Việc không thể trì hoãn

Thứ Năm, 05/04/2018, 08:53
Tại họp báo thường kỳ chiều 26-3, Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng 2 nghị định liên quan đến việc sáp nhập một số cơ quan trực thuộc cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).


Theo đó, cơ cấu 17 sở hiện nay được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 7 sở được tổ chức thống nhất trên cả nước (Sở Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Thanh tra, Văn phòng UBND tỉnh hoặc Văn phòng chính quyền địa phương nếu thí điểm hợp nhất với Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội).

2 nhóm còn lại được thành lập theo hướng giao thẩm quyền cho UBND và HĐND cấp tỉnh quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất, sáp nhập.

Chủ trương hợp nhất các cơ quan có cùng chức năng để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế của Đảng ta là hướng đi đúng đắn, tích cực. Việc này đã được chứng minh khi tỉnh Quảng Ninh làm thí điểm đã đem lại những lợi ích, hiệu quả thiết thực.

Đi đầu trong việc cắt bỏ tầng nấc trung gian, Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua đề án và ban hành nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, sẽ giải thể cấp tổng cục, hạ cấp 2 bộ tư lệnh và thu gọn 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập còn khoảng 60.

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang là vấn đề nóng của quốc gia.

Một chủ trương hợp  lòng dân nên người dân đang rất phấn khởi, kỳ vọng vào những thay đổi tích cực của việc làm này và nhân dân mong chờ các cơ quan Trung ương cũng nhanh chóng trình ra phương án cắt giảm tầng nấc trung gian như Bộ Công an.

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến  băn khoăn, tại sao Chính phủ không quy định khung số lượng sở, đơn vị đầu ngành cấp tỉnh theo tiêu chí cứng để tránh sự tùy hứng của lãnh đạo địa phương? Khi mà chúng ta chưa có những giải pháp cụ thể, thuyết phục là làm thế nào để tổ chức hoạt động tốt hơn, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý nhất để mang lại kết quả lớn nhất.

Để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế thì việc xác định vị trí việc làm sẽ giúp chọn đúng người, đúng việc, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, đề án vị trí việc làm - một giải pháp được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế lại được các bộ, ngành, địa phương làm theo cách cũ, dựa trên chức năng, nhiệm vụ hiện nay, số biên chế hiện có để xác định vị trí việc làm. Chính vì thế, Đề án này đã biến thành "lá chắn" cho việc trì hoãn tinh giản hoặc biện minh cho việc không tinh giản được biên chế.

Bên cạnh đó, nền công vụ của Việt Nam dựa trên cơ sở nghề nghiệp suốt đời, nên khi được vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, cán bộ, công chức sẽ rất ung dung hưởng lương hết cả cuộc đời. Mặc dù hiện nay không ít người yếu kém về chuyên môn, không có đủ trình độ, năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không mấy người bị đuổi việc; chỉ trong trường hợp họ vi phạm pháp luật tới mức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì hình thức kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức cũng chỉ là buộc thôi việc. Việc tinh giản biên chế đang thực hiện theo kiểu chủ yếu là thụ động chờ giải quyết cho những người… "đến tuổi nghỉ hưu", còn những người không làm được việc vẫn ung dung ở trong bộ máy nhà nước.

Chúng ta rất khó thể tìm được ở cơ quan, tổ chức, địa phương những cán bộ, công chức, viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ để cắt, giảm. Chưa kể đến tâm lý nể nang, né tránh, ngại khó, sợ phiền hà vì trong số những người trong diện tinh giản biết đâu họ lại là con cháu của các lãnh đạo thì dại gì đụng vào, có khi chưa tinh giản được họ, "họ đã tinh giản mình rồi".

Thực tế trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan, đơn vị, đối với đội ngũ lãnh đạo, không ít trường hợp tâm tư bởi bỗng nhiên như bị... hạ chức. Trước hoàn cảnh ấy, người xác định không tốt sẽ làm việc cầm chừng, để không ai nói đến mình, người thì tặc lưỡi, buông xuôi...

Với một số khác thì việc bố trí, sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo là bình thường, dù đôi lúc có thoáng buồn song điều quan trọng là có tâm huyết, hết mình với công việc hay không. Ðây là một trong những lý do nhiều nơi chần chừ thực hiện chủ trương này, dù biết việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết.

Một yếu tố khác trực tiếp tác động đến tinh giản biên chế là xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Lẽ ra càng ứng dụng công nghệ thông tin thì biên chế càng phải giảm. Nhưng kỳ lạ là biên chế vẫn không giảm?

Đúng vậy, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong thực tế là việc làm rất khó. Chính vì cái khó này mà đến nay, công việc này vẫn "rối như tơ vò". Cắt nhưng phải "cắt đúng" những đối tượng vô tích sự và cơ hội. Tuyển thì phải tuyển người tài thay vì hậu duệ, quan hệ hay tiền tệ. Có làm được như vậy thì mục đích xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp mới mau chóng thành hiện thực, đáp ứng được mong mỏi của người dân và sự phát triển của đất nước.

Cù tất Dũng
.
.