Vị trí của công nhân lao động

Thứ Năm, 31/05/2018, 08:44
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động vùng đồng bằng sông Hồng để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và truyền thông điệp của Thủ tướng tới người lao động trên cả nước


Tại cuộc gặp gỡ đối thoại, đại biểu công nhân đã nêu lên nhiều ý kiến, kiến nghị trong đó tập trung vào một số vấn đề như vấn đề nhà ở, nhà trẻ, nơi học hành của con cái, giá điện, giá nước, tình trạng nhiều doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm khiến cho công nhân không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Theo con số thống kê, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút gần 3 triệu lao động. Do đa phần công nghệ thiết bị ở nước ta thuộc thế hệ cũ, người lao động phải làm việc trong môi trường ô nhiễm như nóng, bụi, thiếu không khí, tiếng ồn... vượt tiêu chuẩn quy định. Điều kiện làm việc không bảo đảm đã tác động xấu đến sức khỏe công nhân lao động, hậu quả là bệnh nghề nghiệp gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuổi nghề của người công nhân đang có khuynh hướng rút ngắn đáng kể.

Số lượng các khu công nghiệp gia tăng rất nhanh, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 2% công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được thuê nhà ở do các doanh nghiệp xây dựng. Tuyệt đại bộ phận còn lại phải tự lo thuê lấy nhà ở trong những điều kiện chật chội, thiếu thốn, không đủ tiện nghi sinh hoạt và điều kiện an sinh tối thiểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân lao động miền trung.

Cuộc sống vất vả, đồng lương ít ỏi, thanh toán lương chậm, có nơi chủ sử dụng lao động không trả lương khiến người công nhân đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh. Có những người rời quê để vào làm tại các khu công nghiệp cả chục năm, nhưng đến nay vẫn phải lo ăn từng bữa, chẳng dành dụm được gì. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân khác.

Đời sống vật chất là vậy, đời sống tinh thần còn đáng lo ngại hơn nhiều. Mức hưởng thụ văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ thông tin chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến mình.

Nguyên nhân của tình hình trên đều do công nhân không có đủ thời gian và bản thân các khu công nghiệp cũng không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng. Phải khẳng định nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, tương xứng với quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Sai lầm chính khi các tỉnh thu hút đầu tư ào ạt thiếu cam kết bắt buộc các doanh nghiệp tuyển công nhân phải lo chỗ ăn ở cho công nhân, phải có các công trình phúc lợi, khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao phục vụ người lao động đều bị thả nổi và xem ra các doanh nghiệp cũng tìm mọi cách lách và coi như không cần biết. Doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận nên họ như bỏ quên, chả cần biết người lao động ăn ra sao, ở ra sao, cứ tăng ca, cứ trả lương bèo bọt.

Bản chất giai cấp của Đảng Cộng sản vẫn chỉ có thể là bản chất giai cấp của giai cấp công nhân, nhưng nhiều công nhân chưa muốn vào đảng. Công tác phát triển đảng trong công nhân rất chậm, không có mục tiêu, kế hoạch và định hướng chiến lược cụ thể.

Ở hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đều không muốn hoặc không quan tâm đến việc xây dựng các tổ chức đảng. Những nơi có tổ chức đảng thì lúng túng trong công tác tổ chức và phương thức hoạt động; chất lượng đảng viên, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp loại hình này đa phần là yếu kém.

Nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Theo chủ trương của Đảng, đến năm 2020, nước ta mới căn bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cơ cấu nghề nghiệp của giai cấp công nhân diễn ra theo chiều hướng tăng tỉ lệ công nhân "áo trắng cổ cồn" trong các ngành dịch vụ và các ngành sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, giảm tỉ lệ "công nhân cổ xanh" ở các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống.

Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì cần phải chăm lo tốt hơn cho đời sống của công nhân. Ngoài sự quyết tâm của Chính phủ thì còn cần sự đồng hành mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Khi chất lượng sống của công nhân tốt hơn thì hiệu quả lao động sẽ cao hơn, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. Điều này có lợi cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, cũng là cách thể hiện và chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn đất nước đang tiến hành đổi mới, phát triển.

Cù Tất Dũng
.
.