Xây dựng Chính phủ vì dân

Thứ Năm, 04/03/2021, 09:48
Tuần qua, Bộ Công an tổ chức Lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Việc lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao thực hiện hai dự án quan trọng này sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, bỏ bớt những giấy tờ không cần thiết trong thực hiện các thủ tục hành chính...


Hiện hệ thống đã có dữ liệu chuẩn hóa, sẵn sàng cho việc kết nối và chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số) với Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi đó, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… sẽ được tích hợp. 

Đây là "chìa khoá" để các cơ quan nhà nước khác khi có nhu cầu khai thác, đảm bảo tính nhất quán, chính xác, kịp thời và tránh trùng lặp thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu; cung cấp thông tin tổng hợp về công dân theo yêu cầu khai thác của Chính phủ và cung cấp dịch vụ xác thực nhân thân theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Bộ Công an nhấn nút kích hoạt thành công dữ liệu dân cư.

Theo đó, công dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắp chíp mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính; đồng thời, công dân cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây do thẻ Căn cước công dân có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công và tư nhân.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ. Ngoài ra, thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ngoài ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu.

Trước đây, gần 30 loại thủ tục hành chính cấp bộ và hàng chục thủ tục hành chính địa phương vẫn liên quan đến giấy tờ về hộ khẩu, cư trú. Ví dụ như: đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông... thì người dân đều phải về địa phương xác nhận, hoặc phải chạy đôn, chạy đáo để hoàn thiện các loại giấy tờ. Từ đó phát sinh những biểu hiện nhờ vả, lo lót, “cảm ơn”… và tiêu cực cũng từ đó mà ra.

Khi Chính phủ điện tử phát triển, thời gian cung cấp dịch vụ công không phải là 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần mà sẽ là 24 giờ/ngày và cả 7 ngày trong tuần để cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Với việc tăng nhanh tốc độ truy cập Internet ở Việt Nam như hiện nay, người sử dụng sẽ không còn phải chờ đợi, họ được kết nối liên tục và truy cập tới các dịch vụ công nhanh chóng, bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào. Các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân, giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện tám thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về An ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh việc chấp hành nghiêm quyền và nghĩa vụ của mình, công dân cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, bảo đảm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của tất cả các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Việt Nam đang có thế mạnh trong chuyển đổi số khi có tới hơn 70 triệu người dân sử dụng internet và có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ. Hy vọng với quyết tâm và quyết liệt trong xây dựng quốc gia số, Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện được cam kết xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ.

Cù Tất Dũng
.
.