Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Viết về lịch sử: Cẩn trọng không thừa

Thứ Hai, 27/08/2012, 08:00
Chúng ta đang sống trong những ngày lễ trọng đại: Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Nhân dịp này, tôi tìm đọc một số tư liệu về những ngày mùa thu lập quốc trên trang điện tử của một số báo. Có những bài viết do nhà báo ghi lại và cả những bài do nhà nghiên cứu viết, tôi thấy có nhiều chi tiết chưa được chính xác, cần trao đổi lại...

Có những sự kiện, có những nhân vật chưa được nhắc đến, nhà báo viết về họ mang tính khai phá. Nhưng sự kiện và nhân vật ấy đều thuộc về lịch sử. Vì vậy, đôi lúc người viết đừng ngần ngại kiểm tra lại các thông tin ở sách vở. Thêm một thao tác để tránh những sai sót không đáng có không bao giờ là việc thừa.

Hai bài viết "Những giây phút không thể nào quên" trên trang điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (19/8/2009) của tác giả Việt Đức và bài viết "Ký ức ngày tổng khởi nghĩa ở Thủ đô" trên trang điện tử Vnexpress (19/8/2011) của tác giả Hoàng Thùy, tuy cách nhau hai năm, đề tên hai tác giả khác nhau, song có cùng chung một nội dung hỏi chuyện ông Lê Đức Vân - thành viên của Ban liên lạc Việt Minh cứu quốc Hoàng Diệu. Nội dung bài viết cùng có đoạn: "Buổi chiều 17/8/1945, tại Nhà hát lớn, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Khi chúng mới chỉ kịp tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro".

Trong một tài liệu mang tên "Trước giờ Tổng khởi nghĩa" của Trần Quảng Vận, tức nhà báo Trần Lâm - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được in năm 1946, có đoạn viết: "Mọi người đang chăm chú nghe tuyên bố khai mạc. Ba giờ đúng" (trang 23, "Vẫn chưa hết bài diễn văn. Ba giờ hai mươi nhăm, Lâm nhìn đồng hồ bắt đầu sốt ruột" (trang 25), "Lời diễn giả báo cho chàng biết giờ khởi sự sắp đến. Chàng lùi lại, đưa mắt nhìn hai tự vệ. Nhanh như cắt hai bạn đứng thế thủ. Lâm biến vào phòng sau, rồi lại ra, cầm theo gói cờ không bọc giấy. Diễn giả vẫn chưa dứt. Lâm lại phải giấu tạm vào một góc tường, phía trong. Rồi tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Diễn giả vừa ngừng" (trang 26).

Bạn đọc có thể thấy, ngoài lời tuyên bố khai mạc, Chính phủ Trần Trọng Kim còn có một bài diễn văn dài đến nửa giờ đồng hồ, chứ không phải mới chỉ kịp tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro.

Không riêng các nhà báo trẻ, không riêng các nhân chứng cao tuổi, ngay nhà nghiên cứu có khi cũng lẫn lộn. Trên Báo điện tử Chính phủ (18/8/2010) kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám có bài viết "Chớp thời cơ, đem sức ta mà giải phóng cho ta" của nhà nghiên cứu lịch sử Trần Thái Bình có một số nhầm lẫn.

Bộ "Tổng tập hồi ký" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứa đựng những tư liệu chân xác, rất đáng để các nhà nghiên cứu và bạn viết trẻ tham khảo khi tìm hiểu về nhiều sự kiện lịch sử.

Về những ngày khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhà nghiên cứu Trần Thái Bình viết: "Đêm 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bộ Việt Minh thành lập đã hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp, với bí danh Văn, đã ký Quân lệnh số 1 gửi cho toàn quốc, rồi ngay sau đó trực tiếp chỉ huy một đơn vị giải phóng quân Nam tiến, đánh quân Nhật đang chiếm đóng Thái Nguyên, để mở đường tiến về Hà Nội".

Trong vòng nửa tháng, chỉ với 5.000 đảng viên, mà làm nên Cách mạng Tháng Tám với khí thế thần tốc, chớp thời cơ quân Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngay từ ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã được triệu tập tại Tân Trào. Ngay sau đó, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào từ ngày 14 đến 16/8/1945, nhiều đại biểu lên đến chiến khu không kịp dự đại hội đã phải về ngay địa phương để chỉ đạo khởi nghĩa. Vậy mà đêm 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bộ Việt Minh thành lập mới hạ lệnh Tổng khởi nghĩa thì thời cơ nghìn năm có một đâu còn?

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết rất rõ về sự kiện này như sau: "Ngày 11, 12, tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật. Ngày 13 tháng 8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi đã ngừng chiến đấu. 11 giờ đêm ngày 13, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội".

Về Quân lệnh số 1 gửi cho toàn quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại như sau:

"Chiều 16 tháng 8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về phía Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào để tiễn đưa bộ đội lên đường chiến đấu (…). Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chú thích cẩn thận: "Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa do anh Trần Huy Liệu khởi thảo".

Cả hai đoạn tư liệu được dẫn ở trên, tôi đều sử dụng trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai thể hiện, được in lại trong bộ "Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký" (NXB Quân đội Nhân dân, 2006)

Mai Kiều
.
.