Việt Nam ngày càng nhiều người siêu giàu, mừng hay lo?

Thứ Năm, 13/09/2018, 07:29
Hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017. Số người siêu giàu tại Việt Nam với tổng tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên tăng trưởng với tốc độ gần 13% trong giai đoạn 2012-2017, chỉ xếp sau Bangladesh và Trung Quốc.


Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng người giàu của Việt Nam tăng lên là điều đáng mừng. Điều này chứng tỏ chúng ta đang có môi trường kinh doanh thuận lợi giúp cho tăng số lượng về người giàu. Một câu hỏi đặt ra: Với số lượng triệu phú, tỷ phú ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng như hiện nay, có thể làm thước đo thành công cho sự phát triển của một quốc gia?

Liệu chúng ta đã thực sự giàu có hay chưa khi mà vẫn còn có đến 65% đang là nông dân, lao động giản đơn, lao động thủ công; năng xuất lao động của chúng ta thấp, kém Thái Lan, Malaysia 6,4 lần, Philippines là 3,6 lần và chỉ bằng 87% của Lào. Bên cạnh đó, nội lực của cả ngành công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài (doanh nghiệp FDI); sản xuất công nghiệp chủ yếu là các mặt hàng gia công, như: Nông sản, thực phẩm, may mặc, giày da, linh kiện điện tử và các mặt hàng gia công khác. Mặc dù hàng hóa của chúng ta xuất khẩu lớn nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu dịch vụ, ít giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm không cao.

Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, đang cố gắng phấn đấu tới năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam đang còn trong giai đoạn sản xuất kinh doanh, chưa chuyển qua nền kinh tế công nghệ, thương mại, dịch vụ, tài chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Khi mà tầng lớp giàu có mới ở Việt Nam không đi lên từ sản xuất, đầu tư công nghệ hay nghiên cứu khoa học thì về lâu dài sẽ có những bất ổn trong nền kinh tế quốc dân.

Làm sao để khoảng cách giầu nghèo ở Việt Nam ngày càng thu hẹp. Trong ảnh: Trẻ em ở Bản Giốc, Cao Bằng.

Wealth-X công bố số người siêu giàu tại Việt Nam, nhưng lại không công bố chi tiết về quá trình phát triển cũng như con đường làm giàu của các triệu phú, tỷ phú USD này. Đây chỉ có con số thống kê tài sản mà không biết họ giàu lên từ đâu?

Nếu những người này giàu lên bằng việc vận dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nhờ thế mà đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước và tăng trưởng kinh tế thì đó mới là điều đáng mừng. Còn nếu họ giàu lên từ trục lợi chính sách, công ty "sân sau", bất động sản, khai thác khoáng sản, mua rẻ tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp… thì điều này là đáng lo.

Bởi lẽ, thành công được tạo ra do có may mắn, được ưu ái cơ hội kinh doanh hơn là dựa vào thực lực của doanh nghiệp. Nó không giúp chúng ta giải quyết bài toán thu nhập cũng như việc làm cho người lao động mà còn khiến tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, trong khi chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người.

Nếu như một số ít người giàu lên nhanh chóng vì nhiều lý do nào đó, có khi là những lý do không chính đáng, không minh bạch thì xã hội đó phân hóa giai cấp nhiều hơn, cùng với đó là sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đây là tín hiệu xấu cho xã hội nói chung.

Đảng, Chính phủ đề ra nhiều chính sách để khuyến khích nhân dân làm giàu, nhưng không khuyến khích sự chênh lệch giàu nghèo, ngược lại mong muốn khoảng cách đó ngày càng ngắn lại, lúc đó chúng ta có càng nhiều triệu phú, tỷ phú sẽ càng tốt. Nhưng nếu có một vài chục triệu phú, tỷ phú tăng trưởng vượt bậc nắm giữ phần lớn của cải của xã hội, trong khi thu nhập bình quân chung đầu người Việt Nam còn rất thấp, sẽ tạo ra sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt, cuối cùng tạo ra sự bất công. Đối với bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, càng bất công nhiều thì càng nhiều mâu thuẫn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, mầm mống phát sinh xung đột, phản kháng.

Dù vận tốc giàu có và xuất phát điểm thế nào đi nữa thì thành quả phát triển kinh tế của một đất nước mà chỉ tập trung vào một số ít người là một bất cập. Chúng ta phải phấn đấu để thu nhập của đất nước, quốc dân tăng chừng nào cả nền kinh tế phát triển trên sự ấm no của toàn dân, sự sung túc của toàn dân mới là điều đáng mừng. Quốc tế chỉ đánh giá cao và nể phục các quốc gia mà toàn dân giàu, xã hội ổn định, phát triển bền vững. Đó mới thực sự là những đất nước hạnh phúc.

Cù Tất Dũng
.
.