Xu hướng mới của truyền hình thực tế cho trẻ em

Thứ Sáu, 17/04/2020, 07:58
Gameshow dành cho trẻ em từng được ví là "gà đẻ trứng vàng" cho các nhà sản xuất. Xét ở góc độ tích cực, những chương trình này đã tạo ra sân chơi cho trẻ em, góp phần tìm kiếm, phát hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau...


"Thiếu niên nói" (phát sóng lúc 21h00, chủ nhật hằng tuần trên VTV3, bắt đầu từ 9/2/2020) là một trong những chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả thời gian gần đây. Chương trình được đánh giá là mang tính giáo dục, nhân văn nhưng cũng có tính giải trí hấp dẫn. Rất đáng mừng là, không chỉ "Thiếu niên nói", trên các kênh sóng đã xuất hiện một số chương trình truyền hình có định hướng tương tự.

Sự thay đổi đáng chờ đợi

"Thiếu niên nói" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện. Chương trình được mua bản quyền từ Đài TBS của Nhật Bản. Điểm hấp dẫn của chương trình là tạo diễn đàn để các bạn nhỏ được lên tiếng về tâm tư, tình cảm, câu chuyện của chính mình với bố mẹ, thầy cô giáo và xã hội. Đó là những câu chuyện có thực mà các bạn trẻ giấu kín bấy lâu nay.

"Thiếu niên nói" là một trong những chương trình nhận được sự yêu mến của đông đảo phụ huynh và học sinh trong thời gian gần đây.

Chương trình sử dụng phân cảnh là một sân khấu dựng giữa sân trường, có "bục dũng khí" để các nhân vật đứng, nói lên vấn đề của mình. Bên dưới sân khấu là đông đảo các bạn học sinh, thầy cô giáo và cả các bậc phụ huynh. Mỗi nhân vật mang đến một câu chuyện khác nhau, có thể đó là một bí mật nho nhỏ, khát khao tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ, bị bố mẹ ép ăn hay sở thích làm kênh Youtube nhưng không được đồng ý, sự hối hận khi cãi lời bố mẹ, chuyện cha mẹ đối xử không công bằng trong gia đình, áp lực trở thành thủ khoa, áp lực thi cử rồi những mối quan hệ thầy cô, bạn bè...

Mặc dù là một chương trình mang tính giáo dục, định hướng rõ nét nhưng "Thiếu niên nói" không bị khô khan mà đậm chất giải trí nhờ kết cấu chương trình hợp lý, phần dẫn dắt của các nghệ sĩ được nhiều bạn trẻ yêu thích như Gil Lê, Jun Phạm, Khả Ngân, Thu Quỳnh, Bảo Hân, Quang Anh, Phương Mỹ Chi.

Mỗi chương trình khi lên sóng có số lượng người xem, chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội. Nhiều khán giả chia sẻ rằng, đã rất lâu rồi, truyền hình thực tế mới có được chương trình "đáng xem" như thế. Không ít tình huống, câu chuyện của các bạn nhỏ khiến khán giả xúc động. "Thiếu niên nói" đã mang đến một bức tranh sinh động, chân thật về các bạn nhỏ do chính người trong cuộc vẽ nên thông qua câu chuyện nhỏ của mình. Khi xem chương trình, các bạn đồng trang lứa sẽ tìm được tiếng nói chung, đồng thời, các bậc cha mẹ cũng có dịp để nhìn nhận lại cách ứng xử với con cái.

Lên sóng trước "Thiếu niên nói", kênh truyền hình VTV9, Đài truyền hình Việt Nam cũng có "Điều con muốn nói". Mỗi số phát sóng sẽ có một nhân vật tham gia, chia sẻ tâm tư của mình với người dẫn chương trình là nghệ sĩ Ốc Thanh Vân. Sự khác biệt của "Điều con muốn nói" và "Thiếu niên nói" là ở chỗ, "Điều con muốn nói" được xây dựng theo kiểu talkshow và có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, gia đình theo dõi câu chuyện của nhân vật qua màn hình.

Cùng với diễn tiến câu chuyện, các chuyên gia tâm lý sẽ phân tích cho cha mẹ hiểu hành vi, suy nghĩ của trẻ. Cuối cùng, cả nhà sẽ cùng ngồi lại để giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống để từ đó thấu hiểu nhau hơn. Chia sẻ với báo giới, MC Ốc Thanh Vân nói rằng, "Điều con muốn nói" là chương trình dành cho trẻ xúc động nhất mà cô được tham gia. Qua chương trình, người lớn sẽ được lắng nghe những suy nghĩ của các bạn nhỏ, để biết các con, các em mong muốn điều gì.

Những tập đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế "Thử thách lớn khôn" (phát sóng trên HTV2, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh vào 20h25, thứ 6 hằng tuần) cũng nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Chương trình thu hút khán giả một phần là do có sự tham gia của các gia đình nghệ sĩ: Thu Trang, Tiến Luật, bé Andy; Kim Tử Long, Trinh Trinh, bé Andy Khánh; Đoan Trang, Mr. Johan Wicklund, bé Sol, cùng ba gia đình "hot nhất mạng xã hội" là "Gia đình Cam Cam" gồm Kiên Hoàng, Loan Hoàng, bé Hải Chi; "Gia đình nhà Xoài" gồm Tùng Sơn, Trang Lou, bé Nguyễn Gia Huy; "Gia đình nhà Đậu" gồm Ba Duy, Nam Thương, bé Gia Huy.

Bên cạnh đó, "Thử thách lớn khôn" hấp dẫn khán giả qua những tình huống hấp dẫn và cách ứng xử của các bé với tình huống mà chương trình đưa ra. Theo Ban Tổ chức, các thử thách mà chương trình đưa ra "để đồng hành cùng quá trình khôn lớn" của các bé. Chính sự ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng rất thông minh của các bé khi xử lý tình huống sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình.

Cần nhiều chương trình có giá trị nhân văn sâu sắc

Gameshow dành cho trẻ em từng được ví là "gà đẻ trứng vàng" cho các nhà sản xuất. Hàng loạt chương trình tìm kiếm tài năng nghệ thuật nhí "đua" nhau xuất hiện trên sóng truyền hình như: "Thần tượng âm nhạc nhí", "Giọng hát Việt nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Sao nối ngôi", "Người hùng tí hon"… Xét ở góc độ tích cực, những chương trình này đã tạo ra sân chơi cho trẻ em, góp phần tìm kiếm, phát hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã mang đến món ăn tinh thần cho các bạn trẻ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, trong sự bùng nổ các chương trình giải trí, gameshow dành cho trẻ em bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng trẻ em phải "gồng mình" hát ca khúc người lớn, không phù hợp lứa tuổi gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, một số chương trình tập trung khai thác nhiều cảnh hậu trường, "biến" cuộc thi thành những màn tranh đấu khốc liệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh nhỏ tuổi.

Một cảnh trong chương trình "Thử thách lớn khôn", phát sóng trên kênh truyền hình HTV7 vào tối thứ 6 hằng tuần.

Thời gian gần đây, sức hút của các gameshow giải trí thuần túy giảm nhiệt đáng kể. Nếu như một vài năm trước đây, những chương trình như "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí"… có lượng người xem đông đảo, kéo theo đó là doanh thu quảng cáo xen giữa chương trình được đẩy cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, giờ đây, điều đó đã trở thành "dĩ vãng".

Với các nhà sản xuất, gameshow truyền hình cũng là một "hình thức đầu tư" mang lại lợn nhuận. Chính vì vậy, họ cần nhanh nhạy nắm bắt thị trường, thị hiếu khán giả để có hướng đầu tư phù hợp. Khi truyền hình thực tế thịnh thì gameshow cho trẻ em phát triển ồ ạt và khi "hết đất sống", các nhà sản xuất sẽ tìm hướng đầu tư mới mang lại lợi nhuận cao hơn.

Có thể thấy rõ, những chương trình giải trí đơn thuần đã dần được thay thế bằng những chương trình mang tính giáo dục, tâm lý nhằm kết nối các thành viên trong gia đình. Một mặt, đây là xu thế phát triển tất yếu khi các chương trình "thuần giải trí" giảm sức hút. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, gameshow đang tìm lại những giá trị đích thực của mình. Chắc chắn, kinh phí sản xuất những chương trình truyền hình thực tế như "Thử thách lớn khôn", "Thiếu niên nói" cao hơn nhiều so với một chương trình giải trí ghi hình tại trường quay vì đòi hỏi nhiều máy móc, thiết bị, nhân lực hơn. Tuy nhiên, đó là hướng đi đúng, cần phải khuyến khích.

Tôi cho rằng, các chương trình truyền hình, trong đó có chương trình dành cho trẻ em cần thường xuyên đổi mới để thu hút khán giả, đồng thời cân bằng giữa tính giải trí và định hướng giáo dục, tâm lý. Thị hiếu của khán giả ngày càng nâng cao nên cần sản xuất những chương trình mang thông điệp tích cực, có giá trị nhân văn sâu sắc.

Quay trở lại câu chuyện về chương trình "Thiếu niên nói". Nhiều khán giả cho rằng, chương trình phải tiếp tục đầu tư hơn nữa để đi được đường dài và thu hút đông đảo khán giả. Thực tế cho thấy, một số đề tài bị trùng lắp và tình tiết câu chuyện còn sơ sài. Bên cạnh đó, có lẽ, chương trình cần có sự vào cuộc của các chuyên gia tâm lý, giáo dục để làm "cầu nối chung gian" tư vấn, giải quyết các tình huống mà các bạn nhỏ nêu ra. Có như vậy, chương trình mới "đầy đặn", có chiều sâu hơn, không chỉ nêu ra vấn đề mà còn có cách để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

Tường Phạm
.
.