Liên kết xuất bản:

Vui cũng nhiều, buồn cũng lắm

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:53
Không phải đợi đến khi Luật Xuất bản có hiệu lực từ 1/7/2013 chính thức thừa nhận việc liên kết xuất bản mới có sự tham gia của các đơn vị tư nhân vào một lĩnh vực đặc thù này mà lâu nay, với danh nghĩa đối tác liên kết, nhiều nhà làm sách ngoài công lập đã tích cực hoạt động, tạo nên sự nhộn nhịp phong phú chưa từng có cho thị trường sách. Độc giả được hưởng lợi khi ngày càng có nhiều chọn lựa với những đầu sách nội dung tốt, hình thức đẹp, nhưng ngược lại sự "trăm hoa đua nở", người người làm sách, nhà nhà làm sách cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Loay hoay trong mê trận

Khánh Lam

Không phải đợi đến khi Luật Xuất bản có hiệu lực từ 1/7/2013 chính thức thừa nhận việc liên kết xuất bản mới có sự tham gia của các đơn vị tư nhân vào một lĩnh vực đặc thù này mà lâu nay, với danh nghĩa đối tác liên kết, nhiều nhà làm sách ngoài công lập đã tích cực hoạt động, tạo nên sự nhộn nhịp phong phú chưa từng có cho thị trường sách. Độc giả được hưởng lợi khi ngày càng có nhiều chọn lựa với những đầu sách nội dung tốt, hình thức đẹp, nhưng ngược lại sự "trăm hoa đua nở", người người làm sách, nhà nhà làm sách cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Gần cuối năm 2014, dư luận được phen choáng váng khi phát hiện ra cuốn sách Bộ luật dân sự của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội có bìa là hình diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội Công Lý mặc "quần chíp" nâng cán cân biểu trưng cho sự công bằng.

Lỗi như đùa và khó có thể chấp nhận được đã dẫn tới hậu quả, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội bị thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông xử trên 200 triệu đồng. Quan trọng hơn, sự kiện diễn viên Công Lý xuất hiện trên bìa sách luật đã như "giọt nước tràn li", xới lên thực trạng vi phạm trong lĩnh vực xuất bản vốn bát nháo một thời gian dài được quy cho căn nguyên: do liên kết.

Những tác phẩm được độc giả trẻ yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Mới đây, nhiều cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi cũng xới lên các tranh cãi chưa có hồi kết về việc biên tập, viết lại, thậm chí thay đổi các mô típ đã thành quá quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Hình thức liên kết bấy nay chi phối phần lớn hoạt động xuất bản, với ước tính cho ra đời chừng 80% số sách trên thị trường. Nhiều đơn vị làm sách tư nhân phối hợp với các nhà xuất bản trong nước mang đến cho người đọc cả loạt ấn phẩm đặc biệt, nhất là các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới thuộc hàng kinh điển lẫn các tác giả đương đại đang được ưa chuộng.

Nhờ có liên kết xuất bản, người đọc thêm cơ hội tiếp cận với các tác phẩm mới nhất của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki, hay các tác giả vừa được tôn vinh bằng giải Nobel văn chương... Cũng nhờ liên kết, những cái tên như Nguyễn Phong Việt đã trở thành hiện tượng được độc giả trẻ đón nhận, với số lượng phát hành một tập thơ là niềm ao ước khó bao giờ đạt được của nhiều nhà văn, nhà thơ xuất sắc: 30.000 bản in. Tuy nhiên, những thành tựu mà liên kết xuất bản tạo ra, vẫn không thể khỏa lấp, trấn an các cơ quan quản lý Nhà nước lẫn dư luận khi còn tồn đọng vô cùng nhiều sai sót, thậm chí sai phạm lớn như in sai nội dung, bìa phản cảm, để lọt lưới các cuốn sách thiếu nhạy cảm chính trị, hay cố tình chây ì, khuất tất trong vấn đề bản quyền...

Dẫu luôn bị điểm mặt chỉ tên, quy kết tội trạng nhưng công bằng mà nói, như nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: "Liên kết xuất bản được thừa nhận trong Luật Xuất bản chính là một điểm mới rất tiến bộ, nhằm mục đích huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia", sai phạm xảy ra do bản thân các nhà xuất bản đã "sống chết mặc bay", giao phó toàn bộ công đoạn cho đơn vị liên kết, bỏ qua khâu thẩm định nội dung cuối cùng, chỉ nhăm nhăm bán giấy phép là xong nhiệm vụ. Nhiều đơn vị liên kết quá ẩu, chưa đầu tư cho mình đội ngũ biên tập viên đủ chuẩn, đôi khi để áp lực lợi nhuận chi phối toàn bộ quá trình xuất bản một cuốn sách.

Trên thực tế, số lượng nhà xuất bản mạnh, có tiềm lực như NXB Trẻ, NXB Giáo dục, NXB Kim Đồng là không nhiều, phần lớn các NXB hoạt động èo uột, không thể tự hạch toán, hoạt động cầm chừng và gần như tồn tại bằng cái vỏ ngoài. Cái khó bó cái khôn, sự eo hẹp về kinh tế, sự thiếu năng động trong tổ chức đã khiến chính nhà xuất bản lép vế hoàn toàn với đối tác liên kết, gần như ít được tham gia vào quá trình xuất bản ấn phẩm ngoài việc cấp giấy phép và chỉ biết đến sự cố trong sách của mình khi dư luận đã lên tiếng...

Đây cũng chính là căn nguyên khiến liên kết thường bị nhìn nhận bằng con mắt thiếu thiện cảm, bị coi là thủ phạm dẫn đến tình trạng bát nháo, lộn xộn trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua. Việc mạnh tay xử phạt (trong năm 2013, xử lí 255 cuốn sách sai phạm, 3 quý đầu năm 2014 có 169 cuốn bị bêu tên) với các chế tài được áp dụng ở mực nghiêm khắc hiếm có vẫn chưa ngăn được phần nào lỗi xuất bản.  

Sự thông thoáng trong Luật Xuất bản, sự chờ đợi háo hức có thật của độc giả về một môi trường xuất bản lành mạnh, hữu ích... chính là cơ hội lớn cho những người coi in ấn phát hành sách là đam mê hoặc đơn giản hơn, công việc kiếm sống hằng ngày của mình. Khó có thể đổ lỗi cho cơ chế, cũng không nên trách móc hay vin vào thị hiếu người đọc, những người làm sách, cả các nhà xuất bản quốc doanh lẫn đối tác tư nhân, sẽ bị chính khách hàng của mình bỏ rơi, tẩy chay từ chối nếu không nghiêm ngắn công phu hơn cho sự xuất hiện của mỗi một cuốn sách (giấy) khi mà ebook, sách điện tử đang dần là lựa chọn không kém phần hấp dẫn...

Sách giáo dục trẻ ở Đức không lẫn lộn

Nguyễn Văn Thọ  

Tôi có hai cháu ở Đức học phổ thông. Một đứa lớn con riêng của vợ, học từ lớp 8 tới lớp 10; rồi đi làm công nhân; cháu gái con đẻ của tôi, đi học từ nhà trẻ tới trưởng thành. Vì thế khi theo dõi chúng nó học, ít nhiều biết bên Đức giáo dục trẻ em như thế nào. Theo tôi ở một nền giáo dục tiên tiến từ bập bẹ nói, lẫm chẫm đi, đã đặt nền móng xây dựng tự tin tự lập cho trẻ đã được các nhà giáo dục Đức quan tâm hàng đầu. Con gái tôi đi mẫu giáo, cô bảo mẫu chỉ dạy nó đánh răng 1 lần, sau hướng dẫn giúp nó làm đúng hơn, chứ không đánh răng hộ, vệ sinh hộ, hay gấp chăn hộ. Lau mặt, rửa chân tay sau khi chơi cũng thế, trẻ em ngủ xong, mấy đứa tự dọn nệm kéo vào xếp ngay ngắn.

Tác giả Phong Việt ký tặng sách cho bạn đọc hâm mộ.

Sách giáo khoa Đức cả hai miền vẫn dùng chung một thời gian sau khi thống nhất. Những cuốn về lịch sử đặc biệt cẩn trọng. Họ không nhầm lẫn giữa lịch sử và văn học. Những biểu tượng anh hùng trong lịch sử đều nhất quán, chọn kĩ từ ngữ sao cho là một dòng chảy không méo mó đi theo dòng chảy lịch sử. Không có chuyện sách giáo dục sử lấy tài liệu văn học sáng tác để cho nhân vật lịch sử sai lạc tinh thần cốt yếu của từng nhân vật, dù là sách giá trị viết về các anh hùng hay nhân vật lịch sử, dù là truyện tranh không chính khóa.

Trẻ em học ở Đức ngoài giáo khoa được tham chiếu nhiều tài liệu, bởi vì lịch sử hiện đại có thể có học giả viết theo quan điểm của họ và học trò có quyền phản biện. Con trai của vợ tôi đã làm điều ấy khi nó viết luận văn lớp 9 về chiến tranh ở Việt Nam. Điều cháu tranh cãi có thể sai đúng nhưng nó được quyền phản biện những điều ghi ở sách. Đấy là học thực sự chứ không phải học vẹt. Cái gì cũng theo mẫu, theo điều đã ghi bất biến trong sách là không đúng xu hướng giáo dục Đức, nhưng phải có tài liệu cụ thể trích dẫn rõ ràng, chứ không có quyền ghi chữ "Không thích" để không làm bài như hiện tượng học trò ở ta khi làm bài được thầy cô giao.

Thứ nữa, giáo dục ở Đức có sự thay đổi ở sự nhận thức thế giới quan. Xu hướng chung vài chục năm nay là, không mặc định con hổ là ác, con thỏ là hiền. Mỗi huyện, quận đều có sở thú tư nhân, bên cạnh sở thú lớn quốc gia, nhất là ngoại thành. Họ, sở thú tư nhân, nuôi từ gà, thỏ, mèo thậm chí dê cừu, gấu voi... để học trò tới tham quan, biết con vật đã được mô tả trong sách vở thực tế ra sao. Chứ không như ở ta, học trò ở Hà Nội và TP HCM không biết con trâu nó như thế nào, kéo cày ra sao, lúa xanh như thế nào và mùi thơm của đòng đòng thực tế ra sao.

Sự thay đổi ở sách của Đức theo xu hướng nhân ái hơn, tính người hơn, khi họ viết truyện tranh, kể chuyện kiểu mẹ kể con nghe, và làm phim trong thế giới hiện đại đều để các loài vật xu hướng nhân tính, đều hiền và ác tùy theo vấn đề, sự ác hay thiện diễn ra tùy theo văn cảnh. Còn con hổ hay voi hay con rắn cobra đều là bạn, thậm chí rồng, khủng long tiền sử cũng là bạn. Những loài ăn thịt ta gọi là thú dữ có thể là bạn.

Theo quan niệm này không có khái niệm thú dữ và thú lành. Chỉ có thú vật chung chung như con người. Theo tôi sự giáo dục từ ấu thơ ấy bồi đắp nhân tính trọng hơn hiểu biết trí thức, bởi khi trẻ lên cao, trưởng thành thì giáo dục đào tạo ngành rất chuyên để sinh ra những chuyên gia hàng đầu thế giới về động vật như anh bạn Tilo sang giúp ta bảo vệ thú rừng hoang dã. 

Trong nhiều câu chuyện tôi xem của con gái nhỏ, xu hướng này rất rõ trong sách cho thiếu nhi. Tức là từ nhỏ, trẻ em đã hình thành nhân tính, nhận thức ở hướng tích cực chứ không mặc định ác xấu ở loài nào. Tôi thấy điều này đúng ở thực tế khi thế giới động vật chỉ giết nhau vì quy luật tồn tại của muôn loài, chúng chỉ tấn công con người khi có nguy cơ bị hại. Hổ tấn công người khi cực đói hay tức giận, còn bình thường nó chỉ là con mèo lớn.

Sách ở ta bấy nay soạn ít suy ngẫm. Sách do đối tác tư nhân làm nhiều khi còn tùy tiện  hơn. Tùy tiện vẽ thêm những chi tiết tưởng bình thường hóa nhân vật cho gần đời thường, nhưng thực ra là đã làm sai lạc lịch sử gốc, tầm thường và dung tục. Méo mó hình ảnh cần xác lập ở từng câu chữ sao cho sự giáo dục đạt được hình tượng anh hùng dân tộc không méo mó đi. Sự chú trọng giáo dục nhân tính cũng không coi trọng, có sự biểu hiện tầm thường hóa các bản anh hùng ca là sai lầm.

Những đứa trẻ Việt sinh ra ở Đức, tôi quan sát, trầm hơn trẻ em ở Việt Nam, nhưng khả năng tự nghiên cứu trong thế giới phẳng khá hơn học trò Việt khi được giáo dục ở nội địa. Điều này có nguyên nhân là bạn giàu hơn ta, trang bị học đường khá hơn ta, nhưng ở Việt Nam, ngay cả trẻ em ở các gia đình giàu có, thì dùng máy tính chơi game nhiều hơn là truy cứu tài liệu, giúp cho chúng sự tự học. Đó là ở cách, ở phương pháp giáo dục trẻ.

Tôi nói chữ đa số, có lẽ bởi ngay từ rất nhỏ chúng đã được giáo dục theo hai xu hướng tự tin và nhân tính làm trọng. Ở Đức, tình trạng học đường suy thoái về đạo lý như ở ta, đánh bạn, xỉ nhục con người là rất khó tìm, quá hiếm hoi và bị dư luận rất lên án. Điều này có sự đóng góp không nhỏ ở sách giáo khoa và sách dành cho trẻ em giải trí mà các nhà sản xuất sách ở Đức luôn phải đối mặt với lương tâm của chính họ.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Phương Đông Nguyễn Thanh Hà: Đội ngũ biên tập viên phải thực giỏi

Mi Sol (thực hiện)

Là một trong những đơn vị tư nhân tham gia tích cực vào lĩnh vực xuất bản, Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Phương Đông đã định vị được thương hiệu của mình giữa thời buổi cạnh tranh gay gắt. Được coi như "bà đỡ" mát tay của các tác giả trẻ rất được cộng đồng mạng yêu mến như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Phạm Thị Ngọc Thanh... đơn vị đã tự đầu tư cho mình những biên tập viên có chuyên môn, kinh nghiệm, giàu trách nhiệm như chia sẻ của Phó Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Phương Đông Nguyễn Thanh Hà.   

- Luật Xuất bản có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 chính thức công nhận việc liên kết xuất bản, tức đã cho phép sự xuất hiện chính danh của những đơn vị tư nhân tham gia vào quá trình biên tập, in ấn, phát hành sách. Ghi nhận từ thực tế thời gian qua, việc thừa nhận liên kết xuất bản đã đem lại thuận lợi và cả thách thức gì cho các đơn vị tư nhân nói chung và Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Phương Đông nói riêng?

+ Thực ra, việc các nhà tư nhân biên tập sách của mình thì đã làm từ lâu rồi, được phép in logo của mình lên bìa 1 cuốn sách, được phép ghi tên biên tập viên vào cuối sách. Tuy nhiên, chính sự cho phép được chính danh trong Luật Xuất bản mới này nên các đơn vị liên kết cũng buộc phải cẩn thận hơn với việc biên tập. Đơn vị nào muốn tồn tại phải đầu tư cho mình một đội ngũ biên tập giỏi, nhiều kinh nghiệm, có trách nhiệm. Song song đó, Luật mới cũng chặt chẽ với nhiều điều khoản nên các đối tác liên kết phải nắm rõ để thực hiện đúng, tránh những sai phạm đáng tiếc xảy ra.

- Vậy với riêng Phương Đông đã chuẩn bị gì để đội ngũ biên tập viên của mình đáp ứng được những yêu cầu mới được đề ra trong Luật?

+ Với quy định mới, để đứng tên biên tập viên trong cuốn sách thì biên tập viên đó phải được cấp chứng chỉ biên tập do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp. Do đó chúng tôi cũng đã cùng các các biên tập viên của mình thực hiện tốt các yêu cầu này. Luật Xuất bản 2013 đã có nhiều cải tiến mới theo hướng thông thoáng hơn, tạo cơ hội tốt hơn cho đối tác liên kết được chủ động tham gia thị trường xuất bản. Chính vì Luật có nhiều điều khoản khắt khe, chi tiết nên chúng tôi càng buộc mình nghiên cứu thật kĩ để ứng dụng trong thực tế.

- Với kinh nghiệm của một người tham gia hoạt động xuất bản, bà có thể cho biết đâu là nguyên nhân của những yếu kém tồn đọng trong việc liên kết xuất bản đã được dư luận phát hiện và lên tiếng thời gian qua?

+ Một số vụ việc nổi cộm dư luận đã phát giác, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng vào cuộc kiểm điểm, xử phạt. Theo tôi đó là những vụ việc hết sức đáng tiếc, và cũng là điều không ai muốn. Nguyên nhân thì nhiều, tuy nhiên, trước hết do các đơn vị liên kết có những bản thảo thẩm định không tốt về nội dung, hình ảnh, cẩu thả trong việc in ấn. Bên cạnh đó, biên tập viên của các nhà xuất bản cũng không kĩ trong việc kiểm duyệt bản thảo lần cuối, chưa làm tròn trách nhiệm nên mới sơ suất để lọt các cuốn sách có nội dung cũng như hình ảnh in ra trái với các quy định hiện hành, không phù hợp thuần phong mĩ tục, văn hóa Việt, thậm chí còn có những lỗi rất nguy hại, để lại những ảnh hưởng xấu trong dư luận và trong định hướng văn hóa đọc.

- Một đơn vị làm xuất bản tư nhân có bị phân biệt đối xử so với các đơn vị Nhà nước?

+ Theo tôi có khác thì chỉ do họ không phải là nhà xuất bản mà thôi.

- Phương Đông đã góp phần giới thiệu một số cây viết trẻ, được dư luận đón nhận, thậm chí tạo ra hiện tượng Best salles. Lý do từ đâu mà một số nhà văn trẻ lại sẵn sàng giao đứa con tinh thần của mình cho một đơn vị làm sách tư nhân?

+ Để làm được điều này, trước tiên Phương Đông phải thực hiện tốt các quy định về quyền tác giả. Phương Đông luôn tôn trọng các ý kiến đóng góp của các tác giả về trình bày, làm bìa sách, thời điểm ra mắt sách. Ví như Nguyễn Phong Việt hiện là gương mặt thơ đang rất được yêu thích. Thực ra Phong Việt đã đưa bản thảo cho ba nơi mà không nơi nào nhận để in cả. Khi bản thảo chuyển đến tôi, Phong Việt chỉ có mong ước sách được in ra mấy trăm cuốn cũng được. Tôi đã đọc bản thảo và xem trên facebook của Phong Việt và được biết các fan hâm mộ anh ấy đã lập hẳn trang facebook riêng. Quả thật tôi đã bị cuốn hút. Chúng tôi nhận lời, lúc đầu cũng dè dặt chỉ in chừng 1.000 cuốn. Sách in rất đẹp và ấn tượng, từ cách thiết kế đến chất lượng bản in, lượng in. 1.000 cuốn thơ Nguyễn Phong Việt bán hết ngay lập tức. Chúng tôi tiếp tục tái bản, cứ 5.000 cuốn một lần in cho đến khi số lượng in lên đến 30.000 bản. Nhà văn nữ Di Li cũng yên tâm giao phó toàn bộ các tác phẩm của chị cho Phương Đông.

Sách của Di Li đều được thiết kế bìa hấp dẫn và cực kì cẩn thận. Mỗi lần ra mắt sách, chúng tôi đều chọn một địa điểm mang dấu ấn riêng. Phương Đông cũng được nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi gắm bản thảo của anh. Nhà văn Nguyễn Đình Tú vốn là người có sức viết khỏe và luôn gây được ấn tượng cho độc giả. Anh cũng rất kĩ tính mỗi khi cho ra đời một cuốn sách. Vậy nhưng, anh vẫn để Phương Đông thực hiện toàn bộ các công đoạn, từ trình bày, thiết kế bìa đến ấn định thời điểm phát hành sách.

- Việc chấn chỉnh, làm lành mạnh hóa môi trường xuất bản hiện nay theo bà phục thuộc vào yếu tố nào: tăng cường quản lí Nhà nước, siết chặt việc liên kết xuất bản hay nâng cao thẩm mỹ đọc cho độc giả nói chung?

+ Theo tôi, chúng ta cần làm tốt tất cả những điều nêu trên, đặc biệt là việc tăng cường quản lí Nhà nước. Các đơn vị tư nhân nên nâng cao ý thức về các văn bản pháp luật, quan tâm đến các điều khoản luật sửa đổi để thực hiện cho tốt. Các biên tập viên của các nhà xuất bản cũng thật cẩn thận trong khâu biên tập lần cuối để các tác phẩm ra đời được hoàn thiện, chu đáo hơn.

- Trân trọng cảm ơn bà.

Khánh Lam - Nguyễn Văn Thọ - Mi Sol (thực hiện)
.
.