Tản văn

Việc và người

Thứ Hai, 20/05/2013, 08:00

Lâu nay ở nước ta, vẫn có nhiều người mong muốn: Khi chấm giải (hoặc khi định giá), hãy nhìn vào tác phẩm (việc), không nhìn vào tác giả (người). Hay nói một cách khác: Tác phẩm là tác phẩm, tác giả là tác giả. Nhưng ở đời, đâu có dễ rạch ròi như thế. Và không phải người tham gia chấm giải (hoặc định giá) nào cũng dễ dàng thoát khỏi sự ràng buộc của những mối quan hệ lằng nhằng, chồng chéo...

Trong hồi thứ 60 “Đông Chu liệt quốc” (tiểu thuyết chương hồi cổ Trung Quốc), có đoạn: “Lúc bấy giờ, quan Trung quân Úy nước Tấn là Kỳ Hề đã trên bảy mươi tuổi nên cáo quan về dưỡng lão, Tấn Niệu Công hỏi:

- Nhà ngươi có thấy ai thay thế được chăng?

Kỳ Hề nói:

- Chức ấy không ai bằng Giải Hổ (con Giải Dương).

Tấn Niệu Công nói:

- Ta nghe Giải Hổ có thù với nhà ngươi, sao người lại tiến dẫn?

Kỳ Hề nói:

- Chúa công hỏi tôi người nào có thể dùng được, chứ chúa Chúa công có hỏi người nào là kẻ thù của tôi đâu.

Tấn Niệu Công sai người đi triệu Giải Hổ, nhưng Giải Hổ chưa kịp nhận chức thì bị bệnh chết.

Tấn Niệu Công lại hỏi Kỳ Hề:

- Giải Hổ đã chết, vậy còn ai có thể đảm đương chức ấy?

Kỳ Hề tâu:

- Thế thì không ai bằng Kỳ Ngọ.

Tấn Niệu Công nói:

- Kỳ Ngọ có phải là con của ngươi chăng?

Kỳ Hề tâu:

- Chúa công hỏi người nào dùng được, chứ có hỏi con của tôi đâu”.

Từ trích đoạn trên, có thể thấy: Vì việc nước, vì việc công, Kỳ Hề là người coi trọng việc (hoặc coi trọng “người nào dùng được”), chứ không coi trọng người ấy là kẻ thù hay người ruột thịt của mình. Ông cũng không coi trọng thân hay sơ, miễn là người ấy có tài, có thể đảm đương được trọng trách. Ông đã phân biệt rất rõ giữa “việc” và “người”.

Thử hỏi, từ cổ chí kim, từ đông sang tây…đã có mấy ai có cách hành xử khác thường và được lưu danh hậu thế dài lâu như Kỳ Hề!

Liên hệ sang chuyện văn chương.

Lâu nay ở nước ta, vẫn có nhiều người mong muốn: Khi chấm giải (hoặc khi định giá), hãy nhìn vào tác phẩm (việc), không nhìn vào tác giả (người). Hay nói một cách khác: Tác phẩm là tác phẩm, tác giả là tác giả.

Nhưng ở đời, đâu có dễ rạch ròi như thế. Và không phải người tham gia chấm giải (hoặc định giá) nào cũng dễ dàng thoát khỏi sự ràng buộc của những mối quan hệ lằng nhằng, chồng chéo. Tác phẩm của anh X. đáng được 10 điểm, tác phẩm của anh Y. đáng được 9 điểm, hai anh thuộc diện một chín một mười. Nhưng vì anh Y. là bạn tôi nên tôi chọn anh Y. Hay: Tác phẩm của chị F. đáng được 9 điểm, tác phẩm của chị Z. đáng được 8,5 điểm, hai chị thuộc diện ngang ngửa nhau. Nhưng vì chị F. có hoàn cảnh khó khăn và lại đã “có nhời” trước, nên tôi chọn chị F. Chưa kể, nếu ai đó có máu “thể tình” thì tình hình còn phức tạp hơn nhiều.

Nói vậy song trong thực tế, không phải ai cũng như vậy đâu. Nếu không tin hãy đọc lại “Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1995, do Phong Lan biên soạn). Trong cuốn sách này có “Hai câu chuyện về Chế Lan Viên” của nhà văn Nguyễn Thành Long, trong đó có đoạn: “Câu chuyện thứ hai thuộc về văn học, sự lựa chọn một trong hai tác phẩm về thơ của Thanh Thảo và Huy Cận (giải thưởng Hội Nhà văn năm 1979). Chế Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra, hôm trước đã xạc tôi một trận không đúng phép tắc lắm: Huy Cận dạy Thanh Thảo chứ Thanh Thảo dạy Huy Cận à? Vấn đề này hôm sau chuyển vào cuộc họp. Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói suốt buổi, Thanh Thảo có cơ mấtgiải thưởng. Đến phút quyết định, Chế Lan Viên cầm tập thơ Thanh Thảo (“Dấu chân qua trảng cỏ”) và đứng lên: “Hãy khoan, những câu thơ như những câu này, Huy Cận không viết được thật, anh Xuân Diệu ạ!”. Nhờ vậy, năm ấy, “Dấu chân qua trảng cỏ” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn.

Nhưng có được một nhà thơ khách quan, chỉ nhìn vào tác phẩm, không nhìn vào tác giả như Chế Lan Viên, đâu có nhiều!

Đặng Huy Giang
.
.