Xin đừng nhập nhằng "công - tư"

Thứ Năm, 08/08/2019, 08:17
"Các bệnh viện công có thể thu tiền khám bệnh mỗi lượt tối đa là 500 nghìn đồng, tiền giường 4 triệu đồng một ngày theo yêu cầu…". Đó là mức giá trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp và đang được Bộ Y tế rà soát lần cuối, dự kiến áp dụng từ ngày 1/10/2019.


Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành quy định về giá giường nằm để đảm bảo chi phí dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công đúng với chất lượng cung cấp. Mặt bằng giá này có tham khảo chi phí từ các bệnh viện tư và quốc tế. Các bệnh viện có thể tự ban hành mức giá riêng nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

"1 người/giường với Hạng Thương gia, VIP; hạng phổ thông 3-4 người/giường", "4 triệu, chứ 40 triệu cũng kệ, đã kịp thời quán triệt và mọi người trong nhà đã tự cam kết không được ốm rồi", "Lương công chức của tôi, nằm không điều trị gì cũng chỉ được 2 ngày", "Nỗ lực kiếm tiền đi, kêu ca nhiều sẽ sinh bệnh đấy… mà ốm là phải đi Viện" , "Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, tiếc gì 4 triệu"…

Chỉ xin trích ra đây một vài ý kiến, tuy chưa phản ánh hết được tâm trạng của người dân, của xã hội khi nhận được thông tin về tăng giá dịch vụ y tế, nhưng đã thấy ngay sự bức xúc.

Quy định mới về chi phí khám điều trị bệnh tại bệnh viện công càng làm cho người dân hoang mang hơn.

Nghị quyết số 93/2014/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo đó, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí cho các bệnh viện công lập mà cấp thông qua Bảo hiểm Y tế và chỉ hỗ trợ cho những gia đình chính sách thuộc diện gia đình có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi. 

Về mặt tài chính, giá dịch vụ y tế tại cơ sở liên doanh, liên kết sẽ do UBND các tỉnh hoặc doanh nghiệp tự hoạch toán, nhưng cần phải phù hợp bởi giá khám chữa bệnh cao quá, người bệnh sẽ không chấp nhận nhưng nếu thấp quá thì không đủ chi phí hoạt động của cơ sở.

Chủ trương là đúng nhưng việc thực hiện chủ trương này trong thực tế còn nhiều điều phải bàn. Việc "nhập nhằng" hiện nay là khu vực y tế dịch vụ vẫn chưa minh bạch, rõ ràng. 

Bệnh viện công do Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, trả lương đội ngũ y, bác sĩ để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, nhưng lại đượcsử dụng làm dịch vụ nhằm tăng thu, gây ảnh hưởng đến sự công bằng trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh.

Không khó gì để phân biệt khi đi khám dịch vụ và khám thường, sẽ thấy rõ sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt đối xử. Trong cùng một bệnh viện công lập nhưng tồn tại hai hình ảnh, hai thế giới đối lập nhau hoàn toàn giữa một bên là bệnh nhân có tiền được phục vụ một kiểu, được nằm trong phòng có điều hòa, nhân viên y tế luôn vui vẻ, tận tình. 

Còn bệnh nhân nghèo được phục vụ kiểu khác,lúc cao điểm lên đến 3 đến 4 người/giường, còn lúc bình thường thì vẫn là tình trạng 2 người/giường, rất chật chội, nghỉ ngơi khó khăn và nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo rất cao, nhưng vẫn phải cố chịu vì không đủ tiền để sang khu vực khám tự nguyện.

Qua sự cố trong việc chạy thận ở tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng trong chủ trương xã hội hóa, kết hợp công - tư trong y tế khi các bên tìm cách đổ lỗi cho nhau. Vụ án vẫn chưa khép lại, nên chưa rõ có việc để tư nhân kết hợp với nhóm lợi ích thao túng gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không. 

Những kẽ hở trong các quy định, cán bộ trong ngành y chuyên sâu, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải không biết, nhưng không ít người trong số họ đã lợi dụng lỗ hổng này để hình thành nhóm lợi ích trục lợi bằng nhiều cách như: Thông đồng trong đấu thầu cung cấp thuốc chữa bệnh, mua sắm thiết bị, lên kết với tư nhân đặt rất nhiều loại máy để thu tiền của người bệnh...

Công phải là công, tư là tư, nếu nói vì hoàn cảnh mà tạo cơ chế lẫn lộn trong y tế thì người dân sẽ còn khổ với ngành y. Vì thế, không thể có chuyện dịch vụ trong bệnh viện công được, còn nếu muốn tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu, có phòng, khoa dịch vụ thì tự bỏ vốn, thuê đất, sắm trang thiết bị để hình thành khu vực riêng, chứđừng nhập nhằng công - tư, lấy của công để tư lợi cho bản thân hay của một nhóm người có chức vụ, quyền hạn trong bệnh viện.

Tồn tại một nhóm lợi ích trong bệnh viện sẽ khiến không chỉ bệnh nhân chịu thiệt mà cán bộ, nhân viên y tế cũng sẽ tìm cách được chuyển sang làm việc ở mảng dịch vụ  để tăng thu nhập. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra bức xúc trong chính đội ngũ y, bác sĩ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ trong khám, chữa bệnh cho người dân.

Chính phủ, Bộ Y tế cần có ngay các quy định cụ thể, nhằm tách bạch "công - tư" trong các bệnh viện công. Đây là điều mà nhiều bệnh nhân và báo chí đã phản ánh, yêu cầu nên chấm dứt sớm. Cơ quan Bảo hiểm Y tế cũng phải tham gia tích cực trong việc bảo vệ  người dân trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các bệnh viện công nhằm bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân.

Cù Tất Dũng
.
.