Xã hội cần đề cao đạo lý hay pháp lý?

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:00
Một cuộc khủng hoảng truyền thông xảy ra khi nó vượt quá sự kiểm soát của chủ thể và có thể gây hậu quả. Nếu hiểu theo cách ấy, câu chuyện kỷ luật nữ sinh viên photo giáo trình xảy ra ở Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng...


Xung đột tình và lý

Vụ việc không lớn, không nghiêm trọng nhưng đã khiến báo chí và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Ngày 11-1-2016, sinh viên NTNA đang học năm hai khoa Luật dân sự khóa 40, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện mang theo tám quyển giáo trình photocopy đến trường. Em NA sau đó bị nhà trường ra quyết định đình chỉ một năm học vì “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.  Em sinh viên đã thừa nhận lỗi vi phạm và cho biết photo giáo trình để tặng người em cùng quê học ở khóa sau.

Về căn cứ xử lý kỷ luật, nhà trường cho rằng sinh viên vi phạm không chỉ nội quy nhà trường mà còn vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Trong thông cáo báo chí vào hơn một tháng sau đó, chiều 14-2, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh  đã khẳng định: "Nhà trường kiên quyết xử lý để ngăn chặn nhằm cảnh báo, tăng tính hiệu quả giáo dục, giúp sinh viên nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với sinh viên ngành luật - những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý".

Ông Phan Văn Tuyến - Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm: đây không phải là lần đầu trường xử lý sinh viên vi phạm bản quyền tài liệu của nhà trường. Nhà trường đã từng xử lý ít nhất ba trường hợp sinh viên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu học tập bằng hình thức đình chỉ học 1 năm, cảnh cáo, khiển trách nhưng tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Trước tình trạng đó, ngày 5-9-2016, GS - TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã phải ra thông báo về chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu học tập nhằm có biện pháp chế tài đối với các sinh viên vi phạm.

Thực tế, nhiều sinh viên không chỉ photo giáo trình, tài liệu chuyên khảo để phục vụ cho việc học tập của bản thân mà còn đem vào trường bán với mục đích kinh doanh. Do đó, “trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, giảng viên, chuyên viên, người lao động, sinh viên và những đối tượng khác nếu có các hành vi vi phạm về việc phát hành và sử dụng tài liệu học tập thuộc bản quyền của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”, thông cáo báo chí viết.

Ngay khi thông tin này được đề cập trên nhiều tờ báo, cả trên mạng xã hội lẫn trên nhiều tờ báo in đã có rất nhiều ý kiến phản đối dữ dội cách vận dụng quy chế để kỷ luật sinh viên trong trường hợp này. Đáng chú ý, phản ứng mạnh nhất là những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chuyên gia luật vốn là cựu sinh viên của chính Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Có vẻ như sắp xảy ra một cuộc chiến pháp lý giữa các cựu sinh viên với chính trường cũ của họ và giữa chính các đồng môn trường Luật với nhau!

Sinh viên vẫn thường photo giáo trình để tiết kiệm tiền (ảnh có tính chất minh họa).

Những ý kiến phản đối đều cho rằng, sinh viên NTNA đúng là có vi phạm nhưng mức độ vi phạm không lớn, thiệt hại – nếu có – đối với trường Luật là không nhiều vì “giá một cuốn giáo trình cùng lắm chỉ bằng hai chiếc vé xem phim”. 

Mặt khác, nếu bị chế tài, em sinh viên này chỉ bị chế tài bởi Luật Sở hữu trí tuệ chứ không phải chịu thêm kỷ luật hành chính, vì một lỗi vi phạm không thể bị xử hai lần. Trong trường hợp này, vì thiệt hại gây ra rất nhỏ, không gây hậu quả gì nghiêm trọng, nguy hại cho xã hội nên chắc chắn sinh viên NTNA sẽ… không hề hấn gì.

Nhiều thẩm phán, luật sư đã thành danh, đang giữ trọng trách đã cho rằng quyết định kỷ luật của nhà trường quá nặng. Nếu áp dụng quy chế này vào thời các thẩm phán, luật sư này đang theo học trường Luật thì sẽ có vô số sinh viên bị kỷ luật, không còn cơ hội để học tập, tốt nghiệp, thành danh, giúp ích cho xã hội sau này. 

Một quyết định nặng như vậy là thiếu sự cảm thông với sinh viên đang gặp khó khăn, thậm chí là vô cảm. Nếu nói nhẹ hơn, đó cũng là một quyết định không hợp tình hợp lý. Vi phạm của em sinh viên do đó nên được… thông cảm thay vì bị kỷ luật đình chỉ học tập có thời hạn.

Những ý kiến ôn hòa thì cho rằng, trong trường hợp việc kỷ luật là đúng, nhà trường vẫn có thể đảm bảo xử nghiêm bằng hình thức khác mà không làm mất đi của em sinh viên nghèo một năm cơ hội học tập. Hầu hết các ý kiến cảm thông, bênh vực với em sinh viên NTNA đều xuất phát từ góc độ tình chứ không phải là lý.

Ngược lại, cũng nhiều luật sư, thẩm phán khác cho rằng kỷ luật, dù nặng vẫn là đúng và hết sức cần thiết. Hiệu trưởng V Luật, bà Mai Hồng Quỳ khẳng định mọi quy chế, nội quy của nhà trường được ban hành và vận dụng theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012. Mọi sinh viên trường Luật do đó cần thiết và bắt buộc phải tuân thủ.

Rất nhiều ý kiến khác cho rằng, không thể đem lý do nghèo, hoàn cảnh khó khăn ra để biện minh cho hành vi sai trái và trốn tránh kỷ luật, nhất là khi đối tượng lại là người đang theo học để theo đuổi việc hành nghề Luật trong trương lai. Hầu hết các ý kiến này đều viện đến Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, với những lập luận có cơ sở khá vững chắc và minh bạch.

Vụ việc diễn tiến nhanh, có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng truyền thông trong ngành luật và trong môi trường đại học, trong diện mạo xung đột gay gắt giữa tình và lý. Tuy nhiên, kết thúc cuối cùng lại rất có hậu, dung hòa được cả đôi bên và làm lắng dư luận xã hội. 

Ngày 15-2, Hội đồng kỷ luật của Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã họp xem xét vụ kỷ luật. Buổi chiều, Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ đã ký quyết định giảm mức kỷ luật xuống còn mức cảnh cáo. 

Phát biểu trên Truyền hình Quốc hội vào chiều cùng ngày, GS-TS Mai  Hồng Quỳ đã thể hiện một cách hành xử rất nhân văn khi bày tỏ quan điểm cần giữ nghiêm minh kỷ cương nhưng vẫn lo lắng vì em sinh viên vi phạm nội quy vẫn còn đang cần tiếp tục việc học. Bà chỉ nhắc đến sinh viên vi phạm của mình bằng tên viết tắt Nờ Tê Nờ A mà không gọi tên đầy đủ, tránh nhắc sâu thêm một sự tổn thương.

Vụ việc đã tạm lắng lại, nhưng vấn đề gây tranh luận của nó thì vẫn còn nguyên vẹn, luôn chực chờ bùng lên bất cứ lúc nào.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh: Từ góc độ truyền thông: “Cơm sôi thì rút củi”

Một cuộc khủng hoảng truyền thông xảy ra khi nó vượt quá sự kiểm soát của chủ thể và có thể gây hậu quả. Nếu hiểu theo cách ấy, câu chuyện kỷ luật nữ sinh viên photo giáo trình xảy ra ở Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. Dù đúng dù sai thì nó là cái cớ cho những nhận xét có lý lẫn vô lý, có thiện chí lẫn thiếu thiện chí nhắm vào nhà trường. Điều đó ai cũng thấy, miễn bàn.

Có nhiều cách để xử lý khủng hoảng, nhưng cách xử lý nào cũng lệ thuộc vào tính mục đích. Nếu chọn mục đích là chiến thắng trong một cuộc chiến pháp lý, vì sự tự tôn và tự tin về học thuật của một cơ sở đào tạo luật lớn nhất nước, thì nghênh chiến với dư luận. Tuy nhiên cần thấy khái niệm chiến thắng trong trường hợp này là rất tương đối.

Nếu coi thắng lợi là một văn bản, quyết định thừa nhận sự đúng đắn của việc đình chỉ học thì trường Luật có thể giành thắng lợi không mấy khó. Nhưng nếu xem chiến thắng là sự đồng thuận của dư luận của số đông trong và ngoài nhà trường đối với quyết định kỷ luật, thì xem ra không dễ gì đạt được.

Bởi cả lý và tình. Về lý, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng quyết định của nhà trường được ban hành năm 2012 trước Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ban hành năm 2016) và có độ vênh nhưng đã không được điều chỉnh; các ý kiến khác cho rằng việc vi phạm bản quyền cần được phán xét bởi cơ quan có thẩm quyền tài phán về sở hữu trí tuệ…; Về tình, việc kỷ luật đình chỉ học một sinh viên do sai phạm mà cái sai phạm ấy bắt nguồn từ động cơ muốn học tốt nhưng nghèo, có phản giáo dục hay không? Liệu có cách xử lý khác hay không?..v..v sẽ được dư luận đào xới.

Ngoài ra, một trong các đặc điểm của khủng hoảng truyền thông là tính lây lan và “bị kiểm soát ngoài”. Tức là quá khứ và các quan hệ ngoại vi sẽ bị đào xới. Chẳng hạn, xung quanh chuyện bản quyền giáo trình, người ta sẽ tìm hiểu tiền bản quyền lâu nay chi trả thế nào; ai quản lý việc phát hành, thu chi; mối quan hệ giữa người phụ trách phát hành và những người có trách nhiệm ra quyết định…; Về quy chế phát ngôn nội bộ lâu nay có hà khắc hay không mà không thấy giáo viên, sinh viên lên tiếng, v..v... Nối dài một cuộc tranh luận, khiến nó phát triển cả biên độ và cường độ là điều tối kỵ trong các ca tương tự.

Bạn có bao giờ quan sát trọn vẹn một cơn bão? Nó tăng sức hủy diệt khi được tiếp thêm năng lượng nhưng sẽ tan đi rất nhanh trước khi kịp đổ bộ, nếu bị mất năng lượng. Khi đó nó biến thành một vùng áp thấp và tan hẳn. Xử lý khủng hoảng truyền thông cũng thế, cách an toàn và ít tốn kém nhất là rút bớt năng lượng của cuộc khủng hoảng. Cụ thể là triệt tiêu các nguyên nhân gây khủng hoảng để khiến nó biến mất và các rắc rối không bị lan rộng qua đề tài khác.

Dám chắc 80% các báo sẽ thay đổi hướng khai thác đề tài này theo hướng trung tính và sẽ chấm dứt nếu trường Luật có một quyết định đúng. Và điều đó quả thật đã xảy ra tức thì vào chiều 15-2, khi Trường Luật rút kỷ luật em sinh viên xuống còn mức cảnh cáo thay vì đình chỉ học tập một năm như quyết định trước đó!

Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Kiến thức trong giáo trình, tài liệu học tập, giảng dạy thuộc về ai?

Cơ sở giáo dục thu học phí từ học viên, nhận tiền từ ngân sách nhà nước để hoạt động thì cơ sở giáo dục có trách nhiệm giảng dạy đối với sinh viên. Như vậy việc soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu là nghĩa vụ chứ không phải là quyền của cơ sở giáo dục đối với học viên. Kiến thức được thể hiện thông qua giáo trình, tài liệu phục vụ cho học tập là sản phẩm mà người học và xã hội phải nhận được khi đã bỏ chi phí cho cơ sở giáo dục ấy.

Do vậy, cơ sở giáo dục khi in thành sách và bán thì cần hiểu rằng chỉ bán bản in để thu lại chi phí xuất bản. Cơ sở giáo dục không còn quyền đối với kiến thức (trí tuệ) trong giáo trình, tài liệu được phát hành phục vụ cho công tác giảng dạy đối với sinh viên.

Lẽ ra trường Luật phải thấy vui mừng vì sinh viên khó khăn nhưng vẫn trang bị phương tiện để học tập. Qua đó việc giảng dạy của giảng viên, của trường được tốt hơn. Việc trường in giáo trình, tài liệu bán cho sinh viên thì về nguyên tắc là phi lợi nhuận, giá bán chỉ đủ để bù chi phí. Nếu nói in giáo trình, tài liệu để bán và bán luôn cả kiến thức (sở hữu trí tuệ) thì là một món hàng được bán đến hai lần.

Thêm nữa, quyền sở hữu trí tuệ (kiến thức) là quyền về tài sản, khi xâm phạm quyền về tài sản thì trách nhiệm dân sự cũng là tài sản và hành vi là không được tiếp tục sử dụng. Quyền học tập phát sinh thì việc trúng tuyển do nhà nước và nhà trường thực hiện và trên cơ sở đóng học phí (hoặc học bổng). Như vậy không thể lấy vi phạm về quyền tài sản mà tước quyền học tập của sinh viên. Nói hình tượng là không phải răng đền răng, mắt đền mắt như ta thường nói mà là làm gãy răng thì đền mắt!

Hội sinh viên trường Luật cần đấu tranh để sinh viên được cấp file mềm để tùy nghi sử dụng.

Luật sư Dương Tuấn Lộc, Giám đốc Công ty Luật VT Low: Cần tôn trọng các giá trị sáng tạo

Những ngày này dư luận xôn xao về việc Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh xử lý kỷ luật nữ sinh viên photo giáo trình với rất nhiều ý kiến bảo vệ và bênh vực. Nhiều luật sư còn bàn luận trên các trang mạng xã hội về việc có hay không việc vi phạm bản quyền hoặc thậm chí cho rằng giáo trình của nhà trường không được bảo hộ như là một tác phẩm. 

Tạm không bàn đến việc đúng sai trong cách xử lý kỷ luật của nhà trường, nhận thức về tôn trọng thành quả sáng tạo và thái độ đối với hành vi xâm phạm tác quyền mới là vấn đề đáng để suy nghĩ.

Hoàn toàn không có gì bất ngờ khi các tri thức có được từ hoạt động sáng tạo, nghiên cứu của các học giả, tác giả, nhà khoa học (lý thuyết lẫn ứng dụng) là đối tượng của sự độc quyền cao độ. Lý lẽ thật đơn giản vì đó là thành quả của họ, của riêng họ. Các tri thức mà họ đạt được qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, hệ thống… chính là kết quả của quá trình sáng tạo tự thân.

Các biểu hiện của cái gọi là độc quyền này đầy rẫy quanh ta. Nhà văn viết ra tác phẩm văn học và họ có quyền in ấn, xuất bản và bán cho người đọc. Điều này cũng tương tự trong trường hợp các nhà báo viết bài, nhà giáo viết giáo trình. Trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, người ta có thể độc quyền về một sáng chế liên quan đến túi khí dùng cho xe hơi, một nhãn hiệu, một công thức pha chế sản phẩm như kiểu của Coca Cola.

Không thể đòi hỏi người sáng tạo có nghĩa vụ phổ biến tri thức của họ một cách miễn phí, vì điều này không phù hợp với các lao động trí tuệ mà họ đã thực hiện.

Ngay chính các luật sư cũng vậy, những tư vấn mà họ cung cấp cho các thân chủ để lấy phí dịch vụ cũng chính là một cách “bán” các tri thức độc quyền. Vậy nên đừng lên án sự độc quyền.

Tác giả sáng tạo trong môi trường đại học chủ yếu là giảng viên, vì ở bậc đại học hoàn toàn không có kiểu giáo trình khuôn mẫu như ở giáo dục phổ thông. Các giảng viên viết giáo trình theo quan điểm và nhận thức cá nhân và ít bị ràng buộc hơn. Cá nhân người viết đã từng giảng dạy cho các chương trình của trường nước ngoài và được yêu cầu sử dụng song song ít nhất hai giáo trình của hai tác giả khác nhau khi dạy cùng một chủ đề, cho dù các quan điểm có thể được thể hiện với sự khác biệt rất lớn.

Có lẽ điều này phù hợp với tôn chỉ của các trường đại học nổi tiếng: đại học không phải là nơi rao giảng các giáo điều, mà phải là nơi các luồng tư tưởng khác nhau va đập để lựa chọn ra cái tốt nhất.

Giáo trình thuộc độc quyền của giảng viên, nhà trường có quyền sử dụng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa nhà trường và giảng viên, cụ thể là theo thỏa thuận giữa họ theo hợp đồng sáng tạo hoặc hợp đồng lao động.

Hiện nay có vài phương án xác lập mối quan hệ nói trên. Trường Luật đảm nhận quản lý việc phát hành giáo trình và trả tiền bản quyền cho giảng viên trên số lượng sách bán ra, người viết hằng năm vẫn nhận được tiền bản quyền từ trường Luật cho việc tham gia viết một chương trong cuốn giáo trình đã cách đây 10 năm của nhà trường.

Có trường lựa chọn phương án mua đứt bán đoạn bản quyền khai thác từ giảng viên để in ấn và phát miễn phí cho sinh viên như là một phần của học phí đã đóng (giảng viên, trong trường hợp này không có quyền yêu cầu nhà trường chi trả bất kỳ chi phí nào khác nhưng vẫn giữ quyền phát hành giáo trình ngoài nhà trường). Chất lượng các cuốn giáo trình trong hai trường hợp trên chắc chắn có sự khác biệt đáng kể.

Như vậy, chủ thể thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm có thể là nhà trường hoặc giảng viên. Tuy vậy, trong cả tất cả trường hợp nói trên, quyền tài sản của tác giả vẫn phải được tôn trọng tuyệt đối. Các hành vi sao chép hay làm sai lạc nội dung giáo trình vẫn là hành vi xâm phạm, ngoại trừ các trường hợp luật cho phép.

Người ta có thể xót xa cho việc nữ sinh viên gặp phải trắc trở trong việc học hành, có thể phán xét rằng nhà trường đã quá nặng tay hoặc thậm chí cho rằng việc photo tài liệu hay vi phạm bản quyền nói chung là hành vi mà hầu như người Việt Nam nào cũng đã từng thực hiện, nhưng không thể quên hoặc làm cho người khác quên đi đó hành vi xâm phạm tác quyền rất rõ ràng, thể hiện sự thiếu tôn trọng thành quả sáng tạo trí tuệ của người khác.

Trong xã hội hiện đại, người ta sáng tạo phần lớn nhằm mục đích thương mại hóa. Vậy nên trong môi trường học đường, đừng mong chờ các tài liệu, giáo trình chất lượng cao nếu quyền lợi của các tác giả không được bảo hộ và tôn trọng đúng mực. Ở quy mô xã hội, nếu không tôn trọng các giá trị sáng tạo, thì không thể mong chờ bất kỳ sự cất cánh nào. 

Nguyễn Đức
.
.