Xã hội hóa sân khấu

Thứ Bảy, 16/03/2019, 08:09
Quả thực, vấn đề xã hội hóa sân khấu, dù vẫn đang ít nhiều có những tín hiệu vui từ sân khấu xã hội hóa ở miền Bắc, nhưng nó rất dễ sẽ lại rơi vào một vòng luẩn quẩn: manh nha rồi lại thoái trào - nếu như không có những định hướng cụ thể hơn, những ưu đãi nhất định...


Vòng tròn quẩn quanh

Sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa - có nghĩa là huy động sức mạnh của tất cả các nguồn lực không kể là của tư nhân hay Nhà nước để xây dựng và biểu diễn - là việc mà sân khấu TP. Hồ Chí Minh đã làm từ rất sớm, từ khi Nhà nước còn chưa chính thức có chủ trương.

Trong khi Hà Nội vốn được xem là kinh đô của chính kịch vẫn còn đắn đo, suy tư và nghệ sĩ với nếp nghĩ xưa cũ vẫn chưa coi trọng, thậm chí có cái nhìn thiên lệch về sân khấu kịch xã hội hóa, thì TP. Hồ Chí Minh những năm 2.000 đã có hàng chục mô hình sân khấu xã hội hoạt động hiệu quả, tạo được tiếng vang lớn.

Đặc biệt, với Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần - cánh chim đầu đàn của mô hình xã hội hóa sân khấu thời kỳ đầu - rất sôi nổi với những vở kịch tạo nên tiếng vang, đi biểu diễn ở nhiều nước có cộng đồng người Việt như “Dạ cổ hoài lang” với tần suất diễn lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử sân khấu, chưa có vở diễn nào vượt qua được.

Vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" của nhóm LucTeam vừa ra mắt khán giả Thủ đô đầu năm 2019 đã có nhiều suất diễn phục vụ khán giả.

Một số vở diễn khác cũng tạo được ấn tượng mạnh với khán giả như “Chuyện bây giờ mới kể”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Lôi Vũ”, “Cõi tình”..., theo đó đã có nhiều ngôi sao sân khấu xuất hiện như Hồng Vân, Thành Lộc, Ái Như, Mỹ Uyên... Đến khi có sự ra đời của hàng loạt sân khấu tư nhân khác như nghệ sĩ Thành Lộc kết hợp với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn làm Sân khấu IDECAF, nghệ sĩ Phước Sang cho ra đời Sân khấu kịch Sài Gòn, nghệ sĩ Hồng Vân cho ra đời Sân khấu kịch Hồng Vân, nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như cho ra đời Sân khấu Hoàng Thái Thanh... thì lúc này sân khấu kịch xã hội hóa ở TP. Hồ Chí Mình thực sự trở thành một vườn hoa đua nhau khoe sắc. TP. Hồ Chí Minh trong hàng chục năm liền là nơi có đời sống sân khấu sầm uất nhất. Ngoài việc nghệ sĩ sân khấu sống được bằng nghề, được làm nghề hàng đêm và có nhiều nghệ sĩ còn trở nên giàu có còn để lại những dấu ấn đáng kể trong lịch sử sân khấu nước nhà.

Còn tại Hà Nội, sau nhiều thử nghiệm e dè, dăm năm trở lại đây, các nhóm, câu lạc bộ, trung tâm sân khấu xã hội hóa đã có những thành quả đầu tiên. Điều đó cũng thể hiện tính cẩn trọng nhưng cũng là thể hiện sự chậm chạp, chậm thích nghi với tình hình mới của nghệ sĩ miền Bắc. Nhóm hài của 2 nghệ sĩ Xuân Bắc - Tự Long; Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam do NSND Trần Nhượng làm “bầu sô”; Sân khấu Lệ Ngọc, nhóm LucTeam... đã tạo nên một đời sống sân khấu xã hội sôi động hơn, rộn ràng hơn ở Hà Nội với một số vở diễn có sự tìm tòi, mày mò, khám phá mới mẻ, hấp dẫn và cũng phát huy được sự năng động, giỏi tiếp thị công chúng vốn là bài học có được từ các nghệ sĩ đi trước ở phía Nam.

Thế nhưng, điều đáng nói là khi sân khấu xã hội hóa ở Hà Nội bắt đầu có những tín hiệu vui thì cũng chính là lúc sân khấu xã hội hóa ở TP. Hồ Chí Minh đi vào giai đoạn thoái trào sâu. Sau chừng 15 năm ra đời và phát triển, sân khấu xã hội hóa đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không giải quyết được như thiếu vắng kịch bản vở diễn hay, mâu thuẫn nội tại giữa việc nghệ sĩ muốn cống hiến, muốn làm nghề với việc phải “cân đong đo đếm” làm sao để vở diễn bán được vé, có doanh thu, cơ sở vật chất xuống cấp do không có kinh phí để đầu tư xây dựng...

Không theo kịp nhu cầu của khán giả sẽ đồng nghĩa với việc không bán được vé, vì thế hàng loạt sân khấu xã hội hóa đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Từ một vườn trăm hoa đua nở, đến nay số lượng các đơn vị sân khấu còn sáng đèn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, suất diễn thưa thớt, dấu ấn nghệ thuật cũng trở nên mờ nhạt. Đó là điều hết sức đáng buồn nhưng cũng chính là vấn đề đã được dự báo trước.

Sinh thời, NSND Trọng Khôi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từng nói: “Sân khấu Xã hội hóa sẽ còn nhiều biến chuyển và rất cần sự định hướng của nhà nước, thậm chí là cần sự đầu tư của nhà nước. Đây là vấn đề quốc sách, nằm trong sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật để hướng tới sự hội nhập với thế giới mà Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phải quan tâm”.

Quả thực, vấn đề xã hội hóa sân khấu, dù vẫn đang ít nhiều có những tín hiệu vui từ sân khấu xã hội hóa ở miền Bắc, nhưng nó rất dễ sẽ lại rơi vào một vòng luẩn quẩn: manh nha rồi lại thoái trào - nếu như không có những định hướng cụ thể hơn, những ưu đãi nhất định về địa điểm biểu diễn hay các ưu đãi về thuế, giá cho thuê mặt bằng, sân khấu.

Có thể nói ngay rằng, trong khi sân khấu nhà nước có rạp, nghệ sĩ được Nhà nước trả lương hẳn hoi, hàng năm vẫn được Nhà nước đặt hàng vở diễn mà việc tồn tại và đời sống nghệ sĩ vẫn khó khăn, còn thường xuyên “tối lửa tắt đèn”, thì những đoàn, câu lạc bộ sân khấu xã hội hóa vẫn duy trì biểu diễn là những cố gắng, nỗ lực làm nghề rất đáng ghi nhận. Và không thể ghi nhận suông, ghi nhận chung chung, mà phải có những động thái, việc làm cụ thể để đồng hành, khích lệ, động viên họ.

Thạc sĩ Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Về hoạt động nghệ thuật tư nhân, nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Mỹ... họ không có sự bảo trợ tiền bằng nguồn kinh phí của Nhà nước mà các nhà hát, các nghệ sĩ sống bằng nguồn kinh phí có được từ doanh thu biểu diễn.

Ngay như kịch Noh Nhật Bản được Nhà nước xây nhà hát Quốc gia, phong tặng danh hiệu là “Hồn quốc” nhưng các nghệ sĩ phải biểu diễn theo kế hoạch hàng tháng trong năm, cụ thể bao nhiêu buổi biểu diễn cho nhà nước, bao nhiêu buổi có doanh thu chứ không có chuyện nghệ sĩ đến tháng lĩnh lương. Còn nhiều nhà hát nhỏ phải hoạt động theo kiểu những tháng bán được có doanh thu thì biểu diễn, thời gian còn lại phải đi làm nhiều việc để kiếm tiền.

Tại Mỹ, các nghệ sĩ cũng dựa vào các quỹ văn hóa, làm các dự án và hoạt động theo các mục tiêu, giá trị thực mà các dự án, hoạt động văn hóa ấy mang lại cho cộng đồng để hưởng thù lao, chứ Nhà nước cũng không trả lương cho văn nghệ sĩ. Hiện nay, Nhà nước ta đang từng bước xã hội hóa văn hóa - nghệ thuật, trong đó sân khấu không thể đứng ngoài cuộc nhưng hoạt động vẫn còn rất nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Những thành tựu xã hội hóa mà ngành sân khấu đạt được từ năm 1998 đến 2018 đã phát triển được hàng trăm đoàn nghệ thuật sân khấu tư nhân, phát huy được vai trò sáng tạo của nghệ sĩ, phát triển được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc và đương đại như riêng ở Quảng Ninh có Nhà hát múa rối MTV Hạ Long, Nhà hát múa rối Hoa Sen, Nhà hát múa rối Hoàng Gia và còn nhiều đoàn biểu diễn nhỏ lẻ tồn tại. Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã phục hồi hầu hết các phường múa rối nước quy tụ được nhiều nghệ nhân dân gian.

Khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Huế, Hội An, Nha Trang vào đến Sài Gòn, Cần Thơ xuất hiện thêm hàng chục nhà hát, đoàn mùa rối nước tư nhân. Ước tính cả nước đến nay có khoảng trên 40 đơn vị múa rối nước tư nhân.

Ở TP. Hồ Chí Minh bung ra hàng chục đoàn nghệ thuật tư nhân với các loại hình kịch nói, cải lương nhưng đến nay nhiều đoàn cải lương, nhà hát kịch tư nhân đã tan rã, phải đóng cửa nghỉ diễn, không có doanh thu để tồn tại. Đây là một thực trạng sân khấu xã hội hóa đang tồn tại những bất ổn, đáng buồn.

Nguyên nhân thì có thể là từ nhiều phía trong đó có nguyên nhân chủ quan là sân khấu ngày càng thiếu vắng những ngôi sao tài năng, thiếu những kép độc, kép hài, đào lẳng, đào thương xinh đẹp hát hay, diễn xuất hút hồn; thiếu những vở diễn mang tầm dân tộc - thời đại với chất lượng nghệ thuật cao mà khi thì sa đà vào giải trí, gây cười rẻ tiền, khi thì lại quá cũ kỹ nghiêm trang với những “bổn cũ soạn lại”... dẫn đến sân khấu xã hội hóa rơi vào bế tắc.

Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khách quan như cơ sở vật chất yếu kém hoặc những vướng mắc trong các khâu quản lý - cấp phép biểu diễn... cũng gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị nghệ thuật không chỉ ở khu vực tư nhân. Vì thế, Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần sớm có giải pháp về cơ chế, chính sách giúp sân khấu xã hội hóa khu vực tư nhân và công lập cùng đồng hành, phát triển , tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa đơn vị nghệ thuật tư nhân với Nhà nước.

NSND Lê Huy Quang: Vẫn chưa có hướng đi cụ thể

Xã hội hóa sân khấu thực sự là một xu hướng mang tính tất yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay. Theo “Từ điển Bách khoa”, “xã hội hóa” là làm cho trở thành của chung của xã hội, do đó theo tôi xã hội hóa sân khấu trước hết là để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội có cơ hội được tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật sân khấu theo đúng nhu cầu và thị hiếu thẩm mĩ của mình. Trên cơ sở đó sẽ huy động được mọi nguồn lực của cả Nhà nước, tập thể và tư nhân đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu.

Đây là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, có lẽ quá trình này vẫn đang như một vòng trong luẩn quẩn, chưa xác định được một hướng đi cụ thể nào cả, vì không thấy các cơ quan, ban ngành, các đơn vị được chỉ đạo thực hiện theo một cách bài bản, theo một lộ trình cả trước mắt cũng như lâu dài. Trái lại, mỗi người hiểu một cách, mỗi địa phương, mỗi nhà hát, mỗi đoàn nghệ thuật cũng tiến hành theo một cách của riêng mình.

Theo tôi, xã hội hóa không thể đơn giản chỉ là việc nhập, tách hay giải thể bớt các đơn vị nghệ thuật, đưa một số nghệ sĩ ra khỏi biên chế Nhà nước để cho họ tự lo liệu bằng cách tổ chức nhau lại thành từng nhóm rồi góp tiền dựng vở, sau đó đi diễn để lấy tiền chia nhau. Như vậy sẽ không còn là sáng tạo nghệ thuật nữa mà chỉ còn là hoạt động kiếm sống theo kiểu các phường, gánh ngày xưa. Sinh thời, đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi cho rằng, nếu tư nhân hóa sân khấu, tức là trở lại như thời kỳ các gánh hát trước kia thì chúng ta đã vô tình “nghiệp dư hóa” nền sân khấu chuyên nghiệp hiện nay.

Xã hội hóa hoạt động sân khấu cũng không phải là người người, nhà nhà cứ có tiền và nếu thích là có thể trở thành nghệ sĩ, mặc dù quyền được sáng tạo nghệ thuật là của tất cả mọi công dân mà phải lấy tài năng của nghệ sĩ, chất lượng nghệ thuật làm tiêu chí hàng đầu. Trong nhiều năm qua, để tạo điều kiện cho các vở diễn có cơ hội đến với công chúng, các câu lạc bộ hay các nhóm nghệ sĩ sân khấu (của một nhà hát, đoàn nghệ thuật hay của các cá nhân) đã hoạt động hết sức năng nổ, lấy tình yêu sân khấu của nghệ sĩ để đáp lại tình yêu của khán giả.

Nhưng rõ ràng, tình trạng đóng cửa, tắt đèn sàn diễn của một số nhà hát, rạp hát ở Hà Nội một cách thường xuyên, sẽ khiến đông đảo khán giả dần dần quên mất nếp tốt đẹp lâu nay, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, đó là luôn cố gắng tìm cách để có trong tay đôi vé đến nhà hát khi có một vở mới công diễn.

Xã hội hóa các hoạt động sân khấu hiện nay là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, một xu thế tất yếu của cuộc sống. Nhưng để thực hiện được những điều đó, theo tôi trước hết vẫn phải có được sự hậu thuẫn từ phía Nhà nước bằng những cơ chế, chính sách phù hợp từ đầu tư cơ sở vật chất, cho đến đào tạo, sử dụng, đãi ngội đối với đội ngũ nghệ sĩ để có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo từ những tài năng thực sự.

Đạo diễn, NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Nghệ sĩ cần sự thanh thản trong tâm thức làm nghề

Với các đơn vị và nghệ sĩ sân khấu miền Bắc, xã hội hóa là một mô thức chưa quen và khi chịu tác động thì có nhiều biểu hiện dao động. “Con cá bao cấp” cứ trượt đi, ngắm cái cần câu còn dính chút mồi xưa - không khỏi suy ngẫm.

Khu vực miền Trung dường như không mấy xao động do số đoàn biểu diễn sân khấu không nhiều, lại sớm được “ẩn mình” trong môi trường du lịch nên cũng có phần được an nhàn. Với sân khấu phía Nam thì dường như xã hội hóa không tạo nên một “dư chấn” nào, nhất là TP Hồ Chí Minh, vì mô hình hoạt động nhiều năm nay của các nhóm, câu lạc bộ, tụ điểm sân khấu vốn đã là vậy với nhiều phương thức đa dạng, nhiều mức độ như sân khấu cà phê, sân khấu bệt, tấu hài...

Có thể nói, trước khi ban hành chủ trương xã hội hóa thì có nhưng chúng ta còn nhìn nhận vào thực tế của những mô hình này ở TP. Hồ Chí Minh còn thiếu thiện cảm, thiếu minh định. Còn khi chủ trương xã hội hóa được ban hành như một sự công nhận, có tính pháp quy thì có nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh nói đại ý rằng: sân khấu xã hội hóa đã được Nhà nước “cấp sổ đỏ”, đặt ngang bằng với các đơn vị sân khấu Nhà nước khác.

Trong vòng từ 3 đến 5 năm gần đây, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trở lại với việc chấp thuận đề nghị của các nhóm và nghệ sĩ để thành lập các trung tâm và các câu lạc bộ theo mô hình xã hội hóa, vừa để thích hợp với tình hình, vừa để có thêm các đơn vị biểu diễn ngoài công lập do các nghệ sĩ tài danh tập hợp nhau lại tiếp tục say mê làm nghề và phục vụ người xem.

Các nhóm của NSND Trần Nhượng, NSƯT Trần Lực và nhất là nhóm của NSND Lệ Ngọc đã và đang phát huy cao độ tầm ảnh hưởng của giá trị nghệ thuật truyền thống trong hội nhập và giao lưu quốc tế thưởng xuyên đã đạt những giải thưởng cao hay nhóm của NSND Tuấn Hải, nhóm của NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc cũng từng bước hội nhập vào đời sống sân khấu chung ở trong nước và quốc tế.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã “bảo vệ tinh thần” để thành lập câu lạc bộ sân khấu “Biển hẹn” thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng, tạo cơ sở để câu lạc bộ dựng vở và đã biểu diễn được nhiều buổi với 2 vở diễn phù hợp với khán giả Hải Phòng.

Thậm chí, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và chọn địa điểm là TP. Hồ Chí Minh để nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa của địa bàn phía Nam có điều kiện tham dự vì không phải lo tài chính cho việc đi lại, ăn ở.

Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo lại tới xem và chấm thi tại từng nhà hát, rạp, tụ điểm của các đơn vị ấy, xem cùng khán giả mua vé để cảm nhận cùng với thị hiếu riêng của của từng đơn vị và thị hiếu tiếp thu của các đối tượng khán giả.

Sự hòa hợp tích cực và chủ động trước thực tế đó chính là một bước đi hợp lý trong tập hợp lực lượng nghệ sĩ sân khấu cả nước, tạo sự công bằng về thẩm định và đánh giá cũng như trao tặng các giải thưởng nghệ thuật làm cơ sở có tính đồng đều và thống nhất để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho tất các các đối tượng nghệ sĩ.

Đơn vị sân khấu xã hội hóa là phải tự chủ, nhất là về tài chính cho biết bao nhiêu việc có liên quan như chọn kịch bản, mời đạo diễn, tập hợp được diễn viên thực sự có năng lực về cả chuyên môn và khả năng “kéo” được người xem, bán được vé cho trung tâm, câu lạc bộ hay nhóm và sát sườn là cho “bầu gánh” thì cũng mới duy trì được sự tồn tại và tái sáng tạo. Vì thế khó khăn cho người làm sân khấu xã hội hóa thì rất nhiều và đó cũng là thử thách sự bền vững của “cái tâm kiên định” của các nghệ sĩ yêu sân khấu.

Có thể nói, cuộc “song hành” giữa các nhà hát, đoàn sân khấu công lập và các câu lạc bộ, trung tâm, nhóm nghệ sĩ đang diễn ra. Không có việc "thôn tính"nhau mà đang lựa tìm đường đi phù hợp với tình hình và thực tế xã hội, tâm thức người xem. Trước thực tế này, tôi mạnh dạn có một vài đề xuất như sau: Cần tạo một môi trường sân khấu chung cho các khuynh hướng và mô hình hoạt động mà không phân biệt điều kiện ưu ái; có thể đặt hàng vở diễn với một vài đơn vị xã hội hóa đủ điều kiện về kịch bản, ekip dàn dựng và lực lượng nghệ sĩ cho một nhiệm vụ chính trị, lễ kỷ niệm sự kiện hoặc tưởng niệm danh nhân; có cơ sở vật chất như nhà hát, rạp với sự bao cấp, tài trợ về giá thuê để các đơn vị xã hội hóa có thể vào diễn bán vé, nhưng cân đối được thu chi. Bớt được rủi ro trong kinh tế cũng là để cho nghệ sĩ có được sự thanh thản trong tâm thức làm nghề, để sống được bằng nghệ thuật.
Nguyệt Hà - Hà Anh (thực hiện)
.
.