Văn hoá lễ hội

Xin cho lòng bớt tham

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00

Thiền trước anh linh Phật cũng nên. Con người lạ quá, bà cụ quét chùa lầm rầm, sau đốt lá khô thì đi lần tràng hạt. Bọn trẻ thì đến Phủ Tây Hồ rất đông, người nọ vái lên người kia. Các đĩa hoa quả dâng Thánh Mẫu và Tứ phủ cũng chen lấn đặt lên nhau. Có đôi trẻ năm trước đến trước Thánh Mẫu xin được yêu nhau đến đầu bạc răng long, Tết này lại đến xin bỏ nhau sớm sớm để được tự do. Tự do là hạnh phúc nhất của con người.

Sân sau chùa Vạn Niên (Hà Nội) thật vắng. Sáng mùng một Tết năm nào sân chùa cũng thưa thác bóng người già. Ngôi chùa cổ của đất kinh kỳ Thăng Long ngàn xưa vẫn còn cây cau thấp già như người có tuổi, vẫn còn có tượng Phật đồng đen nhìn ra Hồ Tây. Trời sáng rỡ, đủ nhìn thấy giọt sương trong, đủ nhìn thấy nỗi cô đơn của người đứng tuổi, người từng trải, đi qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống đã biết im lặng bên hồ với Phật. Một người đàn bà đang quét lá sau vườn chùa. Bà quét lá khô, nhặt nhạnh rác rơi trên lối đi, ai đó quen vứt xuống, bà ăn chay nhiều năm, dù con cái thành đạt thì bà vẫn chọn chùa quét lá, dâng đèn. Không rõ bà có quét đi nhiều nỗi niềm mất mát hay trở về thanh thoát cõi tâm, mà bà quét nhát chổi thư thả lắm, lá khô vun lại rồi ngồi đốt lá với tôi.

Bà cụ bảo đến chùa Vạn Niên thường nhiều người già, nếu sang phủ Tây Hồ sẽ thấy toàn người trẻ. Có cụ già bảo: "Thế hệ tôi họ đi hết cả, mai kia đến lượt tôi đi vắng dài hạn, sẽ chẳng có bạn tri âm đưa tiễn". Người có tuổi  hay cô đơn nghĩ vậy.

Còn tuổi trẻ khấn vái xin rõ nhiều. Có đứa cháu gái xin Thánh mẫu cả tòa nhà kinh doanh, kinh doanh lỗ lại đi trách Thánh. Hầu Phật, tôi ngồi ở cửa chùa nghe rõ mồn một, có người đàn bà đến đây vào dịp Tết năm trước xin nhiều lộc nhỉều nụ, nhiều hoa. Đến khi có tiền tài rồi thì lại đến cửa Phật khóc mếu vì có nhiều lộc nên chồng bỏ đi với gái, con trai không học hành, đi đua xe và gặp tai nạn. Tết lại đến xin Thánh mẫu độ cho sức khỏe, độ cho hòa thuận vợ chồng, gia đình không tan đàn sẻ nghé.

Lại có người khấn xin xỏ nhức cả tai, xin những chuyến buôn vải vóc xuyên quốc gia, lãi lắm. Vẫn chưa thỏa chí, rồi dính đến thuốc lá cấm, bị bắt lại đổ bể cả mồ hôi nước mắt hàng chục năm nhặt nhạnh lời lãi. Thế đấy, con người, thần dân ạ, nếu bớt chút lòng tham đi thì chẳng có chuyện gì xảy ra.

Lại có chuyện một thầy giáo dạy tiếng Nhật, mới làm ăn phất lên từ đất cát. Nghe nói giàu lắm, vài ba căn nhà cho thuê. Cô con gái lấy chồng đã mười năm chưa có con, chạy chữa tiền tỷ vẫn không thể sinh nở. Vợ lại dính ung thư vòm họng. Thầy giáo bán hết đất đai xin Phật độ cho sự trở lại sự bình dị như năm nào, thà rằng sống tùng tiệm nhưng đủ đầy hạnh phúc. Nhưng kim đồng hồ vẫn chạy đi chứ không quay ngược trở lại. Vợ thầy giáo vẫn quay quắt với nỗi đau của căn bệnh ung thư, cô con gái vẫn lao theo kinh doanh mỹ phẩm để có tiền chữa dạ con mà chưa có tín hiệu vui. Thầy giáo dạy tiếng Nhật, ngày Tết vẫn đứng im rất lâu rất lâu trước bàn thờ Phật. Tôi không rõ thầy giáo xin gì, chứ tôi dám chắc phải xin cho vợ qua cơn bệnh trọng. Có hôm thầy đứng dễ nửa tiếng đồng hồ.

Thiền trước anh linh Phật cũng nên. Con người lạ quá, bà cụ quét chùa lầm rầm, sau đốt lá khô thì đi lần tràng hạt. Bọn trẻ thì đến Phủ Tây Hồ rất đông, người nọ vái lên người kia. Các đĩa hoa quả dâng Thánh Mẫu và Tứ phủ cũng chen lấn đặt lên nhau. Có đôi trẻ năm trước đến trước Thánh Mẫu xin được yêu nhau đến đầu bạc răng long, Tết này lại đến xin bỏ nhau sớm sớm để được tự do. Tự do là hạnh phúc nhất của con người.

Phủ Tây Hồ đông nghìn nghịt từ mùng một Tết. Người dân sùng kính bà chúa Liễu Hạnh, họ đặt lễ đặt tiền chồng lên nhau. Những ông đồ viết sớ biết tiếp thị, mặc áo đỏ mũ đỏ, rồi thảo dân mua lộc thánh được làm bằng giấy vàng mã, bạc mã rất long lanh, rất bắt mắt. Họ dâng Mẫu, có người vay Mẫu cả trăm cây vàng, có người vay rồi dâng lễ trả Thánh cả ngày Tết, tiền lẻ cài khắp nơi. Đầy tiền lẻ mà không ai đụng chạm. Nhưng kẻ gian vẫn móc túi các bà già chậm chạp và hớ hênh, Phủ Tây Hồ vẫn dán ảnh kẻ gian manh móc túi trộm cắp. Rồi sau khấn vái, họ làm xong nghi lễ, họ ra quán ăn bánh tôm Hồ Tây, bún ốc hấp thuốc bắc. Bánh tẻ làng Phùng, bánh đúc Thường Tín, bánh cuốn Thanh Trì, rất nhiều loại bún riêu, bún ốc, rất nhiều quán kinh  doanh quanh Phủ không rõ món ngon có vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

Tết năm nay, Hà Nội có nhiều khách du lịch quốc tế đến thăm chùa cổ Hà Nội, một chùa Vạn Niên có tượng Phật Ngọc nặng tới 600kg, một chùa Kim Liên có kiến trúc cổ như một cánh sen bên Hồ Tây, là nơi thờ Phật và công chúa Từ Hoa. Từ đây lữ khách có thể đi sang chùa Trấn Quốc, nghe chuông chùa cổ, chiêm ngưỡng những bức tượng Phật cổ, mang đậm hồn cốt Việt và phong cách Việt. Những ngôi chùa có Phật ngự trên tòa sen, những ngôi chùa có tượng Phật đồng đen, những ngôi chùa có Phật Bà ngàn mắt ngàn tay, những gương mặt của Phật của Thánh Mẫu mang vẻ đẹp rất hồn Việt, không hề giống các bức tượng Phật ở các nước Đông Nam Á - nơi tôi có dịp ghé qua. Tôi đến chùa ngước nhìn Phật, chỉ thầm ước có một Niết Bàn vô hình trong ngực mình để ý nghĩ đẹp, ý nghĩ sáng trong, nhìn cõi nhân gian, nhìn sương trong, đốt lá khô ở sân sau chùa vắng, ngửi mùi lá hoang hoải và mùi hoa mộc. Rồi tự hỏi mình, nếu con người bớt đi một chút lòng tham cả trong lời cầu nguyện thì tốt hơn hay xấu đi nhỉ? Nhưng cả Phật và Thánh Mẫu cứ nhìn tôi mỉm cười

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng
.
.