Xã hội hóa Văn học nghệ thuật: Con dao hai lưỡi?

Thứ Sáu, 28/12/2018, 11:30
Nghị quyết 33 có một câu vô cùng quan trọng là: "Coi văn hóa ngang tầm, ngang hàng với chính trị và kinh tế". Vì thế, xã hội hóa thế nào thì xã hội hóa, không thể để mất vị thế của văn hóa. 


Xu hướng tất yếu

Vừa qua, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học - nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay". Xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu không thể khác của thời đại, được khởi đầu bằng việc ban hành Nghị quyết 90-CP ngày 21-8-1997, sau đó được cụ thể hóa bằng Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19-8-1999.

Sau 20 năm thực hiện, đã đến lúc các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu... cùng ngồi lại với nhau để đánh giá lại, tổng kết cả một quá trình dài thực hiện một chủ trương lớn đã đạt được những kết quả gì, những được - mất của quá trình, của hoạt động xã hội hóa văn học nghệ thuật được biểu hiện ra sao... Vì thế, Hội thảo "Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay" thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ và báo giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội thảo "Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay".

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, những ý kiến, nhận định, đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ đã nêu lên nhiều vấn đề bất cập khiến cử tọa tham dự hội thảo không khỏi giật mình: NSƯT Lê Chức mô tả, sân khấu trong 20 năm qua vẫn như một người vừa ốm dậy đang cần được hồi sức; NSND Đặng Nhật Minh mô tả bức tranh hỗn loạn của điện ảnh Việt Nam đang cần có những chiến lược, quyết sách để định hướng lại; cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp trong nhiệm kỳ của mình được biếu tặng khoảng 3 tấn sách mà như ông nói, rất nhiều trong số đó là "sách vô bổ, không có giá trị gì đáng kể", gây tốn kém, lãng phí tiền của và còn khiến người được tặng không biết làm thế nào để giải quyết "hậu quả".

Nghệ sĩ Ngô Ngọc Ngũ Long đến từ TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng hoạt động xã hội hóa văn học - nghệ thuật thực sự là "con dao hai lưỡi" có thể sát thương người sử dụng nó bất cứ lúc nào; hiện trạng truyền hình tràn ngập game-show vô bổ, những chương trình ca nhạc, các cuộc thi âm nhạc theo thị hiếu bình dân... đang góp phần không nhỏ kéo lùi lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà...

Tuy vậy, cũng có không ít ví dụ về những hoạt động xã hội hóa thành công và cũng không thể phủ nhận những thành tựu mà hoạt động xã hội hóa văn học nghệ thuật đem lại. Thành công rực rỡ về mặt doanh thu cũng như ảnh hưởng trong xã hội của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - bộ phim được một công ty tư nhân đầu tư với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng, trong đó Cục Điện ảnh hỗ trợ 8 tỉ đồng - đã được TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu lên như một ngọn đuốc sáng giữa bức tranh chung ảm đạm về xã hội hóa.

Việc nhập nhiều phim ngoại, đàm phán bản quyền nhanh chóng và xây dựng nhiều cụm rạp hiện đại đã đem đến cơ hội thụ hưởng những bộ phim "bom tấn" của thế giới một cách nhanh chóng cũng được nhắc đến. Song bên cạnh đó có thể thấy ngay những hệ lụy của nó khi việc nhập phim tràn lan sẽ "bóp chết" nền điện ảnh trong nước và có những ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ khi thế giới tràn ngập dòng phim bạo lực mà ít tính nhân văn...

Mặc dù có một số ý kiến của đại biểu cho rằng, trong công cuộc xã hội hóa văn học nghệ thuật, giữa cái được và cái mất là 50/50, thậm chí có người còn cho rằng cái mất nhiều hơn cái được. Vì thế Nhà nước cần có chiến lược để "bao cấp" toàn bộ hoặc một phần, một bộ môn nghệ thuật nào đó (tỉ dụ như sân khấu), nhưng quay lại với thời kỳ nhà nước bao cấp các hoạt động văn học - nghệ thuật chắc hẳn là câu chuyện không tưởng.

Bởi vì, dù còn có nhiều biểu hiện bất cập, nhưng vẫn phải khẳng định rằng, xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật là xu hướng tất yếu. Vấn đề thực hiện chủ trương này có những hạn chế, khó khăn, tồn tại thì phải tìm cách khắc phục và đưa ra những chủ trương chính sách khuyến khích sự phát triển văn học nghệ thuật theo hướng có trọng tâm, "mua" những tác phẩm thực sự có giá trị chứ không đầu tư dàn trải theo kiểu "phân phối" về các Hội chuyên ngành được nữa.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Xã hội hóa văn hóa - về ngắn hạn không làm ra tiền, nhưng về lâu dài mới chính là tiền bởi nó tạo ra nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức, tạo ra sự ổn định cho xã hội...".

Chính vì lẽ đó, có lẽ sau cuộc Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia này, nhiều người hi vọng sẽ có những cơ chế, chính sách điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và không làm mất đi "vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa" mà chúng ta cần xây dựng, bảo vệ. Sai lầm mà những nước đang phát triển hay mắc phải đó chính là coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường và văn hóa, để lại hậu quả lâu dài mà các nước đó sẽ phải mất nhiều năm, có khi cả thế hệ để khắc phục những hậu quả to lớn do những lỗ hổng về văn hóa gây ra. Việt Nam - có lẽ cũng không phải là một ngoại lệ!

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:  Tìm một mô hình hoạt động thích hợp cho điện ảnh hiện nay là bài toán khó

Tôi có mặt trong ngành điện ảnh từ năm 1957 cho đến bây giờ, có thể gọi là kỳ cựu bởi vì tôi đã chứng kiến mọi hoạt động, mọi chuyển biến trong ngành điện ảnh. Có thể nói, chưa có một lĩnh vực hoạt động nghệ thuật nào mà tổ chức của nó lại xáo trộn nhiều như điện ảnh. Tự nhiên một ngày, Cục Điện ảnh lại được đổi tên thành Liên hiệp các xí nghiệp Điện ảnh, rồi các xưởng phim đổi thành Xí nghiệp sản xuất phim rồi lại đổi thành các Hãng phim và nay là các Công ty TNHH một thành viên sản xuất phim.

Có lần đổi tên chỉ xuất phát từ lợi ích của một cá nhân, chứ không xuất phát từ lợi ích của ngành. Hệ quả của những thay đổi trên, toàn ngành điện ảnh hiện nay đang phải hứng chịu. Tìm ra một mô hình hoạt động thích hợp cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay quả là một bài toán khó đối với Nhà nước. Bởi lẽ hiện nay, mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng chủ trương cổ phần hóa Hãng phim cuối cùng này của Nhà nước không có gì thay đổi. Chỉ là tạm thời chưa tìm được cổ đông chiến lược khác thích hợp hơn khi cổ đông chiến lược cũ thoái vốn mà thôi.

Điện ảnh cũng là bộ môn nghệ thuật duy nhất ở nước ta có một bộ luật riêng, đó là Luật Điện ảnh 2006. Thuận lợi ở chỗ, mọi hoạt động trong điện ảnh được chế tài bởi một hành lang pháp lý và "doanh nghiệp sẽ được làm tất cả những điều mà pháp luật không cấm". Cộng thêm việc xã hội hóa điện ảnh nữa, thì bây giờ toàn bộ hoạt chính của điện ảnh đó là: sản xuất - phát hành - chiếu bóng - xuất nhập phim thì tất cả đã nằm trong tay tư nhân. Nhà nước bây giờ chỉ còn giữ vai trò giám sát hoạt động theo luật, tổ chức các Liên hoan phim và ban hành các giấy phép duyệt phim chứ không có trách nhiệm gì nữa.

Từ thực tế đó, nền điện ảnh hiện nay của chúng ta chỉ còn là một nền điện ảnh thương mại, có nhiều biểu hiện lai căng và dường như đang đi chệch hướng. Trong Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 vừa qua, chúng ta có chiếu một chương trình toàn cảnh điện ảnh Việt Nam gồm 22 phim để bạn bè thế giới xem.

Khi về nước, một nhà phê bình điện ảnh của Ấn Độ có viết nhận xét đăng trên báo Thái Lan: "Trong 22 phim Việt Nam được giới thiệu trong Toàn cảnh điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 thì đa số là phim thương mại, còn lại là những phim làm theo kịch bản được mua lại của Hàn Quốc. Giải "Khán giả bình chọn" cũng thuộc về một bộ phim là theo nội dung của Hàn Quốc!...".

Việc xã hội hóa hay tư nhân hóa trong điện ảnh bắt đầu từ năm 2008 mà biểu hiện rõ nhất bằng sự ra đời của các hãng phim tư nhân thực sự đã tạo nên một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Số lượng phim sản xuất hàng năm tăng đột biến từ 15-20 phim trong thời bao cấp thì nay đã lên tới 7-80 phim với đề tài đa dạng từ lịch sử đến dã sử, tình cảm, hài, võ thuật, kinh dị... và chất lượng hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật ngày càng được nâng cao.

Việc khai trương hệ thống rạp hiện đại làm cho số khán giả đến rạp tăng cao, số phim được nhập cũng lên tới 150 phim/năm với doanh thu hàng trăm triệu USD. Tuy vậy, bức tranh về điện ảnh trong thời kỳ xã hội hóa vẫn  hỗn loạn. Cái được cũng có mà cái mất cũng rất nhiều, tính ra thì thấy cái mất lại nhiều hơn cái được. Phim trở thành hàng hóa theo Hiệp định thương mại đã ký với WTO chứ không còn là sản phẩm văn hóa nữa, thì điện ảnh trong nước sẽ "chết". Vì thế tôi kiến nghị rằng, việc định hướng cho nền điện ảnh nước nhà trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải có chế tại để thực hiện định hướng đó, không thể trao việc này cho tư nhân.

Tất nhiên, Nhà nước không thể cứ tiếp tục rót tiền cho điện ảnh để làm phim khi kết quả phim làm ra không có người xem, chất lượng nghệ thuật yếu kém. Lần gần đây nhất, Nhà nước đã rót 100 tỉ cho điện ảnh. Hai bộ phim về đề tài truyền thống lịch sử để kỷ niệm những ngày lễ lớn đã ngốn hơn nửa số tiền đó, mà kết quả khi phim công chiếu như thế nào thì mọi người đều đã biết.

Nhưng nếu điện ảnh Việt Nam tiếp tục vận hành như hiện nay, thì ta sẽ có một nền điện ảnh thương mại phục vụ cho tầng lớp bình dân - một nền điện ảnh ở văn hóa tầng thấp. Nền điện ảnh đó tưởng chừng như vô hại vì nó hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề bức xúc trong xã hội, không phê phán mặt trái của cuộc sống, nhưng nó làm tê liệt nhận thức của con người về những giá trị nhân bản, biến con người thành vô cảm và đó là mảnh đất để tội ác hoành hành.

Tôi cũng xin khẳng đinh là xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sở dĩ có những bất cập như tôi đã nêu ở trên là vì chưa có sự phân định rạch ròi đâu là chức năng của Nhà nước và đâu là trách nhiệm của xã hội (bao gồm tư nhân, các hội đoàn, các tổ chức xã hội). Thêm nữa, việc quảng bá điện ảnh nước nhà ra thế giới vẫn chưa được Nhà nước quan tâm. Tôi có cảm tưởng Nhà nước chưa đánh giá đầy đủ sức mạnh mềm của văn hóa, trong đó có điện ảnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Phải khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước

Nghị quyết 33 có một câu vô cùng quan trọng là: "Coi văn hóa ngang tầm, ngang hàng với chính trị và kinh tế". Vì thế, xã hội hóa thế nào thì xã hội hóa, không thể để mất vị thế của văn hóa. Thu nhập có được từ xã hội hóa là đáng mừng, sản phẩm văn hóa là đáng mừng nhưng giá trị văn hóa mới là cái quyết định.

Cái được và mất của xã hội hóa văn học nghệ thuật theo tôi là 50/50, và mất những thứ rất cơ bản. Cho dù  chúng ta có nhiều chủ thể văn hóa, nhiều hãng phim, nhiều câu lạc bộ thơ, nhiều nhà phát hành sách..., nhưng theo tôi vai trò chủ đạo của nhà nước, vai trò định hướng - đầu tư của Nhà nước là không thay thế được. Một nhà văn hóa Nga có nói một ý tôi cho rằng rất hay đó là "tiết kiệm trong văn hóa là lãng phí rất nhiều để xây các nhà tù".

Tôi rất chịu khó đọc thơ của các CLB - hàng nghìn CLB thơ trên cả nước - nhưng thơ hay hiếm lắm. Tôi nói như vậy các đồng chí có thể hiểu lầm tôi là muốn quay về bao cấp. Không! Tôi hoan nghênh xã hội hóa, tôi đánh giá cao xã hội hóa, nhưng tôi lưu ý các đồng chí có trách nhiệm rằng, chúng ta không bao giờ quên rằng, chúng ta phấn đấu cho các giá trị phổ quát, những tác phẩm được nhân dân thừa nhận, đi vào lòng người...

Thì đấy mới là những giá trị xã hội hóa cao nhất. NXB của Hội Nhà văn Việt Nam trước kia chỉ có 80-87 tác phẩm xuất bản/ năm là cao nhất, bây giờ là 1125 đầu sách mỗi năm. Tôi không thể hiểu ông Giám đốc - Tổng biên tập sẽ đọc được những quyển sách nào, kiểm soát như thế nào. Xã hội hóa thì ai cũng có quyền công bố sách, nhưng rõ ràng chất lượng thì ở đâu cũng thấy kêu ca, ở đâu cũng thấy có vấn đề xuống cấp. Chúng tôi không vui mừng vì 1125 đầu sách đâu, họp Ban Chấp hành Hội chúng tôi không bao giờ hoan nghênh điều đó.

Muốn văn học nghệ thuật trở thành văn hóa, phải có sự thể chế hóa, phải có nghị định về xã hội hóa, trong đó phải khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Chúng ta có nhiều thành phần kinh tế, nhưng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, vậy thì trong xã hội hóa văn học nghệ thuật cũng vậy, không thể làm mờ nhạt vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư cho văn hóa. Chúng ta cũng phải suy nghĩ về những đồng tiền ít ỏi mà Nhà nước đầu tư cho văn hóa.

Cả nước hiện nay đầu tư cho văn học nghệ thuật hàng năm nhiều nhất là 85 tỉ, ít nhất là 45 tỉ mà có tới 4 vạn văn nghệ sĩ. Tôi cho rằng, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của nó. Vì thế cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ gắn bó với đời sống.

PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội: Đầu tư cho nghệ thuật không thể tính lỗ - lãi

Chủ trương xã hội hóa văn học nghệ thuật đa diện và nhiều cấp độ nhưng khi thực hiện, triển hai trong thực tiễn lại không tính đủ, tính hết những yêu cầu và nội dung của hoạt động xã hội hóa. Thực tế, xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật thực chất vẫn chỉ là huy động các nguồn kinh phí tài trợ cho các chương trình, vở diễn và chịu phụ thuộc khá nhiều vào quan niệm của nhà tài trợ.

Ở những chương trình này, Hội đồng nghệ thuật duyệt vở diễn - chương trình chủ yếu chỉ "soi" xem nội dung vở diễn - chương trình ấy có vi phạm gì về chính trị hay không, còn chất lượng nghệ thuật lại không được đưa lên hàng đầu. Nhà tài trợ chỉ chú ý đến việc quảng bá hình ảnh cho họ, nếu đạt được mục đích thì các yêu cầu khác họ ít quan tâm.

Nhà đầu tư bỏ tiền ra thuê một đội ngũ truyền thông tung hô những thứ họ muốn, gây ra những tác động lệch với giá trị đích thực của sản phẩm. Sự hạ thấp yêu cầu nghệ thuật đã tạo nên nhận thức ở khán giả thính giả là "nghệ thuật bây giờ cũng chỉ ở mức ấy thôi". Cái tinh hoa, cao quý của nghệ thuật đích thực đã bị kéo xuống gần với "thị hiếu tầm tầm", yêu cầu giải trí cho đám đông công chúng. Suy cho cùng, cái hại của những chương trình - vở diễn tầm tầm ấy gây ra đối với xã hội là làm hỏng thị hiếu của công chúng, làm cho công chúng thờ ơ với nghệ thuật đích thực.

Ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật (Nghị quyết 90-CP ngày 21-8-1997), TP. Hà Nội tiến hành cổ phần hóa các cơ sở của ngành chiếu phim. Các bãi chiếu bóng ở nội và ngoại thành đều bị các công ty mua để xây nhà bán. Toàn bộ hệ thống rạp chiếu bóng ở nội thành đều bị cho thuê thành các showroom ô tô, quán giải khát...

Cả Hà Nội chỉ còn duy nhất rạp Tháng Tám được cải tạo để phục vụ công chúng nhưng vấn đề bản quyền rất chặt chẽ, rạp không có kinh phí để mua phim nên không thể cạnh tranh với các cơ sở khác. Những phim hay, đông khách thì chỉ khi nào các cơ sở khác đã chiếu vãn rồi, rạp mới được chiếu nên cũng rất ít khách. Cả Hà Nội trước khi mở rộng địa giới hành chính có 4 huyện ngoại thành trước đây theo quy định công ty chiếu bóng vẫn mang phim đến chiếu phục vụ bà con.

Khi cổ phần hóa điện ảnh, nhiệm vụ này cũng bị bỏ luôn. Khi sáp nhập địa giới với Hà Tây, Trung tâm điện ảnh Hà Tây cũ lại phải thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng Hà Tây cũ đã bán hết Thư viện, Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng cho doanh nghiệp để xây nhà nên từ ngày sáp nhập, toàn bộ các cơ sở này của Hà Tây không còn tồn tại.

Đầu tư cho nghệ thuật là đầu tư cho những giá trị nhân văn vì con người, cho con người, nó góp phần tạo nên nền tảng tinh thần cho xã hội. Đầu tư theo kiểu bình quân, nhỏ giọt, "cứu đói" như hiện nay, rõ ràng là không hiệu quả mà còn gây ra những ảnh hưởng xấu cho lâu dài. Nhà nước nên thay đổi phương thức đầu tư như không hỗ trợ tiền sáng tác mà "mua" những tác phẩm, chương trình đặc sắc với giá cao rồi đem phục vụ xã hội, nghĩa là phải chấp nhận sự bù lỗ nhưng phương thức đầu tư phải khác. Lương của người lao động bình thường hiện nay chỉ dăm bảy triệu đồng mà vé đi xem nghệ thuật hàng triệu đồng thì không bao giờ những công chúng ấy tiếp cận được với nghệ thuật.

Đầu tư cho nghệ thuật không thể tính lỗ lãi bằng những con số cụ thể. Có khi phải chấp nhận bỏ tiền ra để "mua" những giá trị tình thần mang ý nghĩa văn hóa cao rồi phổ biến cho xã hội. Đó là con đường duy nhất đảm bảo cho nghệ thuật đích thực về với nhân dân.
Nguyệt Hà-Hà Anh (thực hiện)
.
.