Vũ công ngoại "đổ bộ" showbiz Việt: Chất lượng hay thời thượng?

Thứ Bảy, 11/06/2016, 08:01
Không khó để nhận thấy rằng, vũ công ngoại đang xuất hiện với tần suất dày đặc trong các chương trình giải trí Việt. Sự chuyên nghiệp và đẳng cấp ở các vũ công ngoại là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải chăng vũ công Việt không "đủ tầm" để đáp ứng những chương trình lớn hay sử dụng vũ công ngoại chỉ là một trào lưu mang tính thời thượng?


Những làn gió mới

Chương trình đình đám đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của dàn vũ công ngoại ở Việt Nam phải kể đến "Dancing with the star" phiên bản Việt với tên gọi "Bước nhảy hoàn vũ". Qua 6 mùa giải, dàn vũ công đến từ Bulgaria đã góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu của chương trình. So với vũ công Việt, vũ công ngoại có ưu thế nổi bật về ngoại hình, khả năng trình diễn cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Trong những đêm thi của "Bước nhảy hoàn vũ", ngoài việc phối hợp thực hiện phần thi của các thí sinh, các vũ công còn đảm nhiệm luôn việc trình diễn các tiết mục xen kẽ trong chương trình. Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, vũ công ngoại của "Bước nhảy hoàn vũ" còn "làm nóng" các trang báo mạng khi bị phóng viên bắt gặp tình tứ với một nhân vật nữ nào đó trong showbiz Việt. Những bài báo với tít "giật gân" kiểu như: "Angela Phương Trinh cùng vũ công ngoại quốc đi chơi khuya", "Khánh My úp mở chuyện tình cảm với vũ công ngoại quốc", "Hồng Quế dịu dàng, e lệ bên vũ công ngoại quốc"... không còn là chuyện hiếm thời gian gần đây.

"Bước nhảy hoàn vũ" là chương trình đánh dấu sự xuất hiện của đông đảo vũ công ngoại ở Việt Nam. Trong ảnh: ST - Quán quân "Bước nhảy hoàn vũ" 2016 và vũ công Vyara Klisurska trong một tiết mục dự thi.

"Thử thách cùng bước nhảy" cũng là chương trình có sự xuất hiện của nhiều vũ công ngoại. Bắt đầu từ mùa giải năm 2014, để tăng tính hấp dẫn cho chương trình, Ban Tổ chức quyết định sẽ tăng "thị phần" biên đạo ngoại trong mỗi đêm thi. Họ tham gia chương trình với nhiều vai trò khác nhau như giám khảo, biên đạo và cả biểu diễn.

Những cái tên như John Huy Trần, Hani Abaza, Alex Tú, Tony Trần... đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt. Nét nổi bật trong sáng tác của những biên đạo ngoại là sự vượt trội về ý tưởng và khả năng sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại. Tư duy múa theo kiểu phương Tây rất phóng khoáng, tính khái quát và trừu tượng cao nhưng ý tưởng rõ ràng khiến người xem dễ hiểu, dễ cảm nhận.

Những kỹ thuật đột phá của múa hiện đại phương Tây được các biên đạo khai thác triệt để thu hút, hấp dẫn người xem. Bên cạnh đó, biên đạo múa "ngoại" cũng rất "đa zi năng", họ có thể biểu diễn xuất sắc, điêu luyện các kỹ thuật khó. Chính điều này khiến họ được "cộng thêm điểm" trong mắt người hâm mộ.

Ngoài những chương trình chuyên biệt về nhảy múa, các vũ công ngoại cũng xuất hiện với nhiều vai trò khác trong showbiz Việt như biên đạo cho MV của các ca sĩ, múa minh họa cho các chương trình ca nhạc... Gần đây nhất, dàn vũ công ngoại gần như "độc quyền" biểu diễn múa minh họa trong chương trình "Thần tượng Bolero" lên sóng VTV3 vào tối thứ 5 hàng tuần.

Theo chia sẻ của Ban Tổ chức, sự góp mặt của dàn vũ công ngoại sẽ hỗ trợ giúp các thí sinh có phần trình diễn tốt hơn. Không chỉ giúp đỡ các thí sinh trong việc rèn luyện hình thể, các vũ công còn tư vấn, hỗ trợ các thí sinh trong việc dựng bài, vũ đạo. Sự góp mặt của dàn vũ công nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp dòng nhạc Bolero dễ dàng thu hút khán giả hơn.

Không ít băn khoăn

Trước sự "đổ bộ" của dàn vũ công ngoại trên sân khấu Việt, không ít người băn khoăn: liệu những vũ công ngoại có thực sự làm tăng chất lượng các chương trình giải trí Việt hay chỉ đơn giản là một trào lưu "thời thượng" để thu hút khán giả? Tôi cho rằng, câu trả lời có cả trên hai phương diện.

Với sự góp mặt của dàn biên đạo múa ngoại, khán giả Việt có điều kiện được thưởng thức những tác phẩm múa mới với phương thức biểu đạt mới đầy hấp dẫn. Nếu cùng "đặt lên bàn cân" thì đội ngũ biên đạo múa trẻ Việt có phần "lép vế" hơn so với biên đạo ngoại. Điều này có thể thấy rõ trong những tác phẩm múa được trình diễn tại sân chơi "Thử thách cùng bước nhảy".

Trên sân khấu này, những tác phẩm của biên đạo Việt như Tuyết Minh, Lữ Kiều Lê, Thái Đạt Minh, Nguyễn Vĩnh Hiển... có lợi thế khi kết hợp ngôn ngữ múa dân gian dân tộc với múa hiện đại phương Tây nhưng lại thiếu sự đột phá về ý tưởng và khả năng khai thác những mảng đề tài đương đại vào nghệ thuật múa.

Không phải là người am hiểu về vốn múa Việt nhưng biên đạo múa ngoại lại rất tài trong việc khai thác tinh thần, tâm hồn, thần thái Việt và khéo léo biểu đạt điều đó qua "vỏ bọc" ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây. Sự xuất hiện của biên đạo ngoại đã tạo điều kiện cho biên đạo trong nước học hỏi, mở mang kiến thức, tiếp cận phương pháp tư duy sáng tạo nghệ thuật của nước ngoài. Đây là yếu tố tích cực, tạo động lực để biên đạo múa trong nước say mê sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật múa dân tộc chứa đựng trong đó tư duy mới, hơi thở cuộc sống mới.

Cho đến tận bây giờ, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, Chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" là một sản phẩm Việt hóa không hoàn chỉnh. Không ít người đặt câu hỏi, tại sao vũ công chuyên nghiệp đóng vai trò trợ giúp thí sinh tham gia cuộc thi này phải là người ngoại quốc mà không phải là vũ công nước sở tại như phiên bản của các quốc gia khác.

Phải chăng showbiz Việt thiếu vũ công tài năng có thể đáp ứng đòi hỏi của một chương trình giải trí như "Bước nhảy hoàn vũ"? Đây dường như là một nghịch lý. Thật đáng buồn khi chương trình được tổ chức tại Việt Nam có sự tham gia của các sao Việt nổi tiếng nhưng "hồn cốt" chương trình lại do người ngoại quốc nắm giữ.

Dàn vũ công ngoại minh họa cho ca khúc "Chuyện tình Lan và Điệp" của thí sinh Yên Nhiên trong chương trình "Thần tượng Bolero" 2016.

Tương tự như vậy, sự xuất hiện của dàn vũ công ngoại trên sân khấu "Thần tượng Bolero" 2016 bị đánh giá là không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Có người còn nói rằng, những màn trình diễn của dàn vũ công ngoại đã "biến" sân khấu "Thần tượng Bolero" thành sân khấu giải trí thường thấy trên các băng đĩa hải ngoại.

Trong Liveshow 3, Chương trình "Thần tượng Bolero", thí sinh Trung Quân hát bài "Ngày đá đơm bông" và có dàn diễn viên múa minh họa trong trang phục dân tộc Thái. Phần lớn diễn viên nữ minh họa cho ca khúc này là vũ công ngoại. Sự lóng ngóng, vụng về của vũ công ngoại khi mặc váy bó, cầm nón Thái trông thật phản cảm.

Trong liveshow 7 của chương trình, phần minh họa của dàn vũ công ngoại cho phần trình diễn ca khúc "Chuyện tình Lan và Điệp" của thí sinh Yên Nhiên cũng gây nhiều tranh cãi. Phần trình diễn của Yên Nhiên bị đánh giá là không thành công do ca khúc không phải sở trường của cô và phần minh họa có lẽ là quá mới lạ so với gu thưởng thức nghệ thuật của người Việt. Do sử dụng phần lớn dàn vũ công ngoại nên không ít phần trình diễn các ca khúc mang âm hưởng dân gian trong "Thần tượng Bolero" bị đánh giá là không phù hợp, thậm chí phản cảm.

Không thể phủ nhận rằng, dàn vũ công ngoại đã thổi vào showbiz Việt một làn gió mới, tuy nhiên, không phải lúc nào đó cũng là làn gió mát lành, được đông đảo khán giả đón nhận. Điều quan trọng là phải có sự điều tiết để sự xuất hiện đó đủ tạo nên những rung cảm thẩm mỹ cho khán giả. Trong bối cảnh vũ công Việt đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để phát triển, việc ưu tiên "dùng hàng nội", tạo điều kiện cho vũ công Việt có điều kiện cống hiến và tỏa sáng có lẽ cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc.

Điều quan trọng là, vũ công Việt hoàn toàn có đủ tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và sẵn sàng để tỏa sáng trên sân khấu Việt.

Tường Phạm
.
.