Xung đột giữa bảo tồn di sản và tinh thần nhân văn

Thứ Bảy, 08/07/2017, 08:08
Thêm một lần nữa, sau vụ trâu chọi húc chết chính chủ nhân của nó tại Đồ Sơn (Hải Phòng) vừa qua lại khiến dư luận rộ lên những tranh cãi gay gắt về chuyện loại bỏ hay duy trì một số lễ hội.


Nỗi buồn lễ hội

Người muốn duy trì cho rằng không nên, không thể chỉ vì một tai nạn bất ngờ mà loại bỏ một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia khỏi đời sống văn hóa xã hội. Vả chăng, nó đã thành một sản phẩm văn hóa – du lịch quen thuộc và hấp dẫn, thu hút sự chú ý tham gia của đông đảo quần chúng, một “điểm nhấn” du lịch lễ hội đặc sắc.

Những ý kiến ngược chiều lại cho rằng chém trâu, chém lợn, treo cổ trâu, chọi trâu, tranh cướp ấn… đề cao tinh thần thượng võ đâu chẳng thấy, nhưng rõ là đã không còn hợp thời, quá nặng tính bạo lực và thậm chí là cờ bạc. Những lễ hội như thế sẽ khiến người ta trở nên vô cảm hơn, dày tính hơn thua, thiếu nhân văn và thừa bạo lực, hội đã không còn thuần là hội. Nó không thể là đại diện bản sắc văn hóa dân tộc, không nên cổ súy và duy trì. Không thể vì “cuộc vui” của một đám đông mà làm méo mó tinh thần, giá trị văn hóa của cả một dân tộc. Vụ trâu điên vừa qua không phải là nguyên nhân, chỉ là nguyên cớ, là giọt nước tràn ly làm dấy lên lần nữa những tranh cãi.

Tất nhiên, phía muốn bảo tồn cũng có những lý lẽ xác đáng: lễ hội đã nghìn đời, nó thuộc về cả xã hội, cộng đồng. Mọi tồn tại tinh thần chắc chắn đều có lý do, không thể nói bỏ là bỏ. Nếu nói bạo lực, là tai nạn có thể rập rình, hẳn người Tây Ban Nha văn minh sẽ không chấp nhận trò đấu bò tót quá bạo lực và đẫm máu.

Chú trâu số 18 húc chủ trâu gây tử vong trong lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn.

Thật khó minh định nên nghe theo khuynh hướng nào. Suy cho cùng, hầu hết các ý kiến trái chiều đều xuất phát từ cảm tính nhiều hơn lý tính. Trong khi đó, tiếp tục bảo tồn, phát huy hay cất vào ký ức lại là câu chuyện cần dựa vào nhiều cơ sở từ khoa học, luật pháp, di sản và cả ý nguyện xã hội thông qua đối thoại, trưng cầu.

Đột nhiên, vụ tai nạn hy hữu và đáng tiếc ở Đồ Sơn lại làm người ta nhớ đến bức ảnh “Sự tha thứ cao thượng” nổi tiếng chụp trường đấu bò tót ở Tây Ban Nha. Bức ảnh ghi lại thời khắc cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu lừng lẫy của đấu sĩ Matador Torero Alvaro Munera. Trên mình đầy những vết thương, máu nhỏ giọt trên mõm và thanh kiếm găm trên mạng sườn, con bò tót vẫn một mực không chịu tấn công đối phương, đấu sĩ con người đã gây ra những vết thương trên thân thể nó, sắp dẫn nó đến cái chết đau đớn.

Trận đấu dở dang, đấu sĩ lừng danh chợt suy sụp vì hối hận khi nhận ra rằng mình không thể ép buộc con thú hiền lành kia chống trả! Trả lời phỏng vấn sau trận đấu,Torero Munera bày tỏ: “Tôi nhìn con bò tót! Nó có đôi mắt ngây thơ, như mọi con vật, và đang nhìn tôi bằng ánh mắt tha thứ! Một tiếng khóc than cho công lý dường như đang vang vọng sâu thẳm bên trong tôi! Tôi thấy mình như thứ rác rưởi tồi tệ nhất trên trái đất!”.

Anh giã từ sự nghiệp, buông bỏ mọi vinh quang và tiếng tung hô trong niềm xấu hổ, ân hận và day dứt.

Còn chúng ta, sau tai nạn thảm khốc vừa qua, chúng ta sẽ nghĩ gì? Nghĩ gì, đó chính là bản lĩnh văn hóa. Nó quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện giữ hay bỏ một số lễ hội – cuộc chơi, vốn đã mang trong lòng quá nhiều tranh cãi.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh  (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Nên bỏ hẳn những lễ hội mang tính bạo lực, man rợ

Chúng ta đã từng thấy lễ hội chém lợn máu tươi đổ ròng, lễ hội đâm trâu khiến con vật mình mẩy đẫm máu, chi chít vết thương, lễ hội treo cổ trâu trong tiếng reo hò thích thú và lễ hội chọi trâu với không khí cuồng nhiệt cổ vũ.

Lễ hội của một thời có thể phù hợp với thời ấy, chưa chắc đã phù hợp với xã hội văn minh bây giờ. Các lễ hội dân gian này có từ đời xửa xưa, nếu không ở thời con người hồng hoang hiểu biết về vũ trụ gần như bằng không và rất yếu ớt bất lực trước thiên nhiên hoang sơ, nghiệt ngã, thì cũng xuất hiện ở thời có nhà nước nhưng xã hội đầy mê tín dị đoan, và tín ngưỡng dân gian như màn sương bao phủ đời sống tinh thần. Niềm tin về một lực lượng vô hình cứu giúp. Các cuộc chinh phạt liên miên dưới cái nhìn tinh thần thượng võ, hoặc mua vui. Các ông vua bà chúa khăn đóng lượt là xem hổ đấu với voi, võ sĩ đấu với sư tử, với hổ, thậm chí các võ sĩ giác đấu một mất một còn. Dưới đấu trường thì đẫm máu, trên khán đài thì reo hò, hân hoan. Cười vui trên nỗi bất hạnh, và cái chết của con vật, của đồng loại là một sự man rợ hơn mọi sự man rợ.

Cái thời ấy đã qua, hình ảnh đẫm máu ấy chỉ còn trong phim ảnh ở nhiều quốc gia văn minh tiến bộ. Nhưng, ở nước ta vài chục năm trở lại đây một số lễ hội bạo lực, man rợ được phục hồi và đằng sau nó là máu đổ.

Đành rằng: Con người là chúa tể của muôn loài, nhưng cái cách sát sinh trong tiếng hò reo khác với cái sự giết mổ “khuất mắt trông coi”. Đành rằng cuộc sống phải vui tươi, hân hoan, nhưng vui mừng trên xác chết sinh vật và đồng loại thì có nên không? Con vật tấn công đồng loại chỉ khi nó đói, hoặc bị uy hiếp tính mạng.

Nhưng, con người tính mạng vẫn an toàn và không đói vẫn dàn cuộc cho trâu chọi trâu, dê chọi dê, để cúng bái thần linh thì ít mà mua vui, lấy thưởng thì nhiều.

Lễ hội bạo lực và man rợ lại được sự cổ vũ của một số nhà nghiên cứu văn hóa bảo hoàng. Họ phê phán dư luận bỏ lễ hội bạo lực, man rợ rằng lấy con mắt ngày nay để đo mỹ học người xưa, nhưng lại không nghĩ đến cái nhất thời đã và đang mất đi theo quy luật thì lại khai quật cho “xác chết” sống lại cùng với xã hội văn minh.

Xem lễ hội treo cổ con trâu, chém đứt đầu con lợn, đâm trâu toe toét máu, và nhìn những con trâu lao đầu húc nhau, đánh sừng đã vót nhọn hoắt móc mắt nhau, để rồi thắng thua đều đem... làm thịt. Làm thịt để tế hiến cái gì? Khi nhiều người vô thần, tín ngưỡng không còn, và niềm tin thần linh của họ cũng hết. Đến lễ hội bạo lực khốc liệt, man rợ, nhưng hoàn toàn không biết mục đích, ý nghĩa, nguồn gốc của nó, mà cứ đi. Đi theo phong trào, đi để mua vui, đi để nhìn thấy cảnh chết chóc, thương tích, máu chảy, thòng lọng treo cổ...

TS. Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ): Phục dựng lễ hội và hệ lụy của sự biến tướng

Mấy năm trước, dư luận ồn ào với rất nhiều ý kiến phản đối đòi chấm dứt tục chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vì cho rằng nó quá dã man, phản cảm. Mới đây, sau vụ trâu nổi điên quay lại húc chủ nuôi đến chết ở vòng sơ loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, công luận lại đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải loại bỏ phong tục này vì nó không chỉ phản cảm mà còn nguy hiểm cho cộng đồng. Tất nhiên, công luận có lý của họ.

Nhìn lại lịch sử văn hóa, chúng ta không thể không nhận thấy, trong những năm gần đây, dưới sức ép của Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa – Toàn cầu hóa, các giá trị truyền thống đang chịu những thách thức ghê gớm. Cuộc sống như cỗ máy xay khổng lồ, nghiệt ngã, sẵn sàng loại bỏ những yếu tố không còn thích nghi với nhịp sống vừa hiện đại/gấp gáp, vừa tự do/nhân văn. Nhiều thực hành văn hóa truyền thống đã mất đi.

Nhưng lễ hội lại khác. Không chỉ không bị mai một, nhiều lễ hội đã được phục dựng/nâng tầm, với ảnh hưởng rộng lớn hơn, quy mô hoành tráng hơn, nhiều truyền thống được sáng tạo hơn. Những biến tướng tiêu cực cũng từ đó phát sinh nhiều hơn. Quan sát một số lễ hội hiện nay, tôi nhận thấy các yếu tố tâm linh cộng đồng đang thay đổi theo chiều hướng nhạt đi; trong khi đó, các trò diễn trong đó lại trở thành tiêu điểm.

Chọi trâu ở Đồ Sơn nằm trong số đó. Thay vì sự thành tín nối tiếp truyền thống tâm linh liên quan đến tục cầu an cho những người đi biển, người ta chỉ chăm chắm đến sự thắng thua của những con trâu trên sới chọi. Tâm lý cay cú ăn thua trở nên mạnh hơn và đi kèm theo đó không thể không có chuyện cá độ. Chính vì vậy, có không ít chủ trâu đã dùng đến những tiểu xảo, làm mất đi sự trong sáng của trò diễn.

Trở lại với những yêu cầu của công luận về chuyện cấm đoán các thực hành văn hóa mà họ cho là phản cảm, tôi cho rằng đây là những ý kiến cần được các cơ quan chức năng lưu ý.

Chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu, cũng không thể nhân danh “bảo tồn văn hóa truyền thống”, để khăng khăng đòi bảo tồn những yếu tố không còn phù hợp. Văn hóa là cái cộng đồng đang có, cộng đồng đang nghĩ và cộng đồng đang làm.

Con người là chủ thể của văn hóa. Khi con người thay đổi, hiển nhiên văn hóa cũng không thể không thay đổi. Thực tế cho thấy, nhiều thực hành văn hóa ở Việt Nam, kể cả văn hóa tâm linh, được coi là “truyền thống” nhưng không phù hợp với văn minh hiện đại và các tiêu chí nhân quyền đã được loại bỏ. Tục “nối nòi” hoặc chôn trẻ sơ sinh theo nếu không may người mẹ chết sau khi sinh là những ví dụ cụ thể.

Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền, mọi quyết định đều phải dựa trên Hiến pháp và các bộ luật liên quan. Để có thể tôn vinh hay loại bỏ một thực hành văn hóa nào đó, chúng ta cần phải dựa vào các điều luật cụ thể. Riêng đối với các sự kiện văn hóa tâm linh có lịch sử lâu đời, được luật pháp bảo hộ, đạt được sự đồng thuận của cộng đồng trong việc điều chỉnh cho phù hợp hơn với cuộc sống văn minh hiện đại là yêu cầu không thể bỏ qua.

TS. Nguyễn Công Thảo (Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam): Đừng nhân danh truyền thống để cố duy trì hủ tục

Trong vòng hơn một thập kỉ trở lại đây, “đa dạng văn hóa” được nhấn mạnh một cách thường xuyên hơn trên nhiều diễn đàn. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nó phản ánh xu thế phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu của nhiều nhóm tộc người, xã hội khác nhau.

Các nhà Nhân học luôn đề cao tiếng nói của chủ thể văn hóa. Có nghĩa là chừng nào họ nhận ra tục lệ của mình không còn phù hợp thì họ sẽ tự động từ bỏ, thay thế bằng những thực hành văn hóa mới. Đây là “điểm dựa” cho những quan điểm cho rằng không được can thiệp vào lễ hội chém lợn, đâm trâu…. bởi đó là bản sắc văn hóa, truyền thống của người dân và chỉ họ mới có quyền quyết định nên làm thế nào.

Trong một chừng mực nào đó, cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không thể chấp nhận sự đa dạng một cách vô điều kiện.

Thực hành văn hóa của một cộng đồng chỉ nên được cổ súy khi nó không có ảnh hưởng xấu hay trái pháp luật. Nếu cực đoan bảo vệ quyền “đa dạng văn hóa” cho cộng đồng này hay khăng khăng cho rằng chỉ có họ mới có quyền phán xét ý nghĩa, giá trị của thực hành văn hóa đó, rất dễ rơi vào tâm thế vô tình tổn thương cộng đồng khác, nhất là trong bối cảnh cư trú đan xen, hội nhập như hiện nay. Đó là chưa kể không ít thực hành văn hóa đó lại trái với pháp luật, trái với những cam kết mà ta đã đồng thuận, kí kết với thế giới.

Truyền thống hay tục lệ không được tạo ra sau một đêm hay bất biến. Việc cải biến thực hành văn hóa cho hợp với thời đại là chuyện thường tình và hợp quy luật. Đó không nhất thiết phản ánh sự “a dua”, “sính ngoại” hay tâm thế “quay lưng với quá khứ” và càng không đe dọa làm mất đi “bản sắc” của một cộng đồng. Trái lại, không ngừng cải biến góp phần làm giàu thêm, đa dạng thêm, phù hợp thêm, tăng tính lan tỏa hơn cho những thực hành văn hóa đó. Nó phản ánh sự tôn trọng tiền nhân, trách nhiệm với hiện tại và định hướng cho tương lai.

Đối với những thực hành văn hóa từng phổ biến một thời, giờ cơ bản không còn nữa, khái niệm “tục, phong tục, tập quán” thường được sử dụng hơn. Việc không phổ biến nữa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bị chi phối bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau. Có thể kể ra nhiều ví dụ về dạng này: tục ăn trầu, tục đa thê hay tập quán du canh du cư…

Trong khá nhiều trường hợp, tục, lệ, hay phong tục có thể phổ biến trong một cộng đồng nhỏ hơn như làng bản, dòng họ, nhóm xã hội, nghề nghiệp. Chính vì thế, khi đề cập đến thực hành văn hóa phổ biến của làng nào đó, người ta thường sử dụng những khái niệm này thay vì truyền thống. Dĩ nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính tương đối, trong một số trường hợp, truyền thống và phong tục, tục lệ có thể được dùng với ý nghĩa tương đồng.

Đưa ra đánh giá một tục lệ cụ thể nào đó dĩ nhiên là một việc không dễ, cần cái nhìn từ nhiều chiều kích. Trong một thế giới phẳng, những chủ thể văn hóa đó cũng cần phải thận trọng xem xét, đánh giá lại một cách khách quan tục lệ của mình, lắng nghe ý kiến từ bên ngoài, xem xét tính chất lan tỏa từ việc thực hành tục lệ ấy đến các cộng đồng xung quanh, nhất là khi họ cũng tham dự vào những thực hành ấy chí ít với tư cách người quan sát. Liệu có khôn khéo không nếu cứ khư khư bao biện đây là tục lệ, truyền thống mà bỏ qua ý kiến từ bên ngoài? Câu chuyện ồn ào về tục ăn thịt chó ở xứ ta thời gian vừa qua là một ví dụ.

Việc khư khư duy trì máy móc các tục lệ cũ sẽ đem lại hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có thể nhìn thấy điều này qua tục lệ của nhiều tộc người ở nước ta: tục kết hôn sớm hay tục “nối dây” ở nhiều dân tộc thiểu số; tục đốt pháo hay “ngăn sông, cấm chợ” trong kết hôn, tục thách cưới… ở nhiều làng Việt. Chính vì lẽ đó, nhiều tục lệ không phù hợp đã được bãi bỏ hoặc cách điệu như tục săn đầu người, hút thuốc phiện, đa thê ở người Việt cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác?

Đã đến lúc chúng ta nên dừng việc “nhân danh truyền thống” mà bảo thủ trước nhu cầu đổi mới. Sẽ khó lòng “hội nhập” để “hóa Rồng” nếu truyền thống vẫn được khư khư đem ra như con ngáo ộp để biện giải cho cách nhìn thiển cận.

TS. Châu Minh Hùng (Đại học Quy Nhơn): Tự nhiên không vô tình

Chọi trâu (cũng như đâm trâu, treo cổ trâu) được xem là một lễ hội văn hóa của người Việt.

Bản sắc ư? Các nhà văn hóa cho rằng cứ khôi phục đến tối cổ là duy trì bản sắc. Trong khi bản sắc không phải là những thứ tối cổ man di mà chỉ là một sự nhận dạng (identification) về sự khác biệt giữa các dân tộc. Sự khác biệt không đồng nghĩa với cố định mà phát triển: tôi không chỉ khác với người khác mà khác với chính tôi. Tức tôi phải phát triển bằng chính bản sắc của tôi.

Không có lí do gì một dân tộc duy trì mãi bản chất man rợ của mình để gọi là giữ gìn bản sắc! Trong sự khác biệt phải tìm đến sự tương đồng để hội nhập, nếu không sẽ bị cô lập và tự diệt. Nhận thức sai về bản sắc, các nhà nghiên cứu và quản lí văn hóa Việt Nam đã góp phần làm cho dân tộc không chịu lớn và tự diệt vong! Dù dư luận đã lên tiếng nhiều lần về những lễ hội kiểu này, nhưng ngành văn hóa du lịch vẫn như không hay biết.

Chọi trâu (cũng như đâm trâu, treo cổ trâu) là hành động man rợ, lấy sự giết hại làm trò mua vui. Trong xã hội hiện đại, đó không chỉ là trò mua vui mà còn là trò làm tiền, cờ bạc. Không chỉ một con trâu bị giết mà cả đàn tham gia bị giết và người xem thích thú reo hò. Con người đã kích thích thú tính và tự biến mình thành thú tính.

Ai thấu cảm trong trường hợp này thì thấu cảm chứ tôi thì không. Sự man rợ phải trả giá bằng sự man rợ. Tự nhiên không vô tình. 

Nguyễn Hồng Lam
.
.