hoạch được hơn tấn là may. Còn lại toàn lúa non ngập lụt không kịp thu hoạch đành làm thức ăn cho vịt...

Làng quê ngoại của tôi, sau 25 năm mọi thứ vẫn như đóng băng với thời gian. Vẫn con đường đất ven đê với các bụi tre, các mái nhà thì rêu phủ dày hơn chả có mấy mái nhà mới, đi chả cần hỏi đường vì nó vẫn y như cách đây 25 năm...

Du lịch tâm linh ngày càng phát triển khắp thế giới.

Vùng chiêm trũng, sau khi tách tỉnh Hà Nam Ninh ra thành Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định thì hai tỉnh kia đã cất cánh, chỉ còn mỗi Hà Nam dù giáp Hà Nội, nhưng 30 năm vẫn nghèo. Nhìn tổng quan, Hà Nam không có một lợi thế gì để phát triển. Giao thương không tiện, đặc sản không có, di tích không, thắng cảnh không, khoáng sản không, ruộng đồng thì chiêm trũng...

Tỉnh có dân số 62/63, năng lực cạnh tranh 62/63 cả nước. Một cơ hội để thúc đẩy  phát triển cũng khó tìm. Bao nhiêu nhiệm kỳ, mọi nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ địa phương đều chưa đem lại kết quả mong muốn. Các làng nghèo cứ đóng băng với thời gian, mặc các tỉnh lân cận đã phát triển vượt bậc...

Bỗng đâu, một dự án, hơn chục ngàn tỉ, một khu du lịch tầm cỡ quốc gia với hơn 5.100ha - Khu du lịch Tam Chúc được đầu tư. Ô sống rồi Hà Nam ơi, công ăn việc làm là đây chứ đâu. Với dân Hà Nam, đó là một cơ hội, một cú hích quan trọng. Người dân Hà Nam bắt đầu nghĩ mai kia sẽ bán cái gì, phục vụ những gì cho cả triệu lượt khách du lịch.

Tính sơ sơ với dân số 900.000 người, nếu mỗi năm thu hút được 2 -3 triệu khách du lịch thì kinh tế Hà Nam chắc chắn sẽ sang trang rồi. Sớm thôi Hà Nam sẽ thoát nghèo, sẽ cất cánh, sẽ thay nhưng ngôi nhà rêu phong 40 năm bằng các căn nhà lầu ngói mới. Người dân sẽ không lo đói nếu lụt mất mùa, con cái đi học bố mẹ không cần bệnh mà giấu không dám đi khám để tiền đóng học phí cho con!

Và thực tế, chỉ trong ngày đầu tiên khai hội, 16-2, Chùa Tam chúc đã đón được hơn 30.000 du khách. Mỗi vé 30.000 đồng, ngân sách địa phương cũng đã có thêm một khoản không nhỏ, khó mà mơ tới nếu chỉ dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp như truyền thống.

Cơ hội như thế cho vùng đất gần cả triệu dân, tại sao lại không ủng hộ? Tôi tin rằng những  người phản đối mạnh mẽ việc xây chùa to, khu du lịch tâm linh rộng, viện cớ nói toàn đạo đức và liêm chính, trong sạch không đều là người nơi khác, không phải dân Hà Nam. Người dân sở tại, vì cuộc sống của người sở tại, chắc chắn sẽ nhìn vấn đề khác hơn. Khi đã nhìn thấy cơ hội phát triển cho một địa phương, cho đời sống cụ thể của người dân, hẳn người ta sẽ bớt hoài nghi, bài xích nghi hơn với những mối lo văn hóa, tôn giáo, tâm linh…. vốn dĩ trừu tượng.

Đừng quá khắt khe. Hãy để cho mỗi vùng đất tự tìm cho mình một cơ hội, một cách thức. Bởi trên đất nước này, chúng ta vẫn tin rằng mọi vùng đất sẽ cùng nhau phát triển và không ai bị bỏ lại…

Bà Ngô Hồng Minh (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh): du lịch tâm linh, nhu cầu của đời sống

Du lịch tâm linh (Religious Tourism) là một trong những hình thức du lịch cổ xưa nhất, bắt đầu từ bình minh của loài người. Không nên kỳ thị nó như kiểu "buôn thần bán thánh".

Mặc dù Israel là điểm đến số một của du lịch tâm linh phương Tây, sau đó là Ý và Anh, nhưng du lịch tâm linh có ở mọi nơi trên thế giới. Sẽ rất tuyệt, nếu nước bạn sở hữu các điểm đến nổi tiếng như Jerusalem, Mecca hay Rome. Tuy nhiên nếu không có thì... tạo ra.

Bang Florida (Mỹ) tự tạo ra mảnh đất Thánh cho riêng mình, và vô vàn địa điểm trên trái đất kết hợp tâm linh vào sản phẩm du lịch của họ. Thái Lan năm 1996 cũng đã tạo ra Trân Bảo Phật Sơn (Khao Chee Chan). Khu du lịch này đã tạo ra tượng Phật được khắc nổi bằng vàng ròng 24 kara, cao 130m, rộng hơn 70m. Một điểm đến cực kỳ thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, thánh thất Cao Đài mọi nơi đều được xây to đẹp lộng lẫy. Nhiều họ đạo Cao Đài nghèo ở vùng sâu vùng xa nhưng người dân vẫn xây thánh thất to đẹp. Gia đình bạn tôi không cho bạn lấy chồng Cao Đài vì lý do: "Cái thằng ngày nào cũng lo đi cúng, nhà không lo xây cứ lo đi xây chùa!". Trong khi đó, bạn trai kia đi xây chùa ròng rã 3 tháng trời mới về, nhà bạn lại rất tự hào.

Sự phụng sự này giống như việc người Chăm xây thánh đường hay người Khmer xây chùa. Họ chăm sóc ngôi nhà tôn giáo của mình còn hơn ngôi nhà mình ở. Nhiều gia đình cử ra một thành viên lên chùa làm công quả luôn, đến khi mọi sự xong xuôi mới về. Vì thế làng thì nghèo mà chùa cứ to đẹp như một lẽ đương nhiên.

Đức tin thế nào thì sẽ thực hành thế ấy. Nhiều người đã bay qua Thái Lan chỉ để quỳ trước một ngôi chùa đợi xin lá phép về chiêu tài lộc. Chùa ở Thái Lan, Campuchia… đều to lớn, lộng lẫy. Nói đâu xa, người Thượng ở Tây Nguyên, nhà sàn của họ thì đơn giản sơ sài, nhưng nhà rông thì luôn hoành tráng.

Thánh đường/nhà chùa/nhà cộng đồng chính là tòa nhà của cuộc sống tinh thần. Họ sẽ chăm chút thậm chí còn hơn cả ngôi nhà mình. Đó là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử của cộng đồng đó, là nơi phô bày tài hoa của các nghệ nhân kiến trúc/ xây dựng/ điêu khắc của vùng đất đó. Bởi vậy đi du lịch đến nước nào, ngoài cung điện nhà vua thì tất thảy du khách đều muốn thăm các kiến trúc tôn giáo. Tôn giáo của dân bản địa, không thể chỉ là các triết lý giản dị chép trong kinh sách.

Một cộng đồng nếu chưa có đức tin sâu sắc, chưa có đủ sự trưởng thành trong đức tin thì xây chùa to hay chùa bé cũng vậy thôi. Có lẽ chẳng phải vì Phật không ngự chùa to. Chẳng qua người Việt mình đã mất niềm tin với nhau. Hễ dự án là có ép phe, nếu là đền chùa thì chắc buôn thần bán thánh.

Sự tha hóa nằm ở niềm tin xã hội, không nằm ở chiều kích của công trình.

Về ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và cũng là lớn nhất thế giới ở Hà Nam, tôi nghĩ cần tách ra nhiều vấn đề để xem xét độc lập. Có 3 vấn đề lớn: quy hoạch, môi trường và tâm linh.

Hầu hết mọi người phản đối đều dựa trên yếu tố tâm linh, mà trong khi, lẽ ra, nếu phản đối, trước hết phải dựa trên quản lý quy hoạch và tác động môi trường trước hết. Cái này cả hai bên đều dễ phản biện dựa trên thực tế và pháp lý. Chê bai người khác vì không có cảm xúc tôn giáo giống mình là không nên. Du lịch tâm linh cũng là một nhu cầu.

Thu hút, làm kinh tế bằng du lịch tâm linh không có gì đáng kỳ thị. Đó là sự phát triển không phải trả giá bằng môi trường. Ngược lại, du lịch tâm linh quảng bá văn hóa, thương hiệu cho vùng đất đó lâu dài bền vững hơn bất cứ điều gì khác. Ai về Tây Ninh mà không tới thăm Tòa Thánh, chùa trên núi Bà Đen? Ai thăm Thái Lan mà không đến chùa Vàng?

Ở những địa điểm này, người dân không chỉ tìm thấy niềm vui tôn giáo. Họ còn được nuôi sống họ bằng homestay, bằng nghề kết hoa, nghề hướng  dẫn du lịch, cung cấp các dịch vụ... Đó đều là ngành nghề chân chính, cần thiết cho đời sống và sự phát triển, sao cứ phải gọi là buôn thần bán thánh?

Mà thần thánh vì danh tiếng của mình mà giúp người khác sống ổn chắc cũng sẽ rất vui lòng!

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Không cấm kinh doanh văn hóa tâm linh, nhưng cần đúng luật

Trước hết, gọi đúng tên, nhìn nhận đúng bản chất, các công trình gắn với danh xưng tôn giáo đang mọc lên ngày càng nhiều, làm cơ sở dịch vụ kinh doanh sau khi hoàn tất đều là những dự án kinh tế. Vậy thì trước hết, nó phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định của luật theo các nhóm ngành nghề đầu tư, kinh doanh, không có ngoại lệ.

Đứng chủ đầu tư xin phép xây dựng các công trình ấy đều không phải là giáo hội hay tổ chức tôn giáo mà toàn là các doanh nhân, doanh nghiệp, cho thấy rõ mục đích xây dựng và khai thác của các dự án  Do đó, việc áp các tiêu chí văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… thay cho tiêu chí luật pháp về kinh tế cho các công trình, dự án là không thỏa đáng.

Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác trên một quỹ đất rất lớn. Chỉ tính riêng các dự án của tập đoàn Xuân Trường ở khu vực phía Bắc đã là những con số khổng lồ: khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp ở Hải Phòng, 450 ha đất, 9,8 nghìn tỷ đồng; Quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), 17.000 tỷ, ăn vào 4000 ha vùng lõi Tràng An: Khu Du lịch  tâm linh Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) chiếm 5.100 ha đất, đầu tư 11.000 đồng: Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) chiếm 18.940, đầu tư 15.000 tỷ …

Nếu không gắn với mác tôn giáo tâm linh, chỉ bằng các dự án đầu tư kinh doanh thông thường, khó có thể để một doanh nghiệp tập trung được chừng đó đất đai vào tay cùng một lúc, nhất là khi số vốn kinh doanh đầu tư họ có trong tay không thể đủ tương xứng với khả năng khai thác một diện ích đất đai lớn đến vậy.

Theo quy định hiện hành, phần lớn tiền đầu tư, có thể lên tới 70% sau khi có dự án đều là tiền vay ngân hàng. Công trình đầu tư là chùa chiền, cơ sở tôn giáo sẽ ít bị giám sát tài chính, hoặc gần như thả nổi, không phải qua các quy định chặt chẽ như các công trình kinh doanh thuần túy khác. Nhưng trong quá trình vận hành kinh doanh theo luật, chủ đầu tư vẫn được các khoản khấu trừ. Lãi ngân hàng dù có nhiều cũng nhỏ hơn rất nhiều khấu trừ thu nhập. Nếu không rõ ràng, rất có thể đây sẽ chính là kẽ hở để doanh nghiệp lách luật, trục lợi trên cơ sở gắn mác tôn giáo. Nó sẽ tạo ra bất bình đẳng và không lành mạnh trong môi trường kinh doanh luôn đầy tính cạnh tranh.

Trong thực tế, phần đầu tư xây dựng chùa chiền, tượng tháp chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ các hạng mục công trình. Thử xem, Khu du lịch tâm linh Tam Chúc ở Kim Bảng, Hà Nam rộng 5.100 ha, nhưng mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ chiếm 144 ha. Phần lớn đất đai còn lại sẽ được xây dựng thành khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bến xe điện, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, biệt thự cao cấp… Đây đều là công trình kinh doanh không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu đứng riêng, chúng sẽ phải chịu mức thế, giá thuê đất… cao hơn nhiều so với việc xây chùa.

Trong giai đoạn khai thác cũng có nhiều bất cập. Nguồn thu của các dự án du lịch tâm linh đến từ nhiều nguồn: khai thác dịch vụ, tiền công đức, tiền bán vé tham quan. Trong số đó, những khoản tiền “công đức” hoàn toàn nằm ngoài các quy định thanh kiểm toán, dù đây là một khoản thu cực lớn. Nó chắc chắn sẽ giúp đơn vị kinh doanh tránh được một khoản khổng lồ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cho đến nay, chưa có quy định rõ ràng, công bằng nào cho vấn đề này.

Các công trình tôn giáo tâm linh siêu khủng đều ăn theo một cổ tự, danh thắng nổi tiếng đã có sẵn, cũng là một lý do rất quan trọng giúp nhà đầu tư nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vậy nhưng, phần đóng góp có tính chất nghĩa vụ, lẽ ra phải theo quy định bắt buộc thì lại hầu như không có, hoặc có rất ít.

Sau mỗi đợt lễ hội, các quần thể danh thắng, chùa, đền nổi tiếng đều thu được những số tiền lớn hàng chục tỷ đồng. Hiện nay chỉ khoảng 4% trong số đó được trích ra để nuôi bộ máy vận hành dịch vụ của chính nó, cũng như bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng.

Như ở quần thể du  lịch tâm linh Chùa Hương chẳng hạn, tiền trích ra chỉ trên dưới một tỷ đồng, trong tổng thu mỗi đợt lễ hội đều lên tới trên dưới 30 tỷ. Trong khi đó, hầu hết các địa điểm khai thác đều được xếp vào nhóm di tích văn hóa - lịch sử quốc gia, cho nên những đợt sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cũng đều dùng tiền ngân sách chi trả.

Như vậy, tuy là công trình kinh doanh, nhưng khi gắn mác tâm linh, chúng đang trở thành phương tiện móc rỗng ngân sách Nhà nước ở nhiều công  đoạn cả đầu tư lẫn khai thác. Đây là điểm cần phải nghĩ đến và xây dựng bộ nguyên tắc quy định rõ ràng.
PV
.
.