"Hậu" các cuộc thi tài năng sân khấu trẻ:

"Vun cây" mới có ngày "hái quả"

Thứ Bảy, 19/08/2017, 08:08
Muốn có những tài năng trẻ tỏa sáng, phải mạnh dạn tin tưởng giao vai cho họ, để rồi học lại trở thành những người "kế nghiệp" đủ sức, đủ tài trong tương lai. Nếu không "vun cây" thì làm sao có ngày "hái quả" và những tấm Huy chương vàng - bạc trong các cuộc thi tài năng trẻ sẽ có thể chỉ mãi là những "kỷ niệm đẹp trong đời" diễn viên mà thôi...


Hãy trao cơ hội cho người trẻ

Cuộc thi "Tài năng trẻ sân khấu chèo - tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2017" được tổ chức tại Thanh Hóa vừa kết thúc tối 14-8. Đây là cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu lần thứ 2 được tổ chức trong năm nay. Trước đó, cuộc thi "Tài năng trẻ sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017" được tổ chức tại Nam Định với 5 Huy chương vàng và 11 Huy chương bạc đã tìm được chủ nhân.

Bế mạc cuộc thi, từ 88 tác phẩm của 93 thí sinh đến từ 12 đơn vị nghệ thuật chèo và 7 đơn vị nghệ thuật tuồng, Ban Giám khảo đã công bố các giải thưởng với 23 Huy chương vàng và 20 Huy chương bạc! Có thể nói, Ban Giám khảo cuộc thi đã khá "hào phóng" khi trao tới 45 giải thưởng trong một kỳ thi (43 Huy chương vàng - bạc và 2 giải cho diễn viên trẻ triển vọng). Tuy nhiên, đối với 2 bộ môn sân khấu truyền thống là chèo - tuồng, điều này có thể được... "thông cảm"!

Bởi lẽ, trong xu thế chọn nghề của các bạn trẻ hiện nay, có rất ít học sinh lựa chọn theo đuổi 2 bộ môn nghệ thuật này. Vì thế, việc trao những giải thưởng đầu đời này có ý nghĩa như một sự động viên, khích lệ các nghệ sĩ trẻ đến và ở lại với chèo - tuồng. Như vậy có thể thấy, năm 2017 này, nền sân khấu Việt Nam đang có sự "nở rộ" tài năng trẻ.

Sau các cuộc thi, sau những màn vinh danh, hoa và những tràng pháo tay đầy xúc động, các nghệ sĩ sân khấu lại trở về với cuộc sống đời thường, với những lo toan thường nhật, với nỗi buồn vì các vở diễn vắng khách mà ít người muốn nhắc tới.

Tuy nhiên, với các nghệ sĩ trẻ vừa được vinh danh, sẽ còn nhiều mối lo nữa, nhiều băn khoăn và những câu hỏi chưa có lời giải đáp, ấy là: Con đường tiếp theo của mình sẽ như thế nào? Tương lai của mình sẽ ra sao? Điều gì đang đợi mình ở phía trước?...

Sau mỗi cuộc thi, các nhà hát nên mạnh dạn giao vai lớn, tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ trưởng thành.

Thực tế cho thấy, thực trạng sân khấu nói chung vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, song với bộ môn kịch nói vẫn còn... "uyển chuyển", diễn viên ngoài làm công việc chính tại các nhà hát còn có thể tham gia đóng phim truyền hình, đóng các tiểu phẩm, làm MC... còn diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống, cơ hội để làm những việc này ít hơn nhiều.

Đã thế, hiện nay do kinh phí ngày càng eo hẹp nên mỗi năm các nhà hát nghệ thuật truyền thống không thể dựng nhiều vở mà thường chỉ có được 1-2 vở theo nguồn kinh phí được Nhà nước cấp. Vì thế, cơ hội để họ được thể hiện tài năng cũng không nhiều.

Đấy là chưa kể đến lý do vì còn quá... trẻ, cần tu dưỡng học hỏi thêm để hội tụ đủ "Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần" mà thường khi đã về nhà hát nhiều năm vẫn chỉ là diễn viên phụ, diễn viên quần chúng. Đến khi có được những vai diễn lớn, lưu được dấu ấn thì tuổi đã "cứng" rồi.

Gần đây, có một số nhà hát đã mạnh dạn giao vai chính cho các diễn viên trẻ và đó là một chủ trương đúng đắn, được cả công chúng và nghệ sĩ hưởng ứng. Đi đầu trong việc "đổi mới" này phải kể đến Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Trong "Tháng nghệ thuật truyền thống" tại Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn hồi tháng 5 vừa qua, trong vở “Vương nữ Mê Linh”, Nhà hát Chèo Hà Nội đã mạnh dạn đưa dàn diễn viên trẻ tài năng đảm nhận vai chính như NSƯT Hoài Thu (vai Trưng Trắc), NSƯT Thảo Quyên (vai Trưng Nhị), nghệ sĩ Quốc Phòng (vai Thi Sách), nghệ sĩ Quang Dương (vai Thi Sơn)…

Bên cạnh đó vẫn có sự tham gia diễn xuất của những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Quốc Anh (vai Tô Định), NSƯT Đức Thuận (Sầm Đan) và NSƯT Minh Nhan (mụ Khỏe)... Hay trong vở “Cung phi Điểm Bích”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã thử sức nghệ sĩ trẻ Đoàn Mai Hoa khi để cô vào vai cung phi Điểm Bích, một trong những vai diễn gắn với tên tuổi của NSƯT Thanh Thanh Hiền.

Thể hiện thành công một Điểm Bích tươi trẻ, khao khát yêu thương, Điểm Bích của Mai Hoa như làn gió mới thổi vào vai diễn nặng ký này và đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía khán giả và những người làm nghề. Bởi lẽ, nói gì thì nói, "thầy đồ già - con hát trẻ", dẫu có "gừng càng già càng cay", nhưng đúng là những gương mặt trẻ trung, tươi mới bao giờ cũng đem đến cho sân khấu, cho vở diễn một luồng sinh khí mới.

Bởi thế, muốn có những tài năng trẻ tỏa sáng, phải mạnh dạn tin tưởng giao vai cho họ, để rồi học lại trở thành những người "kế nghiệp" đủ sức, đủ tài trong tương lai. Nếu không "vun cây" thì làm sao có ngày "hái quả" và những tấm Huy chương vàng - bạc trong các cuộc thi tài năng trẻ sẽ có thể chỉ mãi là những "kỷ niệm đẹp trong đời" diễn viên mà thôi...

Nghệ sĩ Quốc Phòng (Nhà hát Chèo Hà Nội): "Hạt giống tốt cần được gieo ở đất màu mỡ"

- Thưa nghệ sĩ Quốc Phòng, những giải thưởng cao trong các kỳ thi, liên hoan sân khấu mà anh đã giành được trước đây đã có ý nghĩa như thế nào đối với con đường nghệ thuật của anh?

+ Tôi không có cơ duyên dự thi các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo. Giải  thưởng tôi đạt được là giải "Nghệ sĩ trẻ xuất sắc" trong cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 và 2016. Điều đó đã tạo nên tên tuổi của Quốc Phòng được khán giả yêu mến như ngày hôm nay và là nguồn động viên khích lệ rất lớn để tôi luôn luôn muốn mang hết khả năng, công sức của mình để cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng, nghệ thuật chèo truyền thống của cha ông mãi mãi trường tồn và phát triển.

- Bằng những trải nghiệm thực tế của mình, Quốc Phòng có lời khuyên nào dành cho các nghệ sĩ tham gia cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo - tuồng chuyên nghiệp 2017 đang được tổ chức tại Thanh Hóa? Làm cách nào để giữ được lửa đam mê và "đi đường dài" với nghệ thuật?

+ Tôi cho rằng, dù có là người đoạt giải thưởng lớn trong một cuộc thi có tính chất chuyên nghiệp cao thì cũng không nên tự mãn, mà mình phải luôn luôn khiêm tốn, không ngừng trau dồi học hỏi những ngón nghề của các nghệ sĩ tên tuổi, của các thầy cô. Bởi vì, đây mới chỉ là "bước đệm" cho các bạn phấn đấu mà thôi. Bên cạnh đó, những bạn chưa may mắn thì cũng không nên bất mãn hoặc tự ti, bởi các bạn còn rất nhiều cơ hội để thể hiện mình. Cái chính là chúng ta phải là một nghệ sĩ chân chính, phải mang hết cái tâm của mình, cháy hết mình mỗi khi thể hiện một vai nào đó cho công chúng được thưởng thức.

Các bạn phải nghiêm túc với chính mình, với chính cái nghề mà tổ nghiệp đã ban cho và các bạn phải luôn luôn tự hào rằng, mình là người đang gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống đáng quý mà cha ông để lại.

- Có ý kiến cho rằng, một trong những "căn bệnh" của sân khấu, đó là nhiều khi các nhà hát vẫn chưa mạnh dạn giao vai cho thế hệ trẻ. Ngay cả đối với các diễn viên tham gia các cuộc thi tài năng trẻ được giải thưởng cao nhưng cơ hội để có vai diễn lớn là không nhiều. Quốc Phòng có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Theo tôi, trong cuộc thi tài năng trẻ thì mỗi thí sinh chỉ được thể hiện một vai là sở trường của thí sinh đó, ví dụ bạn diễn vai Thị Màu xuất sắc nhưng ở vai Thị Kính thì ở mức độ trung bình... Chính vì thế, dù bạn đoạt giải cao trong cuộc thi tài năng trẻ, nhưng trong một vở diễn của nhà hát đạo diễn thấy vai này chưa hợp với bạn về ngoại hình, tính cách của bạn thì nhà hát vẫn chưa thể giao vai đó cho bạn được.

Bên cạnh đó, tôi còn thấy nhiều nhà hát vẫn còn mang tính "cục bộ". Nhiều nghệ sĩ dù có tuổi rồi nhưng vẫn "cố thủ vai", không chịu nhường cho lớp trẻ. Bao nhiêu bạn trẻ có tài năng về hát nhiều năm mà cũng chỉ được giao đóng những vai nhỏ, quần chúng... Điều đó quả thực là rất đáng tiếc cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống. Một hạt giống tốt phải được trồng ở một mảnh đất màu mỡ thì mới có thể phát triển được.

- Theo anh, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo nói riêng và sân khấu kịch hát truyền thống, Nhà nước nên có những chính sách ưu đãi như thế nào nguồn nhân lực trẻ của sân khấu truyền thống?

+ Tôi thấy rằng, bản thân mình là một nghệ sĩ chèo hằng đêm phải "thổ tận can tràng" với từng vai diễn, nhưng tiền bồi dưỡng thì không thấm vào đâu so với các môn nghệ thuật khác. Chính vì thế tôi rất mong muốn Nhà nước có chính sách đãi ngộ với các nghệ sĩ truyền thống hơn nữa, để các nghệ sĩ có một đời sống ổn định và tạo cho các nghệ sĩ có thật nhiều sân chơi nghệ thuật, quảng bá, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung được công chúng biết đến nhiều hơn. Nhờ vậy, nghệ thuật truyền thống mới có cơ hội phát triển sâu rộng được, đời sống văn nghệ sĩ mới được nâng cao và có tinh thần tốt để giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Quốc Phòng!

Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai: "Thầy đồ già, con hát trẻ"

Là đạo diễn tôi rất mong có những gương mặt trẻ và tài năng trong tác phẩm của mình. Nghề diễn và sân khấu của chúng ta cần lắm những gương mặt trẻ. Hãy tin tưởng và mạnh dạn giao vai cho họ vì chính họ mới làm nên diện mạo mới của sân khấu.

Tuy nhiên, các nghệ sỹ trẻ cần liên tục rèn luyện tay nghề để đạt tới thành công và tạo dựng niềm tin với đạo diễn, với nhà hát. Tôi trưởng thành từ cuộc thi đạo diễn trẻ. Nhưng cũng may mắn là từ đó được giao dàn dựng nhiều tác phẩm nên có cơ hội sáng tạo và có sự vững vàng, tự tin như hôm nay. Vì thế, hãy tin tưởng và mạnh dạn giao vai cho người trẻ.

Hiện nay sân khấu truyền thống đang mai một và thế hệ kế cận dường như không theo kịp và tiếp nối những "thế hệ vàng" đã có trước đây. Nhưng thay vì cứ phàn nàn này nọ, hãy có một cơ chế "đào tạo - thay thế" thì tốt hơn cho sân khấu dân tộc. Từ đó mới tạo nên ngôi sao trẻ. Không có chuyện "tre già" tự nhiên "măng mọc", mà ta phải vun trồng, chăm bón thì mới có ngày có cây tre tốt để dựng nhà, có quả ngọt để thưởng thức.

Một khi, diễn viên hay đạo diễn cũng thế, đã được khẳng định từ các cuộc thi tài năng trẻ, cần trân trọng mài giũa và tạo điều kiện cho họ phát triển và không bị mai một, cùn mòn đi. Cần có sự dìu dắt và tin tưởng để sân khấu của chúng ta không bị hẫng hụt và già đi. "Thầy đồ già con hát trẻ" mà. Sân khấu là phải trẻ chứ! Tôi đang dựng 2 vở cải lương với 2 nhà hát, chắc vài tháng nữa là xong, trong đó có nhiều gương mặt diễn viên trẻ. Tôi thực sự muốn tạo cơ hội cho họ.

Với vở "Lý triều dựng nghiệp" của Nhà hát Cải lương Việt Nam, bên cạnh dàn diễn viên đã thành danh, tôi đã lựa chọn một số gương mặt diễn viên trẻ từng đoạt các giải thưởng diễn viên trẻ tài năng cải lương 2013 là Thùy Dung, Đoàn Mai Hoa, Hồng Hà. Trong đó, Hồng Hà từng đoạt Huy chương bạc, Thùy Dung đoạt Huy chương vàng và Đoàn Mai Hoa đoạt Huy chương vàng quốc tế. Có một bạn trẻ nữa đóng kép là Tuấn Thanh. Tóm lại là toàn người trẻ và tôi rất tin tưởng họ - như ngày xưa tôi từng được tin tưởng...

Nghệ sĩ Lộc Huyền (Nhà hát Tuồng Việt Nam): "Đừng đứng núi này trông núi nọ!"

- Thưa nghệ sĩ Lộc Huyền, tham dự cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo - tuồng chuyên nghiệp 2017 lần này với tư cách là một... khán giả, Lộc Huyền có nhận xét gì về thế hệ "đàn em" qua nhiều trích đoạn kinh điển của nghệ thuật tuồng, trong đó có nhiều vai diễn mà chị từng đảm nhiệm?

+ Tôi không tham dự cuộc thi từ đầu mà chỉ xem các tiết mục biểu diễn từ ngày 11 đến 15-7. Tôi thấy rằng, thế hệ trẻ tham gia cuộc thi này đông hơn, các em cũng tự tin, bản lĩnh hơn, đảm nhiệm được các vai tuồng truyền thống mẫu mực. Vì tuồng có ở cả 3 miền, mỗi nhà hát có riêng một phong cách, tôi không dám đánh giá. Song, tôi cho rằng, phần thể hiện của Nhà hát Tuồng Việt Nam với sự đầu tư công phu, bài bản và Nhà hát Tuồng Bình Định vẫn là nổi bật hơn cả.

- Theo chị, việc một diễn viên đoạt giải cao trong một cuộc thi tài năng trẻ - giống như việc chị từng đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi cách đây hơn chục năm sẽ có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của họ?

+ Việc đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với bản thân tôi hay với bất kỳ một nghệ sĩ trẻ nào đã lựa chọn dấn thân vào con đường nghệ thuật. Đó là dấu mốc  phấn đấu của các nghệ sĩ, nên thông thường trước cuộc thi họ quyết tâm rất cao, luyện tập hết mình. Cũng có bạn trẻ đi cho biết, đi cọ xát làm "bước đệm" cho các kỳ thi sau. Việc giành được tấm Huy chương vàng - bạc đánh giá khả năng thực tế của nghệ sĩ và được thừa nhận bởi một Ban giám khảo có trình độ chuyên môn cao - là một sự khẳng định một nghệ sĩ có thể đi được đường trường với nghề hay không. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng dễ bị mất niềm tin nếu họ thấy rằng sự đánh giá của Ban giám khảo là chưa thực công tâm, dễ dẫn đến tiêu cực, chán nản.

- Thông qua cuộc thi tài năng trẻ lần này, Lộc Huyền thấy có nhiều tín hiệu lạc quan, đẩy lùi nguy cơ thất truyền của nghệ thuật sân khấu tuồng không?

+ Như tôi đã nói, một lực lượng đông đảo các bạn trẻ tham gia cuộc thi lần này khiến những người yêu tuồng như tôi và một số nghệ sĩ lão làng khác cảm thấy ấm áp, được động viên, an ủi khi nhìn thế hệ kế tiếp. Các nhà hát khác mình không biết và không dám chắc, nhưng Nhà hát Tuồng Việt Nam luôn có sự đầu tư, quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ. Còn việc có đẩy lùi nguy cơ thất truyền của bộ môn nghệ thuật tuồng hay không, có sự quan tâm, đánh giá ở cấp cao hơn mới có thể khẳng định được

- Lộc Huyền có lời khuyên nào dành cho các nghệ sĩ trẻ vốn hay "bị lung lay" trước sức hút của mức thu nhập hiện nay?

+ Đúng là với bộ môn nghệ thuật này thì thường các nghệ sĩ khó khăn thật đấy. Với đồng lương, phụ cấp, bồi dưỡng tập luyện như bây giờ thường nghệ sĩ chỉ nuôi được bản thân ở mức tiết kiệm, chứ không thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Nhưng tôi mong rằng, các bạn trẻ một khi đã chọn con đường này thì chuyên tâm, tâm huyết với nghề để xứng đáng với danh hiệu được trao. Đừng đứng núi này trông núi nọ vì như thế chỉ khiến các bạn nản  lòng.

Nếu ai đó muốn "làm kinh tế" với tuồng thì không thể được, bởi đó mãi là điều không tưởng. Và nếu cứ "chân trong chân ngoài" thì nghề sẽ mai một, mất đi bản sắc, ảnh hưởng đến tương lai của bộ môn nghệ thuật này. Phương châm sống của tôi là làm sao để thế hệ sau nhìn còn thấy hi vọng, thấy ánh sáng. Bởi vì bản thân tôi cũng vậy, còn làm nghề là vì nhìn vào các thế hệ trước như NSND Hồng Khiêm, NSƯT Ánh Dương, NSND Hoàng Khiềm...

- Hiện nay, việc giao vai cho các nghệ sĩ trẻ còn khá hạn chế với quan niệm rằng bạn trẻ thì phải tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm. Ý kiến cá nhân của Huyền về vấn đề này như thế nào?

+ Nhìn từ hoạt động của Nhà hát Tuồng Việt Nam thì tôi không thấy việc này là phổ biến. Nhà hát đã giao vai cho các bạn trẻ, luôn thay đổi vai để các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm. Có nhiều bạn được "giao tận tay" cho các nghệ sĩ lão luyện dìu dắt vào các "vai mẫu" theo kiểu đệ tử chân truyền để kế nghiệp. Như bản thân tôi, đã được nhà hát tin tưởng giao nhiều vai lớn từ khi tôi tuổi rất trẻ và được nhiều nghệ sĩ lớn dìu dắt kèm cặp thì mới có thể trưởng thành như hôm nay. Vì thế, thông thường sau các cuộc thi, việc có làm được nghề tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản thân các bạn ấy. Có bạn theo thời gian tự bị mất hơi, phải chuyển nghề. Có bạn tâm huyết không còn, tài năng cũng tự bị mai một đi.

- Theo chị, Nhà nước cần có những chính sách quan tâm, ưu đãi, đầu tư hoặc các chính sách đặc thù như thế nào trong việc "vun trồng" tài năng trẻ?

+ Đi liên hoan, hội diễn, nghe nhiều tâm sự mới thấy hết nỗi cực nhọc của những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Một vai diễn ra đời vất vả lắm, nhiều người còn mang bệnh, tiền thuốc còn nhiều hơn tiền giải thưởng, tiền bồi dưỡng. Và nếu chỉ trông chờ vào đồng lương thì dẫu có đi làm nghề 20 năm cũng không thể mua được nhà ở Hà Nội.

Vì thế, tôi cho rằng, cần được Nhà nước quan tâm, tiền bồi dưỡng, chế độ thanh sắc và tiền lương phải tăng lên, thì mới động viên và tạo điều kiện cho nghệ sĩ bám trụ với nghề. Chế độ ưu đãi đặc thù là điều bây giờ mới làm đã là muộn. Nghề giáo viên còn có thể dạy thêm, nhưng giờ thầy dạy nghệ thuật tuồng vừa phải dạy miễn phí lại còn phải đầu tư tâm sức cho học trò của mình. Thời nay, thầy đi tìm trò chứ không phải trò tìm thầy nữa.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Lộc Huyền!

Nguyệt Hà - Hà Anh (thực hiện)
.
.