Xu hướng nối dài phim truyền hình ăn khách: Vượt bóng cũ không dễ

Thứ Hai, 29/02/2016, 08:00
Cũng ra mắt cùng thời với "Những ngọn nến trong đêm" phần 1, bộ phim "Hoa cỏ may" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng là một dấu ấn của phim truyền hình. Khác với "Những ngọn nến trong đêm", đạo diễn Vũ Hồng Sơn ở phần 1 được thay bằng đạo diễn Khải Anh ở phần 2 thì chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh có ý định làm phần tiếp theo của "Hoa cỏ may"...


Phần 2 bộ phim truyền hình "Những ngọn nến trong đêm" từng được khán giả yêu mến năm 2002 vừa phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV 3. Cùng với đó, bộ phim nổi tiếng cùng thời đó là "Hoa cỏ may" và bộ phim gần đây nhất "Tuổi thanh xuân" cũng đang được sản xuất phần tiếp theo. Trước đó, "Những đứa con biệt động Sài Gòn", "Ma làng" đã cho ra mắt khán giả phần tiếp theo của mình... Dường như đang có một xu hướng nối dài những bộ phim truyền hình đã từng ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng phần 2 có thực sự thu hút như phần 1 hay không, không phải là chuyện dễ dàng.

Câu hỏi mà đạo diễn Khải Anh - người được giao thực hiện "Những ngọn nến trong đêm" phần 2 nhận được nhiều nhất tại cuộc họp báo ra mắt phim tại Hà Nội là có sự kết nối giữa phần 2 hiện nay và phần 1 của phim đã phát sóng cách đây 13 năm hay không? Cũng như làm thế nào để "Những ngọn nến trong đêm" phần 2 nhận được sự yêu mến của khán giả như với phần 1.

Đạo diễn Khải Anh chia sẻ rằng bộ phim thực sự là một áp lực với anh. Vì phần 2 của phim là câu chuyện được viết tiếp nên những nhân vật chính như Trúc, Quốc, Văn được biên kịch giữ lại. Nhưng để câu chuyện mới hấp dẫn, phù hợp với hoàn cảnh mới, ê kíp thực hiện đã đưa thêm vào nhiều nhân vật mới. Các nhà sản xuất phim tự tin rằng kịch bản phần 2 được xử lý thông minh và đầy trải nghiệm thực tế. Sau 14 năm, Thanh Trúc khi xưa trở thành một nhà thiết kế thời trang thành công, là Tổng Giám đốc Công ty Văn Lang.

Tuy nhiên, giờ đây, cô cũng phải đối phó với các thủ đoạn của Giang - người luôn coi Trúc là thủ phạm gây ra nỗi đau cho mình; phải đối diện với Văn - người chồng cũ trở về sau khi đã mãn hạn tù và nhiều những quan hệ phức tạp khác.

Bên cạnh hai diễn viên chính là Mai Thu Huyền, Bá Anh, phim có sự xuất hiện của khá nhiều gương mặt diễn viên mới ở phía Nam. Đạo diễn Khải Anh đã sử dụng một dàn diễn viên hùng hậu và ấn tượng như Bình Minh, Chi Bảo, NSƯT Mỹ Uyên, Đinh Y Nhung, Kỳ Hân, Dương Yến Ngọc, Andrea... Đây đều là những tên tuổi đắt show trong giới giải trí Việt Nam hiện nay.

Đạo diễn Khải Anh chia sẻ, sở dĩ phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên phía Nam cũng như bối cảnh phim quay tới 80% ở nơi này vì câu chuyện phim kể về những quan hệ phức tạp trong showbiz. Bản thân diễn viên Mai Thu Huyền, người đảm nhiệm 2 vị trí diễn viên chính và giám đốc sản xuất cũng không khỏi băn khoăn về thành công của phim và hy vọng nhân vật Trúc của mình sẽ nhận được sự yêu quý của khán giả như ở phần 1.

Phim “Những ngọn nến trong đêm” phần 2 hy vọng hút khán giả nhờ dàn sao nổi tiếng.

Cũng ra mắt cùng thời với "Những ngọn nến trong đêm" phần 1, bộ phim "Hoa cỏ may" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng là một dấu ấn của phim truyền hình. Khác với "Những ngọn nến trong đêm", đạo diễn Vũ Hồng Sơn ở phần 1 được thay bằng đạo diễn Khải Anh ở phần 2 thì chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh có ý định làm phần tiếp theo của "Hoa cỏ may".

Phần 1 của phim là cuộc hành trình từ làng quê lên thành thị, từ Hà Nội đến Sài Gòn của một nhóm bạn trẻ lấy tên là Hà Nội tụ nghĩa. Cùng với hành trình đó là những ký ức tuổi thơ, bóng dáng của một thời bao cấp khó khăn mà đáng nhớ. Bên cạnh cốt truyện xúc động, giàu kịch tính, "Hoa cỏ may" khi ấy đã quy tụ được những gương mặt diễn viên ấn tượng, dù lần đầu tiên họ chạm ngõ phim ảnh như Hồ Ngọc Hà, Vi Cầm, Hải Anh... Phần tiếp theo của "Hoa cỏ may" được tiết lộ là mang hơi thở hiện đại với một đề tài khá phổ cập là tình yêu, công việc và hoài bão của những người trẻ.

Hẳn khán giả yêu quý phim truyền hình còn nhớ bộ phim với đề tài chính luận "Ma làng" (sản xuất và phát sóng năm 2007) tập trung phản ánh vấn đề cơ chế bao cấp lạc hậu cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và sự suy thoái đạo đức, tàn độc của một tầng lớp cán bộ địa phương. Ngay sau khi phim phát sóng, nhận được sự ủng hộ của dư luận, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã bắt tay vào thực hiện phần 2 với tên gọi "Làng ma - 10 năm sau".

Vẫn là tuyến nhân vật cũ, vẫn là ê kíp cũ với đạo diễn, diễn viên, quay phim cũ, tuy nhiên truyện phim "Làng ma - 10 năm sau" mở rộng và bao quát hơn về nội dung với những vấn đề rộng lớn của nông thôn, nông dân trong thời kỳ đổi mới và phát triển xã hội theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Vẫn giữ lại những nhân vật chính là Tòng, Tâm, Mưa, Ló, Dỏ, Ất... nhưng "Làng ma - 10 năm sau" có số lượng nhân vật đông đảo với nhiều thành phần xã hội hơn để phù hợp với hoàn cảnh mới. Khi đó, ê kíp sản xuất phim cũng thống nhất để tránh quan niệm của khán giả cho rằng phim sau "ăn theo" phim trước nên chau chuốt kỹ nội dung để tạo được giá trị độc lập riêng cả về kịch bản lẫn diễn xuất.

Việc nối dài những phim truyền hình không chỉ được thực hiện với những bộ phim đã ra mắt khá lâu mà ngay cả với những phim vừa phát sóng. "Tuổi thanh xuân", bộ phim hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc là một trong những bộ phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2015.

Bộ phim “Tuổi thanh xuân” cũng dự kiến ra mắt phần 2 trong năm 2016.

Phần 1 của phim kết thúc ở tập 36 nhưng với một kết phim khá mở là nhân vật nữ chính vẫn chưa có sự chọn lựa cho mình giữa một chàng trai Việt và một chàng trai Hàn Quốc. Dường như đó cũng chính là sự chuẩn bị sẵn sàng cho phần tiếp theo của bộ phim. Với nội dung hiện đại, dàn diễn viên trẻ đẹp và những cảnh quay lãng mạn... "Tuổi thanh xuân" tạo được sự chú ý ngay từ khi phát sóng. Chính vì vậy, phần 2 được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận, phản hồi của công chúng.

Ê kíp sản xuất phim cũng cho biết đã chú ý triển khai kịch bản từ phần 1 sang phần 2 của phim sao cho hợp lý, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý khán giả trẻ tuổi với nhiều chi tiết bất ngờ, gay cấn, đúng chất phim Hàn.

Nối dài những phim truyền hình từng ăn khách đã trở thành một xu hướng với nhiều nhà sản xuất phim hiện nay. Trong điều kiện phim truyền hình nhiều và nhạt như hiện nay thì đó cũng được coi là một cách đi mới nhằm thu hút khán giả. Đây cũng là giải pháp tình thế cho các nhà sản xuất trong tình hình khát kịch bản phim hay, khát ý tưởng độc đáo. Cách làm phim nối dài này có thuận lợi là vì khán giả đã từng yêu quý phần 1 nên chắc chắn họ sẽ tò mò xem phần 2 diễn biến thế nào?

Có thể coi đó là sự thắng lợi về mặt PR. Tuy nhiên, với những phim vừa mới phát sóng thì phần 2 thường ít có sự thay đổi về ê kíp sản xuất cũng như mạch phim. Với những phim đã ra mắt trước đó cả thập kỷ thì dù muốn hay không, sự khác biệt, sự thay đổi là điều khó tránh. Không ít người lo lắng cho ê kíp sản xuất phần 2 của "Những ngọn nến trong đêm" hay "Hoa cỏ may" vì rõ ràng các phim ấy đã được sản xuất trong một bối cảnh cùng tâm lý tiếp nhận của khán giả rất khác.

Cách đây hơn 10 năm, khi phim truyền hình chưa bùng phát với số lượng lớn như hiện nay thì những phim được đầu tư làm kỹ lưỡng như vậy thực sự cuốn hút khán giả. Truyện phim xúc động cùng cách diễn mộc mạc, chân chất của những diễn viên "lính mới' đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Tuy nhiên, việc mời được cả ê kip cũ vào phần tiếp theo là việc vô cùng khó khăn.

"Những ngọn nến trong đêm" may mắn vẫn còn giữ được hai diễn viên chính, còn như "Hoa cỏ may" phần 2 hoàn toàn là những gương mặt mới. Việc người cũ từ chối tham gia phần 2 và có tới 90% diễn viên là những gương mặt mới có lẽ là điều không thuận lợi cho các đạo diễn. Bởi thay vì khán giả có thể tiếp nhận ngay được câu chuyện thì họ cần phải thời gian để quên với diễn viên mới thế vai diễn viên cũ. Chưa kể, nếu làm không khéo, không xuyên suốt được tính cách nhân vật thì người xem sẽ có cảm giác đây là hai phần tách biệt, là một kiểu "ăn theo" chứ không phải là sự phát triển của câu chuyện cũ.

Khi cơn khát phim truyền hình đã hạ nhiệt nếu không muốn nói khán giả đang bội thực loại phim này thì để phần tiếp theo vượt qua được cái bóng cũ là một điều không dễ dàng với các nhà làm phim.

Thảo Duyên
.
.