Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm và xứng tầm

Thứ Năm, 06/06/2019, 07:46
Cán bộ có tâm và có tầm thì nhân dân được hạnh phúc. Như vậy thì cần gì phải lo việc "không nhúc nhích" và cũng chẳng cần phải tinh giản biên chế, cũng như sửa đổi, bổ sung vào luật việc bỏ công chức, viên chức suốt đời để làm gì!


Ngày 19-5 tại buổi phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt một số nhiệm vụ. Đó là cần xóa bỏ ngay thứ "văn hóa không nhúc nhích", văn hóa để "nước đến chân mới nhảy", văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm; chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi.

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Bộ Nội vụ báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành Trung ương và 45/63 địa phương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Kết quả tổng hợp cho thấy, đối với công chức, số người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 26,94%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 69,34%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực chiếm 2,36% và không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,59%.

Đối với viên chức, người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 27,24%; người hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 67,08%; người hoàn thành nhiệm vụ chiếm 6,34% và người không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,38%. Nếu đúng như báo cáo của Bộ Nội vụ thì chúng ta đang có một đội ngũ công chức, viên chức tốt và hùng hậu như vậy thì đây là… "cái phúc" của dân.

Cán bộ có tâm và có tầm thì nhân dân được hạnh phúc. Như vậy thì cần gì phải lo việc "không nhúc nhích" và cũng chẳng cần phải tinh giản biên chế, cũng như sửa đổi, bổ sung vào luật việc bỏ công chức, viên chức suốt đời để làm gì!

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV).

Hiện nay, dư luận cho rằng, hiện tượng "văn hóa... không nhúc nhích!", "Hoàng hôn nhiệm kỳ" hay "Chuyến tàu vét" thường xuất hiện vào thời điểm trước đại hội đảng các cấp, vì đây là lúc sẽ cơ cấu lại nhân sự, các vị trí lãnh đạo chủ chốt, như vậy sự "không nhúc nhích" là có ý đồ rõ ràng. Đối với cán bộ còn đủ tuổi, đủ điều kiện thì "giấu mình chờ thời", không để đối thủ cạnh tranh vào vị trí quản lý này, vị trí lãnh đạo kia biết mình là ai để nói xấu, công kích; "bất động" là đang chờ cho mình một thời cơ thích hợp để trỗi dậy, vươn lên.

Còn công chức, viên chức nằm im xem sếp mới là ai… "Tân quan, tân chính sách", tương lai rồi sẽ ra sao? Liệu còn giữ được vị trí, được ưu ái nữa hay không? Loại ngấp nghé về hưu thì nặng tâm lý "hạ cánh an toàn", chơi, chờ, nghỉ... Những đối tượng thuộc diệu "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ"… họ thừa hưởng kinh nghiệm từ cha, anh đi trước, nếu không có tác động, nâng đỡ gì thì "chưa nhúc nhích", "không được phép nhúc nhích".

Không nhúc nhích ở đây là không động đến công việc, bởi làm nhiều sẽ rủi ro nhiều, dễ dẫn đến sai phạm và như vậy khả năng được tin tưởng, ủng hộ, nâng đỡ cũng sẽ không còn. Do vậy, cần phải tuyệt đối giữ mình. "Văn hoá" đó nó tồn tại được là vì nhiều người biết, mà biết rõ nhất là lãnh đạo, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, nhưng lại chẳng ai quan tâm, dọn dẹp "văn hoá không nhúc nhích" này.

Tuy "không nhúc nhích" ở công việc, nhưng nhiều người lại "tăng tốc" trong những việc khác. Những lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương không còn đủ tuổi, sắp đến thời gian "hạ cánh" có thể thực hiện các "chuyến tàu vét" như đi tham quan, học tập ngoài nước, tranh thủ phê duyệt các dự án, bổ nhiệm ồ ạt các chức danh còn trống... và họ sẽ thực hiện phương án "tát cạn, bắt sạch".

Những người còn trẻ, nằm trong quy hoạch, được quy hoạch thì với họ, việc tìm thầy, tìm thợ, tìm bè cánh, ê kíp, vận động đủ thứ từ hành lang cơ quan đến nhà lãnh đạo, tranh thủ từng người ủng hộ cho đợt bỏ phiếu tín nhiệm... Vì vậy chắc chắn họ không thuộc nhóm người "văn hoá không nhúc nhích".

Sự lo lắng, không hài lòng về đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ của riêng Thủ tướng, mà của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Vậy làm sao loại bỏ được hết những người "không nhúc nhích" này trong cơ quan, tổ chức là một điều rất cần thiết, rất cấp bách.

Còn hơn một năm nữa nhiệm kỳ này mới kết thúc, với một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức "không nhúc nhích" như hiện nay, liệu trong nhiệm kỳ tới chúng ta có thể lựa chọn được những cán bộ trung thực, tâm huyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung hay không và có loại bỏ được những người cơ hội, vi phạm nguyên tắc, có biểu hiện cục bộ, mất đoàn kết, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, nói không đi đôi với làm hay không?

Người dân mong mỏi có được những cán bộ có tầm trong công việc, có tâm với đất nước với nhân dân. Họ nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đặt lợi ích của người khác, của cộng đồng, xã hội lên trên lợi ích của mình. Một bộ máy chính quyền mạnh là phải biết lo lắng, biết sợ khi người dân không hài lòng. Cán bộ lãnh đạo biết kính dân, thương dân ắt sẽ được dân tin, dân yêu, dân giúp và dân làm theo.

Cù Tất Dũng
.
.