Vì sao thơ Tết khó hay?

Thứ Tư, 17/02/2010, 09:15
So với những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước thì bây giờ, sân chơi dành cho thơ vào dịp tết đã được rộng hơn. Mở bất cứ một tờ báo tết nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp một, hai trang thơ.

Có những tờ báo chuyên ngành, quanh năm chẳng bao giờ đả động đến thơ như Thể thao Việt Nam, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP HCM... vậy mà khi xuân về, cũng đăng thơ. Riêng hai tờ Thể thao Việt Nam và Pháp luật Việt Nam có năm dành hẳn hai trang khổ A3 để đăng tới vài chục bài thơ.

Vậy nếu có nhà thơ nào kêu thơ không được quan tâm đúng mức là chưa chuẩn đâu.

Nhưng tại sao thơ trên các báo tết của nhiều nhà thơ (kể cả chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp) thường không hay?

Tôi đem câu hỏi này hỏi một nhà thơ chuyên nghiệp và nhận được câu trả lời với mấy lý do dưới đây:

1. Tại quan niệm của những người chọn thơ tết. Phần lớn những người chọn thơ tết đều thiên về những bài thơ nhẹ nhàng, dễ hiểu, an toàn.

2. Tại nhiều nhà thơ (nhất là những nhà thơ cao tuổi) coi việc in thơ là để trình diện đầu năm.

3. Tại nhiều nhà thơ cứ vào dịp cuối năm mới tranh thủ sản xuất thơ lấy được để đăng được nhiều báo.

4. Tại một số cán bộ hơi có tý chức sắc lại có máu yêu thơ và thường được đăng thơ thông qua quan hệ, nể nang.

Tất nhiên còn nhiều cái "tại" khác nữa mà tôi không tiện nêu tiếp.

Trong bốn lý do trên, hình như lý do thứ ba là buồn cười và kỳ cục nhất.

Tôi biết có một nhà thơ năm nào cũng in hàng chục bài thơ tết trên đủ các loại báo. Nhà thơ này viết thơ tết rất nghề, nghề đến mức được coi là thợ thơ bậc cao. Bao giờ nhà thơ này cũng có những câu thơ mở đầu kheo khéo đến mức sáo rỗng. Ví dụ 1: "Mùa xuân đến tự khi nào em nhỉ/ Mà lòng anh rạo rực khác thường/ Anh đã yêu em khi bông hoa vừa nở/ Một chấm hồng vừa được điểm sương". Ví dụ 2: "Mùa xuân đến gió cũng sinh tâm trạng/ Cũng phân vân trước buổi giao mùa/ Anh như gió vào ra quanh quẩn/ Có thể nói lời yêu em rồi cũng có thể chưa". Ví dụ 3: "Mùa xuân đến vòm trời thêm cao rộng/ Cánh én chao giăng mắc những hẹn hò/ Em đừng trách nếu anh đến muộn/ Con đường nào không có ngã ba". Ví dụ 4: "Mùa xuân đến như không hề báo trước?/ Mà lòng anh đón đợi tự bao giờ/ Em đừng sợ những gì mùa đông lấy mất/ Mùa xuân về sẽ trả lại cho ta"... 

Lại có nhà thơ có máu thuổng thơ (dưới đây gọi là "nhà thơ thuổng"). Thấy Êlua (nhà thơ Pháp) viết: "Anh sẽ viết tên em vào nền trời/ Bằng cây bút và màu mực của mồ hôi và máu" hoặc "Em bỏ đi rồi, trời xanh bỏ tôi"... thì "nhà thơ thuổng" lại viết: "Anh sẽ viết tên em vào tờ giấy trắng/ Bằng cây bút và màu mực bút bi" hoặc "Em bỏ đi rồi, mái tóc bỏ tôi"...

Đặng Huy Giang - VNCA Xuân 2010
.
.