Xử nghiêm các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo

Thứ Năm, 02/07/2020, 08:15
Để người dân thực sự chủ động hơn, tham gia tích cực vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng, thời gian tới các cơ quan chức năng phải có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo.


Năm 2018, anh Vũ Văn Pho, cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong có đơn gửi đến Thành ủy, UBND TP Thái Bình tố cáo việc bà Đặng Thị Kim Thoa, nguyên Phó bí thư Đảng ủy phường và ông Đặng Xuân Hậu, nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong có nhiều sai phạm trong trục lợi chính sách. Sau đó, ông Hậu và bà Thoa bị kỷ luật cách chức.

Năm 2020, 2 người này lại được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường Lê Hồng Phong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo. Anh Pho đã gửi đơn tố cáo ông Vũ Xuân Liệu, Bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong thiếu trách nhiệm, cố tình đưa người không đủ điều kiện tiêu chuẩn để giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo... lên Thành ủy, UBND TP Thái Bình.

Sáng 18-6-2020, anh Pho có buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Bình về đơn tố cáo trên. Chiều cùng ngày, anh Pho bị đánh bất tỉnh khi đang đưa hai con nhỏ từ trường về. Sau khi nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp đề nghị làm rõ vụ việc của anh Pho, Công an TP Thái Bình đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khởi tố 5 bị can về tội cố ý gây thương tích.

UBND xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trao Giấy khen của huyện cho ông Phạm Tấn Lực.

Tại cơ quan Công an, bị can Hoàng Thị Ánh Nguyệt, là vợ ông Đặng Xuân Hậu - nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong khai nhận đã thuê 4 người chặn đường đánh anh Vũ Văn Pho vì anh này đã có đơn tố cáo chồng mình.

Trước đây, dư luận chỉ nghi ngờ, quan ngại về những dấu hiệu của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đứng đằng sau các vụ trả thù người tố cáo tham nhũng, thì sau vụ việc này đã lộ rõ việc sử dụng “xã hội đen” để đàn áp, ngăn chặn người dám tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Nó phản ánh một sự thật là người hăng hái, những nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, cùng những người thân của họ luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp sợ hãi bị đe dọa, trù dập, trả thù của người có quyền, có chức.

Từ những cái giá phải trả của bản thân và của người khác từ việc chống tham nhũng, từ sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào kết quả xử lý vụ việc tham nhũng... đã khiến không ít người phải im lặng, ngậm miệng trước những việc làm xấu xa và dần hình thành suy nghĩ: “Không muốn chống tham nhũng, không dám chống tham nhũng, không thể chống tham nhũng”.

Đã không ít vụ việc người tố cáo tiêu cực bị thua thiệt, bị trả thù và nếu có được khen thưởng thì cũng đầy “chiếu lệ” như đối với vụ việc “nhân bản” hàng nghìn kết quả xét nghiệm nhằm bòn rút tiền của Nhà nước, của nhân dân xảy ra tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội trước đây. Chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm là người tố cáo sự việc được tôn vinh, được tặng giấy khen và được nhận khoản tiền thưởng… 320 nghìn đồng trong buổi lễ “sơ sài, buồn tẻ” chỉ kéo dài 30 phút. Mới đây, ngày 13-6-2020, lão nông Phạm Tấn Lực, người dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa được UBND xã Bình Trung trao Giấy khen của UBND huyện Bình Sơn vì có công thu thập bằng chứng tố cáo sai phạm trong quá trình thi công tại gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chỉ lèo tèo vài người đến dự.

Thật chua chát khi với thành tích phát hiện sai phạm làm “rung động cả nước”, chị Hoàng Thị Nguyệt đã được thưởng… số tiền bằng khoảng 10 bát phở trong một buổi “khen thưởng cho có” để còn phải nhường chỗ cho… buổi họp giao ban của bệnh viện. Còn buổi trao thưởng cho ông Phạm Tấn Lực cũng làm qua loa, đại khái, nhạt nhẽo, khiến ông không khỏi chạnh lòng.

Ông Lực tâm sự: “Tôi nhận Giấy khen của huyện nhưng không có vị lãnh đạo nào của huyện về dự, còn ở xã chỉ có 5 người đến dự, đọc xong quyết định khen thưởng và trao cho tôi là xong luôn. Tôi không được phát biểu cảm tưởng gì cả... Lẽ ra để khuyến khích người dân giám sát cộng đồng, buổi lễ nên có thêm bà con trong xã chứng kiến...”.

Cách ứng xử của cơ quan, tổ chức, chính quyền với những người có dũng khí khiến dư luận cho là đã xúc phạm “Anh hùng chống giặc nội xâm”. Đành rằng những người chống tiêu cực, dám đấu tranh với những điều bất công của xã hội không phải vì tiền, không có mục đích giành phần thưởng, nhưng hành xử thế này khó có thể nói là một hình thức “động viên”?

Để người dân thực sự chủ động hơn, tham gia tích cực vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng, thời gian tới các cơ quan chức năng phải có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo. Còn ngược lại, khi việc tố cáo các hành vi tham nhũng không được xem xét, lại đùn đẩy, lại “kính chuyển” và không được xử lý nghiêm thì dù có thưởng cao đến bao nhiêu và cam kết bảo vệ an toàn thân thể, tinh thần, đời sống của bản thân và gia đình người dám tố cáo, dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng có mạnh mẽ đến mấy cũng khó được người dân ủng hộ.

Và như vậy, để cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, thì điều quan trọng chúng ta phải làm ngay là đừng để những người ngay thẳng phải cô độc và “sống trong sợ hãi”.

Cù Tất Dũng
.
.