Xóa "hố đen thông tin" để công khai minh bạch

Thứ Năm, 28/06/2018, 08:05
Chúng ta cũng đang tiến hành mở thật rộng các cửa để tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch. Tuy nhiên, việc mở cửa không hề đơn giản vì luôn gặp phải lực cản không hề nhỏ từ những nhóm lợi ích, số người có quyền, có chức đã quen núp trong bóng tối để thu vén, trục lợi từ lâu nay.


Ngày 1-7-2018, Luật Tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực thi hành. Tại điều 17 của Luật này quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp phường, xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp thì đều có quyền được biết.

Trước đây, quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng được quy định trong một số điều luật nhưng không đầy đủ, không đồng bộ. Do vậy, người dân luôn bị mù mờ với những thông tin về ngân sách, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công; các thông tin về tuyển dụng và đặc biệt người dân muốn biết con số thực của "nợ xấu" là bao nhiêu?

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không ai biết và cũng chẳng ai thông báo chính xác được… bên cạnh đó là thái độ không thiện chí trong cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, của cán bộ, công chức khi mà những thông tin được yêu cầu cung cấp có thể gây bất lợi cho họ, thì thông tin gì cũng có thể dễ dàng quy là thông tin "mật" và mọi thông tin sẽ "bị nhốt chặt" đằng sau những cánh tủ.

Vì sao các cơ quan, đơn vị nói chung không tự giác cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của mình? Đây không đơn thuần là tâm lý muốn che giấu những sai phạm, yếu kém mà ngược lại, họ ý thức rõ giá trị, quyền lực cũng như lợi ích của thông tin mà mình đang nắm giữ nên cố giữ càng lâu càng tốt, để rồi biến nó thành tài sản đặc biệt, sử dụng riêng kiếm lời.

Việc "khóa thông tin" này đã tạo ra những "hố đen thông tin". Khi thông tin bị bưng bít nghĩa là chỉ một nhóm thiểu số được biết và can thiệp vào các chính sách tín dụng, ngân hàng, đầu tư các dự án, quá trình định giá cổ phần hóa doanh nghiệp, việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan, đơn vị… Những người có thông tin không cần đầu tư mà chỉ cần bán những thông tin mình biết là sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Chẳng hạn như những dự án xây dựng, chuyển giao (dự án BT, BOT) giữa cơ quan Nhà nước và nhà thầu…  các vụ mua bán nhà đất công sản, những lô đất "vàng", đất "kim cương" rơi vào tay các đại gia bất động sản được chỉ định với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường… và còn nhiều nhiều lĩnh vực, việc công khai chỉ được thực hiện dưới dạng công khai các thông tin mà không ai cần, lại giấu đi những thông tin mọi người rất cần theo kiểu công khai, nhưng thiếu những dữ liệu cơ bản, công khai dưới dạng chung chung.

Khi chúng ta đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, triển khai áp dụng đăng ký thủ tục hải quan điện tử, kê khai thuế qua mạng rồi thực hiện chế độ "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) tăng lên đáng kể, tệ nhũng nhiễu, gây khó dễ đã giảm hẳn. Có thể khẳng định, chỗ nào có ánh sáng của sự minh bạch, công khai về thông tin thì chỗ đó căn bệnh tham nhũng không có điều kiện phát sinh và phát triển.

Chúng ta cũng đang tiến hành mở thật rộng các cửa để tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch. Tuy nhiên, việc mở cửa không hề đơn giản vì luôn gặp phải lực cản không hề nhỏ từ những nhóm lợi ích, số người có quyền, có chức đã quen núp trong bóng tối để thu vén, trục lợi từ lâu nay.

Để loại bỏ các rào cản thì phải tạo môi trường cho thông tin được công khai, minh bạch, kịp thời, cộng thêm với việc áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi cản trở, bưng bít thông tin. Việc làm này không chỉ để "nghiêm phép nước" mà quan trọng hơn, là để các giá trị của thông tin được khai thác hiệu quả phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống là một khởi đầu tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Luật còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao tri thức, tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của người dân, các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả

Trên thế giới, những quốc gia có tính minh bạch cao thường là những quốc gia, dân tộc xếp hàng đầu về tự do và thu nhập. Công khai, minh bạch thông tin đang là một tiêu chí quan trọng để Việt Nam bước chân ra "biển lớn", gặt hái những thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế.

PV
.
.