Sân khấu: Chiến dịch "Săn lùng" kịch bản hay

Xin đừng "rửa tay gác kiếm"

Thứ Năm, 05/05/2011, 11:10

Sân khấu đã có những bước đi mang tính đột phá, chứng tỏ sự trăn trở tìm tòi của những người quản lý sân khấu. Tuy nhiên, không vì thế mà không còn những vấn đề cần trao đổi để khâu kịch bản được thúc đẩy, kích thích hơn.

Sân khấu có giải thưởng kịch bản hàng năm dành cho hội viên và từ bây giờ lại có cuộc thi kịch bản hai năm một lần dành cho tất cả những ai muốn và thích viết kịch với sự bình đẳng, từ vị tác giả có vài chục vở dựng đến cháu sinh viên lần đầu cầm bút, miễn là kịch bản nói được điều dân cần, dân nghĩ hôm nay qua một hội đồng giám khảo uy tín. Có một vấn đề có vẻ mâu thuẫn ở đây là, vì có cuộc thi nên nhiều ông bà tác giả "nhịn" không tham gia giải hàng năm để chờ cuộc thi, bởi quy chế là thế: Đã được giải rồi, được dựng rồi thì miễn thi.

Nhiều người nhìn vào quy chế lại lo lo cho chất lượng kịch bản cuộc thi bởi như thế thì cuộc thi kịch bản này là chỉ duy nhất thi bản thảo kịch bản, chứ không phải là thi tác phẩm, trong khi văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh họ vẫn chấm những tác phẩm đã in ra, đã trưng bày, đã biểu diễn... Vẫn biết quy chế này là để khuyến khích tìm kịch bản mới nhưng "mới" của tác phẩm được sáng tác trong 2 năm đâu lẫn được với tác phẩm cũ mèm từ chục năm trước gửi tham gia, cốt có tí tiền tài trợ. Lẫn lộn chuyện này nên quy chế cẩn thận quá chăng, khiến cuộc thi có thể giảm hiệu quả khi mà viết kịch là để dàn dựng, để chia sẻ những trăn trở với khán giả, đâu phải viết kịch để ...chờ giải thưởng !

Một vấn đề khác mà các nhà viết kịch quan tâm là hội đồng giám khảo. Không ai nghi ngờ cái tâm cái tài của những người đã đặt những dấu ấn đáng kể trong sự phát triển sân khấu, song khi đạo diễn làm giám khảo, liệu có đánh giá kịch bản nặng theo góc độ đạo diễn? Diễn viên làm giám khảo có nhìn kịch bản theo góc độ diễn xuất và nhà văn làm giám khảo liệu có chỉ nhìn kịch bản ở khía cạnh văn chương mà quên mất những đặc tính sân khấu khi kịch viết ra để diễn chứ không để đọc? Thiết nghĩ, Hội đồng giám khảo nên có đủ các vị đáng kính trong các lĩnh vực trên và nên chăng có mặt cả nhà phê bình lý luận sân khấu, nhà báo am hiểu về sân khấu như bên điện ảnh, bóng đá vẫn có sự bình chọn của những người theo sát công luận.

Sân khấu đã có những bước đi mang tính đột phá, chứng tỏ sự trăn trở tìm tòi của những người quản lý sân khấu. Tuy nhiên, không vì thế mà không còn những vấn đề cần trao đổi để khâu kịch bản được thúc đẩy, kích thích hơn.

Hy vọng từ những tín hiệu tích cực trong vài năm gần đây, diện mạo sân khấu sẽ thay đổi, bắt đầu từ khâu kịch bản. Những ngọn lửa trong trái tim nhà viết kịch sẽ bùng cháy lên khi mà cơ chế thị trường nhiều khi đè nặng lên thiên chức nghề nghiệp, để rồi sẽ chẳng còn ai vì lý do nào đấy mà "rửa tay gác bút"

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền
.
.